Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 LỄ THÁNH GIA

CHÚA GIÊSU Ở LẠI ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM

(LC 2,41-52)

 

LC 2,41-52I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Maria và Giuse bị lạc Đức Giêsu, không do lỗi các ngài. Nhưng các ngài vẫn đi tìm vì không thể sống thiếu Đức Giêsu. Khi người ta cảm thấy mình khô khan, sầu khổ thiêng liêng, không do lỗi mình, sự ngờ vực, bóng tối hoàn toàn, thì phải xem có phải do lỗi mình không, hay là do Thiên Chúa muốn đào luyện chúng ta (x. Lc 24,28). Cứ đi tìm Người cho đến khi tìm ra Người.

1.Tìm hiểu sự kiện

1.1.Đức Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết

Bằng câu truyện dâng trẻ Giêsu vào Đền Thờ, tác giả Luca cho thấy Đức Chúa đã trở lại theo các lời sấm Cựu Ước mà chiếm lấy Đền Thờ của Người. Bằng câu truyện hôm nay, tác giả cho thấy Người “ngự trị” trong Đền Thờ. Tuy nhiên các ý nghĩa này chìm dưới những truyện rất tầm thường trong đời thường.

Đức Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Người ở lại Đền Thờ, nghe các cuộc đối thoại của các vị thầy, đặt câu hỏi và làm người ta kinh ngạc vì sự khôn ngoan trong các câu trả lời của Người. Ở tuổi 12, khi “ngồi giữa các bậc thầy”, Người đã tự loan báo mình như là người sau này sẽ giảng dạy với uy quyền trong toàn xứ sở và ngay trong Đền Thờ (Lc 19,47–21,38). Nhưng Người cũng đang sống tư cách là “Đức Chúa Hiển Ngự” trong Đền Thánh của Người.

1.2.Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con

Trong khi đó, Maria và Giuse đang trên đường về Nadarét. Sau một ngày đàng, các ngài mới nhận ra là Đức Giêsu không có ở đó, các ngài rất lo lắng. Các ngài phải mất “ba ngày” mới tìm ra Đức Giêsu: ba ngày là khoảng thời gian đi từ cái chết đến cuộc sống lại của Đức Giêsu (“vào ngày thứ ba”); chính Đức Giêsu diễn tả điều đó khi nói là “cần thiết phải”, một công thức được Luca gắn liền với cuộc Thương Khó như sự hoàn tất các sấm ngôn. Khi tìm ra Người, Maria đã bộc phát nói lên một câu hỏi mà cũng là một lời than thở: “Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!”. Đây là một phản ứng bộc phát của một người mẹ đang phải đau khổ và cho biết là bà đã phải đau khổ đến độ nào. Maria ngỏ lời với Đức Giêsu trong tư cách là con. Bà chưa bao giờ thấy và chờ đợi là con có một hành vi như thế. Đức Giêsu, trong tư cách Con Thiên Chúa, hoàn toàn độc lập với mọi người. Sự độc lập này được diễn tả qua thế tương phản giữa từ ngữ “cha con” trên môi miệng Maria và “Cha Con” trên môi miệng Đức Giêsu.

1.3. Tại sao tìm con? lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao

Câu trả lời của Đức Giêsu cũng gây ngạc nhiên như lối xử sự của Người vậy: “thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?”. Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Cha Người”. Cho đến nay, trong Tin Mừng, không có một ai gọi Thiên Chúa như thế cả. Maria đã ngỏ lời với Thiên Chúa như là “Đức Chúa và Thiên Chúa” (Lc 1,46t); Zacaria gọi Thiên Chúa là “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel” (Lc 1,68); Simeon thưa với Thiên Chúa là “Đức Chúa” (Lc 2,29). Cả sau này Đức Giêsu cũng sẽ gọi Thiên Chúa là “Cha” (Lc 10,21; 22,42) và sẽ dạy các môn đệ thưa với Thiên Chúa như thưa với một người “Cha”. Nhưng thiên thần đã loan báo về “Đức Giêsu như là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32)“Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Người ở trong một quan hệ hoàn toàn đặc biệt với Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha Người và Người là Con Thiên Chúa. Hành động đầu tiên của Người mà tác giả ghi nhận là một hành động nhằm diễn tả bí mật thâm sâu đó trong cuộc đời Người. Người biết Người là Con Thiên Chúa và nhất là Người biết rằng Người được liên kết với ý muốn của Thiên Chúa. Trong tư cách là Con Thiên Chúa và trong quan hệ hết sức chặt chẽ với Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi sự vâng lời của Người với ý muốn của Chúa Cha, Người sẽ đi theo đường lối của Chúa Cha.

1.4.Tác giả ghi rằng Maria và Giuse không hiểu các lời ấy

Những lời Đức Giêsu nói đây là một câu nói huyền bí, chẳng giải thích gì cả, cũng chẳng phải để biện minh cho cách xử sự của Người. Những lời ấy chỉ mời Maria và Giuse vượt lên trên bình diện của những lo toan đời thường để gặp bình diện của Thiên Chúa, là nơi mà Người vẫn ở. Ngay cả hôm nay nữa cũng không dễ gì mà hiểu các lời ấy, không những trong các từ ngữ mà cả trong ý nghĩa. Điều này thúc đẩy chúng ta đặt ra các câu hỏi: phải chăng Maria và Giuse không được đi tìm Người? Làm thế nào các ngài có thể hiểu được rằng Thiên Chúa muốn rằng Người phải ở lại trong Đền Thờ? Phải chăng Thiên Chúa lại không muốn điều này được thông tri cho các ngài? Phải chăng ý muốn của Thiên Chúa là cứ bỏ mặc các ngài ba ngày trong tình trạng lưỡng lự và để các ngài phải đi lòng vòng mà tìm Đức Giêsu? Không dễ gì mà trả lời các câu hỏi như thế. Ý nghĩa của biến cố này phải được tìm ra trong chiều hướng này: Maria và Giuse phải trải nghiệm một cách hết sức sâu xa, đau đớn và không thể quên được rằng Đức Giêsu quy phục một quyền bính cao hơn. Tương quan đặc biệt của Đức Giêsu với Thiên Chúa đưa Đức Giêsu đến một lối xử sự có vẻ cứng cỏi không sao hiểu được và có một sự chia cắt đau đớn, do chỗ nó không tương ứng với các chờ đợi của cha mẹ Người. Đức Giêsu sẽ đi theo con đường của Người, con đường đã được Chúa Cha vạch ra từ trước rồi. Kể cả Maria cũng phải chấp nhận con đường ấy như thế. Kể cả bà cũng không được mong là biết ngay mọi sự cách rõ ràng và được khai mở ngay vào mọi sự.

Bà phải làm gì khi bà không hiểu? “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Ghi nhớ điều ấy và chờ đợi, tôn trọng điều ấy và kiên nhẫn, thái độ này là một hình thái đức tin, một hình thái tin tưởng vào Đức Giêsu và vào Thiên Chúa.

1.4.Nơi Chúa Con, Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Sự cố này, được tác giả Luca kể trong khung cảnh những bước khởi đầu của Đức Giêsu là sự cố duy nhất qua đó ta không ghi nhận được các nét vui tươi hân hoan. Con trẻ, đã được đón tiếp với biết bao niềm vui và lời ca ngợi Thiên Chúa, sẽ đi theo con đường vâng phục đối với Chúa Cha. Niềm vui và lời ca ngợi vẫn có giá trị và ngày càng nhận được nền tảng vững chắc và lý hữu vững vàng hơn. Ở đây ta thấy Đấng Cứu thế, Đức Kitô, Đức Chúa, ơn cứu độ của Israel và của mọi dân tộc không là gì khác ngoài Con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn ở lại với chúng ta và cách tốt nhất để thực hiện điều này là sự hiện diện của Con của Người. Nơi Chúa Con, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và không có lý do nào to lớn hơn để mà vui lên nữa. Nhưng ở đây ta cũng thấy rằng chúng ta không thể áp đặt cho Chúa Con nẻo đường Người phải theo, trái lại chúng ta phải chấp nhận con đường của Người, cho dù trong chúng ta phát sinh ra nhiều câu hỏi “tại sao”.[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Thánh gia thất là chuẩn mực chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình. Giuse đích thực là một người cha: sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nadarét.

Maria chính là người mẹ: gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.

Chúa Giêsu là người con thảo hiếu: “hằng vâng phục cha mẹ” Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc “bổn phận ở nhà Cha”.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có thuận hoà, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh Gia chính là lễ của mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia Thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.

Con Thiên Chúa chỉ ra giảng đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nadarét suốt ba mươi năm. Nadarét là trường dạy cầu nguyện dạy lao động, dạy yêu thương. Nadarét là một vùng quê hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm Nadarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng lại rất khác thường.

Một mái ấm luôn chan hoà bầu khí yêu thương và đạo hạnh.

Một mái ấm luôn ngập tràn tiếng cười vui vì hạnh phúc.

Một mái ấm mà các thành viên luôn để ý quan tâm tới nhau

Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.

Mái ấm Nadarét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa Giuse và Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều mời được Chúa đến ở trong gia đình thì chính Người sẽ là dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.

Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên: “hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng hãy thương yêu vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Vì đó là đẹp lòng Chúa ” (Cl 3,21).[2]

Hôm  ấy, một người  đàn ông trạc  độ  bốn mươi, lòng trĩu nặng ưu phiền, kéo lê những bước chân nặng nhọc lên ngọn đồi đan viện để tìm gặp Cha Viện Phụ. Anh nhớ  lại thời gian mới thành hôn mười lăm năm về trước. Hồi  ấy, gia  đình anh lúc nào cũng vang rộn tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng bầu trời hạnh phúc đó đã tan đi như sương sớm dưới sức nóng mặt trời.  Về chung sống với nhau chưa đầy bốn năm, hai vợ chồng đâm ra xích mích kình cãi nhau liên tục. Vợ anh không còn đối xử với anh ngọt ngào như trước, còn anh thì hay bẳn gắt với vợ con, hai cháu trong nhà trước đây ngoan ngoãn bao nhiêu thì giờ đây  đâm ra lười biếng, hỗn hào vô lễ  bấy nhiêu. Từ bấy lâu nay, trong gia đình chẳng mấy khi có tiếng cười, chẳng ai muốn nói với ai những lời thân ái, chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt. Cuộc sống gia  đình  đầm  ấm và hạnh phúc như thiên  đàng trong những năm  đầu kết hôn bỗng nhiên biến thành địa ngục. 

Để cứu vãn tình thế, anh đã tìm đến những bậc thầy chuyên về phong thủy. Người ta khuyên anh dời cổng nhà sang vị trí khác vì cổng nhà người hàng xóm nhằm thẳng vào cổng nhà anh. Có người đề nghị anh thay đổi hướng nhà, thay đổi vị trí bếp nấu ăn, thay đổi vị trí giường nằm sao cho hợp với phong thủy… anh đã làm đúng theo những lời khuyên của họ mà tình hình cũng chẳng cải thiện được gì nếu không nói là còn tệ hơn. 

Anh cũng tìm đến những nhà chuyên môn về cảm xạ học. Họ khuyên anh đào sâu xuống nền nhà để di dời những bộ hài cốt mà họ cho rằng còn đang bị vùi lấp bên dưới. Anh tin và làm theo ý họ nhưng chẳng thấy gì và cũng chẳng có gì đổi thay. 

Anh chạy đến với các Pháp Sư và họ khuyên anh phải cải táng mồ mả ông bà vì vị trí hiện thời không tốt cho con cháu. Anh nhẹ dạ làm theo mà chẳng được tích sự gì.  Cuối cùng, anh tìm  đến với Cha tu viện trưởng nổi tiếng thánh thiện đạo đức và được những người dân quanh vùng xem như một vị thánh sống, được ơn thông biết nhiều sự việc nhiệm mầu. 

Sau khi nghe anh kể lể sự tình và nêu lên câu hỏi: thưa cha, kẻ nào trong gia  đình con  đã mắc phải tội ác tầy trời  đến nỗi gia đình phải chịu cảnh bất hòa triền miên như thế, Cha Viện Phụ thong thả trả lời: “mỗi người trong gia đình anh đều mang một tội lớn. Đó là tội vô tình. Từ bao lâu nay, Chúa Cứu Thế đã cải trang làm một người trong gia đình anh mà chẳng ai trong gia đình nhận ra Người nên mới sinh ra những sự cố đau buồn như thế.”

Nghe vậy, anh bàng hoàng sửng sốt: “thật thế ư? Quả là điều quá bất ngờ! Ta phải thông báo nguồn tin quan trọng nầy cho cho vợ con biết ngay mới  được.” Anh cấp tốc trở  về nhà, vồn vã tươi vui chưa từng thấy. Anh gọi vợ con lại và thông báo cho họ biết một bí mật tuyệt vời đã xảy đến với gia  đình,  đó là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một người trong gia đình anh.” Bấy giờ mọi người trố mắt nhìn nhau kinh ngạc. Đấng Cứu Thế cải trang khéo thật! Khéo đến nỗi dù được chung sống với Người bấy lâu nay nhưng không ai nhận ra Người và vì thế đã xúc phạm đến Người nhiều lần không kể xiết. Thế là từ hôm nó, người chồng tránh bất cứ lời nói hay cử chỉ nào làm phiền lòng vợ con vì sợ phạm đến Đấng Cứu Thế; trái lại còn tỏ ra hết sức tử tế và hi sinh tất cả vì vợ vì con, với hy vọng là mình đang phục vụ và làm vui lòng Người. Cũng từ hôm  đó, người vợ không còn chanh chua  đanh  đá với chồng, không còn mắng chửi thậm tệ mấy đứa con; trái lại, luôn tận tụy phục vụ và hết lòng yêu thương chồng con vì rất có thể là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành người chồng, người con của chị. Còn con cái thì không còn dám hỗn hào với cha mẹ như trước, nhưng luôn tỏ ra ngoan ngoản vâng lời và tôn trọng cha mẹ vì có thể người cha hay người mẹ của mình chính là Đấng Cứu Thế cải trang. Thế là từ đây, bầu khí yêu thương đầm ấm trở lại với gia đình và còn đậm đà hơn bao giờ hết.[3]

Lạy Chúa, là nguồn mọi tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tấm gương Thánh Gia Thất, làm khuôn mẫu cho mọi quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình. Xin cho chúng con biết kính trọng và yêu thương Nhau, không xét đoán khi hồ nghi, không kết án khi chưa tường, không phụ rẫy khi còn cứu vãn được, nhưng thông cảm và tìm hiểu, nâng đỡ và tha thứ, và trên hết luôn tìm sống theo thánh ý Chúa. Amen.

 Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] https://ofmvn.org/bai-viet/chu-giai-kinh-thanh/lc-241-52-duc-giesu-tai-den-tho

[2] Lm.Hồ bạc Xái

[3]  Lm. IgnatioTrần Ngà

Xem thêm

Lc 2, 16-21

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Nhân loại đang cần Vua Hòa Bình SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA (Lc 2, 16-21) …