CON THIÊN CHÚA HÒA MÌNH VÀO LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Suy Niệm Lễ Vọng Giáng Sinh
(Mt 1, 1-25)
Phụng vụ Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh dìu chúng ta về với gia phả nhân loại, có Con Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô sinh ra trong gia phả ấy.
Gia phả của Đức Giêsu Kitô
Người ta có cố có ông, có cha có mẹ có ông có bà, tức là có một gia phả. Đức Giêsu dù là Thiên Chúa, nhưng làm người, nên cũng không nằm ngoài qui luật tự nhiên ấy. Gia phả của Đức Giêsu Kitô được Thánh sử Matthêu viết thật là dài cả thảy 42 đời, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Gia phả này nhắc nhớ chúng ta rằng, “Sau sự sa ngã phạm tội của Ađam và Evà, Thiên Chúa đã không muốn bỏ rơi nhân loại một mình, cũng như đã không muốn phó mặc nhân loại cho sự ác. Ngài đã đáp trả lại sự nặng nề của tội lỗi bằng sự phong phú tràn trề của ơn tha thứ. Lòng Thương Xót luôn luôn vượt lên trên mọi mức độ của tội lỗi, và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa” (x. Misericodiae Vultus số 3). Thiên Chúa đã đi tìm Ađam và Evà và đồng hành với con người. Thiên Chúa đã gọi Abraham người đầu tiên trong gia phả, thứ đến là các tổ phụ khác. Thiên Chúa đã hòa mình vào lịch sử với chúng ta, một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, có những thánh nhân vĩ đại nhưng cũng có những tội nhân thấp hèn. Đó là Tình Yêu an ủi của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban tặng niềm hy vọng cho chúng ta.
Theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Abraham, và cuộc đời Người gắn kết với dân tộc Israen, một dân được tuyển chọn trong tình thương. Đức Giêsu cũng là Con của vua Đavít, nên Người có cơ sở để là Đấng Kitô như lời hứa.
Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong một gia đình, sống trong xã hội, nên Ngài chịu chi phối bởi xã hội trong dòng lịch sử một dân tộc với tất cả những thăng trầm và biến động của nó. Là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (x. Mt 1,16-17). Tất cả lịch sử của dân tộc Israen cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành toàn.
Như chúng ta đã nói ở trên, Con Thiên Chúa hòa mình vào một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, một gia phả khác thường đối với Do thái giáo. Bởi lẽ, trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ, đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria ra, còn bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại. Tama và Rakháp gốc Canaan, Rút gốc Môáp, vợ Urigia người Híttít. Mỗi bà lại có hoàn cảnh khác thường không ai giống ai. Tama giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giuđa, hầu sinh con cho nhà chồng (St 38). Rakháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2). Bétsabê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (x. 2Sm 11-12). Rút đã lấy ông Bôát là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (x. R 1-4). Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này, nên cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại nếu tính theo gia phả, dẫn đến cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường.
Sự giáng sinh của Con Một Chúa
Thiên Chúa muốn cứu độ con người bằng cách sai Con Một Chúa xuống thế gian, nhập thể làm người. Cách làm người của Con Thiên Chúa vừa bình thường lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Người được sinh ra bởi một người nữ (x. Gl 4, 4). Khác thường vì Người không được sinh ra bởi người nam (cha ruột), nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18. 20). Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Có thể nói, Đức Giêsu có dược “nhập khẩu” vào dòng dõi vua Đavít hay không đều tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Nên Thánh Mátthêu đã làm nổi bật dung mạo vị cha nuôi của Chúa Giêsu, vừa nhấn mạnh rằng, nhờ qua thánh nhân, Con Trẻ được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “Con của Vua Ðavid ”. Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít với một gia phả. Có một gia đình cần thiết để sống và lớn lên.
Trong giờ vọng lễ Mừng Chúa giáng sinh đêm nay, chúng ta hướng nhìn về Thánh Giuse, vị hôn phu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, cha nuôi Đức Giêsu, mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19). Vai trò của Thánh Giuse với nhân đức trổi vượt không thể nào bị rút gọn về khía cạnh luật pháp mà thôi. Ngài được Thiên Chúa tín nhiệm trao ban quyền làm “Người gìn giữ Ðấng cứu thế”, trong gia đoạn đầu của công trình cứu chuộc, khi hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, thật xứng hợp biết bao hướng về ngài, cầu xin ngài trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Ðức Tin cao cả này.
Noi gương Ngài, chúng ta mở rộng lòng mình ra, chuẩn bị nội tâm để đón nhận và gìn giữ Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta. Uớc chi Chúa có thể gặp thấy trong chúng ta lòng quảng đại sẵn sàng đón Chúa đến, như đã xảy ra như vậy tại Bêlem trong Ðêm Cực Thánh Chúa sinh ra đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
ĐÊM CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Suy Niệm Đêm Giáng Sinh
(Lc 2, 1-14)
Đêm nay là đêm vui nhất trong Giáo Hội Công giáo chúng ta, cũng là đêm linh thiêng nhất, vì đêm nay Giáo hội loan báo tin vui cho toàn thể nhân loại, cho mọi người và từng người: “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (đáp ca).
Nghe lại những lời trên của Thiên Thần báo cho các mục đồng tuy xa xưa những vẫn luôn mới mẻ trong đêm nay, làm chúng ta sống lại bầu khí linh thiêng của Ðêm Thánh, Ðêm mà cách đây 2015 năm tại Bêlem, Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã thân hành xuống thế, giáng sinh làm người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, và cư ngụ giữa chúng ta. Đây là cuộc hòa mình của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại.
“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Đây là lời loan báo vang vọng trong đêm đen cho những ai đang tỉnh thức, như các mục đồng tại Bêlem; Lời ấy vang lên cho những ai đã sống theo đòi hỏi của Mùa Vọng và một khi đã tỉnh thức trong đợi chờ, sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp của niềm vui, được hát lên trong Thánh lễ đêm nay.
Khi nghe những lời trên Giáo hội hết sức vui mừng, niềm hy vọng dâng trào và đức tin được củng cố. Noel là lễ Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, gần gũi với con người, đã từ bỏ tất cả vì chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Lòng Thương Xót nhập thể , khiến cho con mắt của chúng ta trông thấy mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa” ( Huấn đức thứ Tư ngày 09/12/2015). Con Trẻ nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật. Thiên Chúa không hiện hữu đơn độc, nhưng là một cộng đoàn Ba Ngôi, với tình yêu hỗ tương trong sự cho đi và nhận lại. Ngài là Cha, Con và Thánh Thần. Lòng Thương Xót ấy không chỉ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng còn hiến mạng vì chúng ta, mà không đòi hỏi một đặc quyền nào hết. Nếu như thánh Iréné khi suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Con đã viết: “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa”. Thì chúng ta cũng có thể nói rằng: “Lòng Thương Xót đã nhâp thể làm người để con người trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót ấy”.
Ngày 08/12 vừa qua Giáo hội đã khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong mỗi ngày của Năm Thánh, Giáo hội không ngừng lặp lại như thể nhắc nhở con cái mình: “Hãy thương xót như Chúa Cha” (Khẩu hiệu Năm Thánh Lòng Thường Xót). Chúa Cha đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao tặng Người Con Một, Người Con ấy là Ân Sủng của Thiên Chúa, là Lòng Thương Xót đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người (x. Tt 2, 11 ), là Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta. Cuộc giáng sinh diệu kỳ của Con Một Chúa đã đánh dấu bước điểm khởi đầu mới của lịch sử. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, “Lòng Thương Xót nhập thể vì chúng ta và sống giữa chúng ta”. Lòng Thương Xót ấy vượt qua thời gian, vì trong mỗi phút giây sống, tất cả các lễ đều là lễ Giáng sinh! Ngoài những khuôn mặt của thế giới này, Người còn ở lại với chúng ta. Và bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày có sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Và nếu xưa kia tại Bêlem, các thiên thần ca hát, hôm nay đây chúng ta vẫn cùng với các Thiên Thần và Tổng Lãnh Thiên Thần hát ca mỗi lần dẫn vào mầu nhiệm Thánh Thể : “Thánh! Thánh! Thánh! Chúa Thiên Chúa các đạo binh !”
Trong đêm cực thánh này, Chúa Kitô đã từ trời cao sinh xuống giữa chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ “bởi vì Ngài sẽ cứu dân ngài khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21). Không phải trong một lâu đài mà Ðấng cứu chuộc sinh ra, nhưng trong một chuồng loài vật; và sống giữa chúng ta. Người sinh xuống trần gian, từ cung lòng của một Người Nữ được chúc phúc hơn mọi nguời nữ; Người là Con Ðấng Tối Cao, thể hiện dung mạo của Đấng giầu lòng thương xót (x.Misericordiae Vultus). Sự giáng sinh của Người đã làm cho chúng ta được ơn cứu rỗi.
“Việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương Xót này vẫn luôn là điều có giá trị. Mầu nhiệm này chính là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an” (Misericordiae Vultus số 2). Quả thật, khi chiêm ngắm liên lỉ dung mạo của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá được rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một lòng thương xót không bao giờ vơi cạn, lòng thương xót đó chấp nhận bước vào cuộc đời này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong Đêm Giang Sinh dù không có một mái nhà, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản bội, khổ đau vì bị con cái hắt hủi thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con chiêm ngắm Chúa, xin hãy làm cho chúng con trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa, lòng thương xót đã thôi thúc Chúa cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa, để sinh ra sống giữa con nguời và chịu chết vì chúng con.
Trong giai đoạn đầu của Năm Thánh chúng con vừa bước vào, xin Chúa hãy đổ vào chúng con Thánh Thần của Chúa, ngõ hầu ân sủng của Mầu Nhiệm Nhập Thể khơi dậy nơi mỗi tín hữu tích cực dấn thân sống quảng đại hơn, phù hợp với sự sống mới do bí tích Rửa Tội trao ban.
Xin hãy làm cho ánh sáng của đêm hôm nay, sáng hơn ban ngày, chiếu sáng trên tương lai và hướng dẫn những bước tiến của nhân loại trên con đường Hòa Bình.
Lạy Chúa, Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Hoàng tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc, đã giáng sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo hội bước đi trong Năm Thánh! Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
LÒNG THƯƠNG XÓT NHẬP THỂ
Suy Niệm Lễ Ban Ngày
(Ga 1, 1-18)
“Lòng Thương Xót nhập thể”. Câu chủ đề trên lên cho chúng ta những câu hỏi: Con người là gì? Tại sao Thiên Chúa làm người? Tại sao Thiên Chúa làm điều đó?
Con người là gì?
Có ý kiến cho rằng: Con người là con vật thượng đẳng đã đạt tới chặng cuối cùng trong quá trình tiến hóa ( Đác- Uyn). Ý kiến khác: Con người là cây sậy biết suy tư. Trước sự bao la của vụ trụ, sức mạnh của thiên nhiên, thân phận con người chỉ như một cây sậy, nhưng là một cây sậy có lý trí. Thiên nhiên có thể đè bẹp con người, nhưng không biết mình thắng, ngược lại con người bị thiên nhiên quật ngã, nhưng con người ý thức được mình thua. Những ý kiến đó không nói lên đầy đủ về phẩm giá và định mệnh con người theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa (x. St 1, 26).
Vì không biết đầy đủ về giá trị con người nên nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá của mình, xúc phạm đến phẩm giá người khác một cách bất công và tàn bạo, quyền con người bị tước đoạt, kể cả quyền sống, người nô lệ trở thành con vật trong tay chủ nhân ông. Ngày nay chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhưng cảnh người bóc lột người vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua. Mãi đến năm 1948, Liên Hiệp Quốc mới công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó nói : “Mọi người sinh ra đều bình đẳng có quyền bất khả xâm phạm: như quyền sống, quyền cư trú, quyền làm việc, quyền đi lại, quyền tự do tôn giáo…” Tuyên ngôn thì như thế, nhưng trong thực tế thì nhân phẩm và nhân quyền luôn bị chà đạp ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức.
Con người cần được Chúa xót thương và giải cứu
Để cứu con người ra khỏi tình trạng đó, Thiên Chúa đã thân hành xuống thế làm người nơi Đức Giêsu mà hôm nay cả thế giới kỷ niệm ngày sinh nhật của Người. Trẻ Giêsu nằm trong máng cỏ chưa biết đi biết nói, nhưng đã cho loài người một bài học nhân sinh quan đầy đủ và sâu sắc nhất đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa, kế hoạch mà tội lỗi con người đã làm sai lệch đi.
Noel, Thiên Chúa làm người, đã đảm nhận lấy nơi mình thân phận con người với mọi chi tiết đặc thù của nó, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một lòng thương xót không bao giờ vơi cạn, lòng thương xót đó chấp nhận bước vào cuộc đời này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong Đêm Giáng Sinh dù không có một mái nhà, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản bội, bị con cái hắt hủi, thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình.
Chúa đã giáng sinh làm con trẻ và sống đời thơ ấu để dạy cho ta biết trẻ em dù còn là thai nhi trong dạ mẹ, cũng có một nhân phẩm như người lớn cần được tôn trọng, và kẻ nào làm hư hỏng một trẻ em đó thì đáng chúc dữ và buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn.
Noel, Thiên Chúa làm người, đồng hóa mình với mọi người, để cứu độ con người. Nhưng con người chỉ được cứu độ với điều kiện là có thiện tâm, như lời Thiên Thần hát mừng đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14). Thiện tâm là tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và hăng say thực hiện những điều Chúa truyền dạy: Kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương nhau như là anh em. Ngày nào con người thực hiện được hai điểm đó, tình thương Chúa sẽ tràn ngập địa cầu, cảnh thái bình sẽ xuất hiện trên mặt đất như lời các thiên thần cầu chúc đêm Chúa Giáng Sinh.
Thiên Chúa đã làm người vì yêu và thương xót
Để trả lời cho câu hỏi tiếp theo được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử Kitô Giáo : Tại sao Thiên Chúa đã làm người? Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy?
Thưa vì yêu thương con người, tất cả vì yêu, tình yêu là lý do cuối cùng Thiên Chúa Nhập Thể. Thánh sử Gioan đã xác nhận “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8.16). Tình Yêu này rõ ràng và trở nên cụ thể trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, khi chiêm ngắm liên lỉ dung mạo của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá được rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”; “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14) ban cho những ai tiếp nhận Người “quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1, 12).
Như thế, nơi Chúa Giêsu thành Nagiarét, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha “Đấng đầy Lòng Nhân Hậu” (Eph 2, 4) trở nên sống động và rõ ràng (x. Misericodiae Vultus số 1). Các cử chỉ của Chúa Giêsu đối với các tội nhân, người nghèo, người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả trong Người đều nói về lòng thương xót. Điều đã thúc đẩy Chúa Giêsu trong tất cả những tình huống đó, không phải gì khác ngoài Lòng Thương Xót (x. Misericodiae Vultus số11).
Trong Thông điệp “Dives in misericordia” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết :“Tâm lý của con người thời nay có vẻ như đang muốn chống lại một Thiên Chúa Giầu Lòng Thương Xót hơn là trong quá khứ, và có khuynh hướng muốn gạt bỏ ý tưởng về Lòng Thương Xót ra khỏi cuộc sống và ra khỏi con tim… Sự làm chủ trên trái đất…xem ra có vẻ như không còn để không gian cho Lòng Thương Xót nữa”. Ngài tuyên bố: “Cần thiết phải công bố về Lòng Thương Xót cho thế giới hôm nay”.
Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Giáo hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa… muốn sống Năm Toàn Xá này trong ánh sáng của Lời Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Đồng thời chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thủ đắc Lòng Thương Xót ấy cho mình, và làm cho Lòng Thương Xót trở thành lối sống riêng, sẽ trở nên có thể” (x. Misericodiae Vultus 12-13).
Lạy Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Hoàng tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc, đã giáng sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo hội bước đi trong Năm Thánh. Xin ban cho chúng con tình yêu, bình an và hạnh phúc, nhất là lòng thương xót của Chúa Cha trên trời gửi tặng nhân loại nhân ngày mừng Sinh nhật Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin mở rộng lòng chúng con ra để Con Mẹ ngự vào, ngõ hầu tình yêu, an bình và lòng thương của Người ngự trị trên toàn thế giới.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ