Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

 

Trái Tim Tình Yêu

(Ga 19, 31-37)

Đúng 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương «dịu hiền và khiêm nhường» trong lòng.

Trái Tim Chúa đã yêu loài người ta quá bội

Trái Tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương loài người luôn đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tên lính đâm thấu và mở cạnh sườn; máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 34). Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống…; để ai uống nước này «thì từ họ sẽ vọt lên sự sống đời đời» (Ga 4,14).

Từ Trái Tim Chúa bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta, đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim «yêu thương» dân, «Quả tim Ta thổn thức trong Ta… vì Ta là Thiên Chúa» (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep  3,8-12.14-19). Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chẳng những thế, con người còn xúc phạm đến Trái Tim nhân lành của Chúa. Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên: «Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn» (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng: «Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loài người» (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.

Trái Tim Đức Chúa Giêsu là mạch đầy mọi nhân đức

Những lời Kinh Cầu vang lên trong suốt tháng Sáu như muốn nói với chúng ta rằng, tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại, đều được gửi gắm và thể hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Qua Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta thấy được sự quan phòng tình yêu từ đời đời của Thiên Chúa nhằm cứu độ thế gian. Đúng là mầu nhiệm tình yêu khôn hiểu thấu, nên chúng ta «hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người» (Tv 12, 5).

Nhìn ngắm Trái Tim Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trong sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, chúng ta khám phá ra lòng nhân lành của Chúa Giêsu luôn yêu thương, ấp ủ chúng nhân, chứng tỏ Trái Tim Người là mạch đầy dẫy hằng sống và thánh thiện, là nguồn suối cứu chuộc chúng ta. Để hiểu sâu xa hơn, chúng ta phải trở về với cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria thành Sykar thuộc xứ Samaria. Cô ta đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: «Xin bà cho tôi uống nước». Người đàn bà Samaria thưa lại: «Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?» Thánh sử sau đó thêm rằng: (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria). Sau đó, cô nhận được phản ứng của Chúa Giêsu: «Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: «Xin cho tôi uống nước», thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống […]vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời» (Ga 4, 1-14). Đây là những lời nói bí ẩn.

Chúa Giêsu là nguồn suối; từ Người vọt lên sự sống thần linh. Gần Chúa, ở lại trong Chúa, chúng ta sẽ có sự sống. Nguồn suối ấy đem tưới vào đời mình ta sẽ có được sự bình an sâu thẳm và niềm hạnh phúc đích thực ở nơi Trái Tim Giêsu yêu thương.

Sùng kinh Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu

Thế giới ngày hôm nay xảy ra biết bao cuộc xung đột cam go đẫm máu, rất cần sứ điệp phát xuất từ Trái Tim Chúa, nguồn mạch duy nhất, nhân loại có thể múc lấy sự khiêm nhường và lòng tha thứ để chữa lành những thương tích. Lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu có thể là nguồn mạch mọi ơn phúc cho thế giới này như lời Đức Piô X viết khi ban lệnh thi hành việc tôn sùng Trái Tim Chúa: «Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia». Đức Piô XI nhận định: «Lòng sùng kính Thánh Tâm là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta» (Caritate Christi compulsi). Trong tông huấn Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chân phước Phaolô VI viết: «Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới”. Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng nói: «Lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta» (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5-10-1987).

Nên giống Trái Tim Chúa

Người kitô hữu không chỉ được mời gọi chiêm ngắm, sùng kính, mà còn phải sống tình yêu ấy nữa. Chúa Giêsu đã nói, «Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14, 15). Như thế, Người mời gọi chúng ta kèm theo điều kiện: nếu ta yêu mến Chúa, thì ta phải giữ các điều răn của Chúa, tuân giữ thánh chỉ của Chúa, và thực hành các giới răn mà Thiên Chúa đã chỉ cho ta, để chứng tỏ rằng ta yêu Chúa.

Chúa muốn chúng ta giữ các điều răn đã được Chúa ban cho Israel trên núi Sinai qua trung gian Môisen, nhiều người trong chúng ta lặp lại mỗi ngày trong kinh nguyện, một tập quán tốt đẹp và ngoan đạo. Chúng ta lặp lại những điều đã được viết trong Sách Xuất Hành, để tin nhận và làm mới lại những gì chúng ta nhớ.

Lạy Chúa Giêsu, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

LM Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN