Kính thưa ông bà anh chị em,
+ Pele, ở phố Wall, nước Mỹ, là một tên trộm khét tiếng vào thập niên 20 của thế kỷ 20 (không phải Pele huyền thoại bóng đá của Brasil đâu nhé). Đối tượng trộm cắp của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu, có địa vị và tiền bạc. Cuối cùng ông cũng bị bắt vì tội trộm cắp và phải ngồi tù 18 năm. Khi ra tù, phóng viên hỏi ông một câu rất lý thú: “Thưa ông, ông từng trộm tài sản của những nhà giàu có, vậy ông có thể cho chúng tôi biết, người thiệt hại lớn nhất là ai không?”
Pele đáp ngay không cần suy nghĩ: “Người đó chính là tôi!”
Thấy phóng viên ngạc nhiên, Pele bèn giải thích: “Với tài năng của tôi, lẽ ra tôi đã trở thành một doanh nhân thành công, một đại gia ở phố Wall hoặc là phần tử có nhiều đóng góp cho xã hội. Bất hạnh thay, tôi đã chọn con đường trộm cắp, trở thành tên trộm lấy cắp tài sản của chính mình nhiều nhất, các vị biết đấy, tôi đã tiêu hao 1/4 thời gian trong đời cho việc ngồi tù”.
+ Còn Emanuel Ninger, một họa sĩ tài ba thuộc trường phái ấn tượng, với tay nghề khéo léo khó tin, đã vẽ các tờ giấy bạc 20 đô la và 50 đô la giống như thật, rồi sử dụng chúng. Cuối cùng, ông bị bắt vì phạm pháp. Điều đáng nói là, thời gian mà Ninger vẽ một tờ giấy bạc 20 đô la bằng với thời gian ông vẽ một bức tranh có thể bán được 500 đô la. Có bào chữa kiểu nào thì họa sĩ thiên tài này cũng là kẻ phạm tội. Thật đáng thương là người thiệt thòi nhất không ai khác mà chính là ông.
Pele và Ninger đều là người có năng khiếu, họ hoàn toàn có thể gặt hái thành công bằng tài năng của mình.
Đời người thật ngắn ngủi, nếu chúng ta không phát huy khả năng mà chỉ làm những việc không đáng làm, tức là chúng ta đang lãng phí thời gian – thứ tài sản quý giá nhất trên đời. Tài sản bị đánh cắp còn mua lại được, nhưng lấy mất đi thời gian của chính mình mới là điều đáng sợ. [1]
Sở dĩ chúng ta lãng phí thời gian bởi vì chúng ta chưa nhận ra giá trị của thời gian trong cuộc sống.
Để nhận biết giá trị của một năm, hỏi một học sinh vừa rớt kỳ thi lên lớp.
Để nhận biết giá trị của một tháng, hỏi người mẹ vừa sinh con thiếu tháng.
Để nhận biết giá trị của một tuần, hỏi người chủ bút của một tờ báo hàng tuần.
Để nhận biết giá trị của một giờ, hỏi những tình nhân đang đợi để gặp nhau.
Để nhận biết giá trị của một phút, hỏi một người vừa hụt một chuyến đi.
Để nhận biết giá trị của một giây, hỏi một người vừa mới thoát khỏi một tai nạn.
Để nhận biết giá trị của một phần ngàn giây, hỏi người đoạt huy chương bạc trong kỳ thi Olympics.[2]
Chúng ta thường cảm thấy mình thiếu thốn về món này, món khác… nhưng rất ít khi cảm thấy mình thiếu thốn thời gian. Nói một cách chính xác hơn, sự quan tâm đến tính chất hạn chế của thời gian thật ra chỉ là vì chúng ta cảm thấy không có đủ để cho chúng ta làm được điều này điều nọ… Chúng ta rất hiếm khi hoặc không bao giờ thấy tiếc nuối thời gian chỉ vì đó là thời gian, là vốn liếng quý báu rất hạn chế mà cuộc đời ta có được.
Khi ta sinh ra, điều chắc chắn duy nhất mà ta có thể biết được về tương lai của mình đó là ta sẽ chết. Dù là yểu mạng ở tuổi đôi mươi, hay sống thọ đến khi trăm tuổi như mong ước của nhiều người, thì cuối cùng chúng ta đều phải chết. Và mỗi ngày chúng ta trải qua trong cuộc sống, có thể hiểu một cách hoàn toàn chính xác là mỗi một bước tiến gần hơn về điểm cuối cuộc đời.
Chúng ta không hề bi quan khi thừa nhận điều này, vì đó là sự thật! Chính thái độ tránh né không đề cập đến sự thật này mới là thái độ hèn nhát, bi quan. Chúng ta thừa nhận sự thật này để thấy rõ một điều thực tế: thời gian được sống trên cõi đời này là đáng quý biết bao!
Chúng ta sẽ càng ý thức rõ hơn sự quý giá này khi nhớ rằng chúng ta không hề được đảm bảo là mình sẽ còn sống được bao lâu nữa. Chắc chúng ta đã có lần chia tay với một người thân, để rồi chỉ vài hôm sau nghe tin họ không còn nữa. Thật vậy, mạng sống quý giá này của ta có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Có thể là mười năm, hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba tháng… nhưng cũng có thể chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Vấn đề này sẽ bộc lộ hoàn toàn ý nghĩa thiết thực của nó khi chúng ta thử hình dung mình mắc phải một chứng bệnh nan y nào đó như ung thư chẳng hạn. Và phán quyết của bác sĩ cho chúng ta là một hoặc hai tháng nữa sẽ từ bỏ cuộc đời này. Thật kinh hoàng biết bao! Và khi ấy, chúng ta mới thấy tiếc nuối cuộc sống này biết bao! Thế nhưng, một thực tế là có biết bao người không hề mắc bệnh ung thư, cũng không hề được ai dự báo trước, vẫn có thể đột ngột từ bỏ cõi đời này mà không theo một quy luật nào cả. Làm sao dám chắc rằng chúng ta lại không là một trong số đó? Nếu chúng ta có đủ can đảm chấp nhận sự thật ấy, chúng ta mới có thể sống thật trọn vẹn những giây phút hiện đang có được trong cuộc sống tươi đẹp này[3].
Nhìn lại năm qua, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa…
Nhưng nếu một ngày nào đó, ngồi trước nhan Chúa, chúng ta ghi lại chi tiết một ngày sống của chúng ta. Chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc khi thấy một lượng thời gian rất lớn đã bị lãng phí.
Nếu một ngày đó giây phút ấy đến với chúng ta, chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Sự thay đổi đó sẽ làm cho chúng ta được hạnh phúc và an bình và như thế là thiên đàng đã đến với chúng ta ngay trên trần thế này rồi. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
———————————-
[1] Nguyễn văn Hải, Biết sống cao thượng trg.30-32
[2] Nigel Risner, Hãy sống một đời đáng sống, trg. 44-45
[3] Nguyễn minh Tiến, Hạnh Phúc là điều có thật p.9,12