Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Vọng Giáng Sinh, năm C, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Vọng Giáng Sinh, năm C, của Trầm Thiên Thu

THIÊN TỬ VI HÀNH

(Lễ Giáng Sinh – lễ vọng)

1. THIÊN TỬ VI HÀNH [1]Vi hành là cổ ngữ, thường nói về vua chúa cải trang để đích thân đến gặp gỡ dân và nghe họ trình bày rõ sự tình. Tại sao vua phải vi hành? Bởi vì các quan lại thường “làm láo mà báo cáo hay”. Vua chúa vi hành để biết lòng dân và có biện pháp trừng trị đích đáng đối với lũ quan lại hại dân hại nước. Vua chúa đích thân vi hành mới thực sự là thiên tử, là người thương dân yêu nước, nếu không thì chỉ là bọn sâu bọ đục khoét công quỹ và hút máu nhân dân mà thôi. Ngày nay có quá nhiều loại “sâu bọ” và “đỉa đói” như vậy, cướp công khai và cướp đúng quy trình theo sách lược!

Ngày xưa, nhà vua muốn cải trang để không ai nhận ra, chứ đi đến đâu cũng cờ rợp trời, trống chiêng inh ỏi, tiền hô hậu ủng, ai cũng biết trước thì bọn quan lại sâu bọ sẽ chuẩn bị báo cáo tỏ tường theo đúng quy trình và đúng tiêu chuẩn, còn gì là sự thật? Đời và đạo cũng thấy những cảnh tượng tương tự. Sự thật dễ mất lòng, và rồi kẻ đau khổ vẫn là đám dân đen mà thôi. Thế nên Thiên Tử phải vi hành!

Cuộc vi hành của Thiên Tử là chuyến vi hành độc đáo nhất – cuộc vi hành đó làcuộc nhập thể và nhập thế của Thánh Tử Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Cuộc vi hành đó đã được tiền định và được chuẩn bị từ ngàn xưa…

Bắt đầu từ cuộc truyền tin cho Trinh Nữ Maria, và có liên quan một người công chính – Đức Thánh Giuse. Biết tin hôn thê Maria mang thai, Giuse định bỏ trốn, nhưng được sứ thần cho biết nguyên nhân và động viên: “Đừng ngại nhận Nàng, vì thai là do quyền phép Chúa Thánh Thần”.Giuse an tâm đón nhận Maria. Lời động viên luôn cần thiết khi có điều gì đó quan trọng mà chúng ta cảm thấy e ngại, thiếu tự tin, hoặctrong tình huống tình ngay lý gian.

Lời động viên liên quan lòng can đảm. Giờ đây, chúng ta đang ở vào những giây phút cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta cần duy trì lòng can đảm để sống cho trọn nỗi mong chờ trong niềm hy vọng, vì Con Thiên Chúa sắp giáng sinh cho chúng ta và ở với chúng ta để chia vui sẻ buồn của kiếp người với chúng ta.

Có nhiều thứ phải làm trong Mùa Vọng. Kinh Thánh cho biết đã có những nhân vật quan trọng là các mẫu gương điển hình cho chúng ta về cách sống Mùa Vọng. Đó là ngôn sứ Isaia, người “mở đường” Gioan Tẩy Giả, ông già Simêon, bà tiên tri Anna,… đặc biệt là Đức Giuse và Đức Maria.Các vị này đã can đảm sống trọn Mùa Vọng và đã được mãn nguyện. Hãy tự nhủ cố gắng tỉnh thức để sống trọn Mùa Vọng này, kể cả Mùa Vọng của cuộc đời riêng và Mùa Vọng của ngày Chúa Giêsu quang lâm.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia đã xác định: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ KHÔNG nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ ĐƯỢC chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay” (Is 62:1-3). Mùa Vọng là lời nhắc nhở: Quyết tâm KHÔNG lùi bước để ĐƯỢC điều tốt lành. Các điều đó chắc chắn xảy ra ngay khi Con Thiên Chúa giáng sinh. Đó là hồng ân vô cùng lớn lao bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải vì công trạng của chúng ta.

Đấng Emmanuel là Thánh Tử Giêsu– Vua Chân Lý và Công Lý, chính Ngài đích thân đến cứu thoát chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ được phóng thích, thoát mọi nỗi sầu khổ đúng theo giao ước: “Chẳng ai còn réo tên ngươi là đồ-bị-ruồng-bỏ!, xứ sở ngươi hết bị tiếng là phận-bạc-duyên-đơn, nhưng ngươi được gọi làái-khanh-lòng-Ta, xứ sở ngươi nức tiếng là duyên-thắm-chỉ-hồng. Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62:4-5). Kinh Thánh có cách ví von rất thực tế, không cầu kỳ, để chúng ta dễ hiểu theo trí tuệ hữu hạn của loài phàm nhân.

Và cũng từ ngàn xưa,chính Thiên Chúa đã phán hứa: “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: Dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ” (Tv 89:4-5). Vì yêu thương, Thiên Chúa luôn muốn mọi điều tốt lành cho những ai tin kính Ngài, và điều gì được Ngài hứa thì sẽ trở thành hiện thực. Luôn chắc chắn như vậy. Do đó, niềm tin và lòng trung thành rất quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta. Tin là một nhân đức và một mối phúc, hoàn toàn khác với sự ảo tưởng hoặc cuồng tín.

Tin là chấp nhận vô điều kiện, nhưng không hề mù quáng. Theo Thánh GM TS Augustinô, đức tin không ngược lại lý trí. Đức tin có trước lý trí, vượt trên lý trí, kích hoạt trí tuệ tiếp tục phần việc của nó. Theo Thánh LM TS Tôma Aquino, lý trí bẩm sinh đòi hỏi sự hướng đạo và hỗ trợ của đức tin để đạt được chân lý một cách trọn vẹn, nghĩa là đức tin cần có cả trí tuệ lẫn ý chí. Mở đầu thông điệp “Fides et Ratio”,Thánh GH Gioan Phaolô II nhận định: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”.

1. THIÊN TỬ VI HÀNH [2]Rất rạch ròi, Thánh Vịnh gia cho biết: “Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa. Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở; bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang” (Tv 89:16-17). Thật hạnh phúc khi chúng ta có Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Điều này càng rõ ràng hơn khi chúng ta biết chắc rằng đêm nay chúng ta sẽ được đón tiếp Con Thiên Chúa trở nên giống chúng ta về mọi lĩnh vực, chỉ trừ tội lỗi. Ngài yêu thương chúng ta quá đỗi, đến nỗi muốn nên giống chúng ta để chia sẻ mọi thứ với chúng ta.

Ôi,đúng là niềm hạnh phúc thực sự quá lớn, niềm vui cứ nhân lên, vì chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa:“Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” (Tv 89:27). Thánh Gioan đã xác định: “Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1), và chính Thần Khí chứng thực điều đó (x. Rm 8:16). Đó là sự thật, đừng ngại khi chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, là Thân Phụ: Abba! Tuy nhiên, được lãnh nhận bao điều tốt lành rồi, chúng ta không thể vô ơn, mà phải có nghĩa vụ đối với Ngài, nghĩa là chúng ta phải quyết tâm “yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người” (Tv 89:29). Đó là điều hoàn toàn hợp lý! Người Việt chúng ta cũng nói rằng “ăn cây nào, rào cây nấy”, hoặc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Như lời nhắc nhở, Thánh Phaolô cũng đã xin mọi người lưu ý: “Thiên Chúa của dân Israel đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai Cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó” (Cv 13:16-17).Tất cả chúng ta đều là con cháu, là hậu duệ, cũng được thừa kế gia nghiệp của tiền nhân trong hồng ân Thiên Chúa, đặc biệt là mầu nhiệm cứu độ, khởi đầu từ mầu nhiệm giáng sinh. Điều đó sắp được ứng nghiệm, vì không lâu nữa, ngay trong đêm nay Đấng Emmanuel sẽ hóa thành nhục thể, mặc xác phàm nhân như chúng ta vậy.

Hành trình Mùa Vọng của chúng ta sắp hoàn thành, hãy cố gắng thêm chút nữa thôi. Thánh Phaolô dẫn chứng:“Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu. Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Cv 13:22-24). Điều đáng lưu ý là khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi KHÔNG ĐÁNG cởi dép cho Người” (Cv 13:25). Sự khiêm nhường của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả quá tuyệt vời. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tự hạ như vậy, không chỉ tự hạ trước Thiên Chúa mà trước mọi người – bất kỳ ai, kể cả người “nhỏ” hơn mình.

Trình thuật Mt 1:18-25 nói về cuộc truyền tin cho Người Công Chính Giuse (tương tự Lc 2:1-7). Thánh sử Mát-thêu cho biết gốc tích của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: Đức Maria, mẹ Người, đã thành hôn với Đức Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, Đức Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.Đó là lý do khiến Đức Giuse quan ngại!

Ôi chao, đúng là tiếng sét đánh ngang tai, một tin động trời quá đỗi. Chắc chắn Đức Giuse cũng cảm thấy bối rối và khó xử, khổ tâm lắm, bỏ thì thương mà vương thì tội!Thế nhưng “người công chính”Giuse không muốn tố giác Nàng, vẫn tin Nàng là một phụ nữ thánh thiện, thế nên mới định tâm bỏ Nàng cách kín đáo, an toàn cho cả hai. Rồi khi Đức Giuse đang toan tính thì ngủ thiếp đi, bỗng có sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này Anh Giuse, con cháu Đa-vít, ĐỪNG NGẠI đón Chị Maria về, vì người con Chị cưu mang là do QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN. Chị sẽ sinh con trai và Anh phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì CHÍNH NGƯỜI SẼ CỨU DÂN NGƯỜI KHỎI TỘI LỖI CỦA HỌ”.

Kinh Thánh cho biết rằng tất cả sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, Đức Giuse đã làm đúng theo hướng dẫn của sứ thần và vui vẻ đón vợ về nhà.Tuy là vợ chồng nhưng họ không ăn ở với nhau. Khi Đức Maria sinh một con trai, Đức Giuse đặt tên cho con trẻ là Giêsu, đúng như lời sứ thần báo mộng chín tháng trước.

Ngay lúc được truyền tin, Đức Maria đã cảm thấy ngại, nhưng sứ thần Gabriel động viên: “Đừng sợ!”. Và Đức Maria mau mắn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Tương tự, khi biết “hung tin” là Nàng Maria có thai, Đức Giuse đã tá hỏa tam tinh và lo sợ, nhưng cũng được sứ thần động viên: “Đừng ngại!”. Và Đức Giuse cũng đã mau mắn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Hai lời động viên tương tự, hai cách hành động cũng tương tự – mau mắn và tín thác.

Cuối cùng, hai Đấng đã hoàn tất Mùa Vọng.Đó là giây phút Hài Nhi Giêsu sinh ra tại hang đá Belem trong một đêm khuya giá lạnh, giữa tiếng ca mừng của chư thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Gloria in Excelsis Deo” (Lc 2:14).Thiên Tử giáng trần để vi hành và cứu độ nhân loại. Thiên Tử Giêsu là Đấng Thánh, cao trọng và uy hùng đến nỗi “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA” (Pl 2:10-11).

Lạy Thiên Chúa– Đấng quan phòng, tiền định, đại lượng và nhân hậu, xin ban thêm lòng can đảm cho chúng con, giúp chúng con biết mau mắn vâng phục Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc không như ý riêng của chúng con.Xin Đức Maria và Đức Giuse nâng đỡ khi chúng con bị hàm oan, bị xa lánh, và xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con kiên tâm tín thác vào một Thiên Chúa duy nhất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Nhi Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

* Phụ Lục

VI HÀNH

Ông Vua nào thương dân và thương nước

Mới giả dạng thường dân để vi hành

Đi mới biết mọi nỗi khổ dân mình

Nghe báo cáo làm sao mà đúng thật

Có mấy Quan không hối lộ, mua chuộc

Với bề trên thì khúm núm, lạy quỳ

Với bề dưới thì hống hách, lăm le

Muốn yên thân, dân đành lòng đút lót

Ngày xưa vậy, ngày nay đâu có khác

Các Vua Quan nay “khôn khéo” hơn nhiều

Các thủ đoạn và mánh khóe “cao siêu”

Họ được che bằng siêu dù, siêu lọng

Dân có biết cũng cắn răng, câm họng

Dám ho he là bị “sờ gáy” ngay

Trời thì cao, đất thì dày, “bó tay”!

Ý dân đúng cũng sai tuốt tuồn tuột

Dân đã khổ lại càng thêm cơ cực

Cổ thì ngắn, miệng thì nhỏ, kêu ai?

Kêu chẳng thấu, đời dân đen khổ hoài

Cho đến chết mà vẫn chưa hết khổ!

Đời đã vậy, đạo cũng chẳng hơn thế

Người có chức, kẻ có tiền vẫn hơn

Đi đến đâu cũng đều được suy tôn

Dân nghèo chết chẳng ai thèm để ý

Đức Giêsu dị biệt mà chí lý

Ngài chăm lo cho đám dân tội tình

Không ngại khó mà đích thân vi hành

Rảo bước đi vào hang cùng ngõ hẻm

Nói và làm, cả hai đều trọn vẹn

Tha tội nhân, cứu vớt kẻ khốn cùng

Kẻ xấu nhất vẫn được Ngài ngồi chung

Không một ai bị Ngài từ chối giúp

Giêsu ơi! Xin Ngài mau đến gấp

Đòi công lý cho bao kẻ mọn hèn

Vì nghèo khổ mà họ bị lãng quên

Bị áp bức, bị chà đạp nhân phẩm

Đời phe cánh, sao đạo cũng phe cánh?

Lạy Ngôi Hai, xin mau đến minh oan

Đừng để cho “kẻ cả” mãi lộng hành

Xin lắng nghe, lạy Chúa Trời thương xót!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

ST. STEPHEN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ KÍNH THÁNH TÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, 26/12, CỦA LM MINH ANH

LỰC HẤP DẪN “Họ nhất tề xông vào ông, lôi ông ra ngoài thành mà …