Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA 2014 CỦA P. TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA 2014 CỦA P. TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

(Lc 2, 22 – 40)

HỌC SỐNG THEO GƯƠNG LÀM CON CỦA CHÚA GIÊSU

 

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn. Đấng Cứu Thế sinh ra đời là một gương khiêm nhường cao cả, điều nầy ai cũng nhận thấy. Một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người là một sự hạ mình rốt ráo, không còn cách nào để diễn tả một sự khiêm hạ lớn hơn. Tại sao vậy? Thưa, vì con người nhân loại không muốn “hạ mình”, từ đó, gây ra biết bao hệ lụy. Nên chi, Thiên Chúa ân ban cho một con đường “giải thoát”. Mặc nhiên, Đấng được sai đến đã dùng chính điều mà nhân loại khước từ. Sự từ khước của nhân loại, chính là sự thánh thiêng, mà Thiên Chúa muốn dùng để giải thoát con người, đó là”sự khiêm nhường”. Vì bản thân của khiêm nhường đích thực chính là ”Thánh“. Vậy, cả đời Đấng Cứu Thế Giêsu không làm gì khác hơn là thực thi chính điều “Thánh“ ấy , đó là “sự khiêm nhường” một cách trọn hảo. Vâng, một sự tự hạ của một Ngôi Vị Thiên Chúa đã đánh đổ tất cả.

Chúng ta thấy, hành trình cứu độ của Đấng Cứu Thế là một hành trình “gian khổ”, Người không tìm vinh quang cho mình, mà tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, đó là Thiên Chúa. Dù rằng, mang trong nhân tính, một Thiên Tính tối cao, nhưng Chúa Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang của chính mình, để vâng lời và vâng lời đến cùng sứ vụ Thiên Sai của Người. Như thế, để chu toàn sứ vụ cứu chuộc, mặc nhiên Người phải vâng phục Thiên Ý Chúa Cha, một sự vâng phục chân thật tuyệt đối. Tại sao chúng ta biết được điều nầy? Thưa, nhìn vào sự vâng phục cuộc đời cứu thế trong môi trường Thánh Gia. Vâng, môi trường Thánh Gia là môi trường “gia đình” của một Ngôi Lời Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Từ lúc khởi sự là đêm Giáng Sinh, hay nói đúng hơn chính là giây phút Đức Maria nhận ơn Truyền Tin. Vâng, từ giây phút linh thánh ấy, Ngôi Lời đã vâng phục Đức Maria, bởi vì, dù là “Thánh Thai”, nhưng vai trò nhập thể của Đấng Cứu Thế cũng hoàn toàn không đi ngược lại với sự “sinh trưởng” theo tự nhiên của một bào thai. Trong giai đoạn nầy, bào thai được gọi là ”thai giáo”. Vì vậy, Chúa Giêsu cũng đã vâng lời Đức Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên. Vì, theo lẽ tự nhiên, con người do người mẹ cưu mang, sinh hạ, thì bào thai trong cung lòng người mẹ không thể nào “bất tuân“ những gì người mẹ huấn luyện. Còn trường hợp của Đấng Cứu Thế, ngoài lẽ tự nhiên, Người còn mang một nguyên lý siêu nhiên, đó là vâng lời sứ vụ Cứu Thế của Người nơi Thiên Chúa là Cha.

Theo đó, sự vâng phục của Chúa Giêsu cũng luôn mang hai yêu tố như chính Người có hai bản tính là: Bản tính Thiên Chúa và bản tính Con Người nơi Chúa Giêsu. Như vậy, ngoài sự vâng phục theo lẽ tự nhiên, Người phải vâng phục theo lẽ siêu nhiên nữa.

Như vậy, khởi đi từ hang đá Bethlehem, Chúa Giêsu bắt đầu sự vâng phục sứ mạng Thiên Sai của Người qua Thánh Gia Nazaret, một sự vâng phục theo phận làm “Con Người” đối với phần thụ tạo của Người. Chúng ta thấy sự vâng phục nầy là hòan toàn chính xác. Từ trong sự sơ sinh, trong sự khó nghèo nơi máng cỏ, đến sự vâng phục trên bước đường trốn sang Ai-cập. Rồi trở về Nazaret, tuân giữ các tập tục theo Luật dạy. Trong môi trường Thánh Gia, chắn chắc một sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu với hai đấng thánh là Đức Trinh Nữ Maria và thánh Cả Giuse.

Sự vâng phục nầy, chúng ta thấy một sự hợp lý hiển nhiên, bởi vì sự “khiêm hạ” tự nguyện của Chúa Giêsu là sự khiêm hạ để chu toàn sứ vụ cứu chuộc, hẳn nhiên, Người phải chu toàn bổn phận làm  “Con” nơi Thánh Gia. Vì Người không thể treo gương cứu chuộc chỉ ở nơi rao giảng Tin Mừng, vì nếu như thế thì Người không thể chu toàn sứ mạng Cứu Thế được. Vì Thánh Kinh trong luật giáo của Cựu Ứớc cũng chính là những giới răn mà Người phải kiện toàn.

Lời Tin Mừng không nêu đời sống thường nhật trong môi trường Thánh Gia. Nhưng, ba mươi năm sống đời ẩn dật của Chúa Giêsu chắn chắn phản ánh trọn vẹn “chữ hiếu“ đối với “cha mẹ” trần thế của Người. Có thể suy đoán, thánh Cả Giuse cùng sống với Chúa Giêsu khi Người hơn hai mươi tuổi, thì Người vâng phục trong môi trường Thánh Gia đối với thánh Giuse khoảng hơn hai mươi năm. Điều nầy, cho thấy “chữ hiếu” trong Thánh Kinh, mà Người phải vâng phục”Dưỡng Phụ” là điều rất rõ ràng. Còn đối với Đức Mẹ, thì thời gian nầy lâu hơn cho đến khi Người chịu khổ nạn. Vì Chúa Giêsu “qua đời” trước Đức Mẹ.

Nói về gia đình, ai cũng phải “nhức nhối”, tại sao vậy, thưa quý vị? Thưa, bởi vì gia đình theo tự bản là nơi “nuôi dưỡng” về cả hai mặt: vật chất và tinh thần. Con người ta không thể sống nếu thiếu vật chất (mức phù hợp). Ngược lại, con người ta cũng không thể sống bằng hoàn toàn bởi vật chất. Hai yếu tố nầy phải được cân bằng, không so lệch thái quá. Nếu con người sống quá tiện nghi vật chất, mà không có một giá trị sống nào về tinh thần, thì lúc đó, con người không còn là con người nữa, mà là một động vật biết ăn. Ngược lại, nếu con người chỉ biết sống hoàn toàn về tinh thần thì không sống được trong tư thế phàm nhân. Lúc nào cũng lơ lửng trên không, thiếu thực tế, vì người ta nói: “Có thực mới vực được đạo”. Câu nói nầy, không hoàn toàn có nghĩa phải: “Buôn thần bán thánh”. Mà là nói lên giá trị sống của phàm nhân cần có cái ăn để nuôi thân xác. Thân xác và linh hồn là một mầu nhiệm bởi Thiên Chúa tạo nên, được gọi là tặng phẩm của Thiên Chúa. Vì vậy, nhu cầu vật chất và tinh thần là nhu cầu song đối, phải được cân bằng và phù hợp. Đời sống gia đình nhân loại cũng như đời sống thánh hiến cá nhân và cộng đoàn luôn được cân bằng hai thực tại nầy. Đời sống gia đình, nếu quá lam lũ chỉ biết tim kiếm cái ăn nuôi thân xác mà thôi, thì thật nguy hiểm, nếu một lúc nào đó, khi họ quên hết các giá trị tinh thần, thì mọi sự trở nên vô nghĩa. Còn như, hằng ngày chạy theo những giá trị tinh thần thì cái bao tử trống rỗng, cửa nhà trống rỗng, vì mọi thứ quanh ta thuộc về vật chất sẽ quay lưng bỏ chạy hết.

Vâng, nói như thế để biết giá trị lao động là điều cần thiết, nó góp phần làm cho đời sống con người thực tại phong phú và lý tưởng, hầu giúp cho đời sống tâm linh thêm phong phú. Bởi thế cho nên, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vừa vâng lời Thiên Chúa là Cha, cúi xuống hạ sinh trong một Thánh Gia, để rồi chu toàn phận sự làm “Con “trong Thiên Chức Cứu Độ nhân loại. Người đã được gọi là ”Con bác thợ mộc” tại làng Nazaret. Như thế, chúng ta thấy, ba mươi năm sống đời ẩn dật tại miền Nazaret, là bấy nhiêu năm Người vâng phục cha mẹ phần nhân tính, (dù thánh cả Giuse là Dưỡng Phụ, dù ở với thánh cả thời gian cũng hơn hai mươi năm). Điều ấy cho thấy, Chúa Giêsu vâng phục phần nhân tính làm Người trong bản tính siêu phàm của Người. Người không tỏ ra là ”Thiên Chúa” đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Đây là một sự theo gương cho phận làm con trong gia đình nhân loại. Người không hề tỏ ra là ”Thiên Chúa” đối với hai thụ tạo, vì chính là Người chu toàn mầu nhiệm nhập thế, vì càng chu toàn mầu nhiệm nhập thế là chu toàn sự vâng phục Thiên Chúa là Cha một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu không làm Người một cách lấy lệ, mà Người làm Người hoàn toàn chân thật, cũng lao động bằng hai bàn tay, để kiếm kế sinh sống hằng ngày như một phàm nhân đúng nghĩa. Nhưng, trong sứ vụ phàm nhân, Người chu toàn hằng ngày, đồng thời là Người chu toàn công việc của Chúa Cha giao phó. Vâng, một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người thật sự chu toàn một cuộc sống của con người trần gian thực thụ. Sự lao động, mà Con Thiên Chúa làm gương, là một hình ảnh sống động từ Thiên Chúa sáng tạo. Vì có lần Chúa Giêsu nói: “Cha Tôi làm việc, Tôi cũng làm việc“. Theo đó, lao động là một sự sáng tạo bắt nguồn từ Thiên Chúa. Lao động tạo ra của cải vật chất, đó là một hình thức cầu nguyện. Cầu nguyện là một hình thức lao động để tôn vinh Thiên Chúa, chính là một hình thức lao động tinh thần. Như vậy, lao động làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần, chính là điều mà Thiên Chúa muốn đưa vào nhân loại hầu làm nên nét đẹp bởi Thiên Chúa.

Như vậy, Chúa Giêsu đã vâng Lời làm Người để cứu độ nhân loại, là một mẫu gương vâng phục tuyệt đối chức vụ “làm Con“ đối với Thiên Chúa là Cha, đồng thời, Người vâng phục Thánh Gia trong sứ vụ nhân tính, cũng là một hình thức trong sứ vụ Thiên sai cứu chuộc. Theo sứ vụ “làm Con“ của Chúa Giêsu, một Ngôi Vị Thiên Chúa đã làm gương, cho thấy sứ vụ Cứu độ loài người của Đấng Cứu Thế không những chỉ đến khi bày tỏ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, mà còn là một hành trình chu toàn một cách hoàn hảo mầu nhiệm làm Người ba mươi năm sống đời ẩn dật, trước khi sống đời công khai sứ vụ “CỨU THẾ“ của Người.

Như vậy, Chúa Giêsu đã chu toàn sứ vụ làm Người cách hoàn hảo nhất. Bản tinh phàm nhân, Người vâng phục Đức Mẹ và thánh Giuse. Bản tinh Thiên Chúa, Người vâng phục Chúa Cha để cứu chuộc thiên hạ.

Chúng ta cùng tôn thờ mầu nhiệm làm Người của Chúa Giêsu, để cứu chuộc thiên hạ, Người đã chu toàn sứ vụ trần thế, bằng sự khiêm nhường vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse, là thụ tạo thấp hèn, vì bản tính làm Người. Chúng ta thấy, sự vâng phục sứ vụ thiên sai, chính là vâng phục sứ vụ làm Người một cách hoàn hảo của Con Thiên Chúa.

Theo đó, mỗi Kitô hữu, dù ở môi trường nào, vị trí nào mà biết noi gương Chúa GIêsu, sống một cuộc sống chu toàn cả hai sứ mạng, nhưng là một thì, người ấy sẽ trở nên đáng được gọi là ”con Thiên Chúa”. Amen.

Lễ Thánh Gia 2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …