Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa, Năm C, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa, Năm C, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ MẸ THIÊN CHÚA A.B.C

Ds 9,1-6 ; Gl 4,4-7 ; Lc 2,15-21

THÁNH MA-RI-A ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI

I- HỌC LỜI Chúa

  1. MARIAMETHIENCHUATIN MỪNG: Lc 2,15-21.

(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17). Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ Cắt Bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu. Đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng Mẹ.

  1. Ý CHÍNH: CHÚA GIÊSU LÀ CON MẸ MARIA

Các mục đồng liền vội vã lên đường đi tìm Đấng Cứu Thế theo dấu chỉ thiên sứ vừa cho biết (x Lc 2,12), và họ đã gặp được Hài Nhi mới sinh, cùng với cha mẹ Người là hai ông bà Giuse và Maria (c 16). Sau đó tới ngày thứ tám, là lễ Cắt Bì và Hài Nhi được đặt tên là Giêsu, đúng như lời thiên thần truyền tin cho trinh nữ Maria (x Lc 1,31).

  1. CHÚ THÍCH:

– C 8-9: + Trong vùng ấy có những người chăn chiên…: Sau khi bà Maria sinh con trong cảnh khó nghèo tại thành Bêlem, các mục đồng vốn là những kẻ nghèo hèn sống bên lề xã hội Do thái và luôn bị khinh dể, vì không có điều kiện tuân giữ Luật pháp Môsê. Giờ đây họ đã được ưu tiên đón nhận Tin Mừng về Đấng Cứu Thế đã ra đời.

– C 10-14: + “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại…”…: Qua đó cho thấy những người nghèo khó, đau khổ và bị bỏ rơi đang bị thua thiệt thì giờ đây lại được Chúa ưu tiên đ loan báo tin vui cứu độ (x Mt 5,3.5.7).

– C 16: + “Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”: Ở đây, Luca kể theo thứ tự tư nhiên: Maria, Giuse và Hài Nhi. Nhưng nếu theo thứ tự siêu nhiên thì phải kể: Hài Nhi Giêsu, Maria và Giuse. Vì Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, rồi đến Đức Maria là Đấng thánh được chọn làm Mẹ của Đấng Thiên Sai, nên phải kể ra trước Giuse.

– C 19: + Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng: Maria để tâm suy gẫm để tìm ra ý nghĩa của những sự kiện xảy ra trong cuộc đời Chúa Giê-sù, từ đó khám phá ra thánh ý Thiên Chúa muốn Mẹ phải làm gì để đáp lại tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

– C 21: + Làm lễ Cắt Bì: Cắt bì là cắt một ít da thừa nơi bộ phận sinh dục của bé trai. Luật Môsê quy định lễ Cắt Bì phải được thực hiện vào ngày thứ tám sau khi đứa trẻ sinh ra (x Lv 12,3). Người thực hiện phải dùng dao bằng đá (x Gs 5,2). Việc chảy một ít máu tượng trưng “máu giao ước” giữa Đức Chúa với dân Ítraen (x Xh 4,26). Qua nghi lễ này đứa trẻ được chính thức gia nhập vào dân riêng của Đức Chúa và được cha mẹ đặt tên cho, như trình thuật về lễ đặt tên của Gioan Tẩy Giả (x Lc 1,59-63).

– C 21: +Tên gọi Giêsu: Khi hiện ra trong giấc mộng, thiên thần đã lệnh cho Giuse đặt tên cho con trẻ sắp sinh ra là Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Thế, và lời giải thích ý nghĩa của tên gọi sau đó: “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội của họ” (Mt 1,25).

  1. CÂU HỎI:

1) Người chăn chiên là hạng người nào trong xã hội Do Thái ? 2) qua sự kiện các mục đồng nghèo khó được loan báo Tin Mừng trườc tiên, cho thấy tình thương cứu độ của Thiên Chúa như thế nào ? 3) Luca kể ra ba nhân vật trong gia đình thánh gia theo thứ tự tự nhiên, đang khi nếu xét về đức tin thì lẽ ra phải kể tên các Đấng theo thứ tự như thế nào mới hợp đức tin ? 4) Cắt Bì là gì ? Ai được chịu phép Cắt Bì ? Được chịu khi nào và nhằm mục đích gì ? 5) Tên Hài Nhi Giêsu do ai ra lệnh ? Tên ấy nghĩa là gì ? Theo Tin Mừng Matthêu (x Mt 1,21.25) thì ai được thiên thần ra lệnh phải đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu và tên Giêsu có ý nghĩa thế nào ?

II- SỐNG LỜI CHÚA:

1) LỜI CHÚA: Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,27)

2) CÂU CHUYỆN: MẸ MARIA HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG KẺ GẶP NGUY KHỐN

Trưa ngày 12 tháng 10 năm 1972, một chiếc phi cơ chở 45 giáo viên và học sinh đi từ Mông-tê-viu đến Săng-chi-a-gô nước Chi-Lê thi đấu thể thao đã bị rớt khi băng qua dãy núi Ăng-đét và vỡ ra nhiều mảnh. Có 28 học sinh còn sống sót. Khi màn đêm buông xuống, 28 học sinh còn sống sót kia ngồi tụm lại bên nhau trong một khoang máy bay. Cũng may, trên phi cơ vẫn còn một số đồ ăn như thịt nguội, bánh mì và rượu vang… và một chiếc rađiô cátxét. Nhờ chiếc rađiô này mà họ có thể theo dõi cuộc cứu hộ đang triển khai tại các quốc gia trong vùng. Sau tám ngày, họ nghe được các đoàn cứu hộ báo cáo không thể tìm ra chiếc máy bay gặp nạn và không hy vọng hành khách nào còn sống sót. Thế là các nạn nhân hiểu rằng: họ có còn sống hay không là do quyết tâm của chính họ.

Ít ngày sau, thêm 12 người nữa theo nhau qua đời vì bệnh viêm màng phổi vì không chịu được giá rét khủng khiếp. Đoàn người còn lại 16 người. Bây giờ họ chỉ còn biết trông chờ phép lạ. Thế là cả 16 học sinh này quyết định họp nhau cầu nguyện vào mỗi tối. Vào khoảng 9 giờ tối, khi trăng bắt đầu mọc trên triền núi, thì mọi người ngồi quây quần đọc chung kinh Mân Côi. Giờ kinh được tiếp tục bằng lời cầu tự phát và các bài thánh ca. Cuối cùng kết thúc bằng kinh Hãy Nhớ để nài xin Mẹ Chúa Trời thương cứu giúp. Những buổi cầu nguyện như thế trở thành nguồn động lực lớn lao giúp các học sinh hy vọng sẽ được cứu thoát. Thấm thoát đã sang tuần lễ thứ tám. Thời tiết bắt đầu bớt băng giá. Hai cậu khỏe nhất trong bọn và có kinh nghiệm leo núi quyết định sẽ leo xuống núi cầu cứu. Cuộc hành trình của họ vô cùng khó khăn nguy hiểm. Cũng may họ tìm được một cuộn dây thừng bằng ny-lông và dùng làm dây an toàn để leo xuống vách núi đá trơn trượt. Chỉ cần bất cẩn một chút là cả hai sẽ lao xuống vực thẳm. Mọi người còn lại đều hợp ý cầu xin Mẹ Maria nâng đỡ cho hai bạn được an toàn. Chín ngày sau, hai cậu đã xuống được đến một trạm kiểm soát ở dưới chân núi, và vài tiếng đồng hồ sau, đã có hai chiếc trực thăng cứu hộ xuất hiện trên đỉnh núi cao để cứu mười bốn học sinh còn lại. Nhờ sự thành tín kêu cầu Đức Maria, mà các học sinh này đã sống được tới 70 ngày trên đỉnh núi cao giá lạnh, đang khi không ai trong các thân nhân của họ dám hy vọng họ còn sống và có ngày trở về nhà. Suốt 70 ngày gian khổ trên núi, 16 cậu học sinh này đã cảm nghiệm được rằng: Đức Maria không những là Mẹ Thiên Chúa, mà Người còn là Mẹ của tất cả những ai thành tâm tin cậy cầu xin Ngài cầu bầu.

  1. SUY NIỆM:

1) Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của chúng ta: Thánh Phaolô viết trong thư Ga-la-ta: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Như vậy, khi sinh hạ Chúa Giêsu, Đức Maria cũng hạ sinh một nhân loại mới. Vì Người là Mẹ của Chúa Giêsu là đầu nhiệm thể, nên cũng là Mẹ của các tín hữu chúng ta. Hơn nữa, khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ Maria được Chúa Giêsu trối làm mẹ của Gioan là đại diện của Hội Thánh, và sau đó Gioan đã rước Mẹ về nhà mình mà phụng dưỡng thay cho Thầy Giêsu (x. Ga 19,26-27). Cuối cùng, Mẹ Maria còn là trạng sư cầu bầu đắc lực cho chúng ta trước tòa Chúa Giêsu là Đấng sẽ tái lâm để phán xét chung tòan nhân lọai vào ngày tận thế sau này.

2) Mẹ đã nêu gương sống đức tin cậy mến: Trong biến cố truyền tin  Mẹ đã lắng nghe lời giải thích của sứ thần, tìm hiểu ý nghĩa trong sự đối thoại: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào , vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Nhờ đối thoại với sứ thần, Mẹ ngày càng khám phá ra mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, để cộng tác bằng việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế. Mẹ thể hiện niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa bằng thái độ lắng nghe và tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa sẽ được thực hiện như bà Êlisabét đã khen ngợi (x Lc 1,45). Khi Chúa giáng sinh, Mẹ đã nghe lời ca khen của các thiên thần, các mục đồng, và các nhà thông thái tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, Tin Mừng Luca đã ghi lại thái độ của Mẹ như sau : “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2.19.51). Trên núi Sọ, Mẹ đã tận mắt chứng kiến người con yêu chịu treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp, lòng Mẹ nát tan như bị lưỡi đòng đâm thấu trái tim (x Lc 2,35).

3) Vai trò chuyển cầu của Đức Maria: Trong tiệc cưới tại Cana, chính Mẹ Maria đã phát hiện ra tiệc cưới sắp bị hết rượu. Mẹ không đợi đôi tân hôn phải kêu xin, nhưng đã mau mắn đến xin con mình là Đức Giêsu giúp cho đôi tân hôn và dạy các gia nhân phải vâng lời Đức Giêsu truyền. Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, mà dù chưa tới giờ hành động. Đức Giêsu vẫn làm cho nước lã biến thành rượu ngon, giúp cho đôi tân hôn khỏi bị mang tiếng trước mặt các thực khách (x. Ga 2,1-11). Ngày nay ở trên trời, Mẹ Maria cũng tiếp tục chuyển cầu cho các đôi vợ chồng có lòng yêu mến tin cậy cầu xin, Mẹ sẽ giúp họ vượt qua những thử thách trong cuộc sống lứa đôi, và sẽ làm cho tình yêu của họ dù có bị lạt như nước lã sau nhiều năm sống chung, sẽ hóa nên nồng thắm như ngày mới cưới. Miễn là họ phải mời Chúa Giêsu và Mẹ Maria vào hiện diện trong gia đình của họ. Cách trưng bày ảnh tượng của Chúa Giêsu và Đức Mẹ trên bàn thờ gia đình sẽ nói lên đức tin của các gia đình tín hữu chúng ta trưởng thành và sáng suốt đến mức độ nào.

4) Chúng tôi phải làm gì ? : Đức Maria trở thành mẫu gương sống đức tin cậy mến cho cá tín hữu chúng ta học tập noi gương về cách ứng xử trước các biến cố gặp phải trong cuộc sống đời thường. Nhờ năng đọc Lời Chúa, các tín hữu sẽ học nơi Mẹ Maria “luôn ghi nhớ các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Hãy năng tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng”. Hãy năng dâng lời ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa hằng ngày trong lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Hãy biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những người thân và phục vụ những ai đang cần được trợ giúp như Mẹ đã ở lại ba tháng để phục vụ bà chi họ Êlisabét cho tới ngày bà sinh con (x Lc 1,56). Hãy cùng Mẹ can đảm chia sẻ sự đau khổ với Chúa Giêsu trên cây thập giá, sẵn sàng chịu chết đi cho tội lỗi và được sống lại vinh quang với Người sau này.

  1. THẢO LUẬN:

1) Môn đệ Gioan đã rước Đức Maria về nhà mình để phụng dưỡng. Còn chúng ta hôm nay phải làm gì để tỏ lòng hiếu kính đối với Mẹ Maria và trở nên con cái ngoan ngoãn hiếu thảo của ngài ? 2) Ngày nay khi gặp các gian nan thử thách, các đôi vợ chồng tín hữu cần làm gì để được Mẹ Thiên Chúa giúp đỡ ?

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Trần gian hôm nay đầy những thú vui hấp dẫn chúng con. Nhưng những đam mê ấy thường bất chính và chỉ mang lại hậu quả tai hại cho phần rồi đời đời của chúng con. Thiên đàng của thế gian là thứ thiên đàng giả tạo và bọt bèo chóng qua. Hôm nay chúng con xác tín rằng: chỉ Chúa mới là lẽ sống cuộc đời chúng con, là mặt trời công chính xua tan bóng đêm tội lỗi.

– LẠY CHÚA. Xin cho chúng con biết luôn tìm kiếm Chúa, lắng nghe Lời Chúa và tìm thấy con đường phải đi. Xin cho chúng con mỗi ngày biết siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở nên những môn đệ trung tín, luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt mọi người, để họ thấy những việc lành chúng con làm mà ngợi khen Cha trên trời.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN