Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm, Của Lm Anton Nguyễn Văn Độ

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm, Của Lm Anton Nguyễn Văn Độ

CÙNG MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT BƯỚC VÀO NĂM THÁNH

(Lc 1, 26-36)

 

tải xuốngBước vào Mùa Vọng với lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo hội mời gọi con cái mình cử hành với niềm vui vẻ, đồng thời tôn vinh Mẹ là Ðấng Tuyệt Ðẹp “Tota Pulchra”, vì Mẹ đã được Thiên Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Con. Mẹ được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết, khi đạp nát đầu con rắn đã cám dỗ Adong và Evà phạm tội. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng hát với Mẹ: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công mình, tựa cô dâu phục sức huy hoàng” (Ca nhập lễ).  

Vui nữa là cánh cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót được mở ra với khẩu hiệu Thương Xót Như Chúa Cha (x. Lc 6,36) là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Cha trên trời, dạy chúng ta đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn (x. Lc 6,37-38).

Thiên Chúa tha thứ và yêu thương

Thiên Chúa khôn ngoan và nhân lành nên mọi việc Người làm đều tốt đẹp. Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ?

Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?”. Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?”. Evà trả lời: “Con rắn đã cám dỗ tôi”.

Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà tức khắc đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).

Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Ngược lại, vì lòng xót thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa sẽ có người con của một phụ nữ đập dập đầu con rắn xưa (St 3,5); “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3, 5).

Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là “Tiền Tin Mừng” vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Mêsia, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải trong Ðức Kitô đã biểu lộ một trật cả trương độ của sự dữ và sự vĩ đại của ân sủng và lòng xót thương hải hà của Thiên Chúa đối với nhân loại (x. Rm 5, 20).

Mẹ của Lòng Thương Xót

“NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT” khai mạc vào ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm (8/12/2015) và bế mạc vào ngày lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ (26/11/2016). Thật ý nghĩa, bởi chính Mẹ đã được Thiên Chúa tiền định từ muôn thủa trong yêu thương và chọn Mẹ làm Đấng cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành cùng Chúa Giêsu Con Mẹ, hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót trong công trình cứu chuộc loài người. Thế nên, Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót.

Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô ca ngợi Chúa Cha vì Ngài “đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô” (1, 3). Thiên Chúa đã gửi cho Đức Maria phúc lành thiêng liêng ấy! Mẹ được chúc phúc hơn các người phụ nữ (x. Lc 1, 42)! Chúa Cha đã chọn Mẹ trong Đức Giêsu Kitô từ trước, để Mẹ trở nên thánh thiện và tinh tuyền. Trong tình thương, Ngài đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Ngài, qua Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1 4-5). Do đó, Đức Maria Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).

Cùng với Mẹ bước vào Năm Lòng Thương Xót

Vì là Mẹ của Lòng Thương Xót, nên suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Để sống Năm Thánh này, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ, để tất cả chúng ta có thể khám phá ra niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Mẹ Maria. Toàn bộ cuộc sống Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của lòng thương xót đã hóa thành nhục thể. Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Mẹ minh chứng rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không biết đến một giới hạn nào và mở rộng cho tất cả mọi người, không một ngoại lệ nào. Chúng ta hãy hướng về Mẹ, xin Mẹ ghé mắt xót thương nhìn đến chúng ta, và làm cho chúng ta xứng đáng chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót, là Chúa Giêsu Con Mẹ” (Tông thư Misericordiæ Vultus, số 24). Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …