Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Thứ Năm Tuần Thánh, của Lm Giuse Nguyễn văn Nam

Suy niệm Tin mừng Thứ Năm Tuần Thánh, của Lm Giuse Nguyễn văn Nam

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Thánh lễ Tiệc Ly: Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể

(Xh 12, 1-8. 11-14; 1Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15)

“Anh em hãy rửa chân cho nhau”

Tin mừng Gioan 13, 1-15

Ga13_1-15Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?. Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.

Suy niệm:

Phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ là chủ đề của bài Tin mừng về bưa tiệc ly đã được thánh Gioan ghi lại rất chi tiết và sống động. Chỉ một mình thánh Gioan ghi lại biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ. Chúa Giêsu làm một việc của người nô lệ. Thời đó bổn phận của người nô lệ trong nhà là rửa chân cho khách khi đến nhà ông chủ ((1Sm 25, 41).

Đức Giêsu tự nguyện làm công việc của người tôi tớ. Điều này làm cho các tông đồ ngạc nhiên và không chấp nhận, nhất là ông Phêrô: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”.

Đức Giêsu đã phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ để trở nên tôi tớ mọi người, trở nên mọi sự cho mọi người, phục vụ mọi người: “Thầy đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20, 28).

“Người đã tự hạ và vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2, 6).

Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Thầy và là người tôi tớ, Ngài muốn nêu gương cho chúng ta và muốn chúng ta phục vụ nhau trong yêu thương và khiêm hạ: “Thầy đã rửa chân cho anh em. Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Ngài đã đưa ra một lệnh truyền cho mọi người Kitô hữu: “Phải rửa chân cho nhau”, có nghĩa là trở nên tôi tớ của mọi người, phục vụ anh em, giúp đỡ anh em, yêu thương anh em mình.

Câu nói chủ chốt trong bài Tin mừng: “Người đã yêu thương họ đến cùng” được biểu lộ qua việc Chúa Giêsu đã làm:

– Chúa Giêsu tự hiến làm của lễ hy sinh trên thập giá.

– Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác.

– Chúa Giêsu mong muốn cho các tông đò được hạnh phúc với Chúa Cha:

“Tất cả những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đó với Con” (Ga 17, 21).

– Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ: Người trở thành đầy tớ phục vụ mỗi người. Điều này biểu lộ tình yêu tận hiến, vô vị lợi, phục vụ và tình yêu cứu độ.

Thi hành mệnh lệnh của Chúa ”Hãy rửa chân cho nhau” là chúng ta phục vụ anh em nhất là những người nghèo khổ, đau yếu, bệnh tật… trong tình yêu và khiêm hạ. Cụ thể trong gia đình mọi người phải biết rửa chân cho nhau. Cha mẹ rửa chân cho con cái, con cái rửa chân cho cha mẹ. Nghĩa là cha mẹ phục vụ con cái, con cái phục vụ cha mẹ trong tình con thảo. Trong xã hội, chúng ta yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những anh em đang gặp khó khăn, cần đến sự tiếp giúp của chúng ta. Thông điệp của Đức Giêsu trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh “Hãy rửa chân cho nhau”.

Phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ là dấu chỉ chúng ta thuộc về Đức Kitô “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con mến thương nhau”.

“Hạnh phúc là phục vụ”. Chỉ có phục vụ trong yêu thương mới đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người trong gia đình, trong xã hội, trong giáo xứ.

Tâm tình chúng ta phải có là cảm tạ hồng ânh Thiên Chúa, đã lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục vì yêu thương chúng ta, để phục vụ mọi người và để ở lại với chúng ta cho tới ngày tận thế. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của tình thương: Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh nuôi sống nhân loại: “Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời”. Người Kitô hữu cũng phải trở nên tấm bánh cho mọi người như Đức Giêsu.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …