Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Mồng Hai Tết Bính Thân, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Lễ Mồng Hai Tết Bính Thân, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

h5_resizeCâu chuyện kể rằng: Có một con chim bồ câu uống nước ở một khe nước nhỏ. Nó nhìn thấy một con kiến đang chới với giữa dòng nước. Đối với con kiến, khe suối nhỏ cũng là đại dương mênh mông. Con kiến cố sức vùng vẫy nhưng không làm sao tới bờ được. Bồ câu bèn ngậm một cọng cỏ gần đó, thả xuống chỗ kiến đang gặp nạn. Nhờ đó mà kiến thoát chết.

Một thời gian sau, trong lúc bồ câu đang đậu trên cây thì có một người thợ săn đi ngang qua. Nhìn thấy bồ câu, ông ta vui mừng giương cung lên nhắm bắn. Kiến nhìn thấy mối nguy của bồ câu, vội cắn thật mạnh vào bắp chân người thợ săn. Ông ta giật mình kêu lên. Bồ câu nhận ra mối nguy hiểm, liền vỗ cánh bay mất.[1]

Kính thưa quí ông bà anh chị em, lòng biết ơn thật là tuyệt vời.

Và chúng ta phải biết ơn những ai?

Trước hết chúng ta phải cám ơn Thiên Chúa và sau đó là cám ơn những người chúng ta chung sống.

Thi sĩ Lamartine, trong một bài thơ đã kể lại một giấc mơ như sau:

Có người thợ giày đến nói với ông: “Từ nay xin ông tự đóng lấy giầy mà đi”.

Kế đó, người thợ bánh mì cũng đến nói với ông: “Tôi nghĩ đã đến lúc ông hãy tự làm bánh mì mà ăn”.

Sau đó, người bán thịt cũng lên tiếng: “Tôi cũng nghĩ ông hãy nuôi heo giết lấy thịt mà ăn”.

Ngay cả người giúp việc cho ông cũng thưa: “Từ nay xin ông tự dọn bữa, quét nhà, giặt quần áo, tôi xin nghỉ việc”.

Thi sĩ lo sợ toát mồ hôi: “Trời ơi, nếu mọi người đều nghỉ việc thì tôi chết mất”.

Chính lúc đó ông tỉnh giấc, sực nhớ đây chỉ là một giấc chiêm bao ông vô cùng mừng rỡ. Dù sao giấc mơ cũng là một nhắc nhở cho ông rằng tất cả đều là ân nhân của ông, và rằng sống là mắc nợ mọi người.[2]

Người ta sống ở đời này phải cậy nhờ lẫn nhau, không ai có  thể tự cung cấp cho mình mọi sự cần thiết. Khi còn nhỏ trong gia đình phải nhờ cha mẹ, khi cắp sách đến trường phải nhờ thầy nhờ bạn, khi lớn lên vào đời phải nhờ vào xã hội: người không biết nhờ người biết, người yếu nhờ người khoẻ, bệnh nhân nhờ bác sỹ.

« Cám ơn cha mẹ đã sinh tôi vào cuộc đời, đã nuôi nấng và bao bọc tôi ? Cám ơn anh chị trong gia đình, các thầy cô, các cha và các sơ, các cô chú cùng biết bao người thân yêu đã đón nhận tôi, và đồng hành hướng dẫn cùng dạy dỗ tôi. Cám ơn những người bạn tri kỷ luôn có mặt bên cạnh tôi, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với tôi cả niềm vui cũng như nỗi buồn. Cám ơn tất cả mọi người gần và xa đã cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể sống tinh thần dâng hiến và phục vụ.

Do sự cậy nhờ và giúp đỡ nhau như vậy nảy sinh ra tâm tình biết ơn, một đức tính rất cần thiết trong mối quan hệ giữa con người với con người. Vô ơn là triệu chứng một tâm hồn bần tiện, một con người ích kỷ thiếu tư cách. Trái lại, biết ơn là đức tính của con người cao thượng, con người tế nhị. Biết ơn là chất dầu thơm làm cho nét mặt vui hơn, tâm hồn triển nở. Biết ơn là đòi hỏi của mọi người kể cả những người không có học thức. Phương ngôn ta có câu: “Ai ơi uống nước nhớ nguồn – được ăn quả chín nhớ ơn người trồng”, “Ơn ai một chút đừng quên – Nhờ ai một chút để bên dạ này”. Những câu ấy cho thấy dân tộc ta, ông cha ta coi trọng sự biết ơn và lòng nhân nghĩa biết bao ![3]

Một nghiên cứu gần đây đã được tiến hành trên ba nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên phải ghi lại số lần nổi giận và thất vọng trong thời gian một tuần; nhóm thứ hai phải ghi lại tất cả những sự kiện đáng nhớ; nhóm thứ ba phải ghi lại năm điều đáng để biết ơn trong cuộc sống của mình. Cuộc thí nghiệm diễn ra trong suốt mười tuần lễ liền. Các đối tượng được chia ra một cách ngẫu nhiên vào ba nhóm. Cuối cùng, những đối tượng được yêu cầu ghi lại lý do để biết ơn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của họ. Họ có những suy nghĩ lạc quan hơn về tương lai, có một sức khoẻ tốt hơn và tin rằng mình đang dần hướng đến mục tiêu. Thái độ biết ơn không chỉ tồn tại trong trạng thái hạnh phúc mà còn tồn tại trong sức khoẻ và sự tiến bộ của mỗi người chúng ta.

Phát hiện này không khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên. Những ai có thái độ biết ơn sẽ thừa nhận sự giàu có tâm hồn và khẳng định lại những mối quan hệ.

Chính lòng biết ơn làm cho con người được hạnh phúc. Hạnh phúc vì được làm con người và hạnh phúc vì được làm con Chúa.[4] Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

————————————

[1] First News, Điều bình dị thông thái trg.157

[2] Niemvuimoi.org.

[3] Vagsc.com

[4] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái, trg. 197

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …