Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

 

VÔ SINH

FIG TREE“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”.

“Đức tin đích thực mở lòng với người khác, tha thứ cho người khác tạo nên phép lạ. Cây vả tượng trưng cho sự vô sinh, một cuộc sống cằn cỗi, không có khả năng cho đi bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu nguyền rủa nó vì nó không nỗ lực để sinh trái!” – Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả cằn cỗi để ‘nói về’ và ‘nói với’ người đương thời của Ngài; đặc biệt, các nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình. Đối với Ngài, cuộc sống của họ ‘vô sinh’ khác nào một cây vả không nỗ lực để sinh trái.

Lời Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về những bất tiện của sự giả hình, “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Kẻ giả hình vờ vịt tin rằng, mình là một ai đó không phải là mình. Dối trá này lên đến đỉnh điểm khi một người giả vờ nhân đức – khía cạnh luân lý – nhưng lại sống trác táng, phóng đãng; hoặc giả vờ đạo đức – khía cạnh tôn giáo – nhưng chỉ quan tâm đến tư lợi mà không màng đến Thiên Chúa. Giả hình về mặt nhân đức gây bao đổ vỡ, giả hình về mặt đạo đức gây bao thương tích!

Một số chính trị gia tuyên bố sẽ phục vụ đất nước trong khi họ chỉ đơn giản là ‘sử dụng’ nó; lực lượng an ninh nhân danh trật tự lại bảo vệ các băng nhóm phi pháp; bác sĩ nhân danh y học lại huỷ hoại một mạng sống đang chớm nở hoặc thúc đẩy cái chết êm dịu của một bệnh nhân hấp hối; truyền thông thay tin hoặc giả vờ làm mọi người thích thú bằng cách làm hư hỏng họ; những người quản lý công quỹ chuyển một phần tiền vào túi riêng của đảng hoặc cá nhân mình; giáo dân cản trở chiều kích công khai của Hội Thánh khi nhân danh tự do lương tâm; các tu sĩ không trung thành với luật dòng; và các Linh mục không phục vụ giáo dân với tinh thần truyền giáo và từ bỏ…

Bạn và tôi đều đã trải nghiệm khoảng cách giữa những gì ‘chúng ta giả vờ là’ và những gì ‘chúng ta thực sự là’. Rõ ràng, những gì ‘chúng ta giả vờ là’ hẳn đã làm cho cuộc sống chúng ta trở nên ‘vô sinh’; và vì thế, đáng bị loại để khỏi chật đất. Tạ ơn Thiên Chúa! Chúng ta có người làm vườn nhân ái Giêsu, “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái!”.

Anh Chị em,

“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Phản ứng của chủ vườn khá hợp lý; chặt nó đi vì chỉ choán chỗ. Tuy nhiên, người làm vườn lại có quan điểm khác. Anh nhìn cây vả dường như ‘vô sinh’ này vẫn có khả năng sinh trái. Anh có tầm nhìn rộng lượng hơn về nó, một tầm nhìn đầy hy vọng. Anh cảm thấy mọi thứ vẫn chưa mất hết; vẫn còn thời gian để nó trở nên tốt đẹp. Đây là cách Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Khi nhìn chúng ta, Ngài không chỉ nhìn thấy những gì chúng ta ‘đã không làm được’ trong quá khứ mà còn nhìn thấy những gì chúng ta ‘có khả năng làm được’ trong tương lai. Đó cũng phải là cách chúng ta nhìn nhau, có khả năng nhìn thấy những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng nhẫn nại với con! Cho con nhận ra những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn nơi anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)   

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …