Năm Mới, Người Mới
(Mồng Một Tết Nguyên Đán – Cầu Bình An)
Năm mới, người ta chúc nhau theo Anh ngữ: “Happy New Year”. Tương tự, chúng ta có thể chúc nhau: “Happy New You”. Về tâm linh, chúng ta có thể chúc nhau: “Holy New Year” và “Holy New You”. Happy là Hạnh Phúc, Holy là Thánh, thiết tưởng đó là điều cần thiết như Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48). Và đặc biệt hơn đối với Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Hãy nhân từ như Chúa Cha” (Mt 6:36).
Năm mới, người mới – Tân niên, tân nhân. Tất cả cần mới và phải mới, biến đổi nên giống Chúa, biến đổi theo ý Chúa và biến đổi vì Chúa.
Tết là thời gian khởi đầu mùa Xuân, mùa đầu tiên trong tứ thời, bát tiết, và là khởi điểm của một năm mới. Theo Hán tự, chữ Tết được phát âm từ chữ “tiết”. Hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán: NGUYÊN là “sự khởi đầu”, ĐÁN là “buổi sáng sớm”. Phát âm đúng phải là “Tiết Nguyên Đán”, rồi người ta đọc trại ra là “Tết Nguyên Đán”. Người Trung Hoa gọi là “Xuân Tiết”. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, hoặc đơn giản chỉ gọi là Tết. Vui Tết thì phải có được sự Bình An thực sự – cả tâm hồn và thể lý.
Tết là dịp tốt để nhớ đến nhau, thăm viếng nhau, cầu chúc điều tốt lành cho nhau – gọi là “tết nhau”. Với các Kitô hữu, người quan trọng nhất chúng ta phải tết là Thiên Chúa. Trong một dịp Tết, Thánh Faustina đã tâm sự với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa trước về mọi thứ mà lòng nhân từ của Chúa sẽ ban cho con. Con cảm tạ Ngài về những sự thuận lợi và ân sủng tuôn đổ trên con mỗi ngày như sương mai lặng lẽ, con không thể cảm thấy, không con mắt nào có thể thấy, và chỉ có Ngài và con biết. Con cảm tạ Ngài về mọi điều đó” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 1449). Tâm nguyện thật đẹp, tươi màu sắc thánh đức. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tâm nguyện với Thiên Chúa như vậy!
Thiên Chúa là Chúa Xuân tuyệt đối. Cung Chúc Chúa Xuân là điều chúng ta phải thực hiện, dù chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài nhưng chính lời cung chúc và cảm tạ đó lại đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Vả lại, chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng” (Is 65:17-18). Năm mới là một dạng “trời mới đất mới” mà Thiên Chúa tiếp tục cho chúng ta tận hưởng, dù có thế nào thì chúng ta vẫn phải biết cảm tạ Ngài về hồng ân này. Có nhiều người, ngay cả người thân của chúng ta, năm ngoái còn đó mà năm nay không còn được đón năm mới như chúng ta trong giây phút đầu Xuân này nữa. Dĩ nhiên họ có “trời mới đất mới” khác rồi.
Chính Thiên Chúa giải thích: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái” (Is 65:18-21). Đó là miền đất hứa được Thiên Chúa tuyển chọn và chúc phúc, cuộc đời trần gian ngày nay không như vậy, nhưng vẫn theo quy luật của Chúa: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10).
Tất cả là hồng ân, dù sao chúng ta vẫn phải tạ ơn Chúa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải nói cho người khác biết về lòng thương xót của Ngài: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:5-6).
Không ai lại không cần lòng thương xót của Ngài, vì ai cũng là tội nhân, ngay cả người công chính cũng phạm tội mỗi ngày 7 lần (x. Cn 24:16). Vì thế, chúng ta phải không ngừng kêu xin Ngài, kêu xin ngay từ giây phút đầu năm mới: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” Tv 30:11-13). Quả thật, “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34). Đời là thế, trần gian là vậy! Nhưng với tầm nhìn đức tin, cái KHỔ lại là cái PHÚC. Chúa Giêsu đã dùng Thập Giá để tới vinh quang, cái Chết không là chấm hết hoặc bị triệt, mà cái Chết hóa “ngưỡng cửa” bước vào Sự Sống vĩnh hằng. Vâng, cái giá lạnh mùa Đông để chuẩn bị cho mùa Xuân ấm áp, tươi đẹp. Thật kỳ diệu!
Năm mới. Ai cũng muốn mọi thứ đều mới, cả ngoại tại và nội tại. Người Đan Mạch đón năm mới bằng cách mang đĩa đến đập vào cửa nhà hàng xóm. Chủ nhà không tức giận mà còn rất vui, vì họ quan niệm rằng nhiều mảnh vỡ chén đĩa trước cửa nghĩa là gia chủ có nhiều bạn trung thành. Người Philippines đón năm mới bằng cách mặc trang phục có những “chấm tròn”, thực phẩm và trái cây hình tròn cũng xuất hiện trên bàn ăn của họ. Người Philippines quan niệm rằng chấm tròn sẽ mang lại sự phát triển thịnh vượng trong năm mới. Có thể chúng ta thấy kỳ cục, nhưng họ lại hạnh phúc. Nói chung, mọi phong tục tập quán đều muốn thể hiện sự mới mẻ của năm mới.
Thánh Gioan cũng có thị kiến về những cái mới: “Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21:1-2). Có lẽ chẳng ai đẹp như tân nương và tân lang trong ngày cưới, vì họ mới cả thể lý lẫn tâm hồn – họ vui vì hạnh phúc, tức là họ “mới” hơn trước rất nhiều.
Thánh Gioan cho biêt1 từ cái mới này tới cái mới khác. Từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:3-4). Vùng “trới mới, đất mới” của Thiên Chúa thật kỳ diệu, khôn tả. Cái mới thì thường khiến người ta thấy lạ – Việt ngữ nói ghép chung: Mới lạ. Cái lạ có thể là cái rất kỳ lạ.
Cái mới lạ của Thiên Chúa vượt ngoài tầm hiểu của chúng ta. Thật vậy, Đấng ngự trên ngai nói với Thánh Gioan: “Này đây Ta đổi mới mọi sự. Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật. Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền” (Kh 21:5-6). Nước trường sinh là nước hằng sống, chính nước này sẽ biến người ta nên mới hoàn toàn, cả hồn và xác. Đổi mới bên ngoài là điều cần, nhưng đổi mới bên trong còn cần hơn. Làm sao đổi mới? Đây là bí quyết đổi mới: “Ai giữ lời Đức Kitô dạy, thì nơi kẻ ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5).
Ai tuân giữ lời Đức Kitô là người hoàn hảo. Lời Ngài nhiều lắm, nhưng tóm lại chỉ là yêu thương, tức là biết thương xót. Luật Yêu là Thiên Luật, ngắn gọn lắm!
Trình thuật Mt 5:43-48 cho biết: Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Thiên Chúa chí minh và chí công, không thiên vị bất kỳ ai (x. Gl 2:6; Cv 10:34). Là con cái Ngài, chúng ta không thể sống khác. Thánh Giacôbê nói: “Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2:1). Và Thánh Giacôbê giải thích: “Nếu anh em đối xử thiên tư thì anh em phạm một tội và bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm” (Gc 2:9). Thật lạ, vì hoàn toàn khác, không như chúng ta tưởng!
Chính Chúa Giêsu cũng đã giải thích cặn kẽ và cụ thể: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”. Quá đỗi chí lý! Chắc chắn không ai có thể biện hộ được gì. Đầu năm, đầu tháng, tết nhất mà nhắc tới vấn đề này thì thật là… “ngại” hết sức, cảm thấy “lùng bùng lỗ tai” lắm, thế nhưng phải vậy thôi. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt. Thà mất lòng trước mà được lòng sau. Đầu năm có xác định rạch ròi thì cả năm cứ thế mà xuôi theo. Thế mới là đổi mới, mới từ trong ra ngoài, nhờ đó mà cuộc sống khả dĩ tươi màu như sắc Mai vàng ngày Xuân.
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa mời gọi vừa khuyến cáo, và cũng vừa “bật mí” cho chúng ta cách đổi mới: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Hoàn thiện là đổi mới, chúng ta không đổi mới theo kiểu của mình mà theo kiểu của Thiên Chúa Cha. Quyết tâm đổi mới là lời Chúc Xuân tốt đẹp kính dâng lên Thiên Chúa trong ngày Tết cổ truyền này. Chính nhờ vậy mà chúng ta chắc chắn được Ngài ban cho sự bình an đích thực – bình an cả tâm hồn và thể lý.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, là Đầu và Cuối của cuộc đời chúng con, xin giúp chúng con biết đổi mới mỗi ngày một hơn theo đúng Thánh Ý Ngài, nên giống Tôn Nhan Thương Xót của Ngài. Chúng con xin phó thác trọn năm mới này cho Ngài, tất cả xin nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, để mọi sự tốt đẹp từ khởi sự cho đến hoàn thành, và để vinh danh Ngài. Xin ban cho Nước Việt nhỏ bé của chúng con được bình an. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU