Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Thăng Thiên, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Lễ Thăng Thiên, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Lễ Thăng Thiên

(Mc 16, 15-20)

 

  Chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu lên trời. Thăng thiên hay lên trời thì cũng cùng nói lên một ý nghĩa. Thế nhưng khi nói tới lên trời thì hình như gợi lên cho chúng ta cảm giác chia lìa, Chúa Giêsu đi về trời, đi tới một nơi cao vời, xa xôi, nghĩa là Chúa Giêsu bỏ các môn đệ ở lại trong cảnh mồ côi. Nếu hiểu như vậy thì lễ hôm nay phải mang màu sắc buồn thảm vì sự chia ly đó. Tuy nhiên, khi Giáo Hội mừng lễ hôm nay chắc chắn Giáo Hội không nhắm tới việc chia lìa Đức Giêsu nhưng nhắm tới một ý nghĩa khác. Chúng ta thấy có hai ý nghĩa:

Ý nghĩa trước tiên thì đây không hẳn là một sự chia ly theo nghĩa là vĩnh biệt, nhưng là sự hiện diện mới như Chúa Giêsu đã từng nói : “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Khi nói Chúa Giêsu lên trời thì trước tiên khoan nghĩ tới vùng không gian bên trên đầu của chúng ta vì theo ngôn ngữ Kinh thánh, trời là nơi Thiên Chúa ngự còn đất thì Thiên Chúa ban cho con người. 

Từ đó chúng ta thấy, khi nói Chúa Giêsu về trời thì có nghĩa là Chúa Giêsu về nơi huyền nhiệm của Thiên Chúa mà chúng ta không biết được, cũng không hình dung nổi. Thế nhưng điều chúng ta biết một cách hết sức chắc chắn là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nghĩa là, dù là Đấng siêu việt, dù Thiên Chúa ở nơi mà con người không thể biết, không thể dò thấu, Thiên Chúa vẫn luôn rất gần với con người, luôn ở sát bên con người. 

Như thế khi nói Chúa Giêsu lên trời, thì không có nghĩa là từ nay Chúa Giêsu vĩnh viễn bỏ các môn đệ, bỏ những người theo Chúa là chúng ta giữa dòng đời với bao nhiêu là thử thách cam go. Trái lại, Chúa Giêsu về trời nghĩa là từ nay Người có một lối hiện diện mới ở giữa dân Người. Người không còn hiện diện với thân xác như con người để rồi bị hạn chế như con người. Kể từ nay Người có một lối hiện diện mới hơn, độc đáo hơn, thân mật hơn với tất những người theo làm môn đệ của Chúa.

Kể từ nay Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội khi Giáo Hội cầu nguyện, khi có hai, ba người họp lại vì danh Chúa (Mt 18, 20). Kể từ nay, Chúa Giêsu hiện diện khi chúng ta làm các việc bác ái bởi vì khi chúng ta làm một việc thiện cho một trong những anh em rất hèn mọn là làm việc ấy cho chính Đức Giêsu. Chúa Giêsu hiện diện khi chúng ta đi trên đường trần gian để về quê thật là thiên đàng hưởng đời sống vĩnh cửu vì Chúa Giêsu luôn ở trong tâm hồn để nâng đở ủi an chúng ta. 

Chúa Giêsu cũng hiện diện nơi Giáo Hội, nhất là khi Giáo Hội giảng dạy, bởi vì Phúc âm mà Giáo Hội loan báo chính là Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiện diện với Giáo Hội khi Giáo Hội dẫn dắt và cai quản dân Thiên Chúa, vì khi ấy Giáo Hội theo gương mục tử nhân lành là chính Đức Giêsu. Chúa Giêsu hiện diện khi Giáo Hội dâng thánh lễ và làm các Bí tích vì các Bí tích là hoạt động của Chúa Giêsu. Và cuối cùng Chúa Giêsu hiện diện một cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể. Người dùng Bí tích nầy để nên một với chúng ta và nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. 

Như thế khi nói Chúa Giêsu lên trời tức là nói đến việc Chúa Giêsu hiện diện một cách rất đặc biệt và rất thân mật với từng người chúng ta. Phúc âm thuật lại việc Chúa Giêsu lên trời, để đánh dấu việc Chúa Giêsu chấm dứt xuất hiện một cách hữu hình cho các môn đệ. Từ nay các môn đệ phải sống liên kết với Đức Giêsu trong một sự hiện diện mới, trong chiều kích mới. Từ nay các người theo Chúa sống với Đức Kitô trong chính cuộc sống cụ thể của mình. Đây không phải là cuộc sống đóng kín nhưng mở ra cho người khác.

Từ đó, chúng ta bước sang ý nghĩa thứ hai của việc lên trời. Ý nghĩa nầy được tìm thấy trong bài Phúc âm hôm nay: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị luận phạt”. Khi Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ, Người cấm các ông đi rao giảng cho các thành của dân ngoại. Nhưng kể từ nay biên giới đó không còn nữa, các Tông đồ được Chúa truyền cho đi rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Từ nay mọi dân nước trên thế giới được mời gọi vào dự tiệc Nước Trời.

Điểm đặc biệt ở đây là theo như Phúc âm nhận xét “Các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông” Từ nay các Tông đồ làm việc không đơn độc một mình. Các ông đã tiếp tục công việc rao giảng của Đức Giêsu và các ông cùng làm việc với Đức Giêsu. Nếu các ông có làm chứng về Đức Giêsu thì chứng đó không phải riêng của các ông nhưng cùng với Đức Kitô. Khi các ông chịu bách hại hay tử đạo thì chứng đó không phải chỉ riêng của các ông nhưng cùng với Đức Kitô, nghĩa là kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. 

Vậy thì ngày lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay không phải là ngày để chúng ta đào sâu sự ngăn cách giữa trời và đất nhưng trái lại cho thấy trời và đất gần nhau. Cuộc sống hiện tại của chúng ta tuy xảy ra trên mặt đất nhưng rất gần trời, nếu chúng ta làm theo lời dạy của Đức Kitô. Chúa Giêsu về trời nhưng, như đã nói, Người ở rất gần chúng ta. Khi còn ở trần gian, với thân xác con người, Người không thể kết hiệp mật thiết với từng người ở mọi nơi mọi thời nhưng giờ đây khi về trời, khi chuyển sang cách hiện diện mới, mỗi người chúng ta đều có thể kết hiệp mật thiết với Ngài, ở mọi nơi mọi lúc. 

Chúa Giêsu còn kết hợp với chúng ta khi chúng ta làm chứng nhân trong đời sống. Mỗi khi chúng ta sống, hành động như một Kitô hữu chính tông, chúng ta đã hành động cùng với Đức Kitô. Chính vì thế mỗi khi làm một cử chỉ bác ái cho người chung quanh, mỗi khi cầu nguyện, mỗi khi đến với Bí tích Thánh Thể chúng ta đã bắt đầu đi sâu vào sự kết hiệp với Đức Kitô nghĩa là chúng ta đã kết hiệp với cuộc sống trên trời.

Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta, trong khi phải lo lắng nhiều cho cuộc sống hiện tại, đừng quên cuộc sống vĩnh cửu nơi Đức Giêsu vinh quang. Xin Chúa giúp chúng ta biết biến đổi đời sống hiện tại thành đời sống làm chứng cho Chúa Giêsu, để chúng ta có thể kết hiệp với Ngài ngay trong cuộc đời hiện tại.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN