Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (A) của P.Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (A) của P.Trần Đình Phan Tiến

                

 ÁCH HIỀN HẬU VÀ GÁNH KHIÊM NHƯỜNG

(Mt 11, 25- 30)

 

Kính thưa quý vị! Thưa các bạn, tháng sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng hôm nay mới là lễ chính thức kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vì vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trái Tim Chúa Giêsu, mà trái tim là biểu tượng của tình yêu. Vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa, nhưng tình yêu của Chúa Giêsu được cụ thể hóa qua “Trái tim của các linh mục”, bởi vì, Thiên Chúa là siêu nhiên. Nên chi, Thánh Tâm Chúa Giêsu cần đến trái tim của linh mục để cụ thể hóa tình yêu của Chúa. Do vậy, hôm nay Giáo Hội chọn ra một ngày có ý nghĩa, để xin ơn thánh hóa linh mục trên khắp thế giới.

Vậy, Lời Chúa hôm nay (Mt 11, 25-30), cho chúng ta biết, tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu như thế nào đối với chúng ta?

Đoạn Tin Mừng hôm nay, tuy không dài nhưng có thể chia làm ba phần.

1/ Sự tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (c 25- 26)

2/ Chúa Giêsu giới thiệu mối tương quan giữa Chúa Cha và Người (c 27)

3/ Chúa Giêsu tự giới thiệu về chính Chúa (c 28 -30)

Như vậy, trước khi kêu gọi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng. Hãy đến với Chúa, Người sẽ bồi bổ và tăng sức cho. Trước hết, chúng ta thấy, Lời Chúa nói mang giá trị tinh thần, giá triị siêu nhiên, chứ không phải giá trị vật chất. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng: muốn đạt được điều gì luôn cần phải trả giá. Muốn sở hữu một điều gì, chúng ta phải bỏ công sức và thời gian cho việc ấy. Gía trị càng lớn, công sức càng nhiều.

Con người sau khi chối bỏ Thiên Chúa, là đánh mất ân sủng thuở ban đầu. Muốn tự do theo sự dụ dỗ của satan, là con người tự đánh mất sự tự do từ Thiên Chúa. Từ đó, con người bị lọt vào hố thẳm của bóng tối. Sự tự do ảo, vì sự chân thật đã bị khước từ. Vì lẽ đó cho nên, ân sủng đầu tiên đã bị che khuất, con người phải mang lấy những gánh nặng của thế gian, của satan và bè lũ của nó. Ân sủng tình yêu của Thiên Chúa đã bị che khuất, bị giật lấy, bị cướp đi vì ganh tỵ. Cùng với ân sủng tình yêu của Thiên Chúa bị đảo lộn bởi thế lực chống đối. Nên con người không còn biết phân biệt chân – giả, trắng – đen, sáng –tối. nên lệ thuộc vào muôn nghịch cảnh, từ giá trị tinh thần dẫn sang đời sống hữu hình. Con người chối bỏ Thiên Chúa là thực tại duy nhất, và vững bền, để chạy đi tìm những thứ lừa dối, đen tối, diệt vong, tự mang lấy, chuốc lấy, những “ách”, “gánh“ nặng của satan, để tôn thờ nó. Chúng ta nhớ lại ba cơn cám dỗ, mà Chúa Giêsu đã bị cám dỗ trong hoang địa, sẽ hiểu ra Lời Chúa hôm nay: “Ách Ta thì êm ái, Gánh Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11, 30).

Nhưng muốn vậy, “Hãy đến với Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”. Như vậy, rõ ràng “lòng“ ở đây chính là Thánh Tâm Chúa Giêsu (c 28 -29). Lời mời gọi đến với Chúa, là Lời chân thật, Lời tình yêu, Lời cứu độ, Lời chân lý. Vì Lời của ân sủng tình yêu, chứ không phải lời của satan. Nên chi, Lời đó là ”ách êm ái, gánh nhẹ nhàng”. Từ đó, chúng ta muốn hiểu Thánh Tâm Chúa Giêsu và yêu mến Thánh Tâm Người, chúng ta hãy tim hiểu Lời Chúa hôm nay.

1/ Sự tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (Mt 11, 25- 26)

“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan hiền triết biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 25- 26).

Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha như vậy, để làm gì? Thưa quý vị, thưa, để cho biết rằng: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, nhưng Ngài yêu thương những kẻ bé mọn phàm hèn, chứ không yêu thương kẻ kiêu ngạo. Vì kẻ thông thái, bậc khôn ngoan là những kẻ kiêu ngạo (trong bối cảnh của người Dothai). Vì họ nghĩ rằng, họ thông thái, nên họ khước từ Thiên Chúa. Như vậy, còn lại là kẻ bé mọn, bé mọn là những người được trao cho Chúa Giêsu, những kẻ biết lắng nghe Chúa Giêsu, vì họ cảm thấy nhu cầu của họ ở đâu?

Như thế, chúng ta có thể xác định, kẻ bé mọn là người biết lắng nghe. Chúng ta thấy, ý nghĩa nầy khá phù hợp với những Lời Chúa Giêsu “tự giới thiệu” về Người. Như vậy, muốn lắng nghe Chúa Giêsu, chúng ta phải mang lấy “gánh khiêm nhường” của Chúa. Chúng ta có nhìn nhận sự hèn mọn của thân phận con người, chúng ta mới biết đón nhận Thiên Chúa, và như vậy, Như Lời Chúa Giêsu nói: Chúa Cha luôn muốn mặc khải tình thương của Ngài cho kẻ bé mọn nhận biết Chúa Giêsu chính là tình yêu của Thiên Chúa.

Theo đó, Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là sự liên thông tình yêu đối với Thiên Chúa. Vì Thánh Tâm Giêsu không phải chỉ là Trái Tim bằng Thịt và Máu, nhưng Thánh Tâm Giêsu còn là sự liên thông của tình yêu siêu nhiên nơi Thiên Chúa là Cha – Đấng vốn là tình yêu. Vì vậy, từ Thánh Tâm Giêsu tỏa ra một tình yêu vô biên từ Thiên Chúa Cha- Đấng đã mặc khải cho những kẻ bé mọn tình yêu vĩ đại và diệu kỳ, đó là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như vậy, Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho chúng ta một mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa, sự mặc khải ấy chính là tình yêu của Thiên Chúa ban qua Người Con Một, là Đức Giêsu- Kitô. Nhưng sự mặc khải ấy lại được ban cho chính những con người bé nhỏ.

Xét về tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha chúng ta thấy chiều kích yêu thương lạ lùng của Thiên Chúa đối với nhân loại đồng thời nói lên tính hợp lý nơi bản tình Thiên Chúa là nguồn yêu thương điều khiêm tốn, (tức sự bé mọn theo nghĩa tâm linh). Như vậy, sự khiêm nhường là điều kiện duy nhất để có thể múc lấy tình yêu của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, chính sự khiêm nhường mới có thể hứng lấy tình yêu nơi Thiên Chúa là Cha.

“Ách và Gánh“ là những phương tiện trần thế, phương tiện tự nhiên để nói lên sự ràng buộc những điều kiện cần có, hay thế lực nào đó, để dựa vào một điều gì đó để có thể trả giá. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của tự nhiên để nói lên ý nghĩa siêu nhiên nơi tình yêu của Thiên Chúa.

Định nghĩa hay tính chất của tình yêu cần có sự đòi hỏi, ràng buộc nhất định, (dù là bản chất tự nguyện) để nêu bật, làm nổi lên sự nối kết, vì sự nối kết nào cũng cần có sự ràng buộc. (Chẳng hạn như lời khấn dòng .v.. v…) Mối tương quan nào cũng cần có sự liên kết, sự gắn bó. Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha cũng vậy. Người mang lấy “ách hiền hậu và gánh khiêm nhường” từ nơi Chúa Cha, để thực thi ơn cứu độ và Lòng Thương Xót đối với nhân loại. Vì , “Vâng! Lạy Cha, ý Cha muốn như vậy.” (c 26)

2/ Chúa Giêsu giới thiệu mối tương quan giữa Chúa Cha và Người Con (c 27).

Vâng, giới thiệu chính là tỏ mình ra, nếu một vị giáo sư, hay một học giả lỗi lạc nào đó, cứ khép mình và trói chặt những kiến thức, những học vấn mà mình hấp thụ được, và như vậy không truyền đạt một cách chân tình cho thế hệ mai sau, (chỉ vì dựa vào sự khiêm tốn hão) thì như vậy quả là lãng phí biết bao! Đó không phải là sự khiêm tốn, mà là sự tự cao.

Từ đó, chúng ta hiểu được phần nào sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu, Người tỏ lộ mình ra một cách chân tình bởi vì Người đến từ chân lý. Chân lý chính là Thiên Chúa, vì thế Người nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con, và kẻ Người Con muốn mặc khải cho” (c 27)

Như vậy, sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu cho các môn đệ và sau nầy cho nhiều thế hệ của những người có niềm tin. Chính là Người cho biết mối tương quan giữa Chúa Cha và Người Con. Như vậy, mọi sự mặc khải từ lúc Tin Mừng được loan báo và cho đến ngày tận thế, bởi Con Người đều có chung một giá trị, vì: “Cha Tôi đã giao phó mọi sự cho tôi“. Như vậy, Đấng mà biết rõ Chúa Giêsu chính là Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ ra Chúa Giêsu, và những ai được Chúa Giêsu cho biết. Như vậy, sự giới thiệu về chính Chúa Giêsu và Chúa Cha chính là Thiên Chúa đã ban tặng tình yêu, một tình yêu  chân thật và khiêm tốn từ Thiên Chúa.

Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người qua Đức Kitô, há không phải là một quà tặng vĩ đại sao? Bởi vì, ai xứng đáng kết bạn với Thiên Chúa và Người Con, mà chính Người Con ấy đã tỏ lộ cho biết? Ai trung thành và chân tín hơn Thiên Chúa của chúng ta?

Như vậy, sự giới thiệu mối tương quan giữa Chúa Cha và Người Con, trong đó có những ai thuộc về Người Con ấy, há chúng ta không hãnh diện sao? Những điều ấy xuất phát từ đâu, há chẳng phải là xuất phát từ “TRÁI TIM THIÊN CHÚA“ sao?

3/ Chúa Giêsu giới thiệu về chính Chúa (c 28 – 30).

“Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi…” (c 28). Vâng, Lời ấy xuất phát từ “TẤM LÒNG“ của Thiên Chúa, sự dịu ngọt chân thành “CON TIM” vĩ đại của Chúa Giêsu, mà “CON TIM“ ấy đã múc lấy ân sủng từ Chúa Cha, như đã nói ở trên. Con Tim ấy có cơ sở, Tiếng nói ấy có nguồn gốc. Nếu một ai đó nói câu nầy, có thể chúng ta không tin, rất đúng ,vì người ấy không có con tim của Thiên Chúa, vì những ai muốn thực hiện được câu nói ấy, người đó phải có ”CON TIM“ của Thiên Chúa.

Nhân thế, họ không kêu gọi những từ ngữ như Chúa Giêsu, họ thường kêu gọi và tập hợp những người giàu sang, quyền thế, hoặc những người tài giỏi, doanh nhân thành đạt, chứ họ không kêu gọi những kẻ hèn mọn. Vâng, Lời kêu gọi của Chúa Giêsu không phải chỉ là những khẩu hiệu quảng cáo rẻ tiền, mà là Lời chân thật, Lời xuất phát từ tình yêu, mà tình yêu đóng ở đâu? Há chẳng phải là nơi “CON TIM“ của Thiên Chúa sao?

Nhưng, như đã nói phàm sự gắn kết nào cũng có những quy tắc của nó. Vì vậy, Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghĩ ngơi bồi dưỡng“ (c 29). Vâng, một Lời mời gọi tha thiết, có điều kiện kèm theo của một Đấng cầm quyền sinh tử, há chẳng phải là dịu ngọt và nhân từ sao? Vâng, nhân từ trên mọi sự nhân từ, lòng lành trên mọi sự lòng lành, bởi vì, Đấng có “lòng hiền hậu và khiêm nhường” đã nói như vậy. Chúng ta hãy xét xem, nếu có một ai đó nói câu nói trên như Chúa Giêsu, mà họ ở một địa vị khiêm tốn thôi, thì chúng ta cũng thấy ngọt ngào như thế nào! Hoặc một vị nguyên thủ quốc gia nào, mà nói câu nói ấy, thì thần dân của ông ta cảm thấy ngọt dịu và diễm phúc biết bao! Huống chi, đây chính là Vị Vua Trời Đất, Chúa cả càn khôn, Đấng hiển trị muôn đời, hằng hữu muôn thuở, mà mang một tấm lòng “hiền hậu và khiêm nhường”, há chẳng phải những ai được làm thần dân của Người, không diễm phúc sao?

Như vậy, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo hội cầu cho ơn thánh hóa các linh mục, vì các linh mục là những con người mang Thánh Tâm Chúa Giêsu đến cho thế giới. Có một lần, một vị linh mục hỏi: “Các anh có biết Chúa Giêsu hiện đang ở đâu không? Có người nói trong Bí Tích Thánh Thể, có người nói ở Đức Giáo Hoàng”. Nhưng vị linh mục ấy, trả lời: “Không đúng! Chúa Giêsu đang ở trong đầu các linh mục!”. Tôi không đồng ý với quan điểm nầy, bởi vì chưa đủ. Phải nói đúng hơn là: “Chúa Giêsu đang ở trong con tim của các linh mục”. Vì chỉ có Chúa Giêsu ở trong con tim của mình, thì các linh mục mới có thể yêu như Chúa Giêsu. Mà linh mục thì cần được hướng dẫn bằng tình yêu hơn là khối óc. Vì kinh nghiệm cho thấy, linh mục phục vụ bằng “CON TIM“ thì hiệu quả hơn phục vụ chỉ bằng khối óc đơn thuần. Mong Thay!

Kính Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu qua sự mặc khải của Người, con xin sấp mình thờ lạy Thánh Tâm Chúa. Nhân ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục, xin Chúa cho các linh mục của Chúa một tình yêu bởi Thánh Tâm Chúa, để các ngài luôn được nâng dỡ và bồi dưỡng bởi Thánh Tâm dịu ngọt của Chúa, và được mang lấy “ách hiền hậu và gánh khiêm nhường” của Chúa hằng ngày./. Amen.

27 /06/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …