Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên, năm chẳn, của Lm Minh Anh

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên, năm chẳn, của Lm Minh Anh

 

HỒN NHIÊN

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”.

INNOCENT“Hầu hết những gì thực sự cần biết về cách sống, tôi đã học được ở nhà trẻ. Trí tuệ không nằm trên đỉnh núi của các trường cao học, mà ở trong mấy hộp cát của trường mẫu giáo. Hồn nhiên và lành mạnh biết bao!” – Robert Fulghum.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Fulghum được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Thật thú vị, Chúa Giêsu lấy trẻ em để lưu ý người lớn! Ngài chỉ ra cách thức đón nhận Nước Thiên Chúa như tính cách của trẻ em: không dè giữ, ngờ vực nhưng cởi mở, vui tươi và ‘hồn nhiên’.

Thế giới ngày càng ‘vong bản’ vì những ham muốn sai lầm của con người. Thèm muốn nhục dục có xu hướng chiếm hữu và thống trị nền văn hoá của chúng ta theo cách gần như bình thường, khi con người coi người khác là đối tượng của ham muốn. Tội lỗi do dục vọng tràn lan, ảnh hưởng đến con người tới mức ràng buộc, đến nỗi nạn nhân không thể thoát ra. Kết quả đáng buồn là con người như đã mất đi những tình cảm trong sáng đối với tha nhân. Trong một nền văn hoá ‘vẩn đục’ như thế, bạn và tôi có thể dễ dàng nhìn thấy mọi thứ qua lăng kính vọng tưởng và vọng động.

Với Chúa Giêsu thì không! Ngài hồn nhiên với mọi người. “Cứ để trẻ em đến với Thầy”; “Rồi Ngài ôm lấy các trẻ, đặt tay chúc lành cho chúng”. Không chỉ các trẻ, một phụ nữ ngoại tình đã ‘bám lấy’ chân Ngài; một phụ nữ tiếng tăm khác “lấy nước mắt tưới ướt chân, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm đổ lên”; và Gioan tông đồ, người đã “tựa đầu vào lòng” Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Dẫu thế, tất cả vẫn lành mạnh và ‘hồn nhiên’. Bằng cách ấy, Tin Mừng tiết lộ sự thánh thiện của Chúa Giêsu vốn không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho tất cả mọi hạng người.  

Với Ngài, tình cảm phải được ‘thanh tẩy và cứu chuộc’ theo cách nó hiến dâng mà không một động cơ ích kỷ nào có thể len vào; và dĩ nhiên, không có những ham muốn rối loạn! Một khi điều này được thực hiện, thì cái ôm của cha mẹ, của một người bạn với một người bạn, của vợ hoặc chồng với người phối ngẫu… là một biểu hiện thánh thiện của một tình yêu trong sáng. Để có sự thánh thiện này, Giacôbê nhắc nhở chúng ta phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cho mình và cho người khác – bài đọc một. Chỉ trong cầu nguyện, bạn mới có thể ‘hồn nhiên’. “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay toả trước thánh nhan!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”. Đức Phanxicô nói, “Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phục vụ những kẻ bé mọn mà còn phải nhìn nhận mình là kẻ bé mọn. Đó là bước đầu tiên để chúng ta mở lòng với Chúa. Trong thịnh vượng, sung túc, chúng ta ảo tưởng rằng, mình tự cung tự cấp, rằng chúng ta không cần đến Chúa. Đây là sự lừa dối, bởi vì mỗi chúng ta là một kẻ bé mọn đang cần giúp đỡ. Phải ‘hồn nhiên’ tìm kiếm sự nhỏ bé của chính mình và nhận ra nó; ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lây nhiễm văn hoá thế tục; thay vào đó, cho con thể hiện một tình yêu thánh khiết với bất cứ ai, nó sẽ vị tha và ‘hồn nhiên’ như Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …