Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

cn5cgs_nGia đình là hai chữ gợi lên nhiều kỷ niệm êm ấm và yêu thương cho mọi người. Cho dù con người ở khác văn hóa chủng tộc, tiếng nói … gia đình vẫn là cội nguồn, từ đó mọi người được sinh ra. Khi gặp một người mới lạ và muốn làm quen, chúng ta thường tìm hiểu gia đình của họ. Thấy một đứa trẻ ngoan, chúng ta khen “con nhà ai ngoan thế!” Con cái nên người tốt là nhờ giáo dục tại gia đình, vì thế ca dao Việt Nam có câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vấn đề là gia đình công giáo là gia đình như thế nào ?
Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ Thánh Gia là giúp phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh gia để bắt chước các nhân đức của các thành viên thánh thiện trong gia đình Nagiarét nhờ đó gia đình công giáo là gia đình thánh. Giáo hội muốn nêu gương Thánh Gia cho các gia đình công giáo chiêm ngưỡng và bắt chước. Lời nguyện đầu lễ cho thấy Thánh Gia như tấm gương cho mọi gia đình để mọi người biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Thánh Gia cho chúng ta hiểu rằng đời sống gia đình là đời sống hiệp thông trong tình yêu, vẻ đẹp của gia đình là vẻ đẹp tuy kín đáo nhưng cũng đủ sức chiếu sáng tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. 
Nhìn vào xã hội ngày nay, nhiều nền tảng gia đình lung lay, rối loạn và khủng hoảng, khủng hoảng ngay cả trong cơ cấu gia đình. Gia đình không còn chỉ là vợ chồng và con cái nhưng còn có nhiều mẫu gọi là gia đình khác và những mẫu nầy cũng được nhiều xã hội công nhận thí dụ như mẫu hai người nữ hay hai người nam và con cái… Khủng hoảng vì rất nhiều gia đình bị tan vỡ do ly hôn và tái hôn. Khủng hoảng đó tràn qua con cái vì con cái lại là nạn nhân trước tiên của gia đình tan vỡ.
Chính vì thế Giáo Hội lo lắng nhiều cho gia đình nhân loại nhằm cứu vãn hình ảnh gia đình. Ngày lễ Thánh gia là dịp thuận tiện để mỗi người Kitô hữu phải nhìn lại vị trí của mình trong ơn gọi gia đình qua gương mẫu của gia đình Thánh nhờ đó củng cố gia đình trong đức tin và cuộc sống. Vị trí đó có thể là vợ hay chồng, vị trí đo có thể là con cái. Mỗi người cần phải phấn đấu cho sự bền vững và hạnh phúc của gia đình để đây thực sự là tổ ấm cho các thành viên trong gia đình.
Một trong những điều căn bản nơi hạnh phúc gia đình mà nhiều khi người ta quên lãng, tức mỗi thành viên gia đình biết trao tặng tình yêu thương và thời giờ cho nhau. Chúng ta thường mong đợi người khác quan tâm đến những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, nhưng chính chúng ta lại ít khi nhớ tới hoặc để ý tới nhu cầu của những người thân yêu của mình. Tình yêu thương không phải là cho đi cái gì, mà chính là cho đi bản thân mình. Người ta không thể nói là đã cho đi chính mình hay tận hiến nếu người ta còn là nô lệ “cái tôi” ích kỷ nơi chính bản thân mình. Chỉ khi chúng ta biết biến đổi bản thân mình để chấp nhận một cuộc sống yêu thương nơi tương quan vợ chồng, cha mẹ với con cái, chúng ta sẽ thể hiện một sự tận hiến của tình yêu thương. 
Bài Tin Mừng cho chúng ta một hình ảnh của đời sống gia đình, gia đình Thánh. Các Ngài đã chu toàn lề luật Do Thái : “Ðủ ngày thanh tẩy theo luật Môisen, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa… và cũng để dâng lễ vật cho Chúa”. Chính tại nơi đó Thánh Thần Chúa đã tỏ cho ông Simêon và và Anna về ơn Cứu Ðộ của Thiên Chúa đối với dân Người. Cũng tại nơi đây, ông già Simêon đã tiên báo về sự tham gia của Ðức Maria trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu sau này : Gia đình thánh luôn luôn là gia đình làm theo ý Chúa. 
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II thường nhắc nhở chúng ta về sự thánh thiêng của gia đình và đồng thời ngài gọi gia đình là : “Nền tảng của Giáo Hội”. Còn Ðức Phaolô VI gọi gia đình là: “Cung Thánh của Giáo Hội”, là “trường học đầu tiên của con cái, mà cha mẹ là thầy dạy”. Những từ đó cho thấy vị trí đặc biệt của gia đình trong Giáo Hội vì gia đình là Giáo Hội đầu tiên, là nơi tình yêu chung thủy của hai vợ chồng thể hiện như dấu chỉ tình yêu chung thủy giữa Chúa Kitô và Giáo Hội ; gia đình nơi con cháu được Rửa tội qua đức tin của cha mẹ, ông bà. Gia đình còn là trường học đầu tiên, nơi bàn ăn gia đình, các em được học hiểu ý nghĩa của Tiệc Thánh Thể trước khi các em được Rước lễ lần đầu; cũng nơi đó mỗi thành viên gia đình tha thứ cho nhau những lầm lỗi, để cho con cái học hiểu hiệu quả nơi nhiệm tích Hòa giải. Gia đình còn là nơi đặc biệt sống lời Chúa Giêsu đã phán: “ Ðâu có hai ba người hợp nhau cầu nguyện nhân danh Thầy, Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20) 
Như vậy, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, khi mỗi người biết thành tâm tìm kiếm Chúa và phụng sự Ngài, chắc chắn mỗi gia đình sẽ thể hiện được ơn gọi sống Thánh giữa đời của mình, tìm được bình an hạnh phúc cho nhau ở trần gian và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu quê trời. Vì Thiên Chúa luôn là chìa khóa của hạnh phúc nơi cuộc sống gia đình. 
Vì thế, mừng lễ thánh gia chúng ta cầu xin Chúa giúp các bậc cha mẹ luôn là tấm gương của tình yêu chân thành, tình yêu vô vị lợi, của hy sinh, chấp nhận, tha thứ và quảng đại trong cuộc sống hôn nhân nhờ đó con cái có thể lớn lên, khôn ngoan, có ơn nghĩa cùng Thiên Chúa vì chúng đã cảm nhận một bầu khí thánh thiện đạo đức nơi cha mẹ. 
Mừng lễ thánh gia chúng ta cầu xin cho các con cái trong gia đình biết nhìn gương Chúa Giêsu vâng lời khiêm hạ với Ðức Mẹ và Thánh Giuse suốt 30 năm trường dưới mái nhà Nazareth. Sự hiếu thảo, vâng lời và yêu mến cha mẹ tạo niềm vui và hạnh phúc cho cha mẹ. 
Vì thế, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhóm lên ngọn lửa tình yêu để mỗi người biết sống trọn vẹn ơn gọi của mình, để gia đình kitô hữu có hạnh phúc thật như gia đình Nazareth xưa.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

3-11-2024 3-27-45 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên 04/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN