Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM 2017, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM 2017, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Hãy Phó Thác Cho Chúa Tương Lai Đời Ta

(Mt 6, 25-34)

tải xuốngChúng ta vừa bước sang năm mới, năm Đinh Dậu, năm con gà. Con , đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong nhiều nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần). Gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, ở vùng nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc.

Trong nhà đạo, có lắm chuyện về con gà, từ chuyện vui đến chuyện thật. Chúng ta cùng mở Kinh Thánh để tìm chuyện con gà, hầu có thể đem ra suy gẫm nhân ngày đầu năm mới. Nếu có gà trống nghêng ngang như sách Gióp mô tả :

Ai làm cho cò lửa khôn ngoan,

Ai ban trí tuệ cho gà trống? ” (Gióp 38,36),

Thì cũng có gà mái hiền lành luôn chăm sóc cho đàn con thơ bé. Mở Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta tìm thấy hình ảnh đàn gà mẹ con ấy được Chúa Giêsu sánh ví như là tình thương của Chúa đối với loài người : “Đã bao lần ta muốn tập họp các ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh” (Mt 23,37; Lc 13,3).

Nếu tiếng gà gáy biểu hiện một sự kêu gọi tỉnh thức trong cuộc sống thường ngày, cụ thể tại các nước Á Đông như Việt Nam, tiếng gáy của gà trống như báo hiệu nhiều may mắn và tốt đẹp cho ngày mới, thì tiếng gà làm ông Phêrô giật mình bừng tỉnh, nhớ lại lời Đức Giêsu nói tối hôm qua: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (x. Mt 26, 75; Mc 14, 30; Lc 22,61). Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Kể từ đó, ông Phêrô đã thống hối liên lỉ như Ngắm Đứng đã mô tả: “Lọn đời đến sớm mai gà gáy, nhớ đến tội xưa liền khóc lóc”.

Vào thế kỷ VI, Đức Giáo hoàng Grêgôriô I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Vì thế, nhiều nhà thờ bên Âu Châu có đặt hình một con gà trống ở trên nóc. Tại Việt Nam, nhà thờ chính toà Đà Lạt cũng được gọi là “nhà thờ con gà”.

Ở các nước châu Á, con gà gắn liền với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật. Ở Việt Nam, gà là một dấu tích của văn minh nông nghiệp, thường được nhắc đến trong sách báo, hình ảnh con gà cục tác lá chanh là những nét chấm phá về một làng quê an bình với những triết lý sống nhân bản, thiên nhiên. Những nhà nho xưa cho rằng gà trống có đủ ngũ đức, gồm cả văn, vũ, nhân, trí và dũng:

Mào gà là mũ quan văn,

Cựa gà: võ khí của quan vũ tài.

Gà trống có cái dũng oai,

Xông vào địch thù đá hoài không ngơi.

Chữ nhân: khi kiếm được mồi,

Nhắc lên gà trống kêu mời mái ăn.

Chữ trí: gà biết đêm tàn,

Gáy vang báo thức cả làng tỉnh mơ.

Vì đủ ngũ đức như vậy nên gà trống có được cái oai phong lẫm liệt, uy dũng của một tổng tư lệnh điều binh khiển tướng. Sách Cách Ngôn đã tả cái dáng đường bệ của gà trống như một ông vua xuất chinh dẹp loạn.

Thôi thì cho dù năm Khỉ, Heo, Mèo, Gà  thì cả tháng nay, mọi người đã sắm Tết, ăn Tết rồi. Hôm nay ngày đầu năm mới, ai cũng có cảm tưởng là có cái gì đó mơi mới, nên dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.

Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, và sẽ còn chúc tết nhau nữa. Thường người dướt tết người trên: con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng, kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo. Ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Muốn lời chúc của chúng ta trở thành hiện thực, hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa, bởi tất cả mọi sự đều do Chúa như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng những giây phút đầu năm cho Thiên Chúa. Người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Lời nguyện nhập lễ chúng ta xin: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66, 2-3).  Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

Các con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6,34). Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến hạnh phúc mai hậu của sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai… tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.

Kinh Thánh còn có những câu khác nói đến con gà trong năm mới Đinh Dậu. Nhưng thiết nghĩ trưng ra mấy câu trên cũng đủ chứng tỏ con vật cầm tinh trong năm Dậu cũng đã được Thánh Kinh nhắc đến.

Kính chúc mọi người một năm mới con gà đầy tràn ngũ đức: văn, vũ, nhân, trí, dũng, những đức tính mà các cụ xưa đã ca tụng con gà trống. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …