Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia năm A của LM. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia năm A của LM. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

NHÌN VỀ MỘT HƯỚNG

Những cơn sóng gió

Một gia đình suýt tan rã

Đêm Giáng Sinh, nhìn vào “Hang Đá”, ai cũng cảm nhận được hình ảnh thật “an bình” của Thánh Gia. Thánh Giu-se, Mẹ Maria đang âu yếm nhìn Chúa Giê-su Hài Đồng. Nhưng bình an không “bổng dưng” đến, đã từng có sóng gió suýt làm gia đình này tan rã. Khi chàng Giu-se chưa hiểu vì sao cô gái hiền ngoan trinh trắng Maria lại có thể mang thai khi chàng chưa hề chung sống. Lẽ nào lại như thế ? Lẽ nào lại không như thế ? Lẽ nào có thể bao che chấp nhận một điều vượt quá sức chịu đựng của thường tình con người. Lẽ nào có thể nhìn Maria bị ném đá vì vượt qua vòng lễ giáo ? Thật may mắn cho Giu-se, có thể nhờ tấm lòng chân thật, công chính, Giu-se được mạc khải mầu nhiệm qua thiên thần về bé Giê-su, Đấng Cứu Thế, đang hiện diện ở trần gian trong cung lòng cô gái Maria.

“Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”(Mt.1,20-21).

Bản đồ Ít-ra-en ngày nay (WEST BANK – màu xanh – thuộc Palestin)

Lưu lạc nơi xứ lạ quê người

Khi vua Hê-rô-đê tìm cách giết hài nhi, Thánh Gia đã phải nương thân nơi xứ lạ quê người. Đó là hình ảnh đầu tiên con người muốn loại trừ Đấng Cứu Thế.

Sóng gió đến quá sớm đối với Đức Giê-su Ki-tô : ngay khi còn là hài nhi bé nhỏ.

Hình ảnh Thánh Gia vượt vạn dặm đường xa vào lúc “đang đêm” cho ta cảm nhận được sự gian nan và nguy hiểm mà Thánh Gia phải đương đầu trước lòng thâm độc của vua Hê-rô-đê. [1].

Ai đã từng vượt biển băng đồng để tìm tự do và  bình an đích thực như lòng mình mong ước đều hiểu được thế nào là những hiểm nguy và cái giá phải trả.

Hành trình của Thánh Gia với phương tiện di chuyển thô sơ của thời buổi ấy ta có thể hình dung gian khổ đến thế nào.

Đi đến xứ người rồi quay trở về, cuộc hành trình thật đơn độc và cũng không ít lo âu.

Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét (Mt.2,22).

Những điều chưa thấu hiểu…

Khi cậu bé Giê-su ở lại Giê-ru-sa-lem trong chuyến thánh gia hành hương về thánh đô [2], cho thấy rõ có những khó khăn trong sự gìn giữ bình an trong gia đình thánh thất. Dù được mạc khải Hài Nhi  Giê-su là Đấng Cứu Thế, Giu-se và Maria, trong nhận thức thường tình của con người, vẫn chưa thể hiểu nổi về Đấng Cứu Thế một cách trọn vẹn được.  

Thấy Ngài, ông bà thất kinh, và mẹ Ngài nói cùng Ngài: “Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ đã đau khổ tìm con!”  Nhưng Ngài đáp: “Tại sao cha mẹ tìm con, mà không biết con phải lo việc của Cha con sao ?“. Và ông bà không hiểu lời Ngài nói với mình.(Lc.2,41-51).

“Con còn phải lo việc của Cha con”(Lc.41-51) –  Từ Bê-lem đến Thập Giá, khi mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh chưa hoàn tất, không ai có thể hiểu nổi Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa, và như thế, cũng có nghĩa là chưa thể nhận ra một các tỏ tường thánh ý của Thiên Chúa.

21Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. 22Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” 23Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vìtư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”(Mt.16,21-23).

Nhưng cuộc hành trình Đức Tin của Thánh Gia không bao giờ dừng lại. Một mái ấm gia đình ở Na-da-rét luôn hướng về “tư tưởng của Thiên Chúa” chứ không phải buông trôi theo “tư tưởng của loài người”.

Ở Na-da-rét, cho đến khi sứ mạng của thánh Giu-se đã hoàn thành, và cho đến khi Mẹ Maria đón nhận mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Giê-su, Gia đình Thánh Thất bình an vì luôn nhìn về thánh ý Thiên Chúa, như Chúa Giê-su luôn vâng thánh ý Chúa Cha, để hoàn tất Chương Trình Cứu Độ. “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt.1,23). Ngài ở trong gia đình nhân loại, Ngài ở trong gia đình của Ngài.

Rồi Ngài đã theo cha mẹ về Naxaret, và hằng vâng tùng phục ông bàCòn mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều ấy trong lòng” (Lc 2, 41- 51). 

Nhìn về một hướng

Thánh Gia Thất là Gia Đình Thánh vì tất cả mọi thành viên trong gia đình đều vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Sự bình an của Thánh Gia Thất là bước đi trong ánh sáng Đức Tin và lắng nghe Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Cần lặp lại nơi đây, Đêm Giáng Sinh, nhìn vào “Hang Đá”, ai cũng cảm nhận được hình ảnh thật “an bình” của Thánh Gia. Thánh Giu-se, Mẹ Maria đang âu yếm nhìn Chúa Giê-su Hài Đồng. Chúa Giê-su, trung tâm của Thánh Gia Thất, vì Ngài là mẫu mực của sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa. Đức Giê-su ban tặng bình an, sự bình an không phải theo kiểu nhân loại, mà là sự bình an của Thiên Chúa.

“Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Ki-tô ban tặng bình an, và ước chi lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em” (Cl.3,15a.16a).

Exupéry nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng”. Câu nói ấy đã trở nên như một châm ngôn cho tình yêu chân chính.

Ngày nay, càng lúc càng có nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ, vì khi yêu, người ta chỉ “nhìn nhau” để tìm nơi bạn mình điều có lợi cho mình. Không phải “nhìn nhau” để quan tâm chăm sóc, phục vụ, nâng đỡ nhau mà “nhìn nhau” để khai thác lợi lộc cho bản thân, cái nhìn ích kỷ.

Tình yêu không thể tồn tại nếu tình yêu đó không phải là tình yêu từ suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa. Không phải là tình yêu từ suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa, con người không thể sống vị tha, bao dung, tận tụy phục vụ cho nhau và vì nhau được.

Đức Giê-su Ki-tô là trung tâm của Thánh Gia Thất. Ngài hướng Thánh Gia về Thánh Ý Thiên Chúa.

Đức Ki-tô là trung tâm của nhân loại. Ngài dẫn dắt “đại gia đình nhân loại” sống yêu thương huynh đệ và cảm tạ Thiên Chúa là Cha.

“Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl.3,17).

Gương sáng của Thánh Gia Thất cho mọi gia đình, đoàn thể, cho quốc gia, cho đại gia đình nhân loại, là nền tảng của sự chung sống, được soi rọi nhờ ánh sáng Lời Chúa, là Tình Yêu Huynh Đệ theo thánh ý Thiên Chúa. Là Đức Tin, nguồn sống cho con người.

Lạy Chúa,

Xin cho mọi gia đình bền vững
Biết Noi theo gương Thánh Gia Thất
Luôn  nguyện cầu tìm hiểu Thánh Ý Chúa.

Xin cho Đại Gia Đình Nhân Loại 
Biết nhìn về Ánh Sáng Lời Chúa
Thực thi bác ái huynh đệ

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng
Bình an cả và thiên hạ
Hôm nay và mãi mãi đến muôn đời. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …