LỄ TIỆC LY (RỬA CHÂN) (Ga 13, 1- 15)
CHÚA GIÊSU RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ CỦA NGƯỜI
Thưa quý vị, thưa các bạn, Thứ Năm Tuần Thánh là ngày kỷ niệm một biến cố, vâng, hay nói đúng hơn là nhiều biến cố, trong đó việc “Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ” là biến cố nổi bật nhất Chúa. Vâng, đây là bữa tiệc cuối cùng, gọi là Tiệc Ly.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã để lại những giáo huấn gì?! Thưa chỉ một giáo huấn duy nhất, đó là: “YÊU THƯƠNG“. Yêu thương là chủ đề nơi Thiên Chúa, yêu thương là mục đích cứu độ, yêu thương là dấu chỉ khổ nạn và phục sinh. Vâng, yêu thương xuất phát từ Thiên Chúa qua Đấng Cứu Chuộc làm Người Giêsu. Điều ấy quá rõ rồi.
Nhưng, đặc biệt ngày mà “Thầy và trò ly biệt”, có thể nói, ngày “buồn bã” nhất, Tiệc thì phải vui mừng, nhưng tiệc chia tay, là TIỆC LY, thì khỏi phải nói cái “buồn“ của nó.
Vâng, thưa quý vị, trong bữa Tiệc Ly ấy, Chúa Giêsu làm gì?! Thưa, Tin Mừng thuật lại: “Người rời bàn ăn, cởi lấy áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, tay bưng chậu nước đến từng người môn đệ mà rửa chân cho họ rồi lấy khăn mà lau” (Ga 13, 4 -5).
Vâng, hai câu 4- 5, thánh Gioan ghi lại thật tỉ mỷ việc (hành động) Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Tại sao vậy? ! Thưa quý vị, Thưa , vì : “Người yêu thương họ đến cùng”.
Vâng, một cử chỉ “yêu thương” mà suốt hơn hai ngàn năm qua, chấn động cả đất trời, cho dù thế giới tối tăm có tìm cách che lấp cũng không thể che lấp nỗi. Bởi vì, nghĩa cử yêu thương ấy của một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người chứ không phải là của một nhân vật nào khác. Nhân vật Giêsu đã làm một nghĩa cử đầu tiên và duy nhất. Bởi vì, việc “rửa chân “ là việc của đầy tớ, việc của nô lệ, ngày nay, người ta gọi là ô-sin.
Vâng, như vậy, Chúa Giêsu “đã trở nên” đầy tớ chứ không phải ông Chủ qua nghĩa cử rửa chân. Vâng, ngay cả thời bấy giờ và suốt hơn hai ngàn năm nay. Việc rửa chân cho người khác, hơn nữa người bề dưới của mình, vẫn bị cho là việc “hèn kém“. Nhưng, chính Chúa Giêsu đã làm cho môn đệ của Người.
Vâng, qua đoạn Lời Chúa hôm nay (Ga 13, 1-15), cuộc đối đáp giữa Chúa Giêsu với thánh Phero, và sự giải thích việc làm của Người (từ c 6 – c 15). Chúng ta thấy, hết sức rõ ràng, cuối cùng Người đưa ra “kết luận“: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em“ (c 15). Vâng, chính Chúa đã thực hiện điều Người day, đến đây chúng ta nhớ lại câu: “Chứng nhân thì cần hơn thầy dạy”, vì dạy điều mà minh không bao giờ thực thi chắc chắn không có hiệu quả.
Như vậy,Thánh Lễ Tiệc Ly chính là thời gian và địa điểm xuất phát Bí Tích Thánh Thể và Thánh Chức Linh Mục. Nhưng, Việc “Rửa Chân” cho các mộn đệ của Chúa Giêsu kiện toàn nên hai “Bí Tích “ấy. Như vậy, việc “Rửa chân” chính là ”Bí Tích Tình Yêu”.
Bí Tích Thánh Thể và Thánh Chức Linh Mục là hai trong một, nhưng, nếu không để thi hành vì “yêu thương”, thì cọi như “phản tác dụng”. Biết được điều ấy, Chúa Giêsu đã “ minh chứng” một nghĩa cử yêu thương.
Việc “Rửa Chân” cho các môn đệ không được nhìn nhận như một Bí Tích, bởi vì việc làm nầy không thể giới hạn, ai cũng làm được, nhứng, ý nghĩa thần học nơi việc làm của Chúa Gie6su, vì chính Người thực hiện, thì dấu chỉ ấy nằm nơi “ Bí Tích yêu thương“. Chúng ta đọc và suy niệm kỹ Đoạn Tin Mừng (Ga 13, 1- 15) hôm nay, chúng ta sẽ chiêm niệm được một “ Bí Tích “, bởi vì, chính Chúa Giêsu đã “làm và nói” một hành động mà thế nhân cho là “hèn kém“. Chắc chắn từ câu 6 đến câu 15 là Đoan tin Mừng “đóng khung” để suy gẫm.
Như vậy, Đoạn Gioan 13, là một Đoạn Tin Mừng thánh Gioan chỉ ghi hai điều chính, một là : ”Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ “. Hai là : “ Chúa Giêsu loan báo Giu-đa sẽ phản bội”.
Như vậy, suy niệm Tin Mừng theo thánh Gioan ( Ga 13, 1- 15) trong ngày Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh, rõ ràng không có chi tiết Chúa Giêsu “ lập Phép Thánh Thể và chức linh mục ”. Điều đó cho thấy , thánh Gioan chú trọng đến “ Lời truyền yêu thương “ qua nghĩa cử “Rửa Chân “ cho các môn đệ của Người. Cụ thể , nếu ngày nay, ai được một vị giám mục, hay giáo hoàng rửa chân cho, thì người ấy cảm thấy hạnh phúc như thế nào ? Thực thi cách tích cực như Thầy Chí Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã thực hiện việc rửa chân nầy cho các tù nhân và Thứ Năm tuần Thánh năm nay, ngài vẫn giữ tiền lệ ấy.
Vâng, vì “ Chúa Giêsu đã yêu thương họ đến cùng”, nên làm môn đệ Chúa, chúng ta không thể đi ngược lại. Thứ Năm Tuần Thánh không phải là dịp diễn lại cho vui,mà là dịp để suy niệm, để sống “ mầu nhiệm yêu thương”. Chúng ta không phải sống để yêu thương cụ thể một cá nhân nào đó, mà là vì “ Ai “ mà chúng ta yêu thương họ, như Người đã yêu thương chúng ta đến cùng.
Chúng ta không có dịp áp dụng nghĩa cử “rửa chân “ theo nghĩa đen, nhưng, chúng ta luôn áp dụng theo nghĩa bóng đối với tất cả những người chúng ta gặp, từ trong gia đình ra đến xã hội. Vì, nghĩa cử Chúa dạy áp dụng theo tình thần thì hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta chỉ “ rửa chân “ cho nhau theo nghĩa đen , có nghĩa là theo hình thức, thì điều ấy chỉ có tác dụng nhất thời, nhưng, nếu chúng ta thực thi theo ý nghĩa tình thần thì tuyệt vời !
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con bài học yêu thương muôn thuở, xin cho chúng con biết thực thi Lời Chúa như Chúa đã làm, hầu xứng đáng là môn đệ của Chúa, để thế gian nhận biết mà tôn vinh Cha trên Trời, và để “ người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau “ ./. Amen
P. Trần Đình Phan Tiến