(Lc 2, 22-40)
ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG CHO DÂN NGOẠI
“Ánh sáng soi đường cho dân ngoại“, vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, tựa đề phần chia sẻ Lời Chúa (Lc 2, 22-40) hôm nay, con xin chọn câu Lời Chúa Lc 2, 32) làm chủ đề, nghe có vẻ như là Lễ Ba Vua (Lễ Hiển Linh), chứ không có vẻ là chủ đề của Lễ Thánh Gia.
Tại sao vậy? Vâng, thưa đây là câu lời Chúa nằm trong đoạn Tin Mừng (Lc 2, 32), đồng thời là điểm giáo lý quan trọng, nhằm thỏa mãn được vấn đề, mà nhiều người thắc mắc, đó là: Tại sao Đạo Công Giáo là Đạo của người Do-thái, vì Chúa Giêsu là Người Do-thái mà. Mình là người Việt Nam sao theo Đạo của người Do-thái? Vâng, thưa các bạn, nếu vấn đề được đặt ra một cách hợp lý, thì câu (sự) trả lời cũng phải hợp lý, mới thỏa mãn vấn đề.
Vâng, ngoài dân tộc Do-thái (Israel) đều là dân ngoại. Câu của chủ đề phần chia sẻ Lời Chúa hôm nay, là câu được tiên tri SI-mê-ong nói về Hài Nhi Giêsu. Chứ chưa phải là giai đoạn Chúa Giêsu tỏ mình cho dân ngoại.
Vậy, xin trở lại vấn đề đã nêu trên. Tại sao người Việt Nam theo Đạo Công Giáo là theo đạo của người Do-thái. Xin thưa ngay, Đạo Công Gíao không phải là đạo Do-Thái, mà là Đạo Cứu Rỗi chung cho mọi người. Được xuất phát từ Chúa Giêsu, nhưng phát xuất từ Thiên Chúa, là Đấng Tạo Thành vũ trụ. Vậy, nếu chúng ta muốn đón nhận ơn cứu chuộc, cứu độ, thì chúng ta phải tin và bước theo Người. Chúng ta đừng nghĩ rằng, tôi là người Việt Nam, tôi yêu dân tộc Việt Nam, mặc nhiên tôi phải theo đạo của người Việt Nam. Vâng, lập luận nầy xem chừng không sai. Nhưng vô cùng thiếu sót, bởi lẽ , “ĐẠO” là “Đường”. Vậy, có con đường nào cứu rỗi được nhân thế không? Thờ kính tổ tiên ông bà, cha mẹ là đúng nhưng chưa đủ. Tôn kính ông bà, thì người Việt Nam có thói quen là ”Thờ“ ông bà. Dần dà họ coi như “cái đạo” gọi là ”đạo ông bà”. Tại sao vậy, thưa quý vị ? Bởi lẽ, họ chưa nhận biết Thiên Chúa. Tôn kính ông bà, cha mẹ là điều phải lẽ, nhưng ông bà, cha mẹ chúng ta là những phàm nhân. Các ngài chỉ có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Có nghĩa là các ngài có bổn phận chu toàn trách nhiệm theo luân lý, theo bổn phận làm người. Các ngài treo gương tốt, các ngài dạy bảo con cháu điều hay lẽ phải. Mục đích duy trì cuộc sống nơi trần gian. Chứ các ngài, không thể ban ơn cứu độ cho con cháu được. Bởi lẽ, các ngài là phàm nhân mà thôi. Các ngài không thể trở nên thần thánh siêu phàm được, nếu không nhờ vào một Đấng Thánh duy nhất, đó là Thiên Chúa.
Vậy, nếu chúng ta muốn đón nhận ơn cứu độ, mặc nhiên chúng ta phải nhờ vào Thần Linh. Nhưng, có những thế lực thần dữ xâm nhập vào thế gian, nên chi, đã làm hại thế gian. Đấng cứu độ duy nhất, đó là Thiên Chúa. Nhưng, Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu ra đời làm Người để ban ơn cứu độ nhân loại.
Vì vậy, nhân loại khắp hoàn cầu muốn lãnh nhận ơn cứu độ thì phải tin vào Đức Giêsu-Kitô. Như vậy, theo đó, Đức Giêsu ra đời làm Người nơi đất nước Do-thái, nơi mà Thiên Chúa đã chọn một dân riêng cho Ngài, dân tộc có đức tin, để tin vào Thiên Chúa, một dân tộc mà chính Thiên Chúa đã mặc khải cho họ trước hết, được bắt đầu từ một con người được Thiên Chúa kêu gọi, đó là tổ phụ Áp-ra-ham, người được chính Thiên Chúa trực tiếp kêu gọi để hình thành một dân Thiên Chúa, mặc nhiên, không phải là người Việt Nam, hay người Lào, Cam-pu-chia, mà là người Israel.
Theo đó, ơn cứu độ được xuất phát từ dân tộc Do-thái, được bắt nguồn từ dân tộc mà chính Thiên Chúa đã thực hiện Lời Hứa cứu chuộc đối với một Tổ Phụ là Áp-ra-ham. Vậy, ngoài dân tộc Do-thái đều là dân ngoại, kể cả “cái nôi” được bắt nguồn Đạo Công Gíáo là Rô-ma, nên gọi là Công Giáo La-mã nói riêng, còn tất cả những ai tin vào Thiên Chúa, thì đều gọi là Thiên Chúa giáo.
Vậy, muốn đón nhận ơn cứu độ, để được cứu độ, thì chúng ta chỉ “TIN“ vào một Thiên Chúa duy nhất, dù bắt nguồn từ một dân tộc nào. Theo đó, muôn đời Thiên Chúa mà chúng ta được đón nhận là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của Isaac, và của Gia-cóp mà thôi. Còn Đấng Cứu Thế ra đời làm Người để cứu chuộc nhân loại, mặc nhiên phải làm Người của một dân tộc được lãnh nhận “Lời Hứa” cứu độ bởi Thiên Chúa. Không thể đòi hỏi Đấng Cứu Thế phải là người Việt Nam. Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, và thánh Cả Giuse muôn đời không phải là người Việt Nam. Mỗi Quốc Gia đều có dân tộc tính, nên chi, họ nghĩ ra hình tượng Đức Mẹ như hình dạng người bản xứ của họ, điều nầy không phù hợp. Bởi Đức Mẹ Maria muôn đời vẫn là người Do- thái của Mẹ. Không phải Đức Mẹ hiện ra ở tại La-vang Việt Nam là Đức Mẹ vận áo dài, khăn đóng đâu, hay là Đức Mẹ hiện ra ở Mễ-du thì Đức Mẹ vận sắc phục của Mễ-tây-cơ. Điều đó, chẳng qua chiều theo ý thích của dân tộc đó. Còn điều chính yếu làTin Mừng cứu độ được ra giảng cho khắp cùng trái đất theo Lời của Thiên Chúa, vì Đấng Cứu Độ chính là “ÁNH SÁNG MUÔN DÂN“.
Trở lại phần suy niệm Tin Mừng hôm nay (Lc 2, 22 -40) một đoạn Tin Mừng khá dài, nhưng chỉ có 3 phần.
Phần Thứ nhất: Từ câu 22-24: Thuật lại về sự kiện Dâng Chúa Giêsu Vào Đền thờ cho Thiên Chúa. Phần nầy nói lên ý nghĩa, khi Chúa Giêsu giáng sinh làm Người. Người cũng có một Thánh Gia, nghĩa là Gia Đình Thánh, vì chu toàn bổn phận làm Người, Thánh Gia cũng phải chu toàn bổn phận làm Con Thiên Chúa, không riêng Chúa Giêsu, mà là cả Đức Maria và thánh Giuse (Câu 27b của Lc 2, nói rõ về điều ấy).
Phần thứ 2: Từ câu 25-32, thuật lại lời tiên tri của cụ già Si-mê-ong. Nhân chứng, đồng thời là ngôn sứ của Thiên Chúa. Điều nầy cho thấy, Thiên Chúa muốn cho một phàm nhân xác tín ơn cứu độ bởi Hài Nhi Giêsu. Một con người cao niên, đức độ, bày tỏ sự mong đợi được loan báo trong Thánh Kinh về Đấng Cứu Thế. Đoạn hai: từ câu 33-35.Thuật lại ý nghĩa lời tiên tri về Hài Nhi Giêsu và Mẹ của Người.
Nhân vật tiên tri thứ hai là bà An-na, người kính sợ Thiên Chúa hằng ngày ăn chay cầu nguyện, cũng có mặt trong đền thờ lúc ấy, tiến lại bên cạnh Hài Nhi Giêsu và nói tiên tri về Người cho những ai đang mong đợi Người xuất hiện (c 36-38).
Phần thứ 3: Từ câu 39 – 40. Phần nầy tuy ngắn gọn, nhưng nói lên phần nhân tính của Hài Nhi Giêsu:
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-za-ret, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (c 39-40).
Vâng, chúng ta thấy hai câu cuối của Đoạn Tin Mừng (Lc 2, 22-40) hôm nay, được đọc trong Lễ Kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse, chính là hai câu nói lên sự vâng phục Thiên Chúa qua tính làm Người nơi Chúa Giêsu, cùng hai vị thánh được Thiên Chúa đặc cách làm cha mẹ của Người. Hai cầu nầy triển khai rộng rãi phần nhân tính của Đấng Cứu Thế. Không những vâng phục Cha trên Trời (Thiên Chúa là Cha, cùng thiên tính Ngôi Hai), mà còn vâng phục hai đấng là cha mẹ phần nhân tình, dù thánh cả Giuse là Dưỡng Phụ.
Chúng ta học được ở môi trường Thánh Gia, một sự vâng lời, chịu lụy của Ba Đấng, tức sự khiêm nhường, vâng phục và hy sinh. Ba đức tính ấy sống động và hòan hảo nơi môi trường Thánh Gia Thất, là bài học về cuộc sống gia đình, mà qua muôn thế hệ, Thiên Chúa muốn cho con người noi theo. Không riêng những người sống trong bậc hôn nhân, vợ chồng, mà còn cho tất cả những ai sống đời thánh hiến nữa. Vì người ta nói, gia đình là tế bào của xã hội. Qủa nhiên gia đình tốt đẹp, thì xã hội mới tốt đẹp, gia đình không tốt thì xã hội băng hoại. Vì gia đình là nền tảng của xã hội, muốn vậy, phải được bắt đầu từ cha mẹ. Con cái không thể biết sống tốt, nếu cha mẹ không nhận thức những đức tính cao đẹp của tôn giáo qua Thánh Gia Thất.
Xin cho những bậc làm cha mẹ luôn ý thức giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo. Có rất nhiều gia đình không công giáo, nhưng muốn cho con cái họ được giáo dục trong môi trường công giáo. Có thể nói giáo dục Công Giáo là “Cái nôi“ của xã hội, không riêng gì một quốc gia nào, mà là trên khắp hoàn cầu. Nhiều người trưởng thành một cách đầy đủ về tri thức lẫn nhân cách, không thể phủ nhận nền giáo dục Kitô giáo được trao ban cho họ.
Là thảm họa cho con người một khi từ bỏ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, có biết bao gia đình công giáo thánh thiện nuôi dạy con cái theo tinh thần Thánh Gia, hữu nhiên đã trở thành những Thánh Gia Thất.
Kính lạy Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Cả Giuse xin ban cho con người mọi thời đại biết nhận ra tình Chúa yêu thương họ qua kiếp sống làm Người của Chúa, để nhân loại noi theo hầu làm cho họ biết tôn trọng và xây dựng phẩm giá con người trong môi trường gia đình trước khi ra môi trường xã hội, bằng cách qua nhiệm thể làm Người của Con Thiên Chúa ./. Amen.
28/12/2014
P.Trần Đình Phan Tiến