CHIẾC NÔI YÊU THƯƠNG
Hang đá Belem nghèo khó về vật chất nhưng giàu có về tinh thần, với hình ảnh tiêu biểu đặc biệt: Gia Đình Yêu Thương. Tác giả Burton Hillis (1915-1977, người Mỹ) nhận định:“Tặng phẩm đẹp nhất quanh bất cứ cây Noël nào: sự hiện hữu của một gia đình hạnh phúc, mọi người gắn bó với nhau – The best of all gifts around any Christmas tree: the presence of a happy family, all wrapped up in each other”. Gia đình như thế mới thực sự là Tổ Ấm đúng nghĩa, xứng đáng là nhân chứng về lòng thương xót của Chúa Ba Ngôi.
Mỗi thành viên trong gia đình giống như mỗi nhánh cây trên một cái cây vậy. Dù mỗi thành viên có trưởng thành ở các mức độ khác nhau và thành công ở các hướng khác nhau, cội nguồn duy nhất vẫn chỉ là MỘT mà thôi.
Gia đình là “tế bào gốc” của xã hội, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, là chiếc nôi yêu thương, là nơi linh thiêng, là bản tổng phổ hòa âm hạnh phúc bằng những cung bậc yêu thươnglồng trong giai điệu ngọt ngào, hằng ngày vẫn được ngân vang đến vô tận…
Gia đình là hiện thân của hạnh phúc, vì gia đình là nơi chốn yêu thương. Không yêu thương thì không là gia đình. Gia đình là “tam giác đều” của mối liên kết Cha-Mẹ-Con. Trong đó có sự tổng hòa các mối quan hệ tình cảm nền tảng: Tình phu thê, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ, tình tỷ muội. Thomas Fuller (1608-1661, tác giả nổi tiếng người Anh) nói: “Lòng nhân ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc ở đó” (Charity begins at home, but should not end there). Và có thể nói rằng “gia đình là vườn ươm các nhân đức”.
Giáo Hội dùng lời Kinh Thánh để làm Ca Nhập Lễ hôm nay, ý nói ngay đến khung cảnh một gia đình: “Các mục đồng hối hả tới nơi gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Trong đó, danh từ kép “gia đình” không được nói tới nhưng chúng ta vẫn khả dĩ nhận biết đó là một gia đình, đơn sơ, giản dị, nghèo nàn, nhưng tràn đầy hơi ấm yêu thương của mỗi thành viên.
Thiên Chúa hạ mình đến tận cùng, chấp nhận giáng sinh nghèo khó hơn người thường và có cha mẹ, để nêu gương cho chúng ta. Nói về bổn phận con cái, sách Huấn Ca xác định: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân” (Hc 3:3-7). Thờ cha, kính mẹ là giữ đạo hiếu đời thường, là “luật sống” của xã hội loài người, nhưng cũng chính là giới răn thứ tư trong Thập Giới mà Thiên Chúa đã truyền dạy qua ông Môsê.
Kinh “Tăng Nhất A Hàm”của Phật giáo dạy về đạo Hiếu: “Cung kính và vâng lời cha mẹ, phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu, giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời”; còn kinh “Nhẫn Nhục”so sánh cụ thể: “Tột cùng thiện không gì bằng có hiếu, tột cùng ác không gì bằng bất hiếu”. Điều đó cho thấy rằng đạo Hiếu rất quan trọng với những người làm con.Chắc chắn không ai không làm con, vì ai cũng có cha và mẹ.
Đạo Hiếu là đạo làm người, không riêng tôn giáo nào. Trong Công giáo, Kinh Thánh cũng đề cập chữ Hiếu. Sách Huấn Ca nói chi tiết: “Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 3:14-15). Con cái thảo kính cha mẹ không chỉ là làm bổn phận, mà còn được Thiên Chúa tha thứ và chúc phúc. Nhất cử lưỡng tiện.
Tuy nhiên, cũng có luật “bù trừ” đối xứng, và thật khốn nạn cho những nghịch tử: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3:16). Chúa Giêsu đã nêu gương ngoan ngoãn và hiếu thảo: Sau khi Đức Maria và Đức Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy trong Đền Thờ, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51).
Lời khuyên nhủ trong sách Huấn Ca nhẹ nhàng và đơn giản nhưng rất thâm thúy: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng” (Hc 3:17). Rõ ràng rất hữu ích. Lợi chứ không hại, mà còn lợi ích theo lũy thừa, theo cấp số nhân chứ không chỉ là cấp số cộng. Kỳ diệu vô cùng!
Như đã nói, ai cũng có một gia đình – dù nhỏ hay lớn. Và chắc chắn cũng ít nhiều nhận ra rằng gia đình là sự đoàn kết chặt chẽ của “bộ ba”, như kiềng ba chân vững bền. “Bộ ba” đó là hình ảnh của Đấng Tam Vị Nhất Thể (Chúa Ba Ngôi), thể hiện động thái lan tỏa yêu thương, chứng tỏ sự kính yêu Thiên Chúa. Thánh Vịnh đã mô tả: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:1-4). Đó là hoa trái của Cây Yêu Thương trồng giữa Vườn Gia Đình. Thật là tuyệt vời, vì hình ảnh sống động và đẹp biết bao!
Người ta gọi là tổ ấm – chứ không là tổ lạnh, nghĩa là gia đình phải thực sự là nơi hạnh phúc, phải đầy ắp tiếng cười, sống thoải mái, tự nhiên,…Có vậy mới xứng đáng tận hưởng lời cầu chúc này: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6).
Con Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình, và Thiên Chúa cũng đặt mỗi chúng ta trong một gia đình – với ơn gọi chung. Thánh Phaolô nói: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12-14). Bất kỳ cái gì “được nhận” đều là ân huệ, dù là điều nhỏ nhoi, và tất nhiên người nhận phải có trách nhiệm và sống sao cho xứng đáng. Đó là lẽ công bằng minh nhiên thôi!
Đúng như vậy, và chắc chắn như thế. Thánh Phaolô vừa cầu chúc vừa giải thích rạch ròi: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú” (Cl 3:15-16a).
Được nhiều sẽ bị đòi nhiều. Luật công bằng. Tuy nhiên, biết được điều gì thì phải chia sẻ cho người khác cùng biết, không thể giữ làm “của riêng”. Chia sẻ là yêu thương, đồng thời cũng là một dạng “dạy dỗ” hoặc “giáo dục”. Ai cũng có quyền này, đồng thời cũng là trách nhiệm: “Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:16b-17). Vấn đề là thực hiện vì danh Chúa Giêsu, chứ không phải để mình được khen tặng, được nổi trội. Người giỏi là người có ơn gọi tiên tri (ngôn sứ), phải sinh lời “nén” đó, càng nhiều càng tốt, chứ không thấy vậy mà “chảnh”, vì Chúa sẽ “đòi” phần lời của người đó. Đừng tưởng bở!
Với lòng chân thành, Thánh Phaolô khuyên riêng từng thành viên trong gia đình: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:18-21). Như một tam-giác-đều, các cạnh và các góc đều liên quan lẫn nhau, không thể tách rời.
Chúng ta có thể nói rằng chẳng gia đình nào khốn khổ như Thánh Gia, thiếu thốn đủ thứ, gian nan trăm bề, căng thẳng đủ thứ, nạn này chưa qua thì tai khác lại tới – như chúng ta thường nói là “họa vô đơn chí”. Thật vậy, khi các nhà chiêm tinh đã ra về, sứ thần Chúa lại hiện ra báo mộng cho ông Giuse mau thức dậy mà đem vợ con trốn sang Ai-cập, rồi cứ ở đó cho đến khi được báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi (Mt 2:13). Mẹ tròn, con vuông là vui rồi, có nghèo cũng được. Thế nhưng sóng đời cứ vỗ, con thuyền gia đình cứ tròng trành đủ kiểu. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Khổ ơi là!
Vẫn cứ tưởng được yên ổn, ai ngờ… Số kiếp Đức Thánh Giuse lận đận hết sức, không phải hồng nhan mà bạc phận quá trời. Vừa nghe báo hung tin như vậy, biết sự nguy hiểm cận kề, Chú Giuse nhà ta liền trỗi dậy, và dù đang đêm tối đen như mực, Chú vẫn đưa Vợ và Con vội vã trốn sang Ai-cập. Và rồi Thánh Gia ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Mt 2:18). Một chân lý diệu kỳ:Gian nan và đau khổ cũng vẫn là hồng ân. Lạ thật!
Người ta thường ví von: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Quả đúng “đời là bể khổ” thật! Cuộc đời cũng như một bộ phim dài nhiều tập, hết tập này thì đến tập khác. Thánh sử Mát-thêukể tiếp: Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2:20). Lần báo tin này là hỉ tín. Ôi, tiếng thở phào sao mà nhẹ nhàng biết bao! Sau cơn mưa trời lại sáng. Chả mong gì hơn, Chú Giuse liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên Chú Giuse sợ không dám về đó, nên lui về miền Ga-li-lê, và đến định cư tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét” (Mt 2:23).
Chúng ta đang sống trong năm Phúc Âm hóa gia đình, theo chu kỳ mục vụ được HĐGMVN đề ra. Ước gì mỗi thành viên gia đình đều sống đúng vai trò của mình để khả dĩ tạo nên một Tổ Ấm đích thực. Ước gì mỗi gia đình đều là bản Trường Ca Yêu Thương không ngừng hòa tấu vang dội hằng ngày, đó là một cách sống động để tích cực truyền giáo và làm chứng nhân của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).
Lạy Thiên Chúa, xin giúpchúng con biết sống đúng chức năng và bổn phận của mình theo đúng Thánh Ý Chúa trong từng hoàn cảnh thực tế hiện tại của cuộc đời, để tất cả đều làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU