CN LỄ THÁNH GIA: Chúa Giêsu Ở Lại Trong Đền Thờ Giêrusalem (Lc 2,41-52)
I. TÀI LIỆU GỢI Ý
Đây là đoạn quan trọng nhất trong Tin Mừng. Luật định những con trai trưởng thành, sống cách Đền Thờ trong vòng 15 dặm, phải dự lễ Vượt Qua. Thực tế thì mọi người Do Thái khắp thế giới đều cố dự lễ Vượt Qua một lần trong đời. Con trai trưởng thành khi tới 12 tuổi, thành con của lề luật, phải tuân giữ lề luật. Chúa Giêsu giữ lề luật. Thành Thánh, Đền Thờ, các nghi lễ thánh đã làm Chúa say mê. Không phải bất cẩn mà ông bà lạc con. Vượt Qua là mùa Thượng Hội Đồng hội họp trong khu tiền đường Đền Thờ để thảo luận công khai về những vấn đề giáo lý, thần học. Giuse, Maria đã tìm thấy Chúa trong đám đông đó. Đừng nghĩ Chúa điều khiển các ông. Người nghe và hỏi, cách học trò thưa hỏi đối với thầy. Chúa lắng nghe như một học sinh ham học. ‘Cha con và mẹ đang tìm con…?’ Đây là một trong những đoạn nòng cốt trong cuộc đời Chúa. ‘Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ là câu đáp nòng cốt trong cuộc đời của Chúa, thật dịu dàng nhưng cũng rất quyết liệt. Maria bảo ‘này cha con và mẹ đã lo lắng tìm con’. Chúa đáp như trên. Người lấy danh ‘cha’ của Giuse mà áp dụng cho Thiên Chúa Cha. Đó là lúc Chúa khám phá ra mối liên hệ độc đáo của mình với Thiên Chúa Cha. Người đã không nói thế lúc mới sinh ra trong máng cỏ, lúc còn măng sữa, lúc tuổi trẻ. Người đã phải suy nghĩ và cùng với năm tháng của tuổi thành niên, và vào dịp lễ Vượt Qua đầu tiên này, Người mới thấy mối liên hệ duy nhất của mình, đó là Con của Thiên Chúa Cha. Nên nhớ rằng, sự khám phá ra mối liên hệ độc đáo này đã không làm Người kiêu căng, vì Chúa đã nghe lời, ra về cùng cha mẹ, sống và vâng phục ông bà![1]
II. CHIA SẺ TIN MỪNG
Phong trào gia đình công giáo đã có từ thế kỷ 16, nhưng đến cuối thế kỷ 19, Đức Giáo Hòang Lêô XIII cỗ vũ mạnh và đặt ra lễ Thánh Gia nhằm thúc giục mọi người theo gương Thánh Gia Thất mà sống trên thuận dưới hòa để tạo lập những gia đình hạnh phúc. Năm 1994 Liên Hiệp Quốc cũng như Giáo Hội đã chọn làm năm quốc tế về gia đình.
Ngày nay, gia đình đang gặp cơn khủng hỏang trầm trọng, đang trên đà xuống dốc. Gia đình là nền tảng của xã hội mà nền tảng đã lung lay thì xã hội cũng sụp đổ. Do đó, Giáo Hội muốn chúng ta mừng lễ Thánh Gia là để đề cao vai trò của gia đình và đưa ra một tấm gương tuyệt hảo cho mọi người bắt chước, hầu củng cố gia đình và giúp cho xã hội thêm vững mạnh. Gia đình là một vườn ươm thuận lợi để làm phát triển các đức tính tốt cho con trẻ như yêu thương, vâng lời, phục vụ, hiền hòa, hy sinh, nhịn nhục, tha thứ… một trong những yếu tố quan trọng để làm cho gia đình được hạnh phúc là mỗi phần tử trong gia đình phải có một tình yêu vô vị lợi.
Chúng ta thấy thánh Giuse và Đức Maria không bao giờ bận tâm về tư lợi của mình mà bỏ quên ích lợi của Chúa Giêsu. Trái lại, chúng ta chỉ thấy các ngài hòan tòan quên mình, coi nhẹ sở thích riêng tư. Tâm trí và ánh mắt các ngài luôn để ý đến những nhu cầu nhỏ bé, những mong ước đơn sơ của người khác, vì hạnh phúc là gì nếu không phải là làm cho người khác được hạnh phúc.
Hạnh phúc gia đình luôn luôn đòi hỏi phải biết quên mình, hy sinh cho kẻ khác.
Những tấm gương của gia thất trong đời thường:
1. Tài tử Galicopter và người vợ
Một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất thập niên 50 là nam tài tử Galicopter. Ông nổi tiếng không những vì tài nghệ diễn xuất mà còn vì cuộc sống hôn nhân mẫu mực của ông. Vào khỏang cuối đời, quằn quại trong thể xác, ông đã nói về Rochi, người vợ đã chung sống với ông gần 30 năm như sau: “Rochi là một người đàn bà tuyệt vời. Nàng là một người vợ đã biết thích nghi với tính khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là nàng đã biết ở cạnh tôi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là người vợ đích thực”.
Những lời khen tặng trên đây của tài tử Galicopter là một khẳng định rằng: người nắm giữ hạnh phúc gia đình, người nắm vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên, sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn giữ vai trò chủ yếu: “đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
2. Bà mẹ thánh thiện và đảm đang thành Luân Đôn
Đầu thế kỷ XX này, tại Luân Đôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày suốt đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý, tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động, và đặc biệt trưa nào rửa chén bát xong bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ.
Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà: “một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?” Bà tươi cười bảo: “thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng còn đến trước trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.
Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaughan: trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám Mục, hai người làm linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện.[2]
3. Nhà bác học Louis Pasteur
Ngày 14/07/1883, hội đồng thành phố Dole quyết định đặt tấm đồng ghi danh trên cửa nhà mà Pasteur đã sinh ra. Hôm ấy, trong bài đáp từ cao thượng, nhà bác học trứ danh đã để lòng trào ra lòng biết ơn cha mẹ: “Ôi, hỡi cha con, mẹ con! Ôi, hỡi những người thân yêu đã chết! Các ngài đã sống bình dị quá trong căn nhà nhỏ bé này, con đã chịu ơn các ngài. Những nhiệt tình của người, hỡi người mẹ can đảm của con, mẹ đã chuyển nó cho con. Nếu con bao giờ cũng đã nối kết vinh quang khoa học vào vinh quang tổ quốc, chính là vì con đã thấm nhuần những tình cảm mà mẹ phấn khích ở trong con. Và hỡi người cha thân yêu, trong đời sống cũng như nghề nghiệp, cha đã tỏ cho con biết đức kiên nhẫn trong cố gắng lâu dài có thể làm được những gì… con xin chúc tụng cả hai, hỡi cha mẹ thân yêu, cho cuộc sống các ngài, và xin để cho con hướng về các ngài cái vinh hạnh mà người ta hiến lên căn nhà này ngày hôm nay.”[3]
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
—————
[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.104
[2] ĐHY NVT, Trên đường lữ hành
[3] Bùi Đức Vinh, vinh quang bà mẹ, trg.59-60