Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA THẤT,NĂM A, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA THẤT,NĂM A, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Hc 3,2-6;12-14; Cl 3,12-21; Mt 2, 13-15.19-23)

“Hãy đem Hài Nhi trốn sang Ai Cập”

      mt-213-15-19-23 Tin Mừng Mattheu 2,13-15.19-23:

       Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

            Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

       Suy Niệm:

      Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta một gia đình hạnh phúc và lý tưởng: mọi thành phần gia đình chu toàn bổn phận đối với Chúa và đối với nhau. Gia đình Nazareth: Chúa Giêsu – Đức Maria và Thánh Giuse  được gọi là Thánh Gia, là mẫu gương cho mọi gia đình.

        Chúa Giêsu giáng trần cũng cần một gia đình để được tiếp nhận, sinh ra và lớn lên như tất cả mọi người. Đã sinh ra làm người ai cũng có gia đình. Gia đình là chiếc nôi đầu tiên đưa con người vào cuộc sống xã hội, trường học đầu tiên dạy những đức tính nhân bản và đời sống đức tin… Gia đình là tế bào đầu tiên xây dựng  nên xã hội nhân loại…

        Bài Tin Mừng lễ Thánh Thất nêu cao đời sống Thánh Gia: Chúa Giêsu – Đức Maria và Thánh Giuse qua việc các Ngài lắng nghe và tuân theo thánh ý Thiên Chúa: “đem hài nhi Giêsu trốn qua Ai Cập” qua lời báo mộng cho Giuse.

        Sách Giáo lý công giáo số 530 nói về bài Tin Mừng hôm nay Mt 2,13-23 như sau:

        “Sự trốn qua Ai Cập và việc tàn sát các hài nhi cho thấy sự đối nghịch giữa tối tăm và ánh sáng: “Ngài đã đến trong nhà của Ngài, nhưng những người nhà đã không tiếp nhận Ngài” (Ga 1,11). Tất cả cuộc đời của Chúa Kitô sẽ diễn ra dưới dấu hiệu của sự bách hại. Những kẻ theo Ngài cũng phải chia sẻ sự bách hại này với Ngài”.

        Lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa như Thánh Thất Nazareth là một đòi hỏi quan trọng cho sự phát triễn tình yêu trong gia đình. Lắng nghe và tuân giữ lời Chúa, mang lại sự kính trọng, tôn kính và sự hiểu biết đối với những nhu cầu của nhau, giúp cha mẹ chu toàn trách nhiệm của mình đối với con cái và con cái biết chu toàn bổn phận của mình đối với cha mẹ.

        Hạnh phúc thì bao giờ cũng thật tốt đẹp. Gia đình là nơi hạnh phúc nhất trên đời. Không có chỗ nào hạnh phúc hơn bằng mái ấm gia đình, nhưng cũng dễ vỡ nhất, dễ bị đánh mất nhất, nếu ta không biết bảo quản gìn giữ, không khôn ngoan chăm sóc…

        Giá trị gia đình là căn bản nhất, nếu đánh mất sẽ không có gì bù đắp. Gia đình  là nơi chúng ta tìm thấy sự an ủi, sự an tâm nhất, nếu không cố gắng gìn giữ thì sẽ biến thành tổ lo thay vì tổ ấm. Mỗi người đều có gia đình, bằng mọi cách hãy gìn giữ cho thật tốt.

        Tông Huấn gia đình “Familiaris consortio” nhận định: Gia đình bắt nguồn từ tình yêu: không tình yêu gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị. Gia đình là một cộng đồng của tình yêu.

        Lắng nghe và tuân theo ý Chúa đi theo với việc cầu nguyện chung trong gia đình là cách thế tốt nhất để bảo vệ hạnh phúc gia đình: Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì sống khắng khít với nhau (The family that prays together stays together).

        Cha Bernard Vaughan, nhà giảng thuyết nỗi tiếng đã kể về gia đình thánh thiện và yêu thương của Ngài như sau:

        “Cha mẹ tôi có 13 người con. Trong 20 năm họ liên tục làm giờ thánh cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình có những người con theo đuổi ơn gọi linh mục và tu trì. Cầu nguyện là việc quan trọng nhất trong đời sống gia đình. Chính nhờ sự cầu nguyện mà chúng tôi nhận ra  những nhân cách cá biệt của mỗi người và đối xử với nhau bằng sự kính trọng nhau. Kết quả là trong 13 người con, có 5 người con đi tu đang sống trong tu viện, có 6 người con trai làm linh mục. Trong 6 vị linh mục có 3 vị giám mục. Qua việc đọc kinh cầu nguyện chung với nhau (kinh hôm, kinh mai) và tuân giữ lời Chúa. Gia đình sẽ trở nên một “Giáo hội tại gia, Giáo hội thu nhỏ” vì gia đình chính là tế bào sống đầu tiên của xã hội”.

        Người Scotland có câu thành ngữ:”Nhà không có mái che”  là gia đình không biết cầu nguyện.

        Cầu nguyện rất quan trọng và cần thiết trong cuộc đời người Kitô hữu và trong đời sống gia đình. Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa để phát hiện ra Thánh Ý Thiên Chúa và đem thực hành. Như các Thánh giáo phụ đã dạy:

        “Ai biết cầu nguyện, người đó biết sống và sống Thánh Thiện”.

        Gia đình Kitô hữu Việt Nam thường có thói quen đọc kinh hôm, kinh mai chung với nhau trong gia đình… Nhờ lời cầu nguyện mà gia đình vượt qua được những khó khăn, thử thách và biến gia đình thành Thánh Thất, Giáo hội thu nhỏ.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

3-11-2024 3-27-45 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên 04/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN