Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy Niệm Tin Mừng LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Trái Tim Chúa thổn thức vì yêu

SUY NIỆM LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU

 (Ga 19, 31-37)

Ga 19, 31-37Ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương « dịu hiền và khiêm nhường » trong lòng để đáp đền tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa là Cha luôn thổn thức bồi hồi vì thương xót chúng ta.

Trái tim Cha thổi thức bồi hồi vì thương

Khi hiện ra với ông Mô-sê trên núi Si-nai, Thiên Chúa xưng danh mình và nói: “Chúa, Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa là “Cha”: “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mc 5, 45). Tình yêu của Chúa Cha thật “phong phú” và “lớn lao”. Ngôn sứ Hô-sê tỏ cho dân Chúa thấy tình thương vô biên của Chúa đối với loài người. Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con thơ (x.Hs 11,3-4).Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim « yêu thương » dân, « Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa » (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Trái Tim ấy không chỉ đã tha thứ cho loài người, mà còn trao ban chính sự sống của con mình là Đức Giêsu làm giá chuộc loài người để thoả mãn tình yêu đối với con người. Quả tim ấy được cụ thể nơi Trái tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep  3,8-12.14-19).

Trái Tim bị đâm thủng vì yêu

Vì yêu loài người ta quá bội, Chúa Giêsu đã chịu lưỡi đòng đâm thâu trái tim, để cho nước và máu chảy ra (x. Ga 19, 34).

Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu. Chúa Giêsu nói với Philiphê : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trái tim Chúa Giêsu chính là Trái tim Chúa Cha. Trái ấy được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mão gai.

Trái tim Chúa Giêsu có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Kitô giáo, cắm ở phía trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giêsu, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Trái tim Chúa Giêsu có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.  

Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Trái tim Chúa, có ý mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29).

Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái tim Chúa Giêsu quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống… trở nên Bí tích cứu độ chúng ta, và dạy chúng ta yêu thương nhau. Đây là dấu chỉ tình yêu cao cả nhất Thiên Chúa dành cho nhân loại : “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13).

 Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa

Trái tim Chúa rung động vì cảm thương loài người đã bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta (x.Ga 19,36), đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúaxúc phạm đến Trái tim nhân lành của Chúa.

Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên : « Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn » (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng : « Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loại người » (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.

Thánh Phaolô xin Thiên Chúa mở lòng trí ta, giúp ta hiểu được phần nào tình yêu mênh mông vô tận của Chúa Kitô. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của chúng ta: Tình yêu vừa rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu (x. Ep 3,8-12.14-19).

Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …