Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng lễ Thánh Gia năm A 2013 của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Suy niệm Tin Mừng lễ Thánh Gia năm A 2013 của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Lễ Thánh Gia nhắc chúng ta nhớ đến thời thơ ấu thầm lặng của Đức Giê-su, dưới mái ấm gia đình của thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Đây là mẫu gương của tất cả mọi gia đình.

Lễ Thánh Gia nhắc chúng ta nhớ đến thời thơ ấu thầm lặng của Đức Giê-su, dưới mái ấm gia đình của thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Đây là mẫu gương của tất cả mọi gia đình.

Hc 3: 3-7, 14-17a

Nhà hiền triết Do thái, ông Si-rác, khuyên con cái phải có lòng thảo kính cha mẹ, nhất là khi các ngài đã già yếu.

Cl 3: 12-21

Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Cô-lô-sê thực hành trong cộng đoàn, nhất là trong gia đình các nhân đức như là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, yêu thương, đó là những mối dây liên kết tuyệt hảo.

Mt 2: 13-15, 19-21

Tin Mừng Mát-thêu tường thuật việc thánh Giu-se được mộng báo vội vả ban đêm đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập để tránh bàn tay sát máu của bạo chúa Hê-rô-đê.


BÀI ĐỌC I (Hc 3: 3-7, 14-17a)

Vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, một nhà hiền triết Do thái, ông Si-rác, mở trường dạy học và ghi lại những thành quả kinh nghiệm và suy tư của ông. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Do thái và được cháu ông dịch sang Hy ngữ vào năm 150 trước Công Nguyên.

Tác phẩm này là một thủ bản đạo đức thực hành của người Ít-ra-en muốn trung thành với đức tin của cha ông mình, không để cho mình bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa dân ngoại chung quanh, đặc biệt là sức hấp dẫn của sự khôn ngoan Hy lạp. Sách ông bàn đến nhiều chủ đề đa dạng, được tô điểm bởi những thành ngữ rất dể nhớ, và rất được Do thái giáo mến chuộng. Giáo Hội sử dụng sách này đến mức sách có biệt danh là “Giảng Viên”.

Tác giả cho thấy mình rất gắn bó với Lề Luật; theo ông, Lề Luật là nguồn mạch của mọi sự khôn ngoan. Trong chương 3, ông Si-rác khai triển một trong những huấn lệnh của Thập Giới, liên quan đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20: 12; Đnl 5: 16).


1. Lòng hiếu thảo mang chiều kích phổ quát:

Bổn phận thảo kính cha mẹ thuộc vào những truyền thống rất lâu đời của các nền văn hóa, được các tôn giáo và triết học ca tụng. Những lời khuyên của nhà hiền triết Ít-ra-en rất gần với những bản văn cổ của các nền văn hóa lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ và Hy-lạp. Ở Việt Nam, lòng thảo kính của con cái đối với cha mẹ được đề cao là “đạo hiếu” và được truyền tụng trong những câu thành ngữ cao dao, ví dụ như: “Công cha như núi Thái Sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha; cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Như vậy, tấm lòng thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ mang chiều kích phổ quát.


2. Lòng hiếu thảo mang chiều kích siêu việt:

Huấn lệnh Thập Giới về lòng hiếu thảo không chỉ thuộc về trật tự tự nhiên, nhưng cũng là chương trình của Đấng Sáng Tạo. Đời sống gia đình ở Ít-ra-en không chỉ nhằm lưu truyền nòi giống của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng cũng truyền đạt từ thế hệ này đến thế hệ khác đức tin của cha ông vào một vị Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tỏ mình ra. Chính vì Thiên Chúa này “làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con” (Hc 3: 2); chính Ngài ban những phúc, lộc, thọ cho con cái có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mình.


3. Những ân ban cho tấm lòng hiếu thảo:

“Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ”, đây là lời chúc phúc truyền thống nhất, cuộc sống trường thọ được xem là quý giá nhất vào thời đó, thời mà những niềm hy vọng ở bên kia nấm mồ đã chưa được biết đến ở Ít-ra-en.

Ngạc nhiên hơn nữa là lời hứa: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm”; cũng như “Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (kho báu ơn tha thứ của Thiên Chúa). Cách diễn tả này tương tự với câu 14:“Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con”.

Trong Do thái giáo của thời hậu lưu đày, người ta rất nhạy bén trước khái niệm tội lỗi và rất bận tâm đến sự thanh sạch nội tâm. Ông Si-rác thuộc vào những thế hệ này, họ gẫm suy giáo huấn của các ngôn sứ, vì thế, ông cũng đề cao việc thực hành các nhân đức hơn việc tế tự bên ngoài; về phương diện này ông còn đi xa hơn khi xem việc thực hành lòng hiếu thảo của Huấn Lệnh Thập Giới như đồng giá trị hy tế xá tội. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra một sự khác biệt: trong khi các ngôn sứ đặc biệt bận lòng đến ơn cứu độ tập thể, các nhà hiền triết quan tâm hơn đến ơn cứu độ cá nhân.

Sau cùng, chúng ta nên ghi nhận rằng nhà hiền triết cẩn thận trích dẫn những nghĩa vụ không chỉ đối với cha mà còn đối với mẹ nữa. Phải nói rằng đây là một trường hợp họa hiếm trong Cựu Ước, ở đó thường là chỉ mình người cha được kể ra.

BÀI ĐỌC II (Cl 3: 12-21)

Như thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô, thư gởi tín hữu Cô-lô-sê được thánh Phao-lô viết khi thánh nhân bị giam cầm giữa năm 61-63 sau Công Nguyên.


1. Bối cảnh:

Thành Phố Cô-lô-sê, được định vị ở Tiểu Á, cách thành phố Ê-phê-sô khoảng 200 cây số về hướng đông. Ở thành phố Cô-lô-sê này đã thấy xuất hiện một cộng đoàn Ki tô hữu, được một người bạn đồng hành và môn đệ của thánh Phao-lô thiết lập. Những giáo lý sai lạc, những suy luận về các quyền năng của của các thiên thần, những lối sống khắc khổ, những khuynh hướng Do thái giáo, gây nguy hiểm cho niềm tin của cộng đoàn non trẻ này. Thánh Phao-lô đang bị cầm tù nên không thể đích thân đến tận nơi được, vì thế ngài gởi một bức thư cho các tín hữu Cô-lô-sê. Trong thư này, thánh nhân tập trung giáo huấn của ngài vào Đức Ki tô và quy chiếu cuộc đời Ki tô hữu vào điểm cốt yếu: sống kết hiệp với Đức Ki tô, noi gương Đức Ki tô, thực hành đức ái và các nhân đức hằng ngày.

Vào ngày lễ Thánh Gia hôm nay, đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-lô-sê này mời gọi chúng ta suy gẫm về đời sống gia đình: “Hãy có lòng xót thương, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau”.


2. Giáo Huấn:

Đức ái Ki tô giáo là nguồn mạch của sự hiệp nhất và bình an trong cộng đoàn, huống chi trong cộng đoàn nhỏ bé của gia đình, ở đó tình yêu phải là “mối dây liên kết tuyệt hảo”. Theo thói quen của mình, thánh nhân mời gọi các tín hữu “để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng”.

Đoạn trích kết thúc với vài nguyên tắc đặc thù về những bổn phận giữa vợ và chồng, và giữa cha mẹ và con cái, mà thánh Phao-lô khai triển trong thư gởi cho các tín hữu Ê-phê-sô 5: 21-32. Chúng ta nên nhớ rằng lời khuyên “người làm vợ hãy phục tùng chồng” được đặt vào trong nền văn hóa của thời đại đó, như nền văn hóa cổ truyền Việt Nam chúng ta: đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam trước đây được quy định bởi “tam tòng”“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.


TIN MỪNG (Mt 2: 13-15, 19-23)

Chỉ một mình thánh Mát-thêu thuật lại chuyện tích “trốn sang Ai-cập”. Sự kiện này là rất có thể. Cơn ghen tức điên loạn của vua Hê-rô-đê đối với bất kỳ đối thủ nào tranh giành ngai vàng với ông, dù đó là một trong những người con của vua: nhà vua đã ra lệnh giết chết ba trong số các con ông. Bạo chúa này sợ bóng sợ vía trước bất kỳ quyền lực nào, dù nhỏ bé mấy đi nữa: quyền lực của các thượng tế làm ông phẩn nộ: ông đã truất phế nhiều thượng tế và đã ra lệnh dìm chết một trong các thượng tế trong bể nước thành Giê-ri-cô. Vào lúc hấp hối, ông còn dự kiến bãi bỏ nhiều thân hào nhân sĩ: ông bảo họ tập họp trong hý trường Giê-ri-cô và ra lệnh giết họ vào luc ông băng hà. Cuộc thảm sát các hài nhi Bê-lê-hem chắc hẳn được ghi vào trong danh sách của những cơn điên loạn sát máu này. Thánh Giu-se được báo mộng là đem Hài Nhi Giê-su trốn sang Ai-cập để thoát khỏi bàn tay sát hại của vị bạo chúa này.


1. Lánh nạn sang Ai-cập:

Ai-cập là vùng đất ẩn náu truyền thống. Vào thời các Tổ Phụ, chính Gia-cóp, trong thị kiến ban đêm, lên đường đi Ai-cập (St 46: 2-5); vào thời các vua, chính Gia-róp-am trốn sang Ai-cập để thoát khỏi cơn thịnh nộ của vua Sa-lô-mon và ở lại đó “cho đến khi vua Sa-lô-mon qua đời” (1V 11: 40). Vào lúc vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, chiếm thành Giê-ru-sa-lem, những cuộc hành hình và những cuộc phát lưu làm dân chúng sợ hãi: “Toàn dân từ nhỏ đến lớn, cũng như những tướng lãnh chỉ huy các toán quân, lên đường sang Ai-cập vì sợ người Can-đê” (2V 25: 26).

Sau cùng những cuộc nghiên cứu mới đây đã cho phép khám phá trong văn chương kinh sư thuộc thế kỷ thứ nhất vài bản văn ăn khớp với câu chuyện của Mát-thêu.


2. Mộng báo:

“Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se”. Giấc mơ là một trong những cách thức cổ điển Thiên Chúa truyền đạt những huấn thị cho con người. Đây là phương thức kín đáo tránh một cuộc thần hiện kỳ diệu. Người ta gặp thấy những mộng báo trong sách Sáng Thế và sách Công Vụ Tông Đồ (chưa nói về các Tin Mừng Thời Thơ Ấu).


“Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại…”
. Thánh Mát-thêu luôn luôn có trong tâm trí mình những bản văn Kinh Thánh. Vì thế, thánh ký mô phỏng ít nhiều câu chuyện của mình theo giấc mộng của tổ phụ Gia-cóp:“Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên” (St 46: 2-5). 

Thánh Giu-se, gia trưởng, đảm nhận trách nhiệm bảo vệ Hài Nhi Giê-su và mẹ Người, vì thế, khi được báo mộng, thánh nhân vâng lời huấn thị của Thiên Chúa ngay lập tức, không một chút chậm trể. Ông đem Hài Nhi và mẹ Người lánh sang Ai-cập: Bê-lê-hem cách Ai-cập khoảng một trăm cây số. Vào lúc đó, việc vượt biên giới sang Ai-cập không có khó khăn, vì Ai-cập, như miền Giu-đê, năm dưới quyền thống trị của đế quốc Rô-ma.

Việc gia đình thánh lưu lại ở Ai-cập khoảng độ vài tháng. Quả thật, người ta không biết niên biểu chính xác ngày sinh của Đức Giê-su: hoặc vào năm thứ sáu, hoặc vào năm thứ năm trước Công Nguyên. Nhưng người ta biết chính xác ngày vua Hê-rô-đê qua đời: tháng ba năm thứ tư trước Công Nguyên, vì sử gia Do thái, Flavius Josephus (35-95 sau Công Nguyên) thuật lại cái chết của vua Hê-rô-đê và còn nói thêm rằng cái chết này đã đi theo cuộc nguyệt thực: ấy vậy các nhà chiêm tinh xác định cuộc nhật thực này vào ngày 12 tháng 3 năm thứ tư trước Công Nguyên.

Sự kiện vua Hê-rô-đê ra lệnh sát hại các hài nhi Bê-lê-hem từ hai tuổi trở xuống chỉ cho thấy một khoảng thời gian ngắn, vì thế, thánh Giu-se, Đức Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su lưu lại ở Ai-cập không lâu lắm. Thánh Mát-thêu để cho hiểu rằng ngay sau cái chết của vua Hê-rô-đê, thánh Giu-se lại lên đường trở về, bởi vì chỉ khi đến Giu-đê, thánh nhân mới biết rằng Ác-kê-lao kế vị vua cha.


3. “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”:

Như vậy sấm ngôn được ứng nghiệm: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Đây là sấm ngôn của Hs 11: 1 (thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên). Tước hiệu “con” trong lời sấm này chỉ dân Ít-ra-en. Thánh Mát-thêu cá nhân hóa tước hiệu này; nỗi bận lòng chính yếu của thánh ký trong các chuyện tích thời thơ ấu là nhằm chứng tỏ rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.


4. Cuộc hồi hương:

Thánh Giu-se lại được báo mộng, lời báo mộng này được diễn tả theo cùng những từ ngữ như cuộc báo mộng đầu tiên: Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”.

Những hồi cố Kinh Thánh thì hiển nhiên: Đức Chúa đã phán với ông Mô-sê khi ông lánh sang miền Ma-đi-an: “Đi đi, hãy trở về Ai-cập, bởi vì mọi kẻ tìm cách làm hại mạng sống ngươi đã chết cả rồi. Ông Mô-sê đem vợ và con cái đi theo…và trở về đất Ai-cập” (Xh 4: 19-20).

Rõ ràng thánh Mát-thêu nghĩ đến bản văn này mà thánh ký đã không thể nhịn được khi đặt ở số nhiều: “những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” trong khi chỉ có một mình vua Hê-rô-đê qua đời. Đây là một dấu chỉ nữa thánh Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi là Mô-sê của thời đại mới.

Tuy nhiên, những cuộc ra đi và trở về được mô tả thì đảo ngược: ông Mô-sê trở về Ai-cập trong khi thánh Giu-se rời bỏ xứ này. Mặt khác, ông Mô-sê là một thanh niên trong khi Đức Giê-su là một hài nhi. Tuy nhiên, thực tại sâu xa thì cũng như nhau. Ông Mô-sê trở về Ai-cập để giải phóng dân Chúa khỏi cảnh đời nô lệ. Đức Giê-su trở về Ít-ra-en để thực hiện một cuộc giải thoát mà cuộc giải phóng của ông Mô-sê chỉ là một dấu chỉ…

Đức Giê-su đã kinh qua giai đoạn ở Ai-cập: sau này Ngài sẽ kinh qua giai đoạn trong hoang địa: có thể nói, Ngài đã thu tóm ở nơi bản thân Ngài lịch sử của dân tộc Ngài; Ngài là dân Ít-ra-en mới, mà Ngài đảm nhận trên mình vận mệnh dân tộc Ngài.

Đức hạnh của thánh Giu-se đáng để suy gẫm ở đây. Khi đảm nhận trách nhiệm cho Đức Ma-ri-a và Hài Nhi một mái ấm gia đình, thánh Giu-se chuốc lấy những nguy hiểm của một hoàn cảnh đặc biệt: thánh nhân đã luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng phục vụ ý định của Thiên Chúa, trong bóng tối mầu nhiệm.


5. “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”:

Cả hai phần chuyện tích đều kể ra tước hiệu được áp dụng cho Hài Nhi, thậm chí hai tước hiệu đều không được minh giải. Tước hiệu đầu tiên được áp dụng cho Hài Nhi là “Con Thiên Chúa”; tước hiệu thứ hai là “người Nada-rét”.

Ấy vậy, trong sách Công Vụ Tông Đồ, những Ki-tô hữu được những đối thủ của họ gọi là“phái Na-da-rét” (Cv 24: 5). Có một sự khinh bĩ rõ ràng ở nơi danh xưng này. Chắc hẳn thánh Mát-thêu muốn nêu bật sự khiêm hạ của tước hiệu được ban cho Đức Giê-su. Na-da-rét là một làng quê vô danh, chẳng có tăm tiếng gì đến mức chẳng bao giờ được kể ra trong toàn bộ Cựu Ước.

Tuy nhiên, thánh Mát-thêu xem ra quy chiếu đến một bản văn ngôn sứ nào đó: lời ám chỉ thật mơ hồ và ngay cả việc viện dẫn “các ngôn sứ” đi nữa cũng không quy chiếu đến bất kỳ bản văn chính xác nào. Vì thế, vài người nghĩ rằng thánh Mát-thêu đã tinh tế đối chiếu danh xưng này với từ “na-dia”, thuật ngữ chỉ người được thánh hiến cho Thiên Chúa, như trong sách Thủ Lãnh, ông Sam-son được gọi là “một na-dia của Thiên Chúa” (Tl 13: 5), hoặc với từ “nézer” chỉ “chồi non” từ cội rễ Gie-sê trong Is 4: 1.

Dù thế nào, thánh Giu-se lui về làng quê Na-da-rét nhằm bảo đảm cho thời thơ ấu của con trẻ Giê-su một cuộc sống ẩn dật chứ không một cuộc sống vương đế của một đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít ở kinh thành Giê-ru-sa-lem mà người ta mong chờ. Chúa Giê-su chỉ là một “người Na-da-rét”. Phân tích cho đến cùng, đây có thể là những sấm ngôn về dung mạo khiêm tốn của Người Tôi Trung mà thánh ký hướng lòng chúng ta về.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …