(Ds 6,22-27 ; 1 Tx 5.16-26.28 ; Mt 5,1-10)
Giây phút giao thừa sắp đến, năm cũ năm con Rồng nhường chỗ cho năm mới, năm con Rắn. Mỗi người chúng ta đều mang trong những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.
Điều đầu tiên trong năm mới mà chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.
Trước thềm năm mới, phụng vụ Lời Chúa vang lên lời chúc lành tư tế cổ xưa mà chúng ta nghe trong Bài Đọc I :“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ các con! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến các con, và dủ lòng thương các con! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho các con!” (6, 22- 27). “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh… ” (1 Tx 5, 16-26). Như thế, điều mà tất cả chúng ta mong ước là “được Thiên Chúa chúc phúc”. Chúng ta cần phúc lành của Chúa ngay từ những giây phút đầu tiên của năm mới. Chúng ta ước mong được một năm mới bình an, thịnh vượng, tai qua nạn khỏi.
Đêm Giao Thừa, chúng ta xin Thiên Chúa mỉm cười với chúng ta. Vì yêu thương, Chúa tươi nét mặt, Chúa vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh, huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư vô vĩnh viễn, mà làm cho chúng ta có mặt ở đời. Ngài còn là Đấng Cứu độ, giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời.
Chính trong niềm vui của Tình Yêu Thiên Chúa, mà chúng ta hết sức vui mừng, hạnh phúc những ngày đầu xuân. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy vui mừng luôn mãi, đừng để cho niềm vui chấm dứt! Phaolô muốn cho chúng ta hạnh phúc đích thực, vì được trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Và để được như vậy, thì phải không ngừng gặp gỡ Chúa, tiếp xúc với Chúa trong đức tin, phải cầu nguyện không ngừng (x. 1 Tx 5,16-18)!
Hãy để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn chúng ta, đừng dập tắt ngọn lửa yêu thương của Ngài. Có Chúa Thánh Thần trong lòng, chúng ta sẽ vui mừng luôn mãi, vì Chúa Thánh Thần là “Niềm vui của Thiên Chúa”, Tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong lòng chúng ta. Để có Chúa Thánh Thần, ở lại trong Ơn Thánh, thì rất đơn giản: làm những điều lành, điều gì xấu dưới bất cứ hình thức nào thì tránh cho xa (x.1 Tx 5,19-22).
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu vạch ra “con đường hạnh phúc” cho chúng ta, đó là con đường của “Tám Mối Phúc Thật”, con đường Chúa đã đi, mà những nét cơ bản là thanh thoát với tiền bạc của cải, có lòng nhân ái, có tâm hồn trong sạch, và là con người của hoà bình (x. Mt 5,3-12).
Cho dù của cải trần gian, trong thực tế rất cần và rất hấp dẫn. Cho dù mỗi người đều có phận vụ phải góp phần, cách này hay cách khác làm cho nền kinh tế của Đất Nước mỗi ngày một đi lên, người nào mà không thanh thoát với của cải, thì khó có thể hạnh phúc đích thực, vì chưa phải là con người tự do, mà vẫn là nô lệ đồng tiền. Những con người ham mê tiền bạc quá mức thì có hại cho xã hội hơn là có lợi .
Muốn xứng đáng là con người và là người con của Thiên Chúa phải có lòng nhân ái (x. Mt 5,7). Vì nếu không có lòng nhân ái, không biết thương xót người giống như Thiên Chúa, thì không thể hạnh phúc. Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là “Tình Thương”, nên bản chất con người cũng là yêu thương. Ai yêu thương thì ở trong Thiên Chúa, được sinh ra bởi Thiên chúa và biết Thiên Chúa.
Muốn hạnh phúc phải có “cái tâm sạch” (x. Mt 5,8), không ô uế hay bị tội ác đè nặng, không bị bóng tối sự dữ che lấp ánh sáng sự thiện và làm cho trở nên mù lòa. Những ai mù quáng vì đam mê tội lỗi, vì những tham vọng trần gian, hay bất cứ những gì làm vẫn đục lương tâm, khó mà có hạnh phúc. Còn lương tâm trong sạch thì còn thấy ánh sáng của Chúa, và còn nhận ra sự thật, nhận ra sự hiện hiện diện của Chúa.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ