Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Thánh Gia, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Thánh Gia, năm B, của Trầm Thiên Thu

GIA PHONG

GIA PHONG [1]Nước có quốc pháp, nhà có gia phong, đó là luật. Nếu gia phong không vuông tròn thì quốc pháp cũng chẳng ra gì. Giáo dục là việc cần thiết, phải bắt đầu từ gia đình. Luật vị nhân sinh, ngay cả một tổ chức nhỏ như hội đoàn hoặc nhóm cũng cần có nội quy để khả dĩ duy trì, không thể ai muốn sao tùy ý. Nhìn vào nền giáo dục của một quốc gia, người ta có thể biết đất nước đó hưng thịnh hoặc suy tàn!

Gia phong là gì? Đó là nền tảng của gia đình, nền nếp riêng của gia đình, tức là “phong cách gia đình”. Gia phong là “gia thế tương truyền chỉ phong thượng” (gia thế được truyền lại thành phong tục thông thường trong xã hội). Trong Từ điển Hán Việt, học giả Đào Duy Anh định nghĩa: “Thói nhà: tập quán, giáo dục trong gia tộc”. Như vậy, gia phong là thói nhà, là sự khẳng định về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của gia đình và gia tộc về văn hóa lâu dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuân theo, thực hiện một cách tự giác, tạo nên tập quán để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của cộng đồng gia đình hoặc gia tộc.

Trong ca khúc “Ơn Nghĩa Sinh Thành”, một bài hát phổ biến hơn nửa thế kỷ qua, cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhận định: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Người ơi, làm người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, đó mới là hiền nhân. Vì đâu anh nên người tài ba…”. Ca từ đầy tính nhân bản. Kinh thánh dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Hc 3:1-16), và là giới răn thứ tư trong Thập Giới. Còn kinh Phật dạy: “Tột cùng thiện không gì bằng có hiếu, tột cùng ác không gì bằng bất hiếu”.

Khi đề cập gia đình là mặc nhiên nói đến yêu thương, và người ta gọi gia đình là Tổ ấm. Gia đình có đầy ắp tình yêu thương thì mới “ấm áp”, nghĩa là luôn đầy ắp tiếng cười, chan hòa niềm cảm thông và tha thứ; ngược lại, thiếu tình yêu thương thì gia đình sẽ “lạnh lẽo”, không khí ngột ngạt, khó thở – và người ta gọi là “địa ngục trần gian”. Thật vậy, ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa hiện diện. Có Thiên Chúa thì dù gia đình nghèo khó vẫn ấm cúng, vắng Thiên Chúa thì gia đình giàu sang vẫn lạnh lùng.

Kinh Thánh xác định: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân” (Hc 3:3-7). Không chỉ vậy, chính lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho chính mình (x. Hc 3:14). Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa và Giáo hội Công giáo rất tôn trọng chữ Hiếu, ai làm ngược lại là mắc trọng tội, vì “ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3:16). Giáo hội Công giáo quý mến gia đình vì chính Con Thiên Chúa mặc xác phàm cũng sinh sống trong một gia đình, chứ không như người ta lầm tưởng mà cho rằng theo đạo Công giáo thì mất cả tình thân gia tộc.

Chỉ là con người bình thường, nhưng tiền nhân đã yêu quý gia đình, như ca dao Việt Nam ví von: “Con có cha như nhà có nóc – Con không cha như nòng nọc đứt đuôi”. Và có điều chắc chắn: “Dù cho đi hết cuộc đời, Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Cách nói “lời mẹ ru” bao hàm cả người cha, tất nhiên cũng mặc nhiên đề cập ông bà và anh chị em trong gia đình.

Công ơn cha mẹ thật cao vời và bao la, không gì sánh nổi. Cách so sánh “núi Thái Sơn” và “nước trong nguồn” chỉ là để cụ thể hóa cho dễ hiểu. Mỗi thành viên gia đình đều phải cộng tác với nhau để tạo nên một tổ ấm đích thực, một gia đình thánh đức cho hợp với Thánh Ý của Thiên Chúa.

Tv 128 nói về các giá trị gia đình. Giáo hội sử dụng Thánh Vịnh này làm đáp ca trong lễ Thánh Gia: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn” (Tv 128:1-3). Thánh vịnh gia minh định rằng “đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:4). Mỗi thành viên trong gia đình đều liên kết chặt chẽ với nhau.

Kitô hữu là dân thánh của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô nói: “Anh chị em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh chị em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh chị em, thì anh chị em cũng vậy, anh chị em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:12-13). Yêu thương và tha thứ luôn có liên kết với nhau: Tha thứ là thể hiện tình yêu thương, mà yêu thương thì phải tha thứ. Không thể làm cái này mà bỏ điều kia, làm một trong hai chỉ là nói dối.

Thánh Phaolô xác định: “Trên hết mọi đức tính, anh chị em PHẢI có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:15). Thánh nhân dùng động từ “phải”, nghĩa là không thể không thực hiện, không thể tùy ý. Yêu thương là đức ái hoặc đức mến, mà đức mến lại quan trọng nhất trong ba đức đối thần, ngay cả khi vào Thiên đàng rồi cũng vẫn còn và chỉ còn đức mến – không còn đức tin và đức cậy. Thánh Phaolô nói thêm: “Anh chị em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan, anh chị em có làm gì, nói gì thì hãy LÀM hãy NÓI nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:16-17).

Hang đá là nơi tạm trú của một gia đình nghèo nhất thế gian: Thánh Gia. Nhưng Thánh Gia lại là tấm gương sáng chói làm mẫu cho các gia đình. Ai cũng biết vậy, thế nhưng có thể chúng ta chỉ “nghe và biết” mà không triệt để và tích cực áp dụng trong gia đình mình. Do đó, thánh Phaolô nói chi tiết về vai trò và bổn phận của các thành viên trong gia đình: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:18-21). Ai cũng biết trách nhiệm riêng và làm tròn bổn phận mình thì gia đình chắc chắc là một Tổ Ấm thực sự vậy.

Người ta ví gia đình như con thuyền lênh đênh trên “biển đời”, có lúc sóng yên biển lặng, nhưng có lúc lại đầy cuồng phong sóng vỗ. Thánh Gia đã từng như vậy, không chỉ trước khi Chúa Con sinh ra mà vừa sinh ra cũng chẳng yên thân với những người ác – điển hình là ông vua độc ác Hêrôđê. Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho Đức Thánh Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13). Thế nên “gia trưởng” Giuse, người chống mũi chịu sao, liền trỗi dậy để đưa Vợ Con trốn sang Ai-cập ngay giữa đêm tối. Thánh Gia phải lưu trú ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, và cũng là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Mt 2:18). Không gì ngoài Thánh Ý Chúa.

Và rồi ngay sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với Đức Thánh Giuse bên Ai-cập và báo mộng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 3:20). Một lần nữa, Đức Thánh Giuse cũng liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người về đất Ítraen. Thật là vất vả cho Đức Thánh Giuse! Mà cũng chưa yên, vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị phụ vương Hêrôđê và cai trị miền Giuđê, nên Đức Thánh Giuse sợ không dám về đó, đành đưa Vợ Con lui về miền Galilê, đến ở thành Nadarét (Mt 2:21-22). Từ đó, Đức Giêsu nghiễm nhiên trở thành người Nadarét.

Đời là bể khổ nên chẳng ai không khổ, “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34), đủ kiểu và đủ mức. Trong cuộc sống gia đình cũng có loại khổ đặc thù, người cha và người chồng có cái khổ riêng, người mẹ và người vợ có cái khổ riêng, tất nhiên con cái cũng có cái khổ riêng. Ai cũng có bổn phận và trọng trách của riêng mình. Chồng hoặc vợ cũng đều lo cho gia đình và con cái, và cũng là lo cho hạnh phúc của riêng mình, đừng vì lý do gì mà “tị nạnh” hoặc “chảnh” mà lên mặt và khinh miệt nhau. Trọng trách đó cũng chính là Ơn Gọi mà Thiên Chúa kêu mời để thực hiện trọn vẹn để chính mình nên thánh, đồng thời giúp các thành viên trong gia đình cùng nên thánh theo lệnh của Chúa: “Hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).

Những thứ nhỏ bé thường là những thứ cần thiết. Gia đình là tế bào xã hội, là tế bào cơ bản, để từ đó có những đại gia đình khác là gia đình cộng đồng, gia đình làng xóm, gia đình quốc gia, gia đình nhân loại, gia đình Công giáo,… giống như ADN (acid deoxyribonucleic) phát triển tốt thì cơ thể mới khỏe mạnh, nhưng muốn được vậy thì phải bảo vệ ADN bằng cách sống lành mạnh, để ngăn ngừa tổn hại nhiễm sắc thể, đề phòng tình trạng biến dạng gène.

Cuộc sống gia đình xem chừng đơn giản mà nhiêu khê lắm, thế nên rất cần cảm thông, cởi mở, quan tâm, chia sẻ và tha thứ. Mỗi thành viên gia đình giống như mỗi nhánh của cây, dù có trưởng thành và phát triển theo các hướng khác nhau, nhưng cội nguồn vẫn chỉ có một gốc mà thôi.

GIA PHONG [2]Năm nay, Giáo hội Việt Nam đặt tiêu chí mục vụ là “đồng hành cùng các gia đình trẻ”. Khởi đầu một gia đình là việc không đơn giản, khó khăn về nhiều thứ, cần phải đồng lao cộng khổ để dìu nhau đi hết “con đường tình yêu và hôn nhân”. Một cách nói đùa nhưng thâm thúy: “Hưởng TRĂNG MẬT rồi bị DẬP MẬT”. Tình yêu là thơ mộng (vừa nên thơ vừa đẹp như mộng), phải cố gắng đừng để cho hôn nhân là vỡ mộng. Hãy phân biệt: Mật đắng (mật gấu, gall hoặc bile) khác với mật ngọt (mật ong – honey, mật đường – treacle). Tương tự, mộng mị cũng có mộng lành và mộng dữ (ác mộng, ảo mộng).

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã cho chúng con được gọi Ngài là Cha và được trở nên thành viên trong Đại Gia Đình của Ngài, xin giúp chúng con luôn biết noi gương Thánh Gia để có thể kiến tạo hòa bình và công lý, xây dựng văn minh tình thương, văn hóa sự sống. Chúng con cầu xin nhân danh Vương Nhi Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

+ Thánh Ca NHỚ ƠN: https://www.youtube.com/watch?v=z7mv90f5q6Q

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …