Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

 

THÁNH THẦN ĐẤNG PHÙ TRỢ VÀ TÁC SINH

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, Ngày Thứ Nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì Người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý CHÍNH:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ để ban bình an và niềm vui cho các ông, khi ấy đang mang tâm trạng hoang mang sợ hãi (19), chứng minh Người đã thực sự sống lại từ cõi chết (20). Cuối cùng người còn ra lệnh cho các ông tiếp tục sứ mệnh thừa sai của Người (21b). Để hỗ trợ cho các ông đủ khả năng chu toàn sứ mệnh “được sai đi”, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha thứ hay cầm giữ tội của người ta (22).

3. CHÚ THÍCH:

– C 19-20: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Ki-tô hiện đến trong lúc phòng vẫn đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em ! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này cho thấy có một sợi dây liên kết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

– C 21-23: + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Chúa Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả các tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sinh khí hay sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các Giám Mục, kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì Ngày Thứ Bảy (Sa-bát) như đạo Do thái ? 2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly trong khi cửa nhà đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có đặc tính gì ? 3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đến đem lại điều gì cho các môn đệ ? 4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông ? 5) Sứ mạng tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất do ai và từ khi nào ? 6) Tại sao Chúa Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ ? 7) Bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su có quyền tha tội và Người thiết lập bí tích giải tội để trao quyền tha tội cho Hội Thánh khi nào ?             

5. HỎI ĐÁP:

HỎI 1: Tin Mừng Gio-an thuật lại rằng: Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Ga 20,22), đang khi sách Công Vụ lại nói: Thánh Thần xuất hiện như tiếng gió mạnh và qua hình lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống trên từng người vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-3). Như vậy Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ vào chiều ngày Phục Sinh hay vào lễ Ngũ Tuần ? Thánh Thần đã tác động thế nào trên cộng đoàn đầu tiên ?

** ĐÁP:

Thực ra Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay từ “buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần”. Vì sau khi phục sinh, Người không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, nên đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh, và Người đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay buổi chiều ngày phục sinh (x. Ga 7,39). Nhưng phải chờ tới ngày lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau Phục Sinh, Thánh Thần mới phát huy tác dụng, khi các ông đã chuẩn bị bằng việc nghe lời Chúa Phục Sinh trong Sách Thánh và đã xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người; nhất là sau khi các ông đã “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14).

Sách Công Vụ đã thuật lại việc Thánh Thần tác động trên Cộng Đoàn đầu tiên như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

HỎI 2: Tại sao Thánh Thần lại tác động trên các Tông đồ đúng vào lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, tức 50 ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại ? Có liên hệ nào giữa hoạt động của Thánh Thần với ý nghĩa của lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái hay không?

** ĐÁP:

Tuy Đức Giê-su sau khi sống lại đã hiện ra vào chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần, trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do thái, nhưng phải đợi đến ngày thứ 50, trùng với lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần mới tác động trên các Tông Đồ vì những lý do như sau:

+ Thiết lập giao ước: Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần ban đầu là ngày lễ của nông dân, tạ ơn Đức Chúa về các hoa màu mùa màng (x. Xh 23,16). Về sau họ mừng lễ này để kỷ niệm việc Đức Chúa ban Lề Luật và ký kết giao ước Xi-nai với họ. Đến thời Tân Ước vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần trước đó đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi ban cho các Tông đồ vào chiều ngày phục sinh, giờ đây đã phát huy tác dụng trên các ông, như sách Công vụ đã thuật lại (x. Cv 2,1-4).

+ Thành lập dân riêng mới: Cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký giao ước Xi-nai và ban Lề Luật vào lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau biến cố Vượt Qua, biến dân Ít-ra-en thành dân riêng của Người, thì đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã hiện xuống vào 50 ngày sau biến cố Phục Sinh, trùng với lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, để tác động, biến Hội Thánh trở thành dân riêng mới của Thiên Chúa.

HỎI 3: Qua các hình dạng được diễn tả trong sách Công Vụ như: “Từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp, và xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,2-4), tác giả Sách Thánh muốn diễn tả điều gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần ?

 **ĐÁP:

+ Tiếng động như tiếng gió mạnh: Ám chỉ Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, giống như gió mà người ta không thể xem thấy, mà chỉ cảm nhận được hiệu quả của nó mà thôi (x. Ga 3,8). “Gió mạnh” tượng trưng cho sức mạnh của ân sủng và tình yêu của Thánh Thần. Sức mạnh ấy sẽ giúp các môn đệ làm được những việc lớn lao hơn Đức Giê-su, nghĩa là ban cho các ông khả năng loan báo Tin Mừng khắp thế gian cho mọi dân tộc, đang khi Đức Giê-su chỉ mới rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân Do thái tại xứ Pa-lét-tin.

+ Lưỡi lửa: Lưỡi là bộ phận dùng để nói. Lưỡi lửa ám chỉ lời nói của các Tông đồ sẽ có tác dụng như lửa: vừa tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi những tư tưởng sai lầm để hiểu biết chân lý, vừa hun đúc tâm hồn người nghe để họ tin vào Lời Chúa.

+ Nói các thứ tiếng khác: Là ân huệ đầu tiên của Thánh Thần. Vậy các Tông đồ nói tếng lạ thế nào ? Chắc không phải là thứ tiếng lạ khác thường, vì khi nghe các Tông đồ nói thì “Người ta hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,6; 1 Cr 14,5). Ở đây, Lu-ca có ý nói rằng: Các Tông đồ được ơn ngôn ngữ, nghĩa là ơn diễn tả về Thiên Chúa cho người khác hiểu được, làm cho người ta trở nên hiệp nhất thay vì chia rẽ thành nhiều thứ tiếng do tội kiêu ngạo như con cái loài người thời tổ phụ Nô-ê (x. St 11,1-9). Cuối cùng, ơn ngôn ngữ của các Tông đồ còn giúp Hội Thánh mang tính phổ quát nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Cv 2,9-11).

HỎI 4: Ngày nay, khi chịu phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, Thánh Thần sẽ ban những ơn gì cho các tín hữu ?

** ĐÁP:

Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ đến hoạt động trong các tín hữu.

+ Thánh Thần sẽ thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, biến đổi chúng ta nên Ki-tô hữu trưởng thành về đức tin, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta hiểu biết đầy đủ về giáo lý của Chúa Giê-su, hầu giúp chúng ta giữ nghĩa cùng Chúa luôn và ngày càng nên hoàn thiện hơn, như lời Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).

+ Thánh Thần sẽ cho chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giê-su bằng ba việc: rao giảng (Ngôn sứ), thánh hóa (Tư tế), và cai quản dân Chúa (Vương đế). Chúng ta làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói, việc làm và bằng chính đời sống tốt lành của mình, nhờ đó sẽ giúp lương dân nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.

+ Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta bằng việc ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh. Đó là các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23).

 2. CÂU CHUYỆN: NGƯỜI TRỒNG CÂY SỒI

 Vào thập niên 1930, có một thanh niên một mình đi thám hiểu dãy núi AN-PƠ (Alpes) nước Pháp. Anh ta đi ngang qua một dải đất đồi trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng không người lai vãng, lại vừa mấp mô xấu xí và không đáng để người ta quan tâm. Bỗng nhiên anh ta thấy một ông già đang khòm lưng làm việc, trên vai đeo một cái túi khá nặng chứa đầy hạt sồi. Tay ông cầm một khúc ống sắt dài khoảng 1m20. Ông đang dùng ống sắt ấy đâm sâu xuống mặt đất, làm thành những chiếc lỗ cách nhau khoảng 3 mét, Rồi ông thò tay vào túi hạt sồi lấy ra một nắm đặt vào mỗi lỗ một hạt. Khi anh thắc mắc thì ông giải thích như sau: “Nhà tôi ở trong vùng đất hoang vu này. Trước kia tôi cũng có gia đình. Nhưng vợ và 3 đứa con của tôi đã lần lượt bị chết do một dịch bệnh cách đây gần một năm. Sau khi vợ con chết hết, tôi buồn bã chán nản không thiết làm việc trồng tỉa như truớc, mà suốt ngày chỉ đi thơ thẩn khắp vùng này để giải khuây. Một hôm tôi đi ngang qua khu vực đồi trọc rộng bao la này và muốn làm một việc gì đó để đời mình có ý nghĩa. Tôi nảy ra ý định sẽ gieo hạt giống từ cây sồi trong vườn sau nhà, để phủ xanh khu vực đồi trọc này. Tuy biết mình đã lớn tuổi chẳng còn sống được bao năm và không có người thừa kế, nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc này với hy vọng sẽ để lại cho thế hệ mai sau một quả đồi đầy những cây sồi. Đến nay, sau một năm miệt mài gieo trồng, tôi ước tính đã gieo được cả trăm ngàn hạt sồi xuống đất. Chỉ cần một phần mười số hạt này mọc lên thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.

Hai mươi năm sau, anh thanh niên kia giờ đã trở thành một người trung niên. Một lần, khi đi ngang qua khu vực này. Ông ta sửng sốt khi thấy khu vực đồi trọc hoang vu trước đây hai chục năm giờ đã biến thành một khu rừng sồi rất đẹp, rộng hai dặm và dài khoảng năm dặm. Tại khu rừng sồi này có nhiều lòai chim làm tổ và chạy nhảy trên cành ca hát líu lo. Nhiều loài thú hoang như hươu nai cũng đang nhởn nhơn gặm cỏ. Hoa sồi nở rộ khắp nơi lan tỏa mùi thơm khắp vùng. Toàn cảnh khu vực giống như một địa đàng. Ông nhận định rằng: Sở dĩ có được thành quả tốt đẹp này là do bàn tay của ông lão tốt bụng trước đây hai mươi năm đã để lại.

Lễ Hiện Xuống cũng là một lời mời gọi các tín hữu chúng ta hành động để góp phần xây dựng và mở rộng Nước Chúa đi khắp hòan cầu. Tuy không có khả năng làm thay đổi cả thế giới, nhưng chúng ta vẫn có thể biến đổi được phần nào ngay tại môi trường sống của mình, giống như ông lão trong câu chuyện trên đã làm. Mỗi chúng ta đều đã được Chúa ban cho một túi hạt sồi ân sủng và một khúc ống sắt tài năng khi lãnh nhận phép Thêm Sức. Chỉ cần một chút can đảm của ông lão trồng sồi, cùng với ơn Thánh Thần hỗ trợ, chúng ta cũng có thể góp phần làm cho môi trường chúng ta đang sống ngày một an ninh trật tự hơn, công bình nhân ái hơn và tốt đẹp thịnh vượng hơn. Nếu biết hợp tác với những người thiện chí, với ơn phù trợ của Thần Khí Chúa Giê-su Phục Sinh, chúng ta có thể làm được công việc lớn lao vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta, là làm cho thế giới nên một “trời mới đất mới” đầy công bình, nhân ái, an vui và hạnh phúc là thiên đàng đời sau.

3. SUY NIỆM:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi các cửa nhà các Tông đồ trú ngụ đều đóng kín vì sợ người Do thái. Chúa Giê-su đã hiện đến đứng giữa và nói: ”Bình an cho anh em”. Sau đó Người đã sai các ông ra đi tiếp tục sứ mạng Thiên Sai của Người. Để giúp các ông chu toàn sứ mạng này, Chúa Phục Sinh đã củng cố đức tin của họ bằng việc cho xem các vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn Người. Cuối cùng Người còn thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông và nói: ”Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Vậy Thánh Thần là ai ? Làm thế nào để Thánh Thần hoạt động hữu hiêu trong Hội Thánh và nơi mỗi tín hữu hôm nay ?

1) Thánh Thần là ai ?

a) Ít người biết Chúa Thánh Thần là ai ?: Cũng như trong thời Hội thánh sơ khai một số tín hữu ở Ê-phê-sô khi được Phao-lô hỏi đã nhận được Thánh Thần chưa? đã trả lời rằng:  «Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói» (Cv 19,2), thì nhiều tín hữu hôm nay cũng chỉ biết về Chúa Thánh Thần cách lý thuyết qua những câu kinh bổn thuộc lòng từ thuở nhỏ, đang khi Thánh Thần là một thực thể sống động ở ngay trong lòng chúng ta. Không có Ngài, chúng ta chẳng làm được gì tốt đẹp: không thể cầu nguyện với Thiên Chúa, không thể yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Thánh Phao-lô đã khẳng định: «Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí» (1 Cr 12,3); «Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta» (Rm 8,26); «Chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta là nhờ Thần Khí» (1 Ga 3,24).

b) Thánh Thần canh tân đổi mới các tín hữu: Cũng như không ai nhìn thấy dòng điện, nhưng chúng ta nhận biết có điện nhờ những biểu hiện cụ thể của nó như: Bóng đèn cháy sáng, máy quạt quay mát, bếp điện nóng lên… Cũng vậy, Thánh Thần sẽ trở nên cụ thể và gần gũi với chúng ta nếu chúng ta có được cảm nghiệm về Ngài. Chúng ta sẽ không thể sống, thở, suy nghĩ và làm điều tốt… nếu không có Thánh Thần của Đức Giê-su trợ giúp như Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b). Hoa trái thiêng liêng của Thánh Thần là «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23a).

c) Thánh Thần của Đức Giê-su và của chúng ta: Thánh Thần ở trong chúng ta hôm nay cũng chính là Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Mẹ thụ thai Đức Giê-su mà còn đồng trinh (x. Lc 1,35), đã hướng dẫn Đức Giê-su vào trong hoang địa để chịu ma quỷ thử thách (x. Mt 4,1), đã lấy hình chim bồ câu đậu trên Đức Giê-su khi Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan (x. Mt 3,16), đã tác động làm cho Đức Giê-su vui mừng dâng lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21), đã được Chúa Phục Sinh thổi Thần Khí trên các Tông đồ vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần sau khi Người từ cõi chết sông lại (x. Ga 20,22), đã trở thành cơn bão mạnh mở tung cửa nhà Tiệc Ly và trên đầu mỗi môn đệ Chúa đều có một hình lưỡi lửa vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3) v.v… Ngày nay Thánh Thần ấy vẫn đang hoạt động trong Hội Thánh và nơi mối tín hữu, soi sáng cho Hội thánh «sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13), miễn là chúng ta biết mở lòng cầu xin Ngài đến và tích cực cộng tác với ơn phù trợ của Ngài.

d) Thánh Thần chính là Đấng Bảo Trợ khác thay Đức Giê-su: Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ khi sắp từ giã các ông như sau: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em. Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Chúa Thánh Thần sẽ luôn hiện diện trong lòng các tín hữu như lời Chúa dạy: «Thánh Thần luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,17). Thánh Phao-lô cũng viết: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?» (1 Cr 3,16). Như vậy, tất cả những gì tốt đẹp trong suy nghĩ, hay những việc tốt chúng ta làm được đều nhờ ơn Thánh Thần ban cho chúng ta.

2) Điều kiện để Thánh Thần hoạt động hữu hiệu:

a) Phải loại trừ cái tôi kiêu căng ích kỷ: Muốn được Thánh Thần ban ơn thánh hóa, chúng ta cần phải có một tâm hồn khiêm tốn. Một người có «cái tôi» quá lớn, coi mình như «cái rốn của vũ trụ», và coi trọng ý riêng, thì sẽ không thể đón nhận được ơn Thánh Thần. Giống như một ly nước chứa đầy nước sẽ không thể nhận thêm gì khác, thì cũng vậy, nếu trong lòng chứa đầy «cái tôi», thì sẽ không còn chỗ cho Thánh Thần tác động.

b) Phải cầu xin ơn Thánh Thần: Thánh Thần luôn hiện diện nhưng Ngài chỉ ban ơn nếu chúng ta biết tin cậy cầu xin Ngài và sẵn sàng cộng tác với Ngài. Thánh Thần giống như điện năng trong nhà chúng ta. Nếu chúng ta muốn các bóng đèn trong nhà cháy sáng, máy quạt quay gió mát, máy vi tính hoạt động… thì chúng ta phải biết mở cầu dao điện lên và bật các công tắc điện. Cũng như trong thời gian giảng đạo, Đức Giê-su đã thức dậy và truyền cho bão tố lặng im khi thuyền các môn đệ sắp chìm và các ông đã mở miệng xin Người cứu giúp: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !” (Mt 8,25-26). Cũng vậy, Thánh Thần luôn “ngự trong chúng ta” (x. 1 Cr 3,16), nhưng Ngài trong tư thế thụ động. Nếu chúng ta biết mở miệng cầu xin thì Ngài sẽ sẵn sàng ban ơn thánh hóa chúng ta.

c) Phải mời Chúa vào làm chủ lóng trí chúng ta: Thánh Thần và Chúa Giê-su là một. Ngài sẽ không thể tác động hữu hiệu nếu chúng ta chỉ coi Ngài như một vị khách lạ. Muốn cho Thánh Thần cúa Chúa Giê-su hoạt động hữu hiệu biến đổi chúng ta nên con người mới, thì chúng ta cần mời Người làm chủ lòng trí chúng ta, và làm những gì Ngài muốn. Hãy mời Chúa Giê-su đến và hiệp thông với Người, để có thể nói được như thánh Phao-lô: «Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi» (Gl 2,20).

3) Vai trò của Thánh Thần trong Hội Thánh hôm nay:

a) Noi gương cộng đoàn Hội Thánh sơ khai: Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su hội họp nhau trong nhà tiệc ly, hiệp thông với Đức Ma-ri-a Mẹ Chúa Giê-su và các anh em Người để cầu xin Chúa Thánh Thần mau đến (x. Cv 1,14). Ngày nay nếu chúng ta muốn đón nhận ơn Thánh Thần thì chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn để cùng cầu nguyện là điều kiện để Thánh Thần đến canh tân lòng trí chúng ta, biến đổi chúng ta nên những chứng nhân nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh đến tận cùng thế giới (x. Cv 1,8).

b) Hoạt động của Thánh Thần trong Hội Thánh hôm nay: Khi hiện xuống trong lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã ban cho Hội Thánh nhiều đặc sủng khác nhau để phục vụ lợi ích cộng đoàn (1 Cr 12,4-11). Nhất là được ơn nói tiếng lạ và nói tiên tri (x. 1 Cr 14,5). Ngày nay Thánh Thần cũng hiện diện nơi các vị chủ chăn và cộng đoàn mỗi khi họp nhau cử hành phụng vụ Thánh Thể. Trong Thánh Lễ, Thánh Thần động viên các tín hữu lắng nghe Lời Chúa, giúp họ hiểu biết ý nghĩa và quyết tâm thực hành theo ý Chúa muốn, tác thánh để biến bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giê-su sau lời truyền phép. Nói cách khác: Thánh Thần trở thành linh hồn của Hội Thánh, biến đổi Hội Thánh nên sống động và hữu hiệu hơn. Nếu không có Thánh Thần thì Hội Thánh cũng chỉ như một xác chết không hồn mà thôi.

c) Hoạt động của Thánh Thần trong các tín hữu: Khi được lãnh nhận phép Rửa Tội, nhất là khi chịu phép Thêm Sức, các tín hữu đã nhận được ơn Thánh Thần. Thánh Thần hiện diện mỗi khi chúng ta họp nhau nghe Lời Chúa; Người sẽ giúp chúng ta thực hành Lời Chúa giữa đời thường (x. Ga 14,17); Người cũng giúp chúng ta tuyên xưng “Đức Giê-su là Chúa” (x. 1 Cr 12,3) và noi gương Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Ba ơi!” (x. Rm 8,15) để nên dưỡng tử của Thiên Chúa (x. Rm 8,1). Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta không còn sống theo xác thịt, nhưng sống cuộc sống mới tốt đẹp hơn (x. Rm 8,10-13); giúp chúng ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô để được chia sẻ vinh quang phục sinh với Người (x. Rm 8,17).

d) Thánh Thần sẽ giúp loan báo Tin Mừng bằng gương sáng: Việc loan báo Tin Mừng bằng phong cách sống và bằng lối ứng xử quên mình vị tha và bác ai phục vụ tha nhân rất phù hợp với các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Chính cuộc sống gương mẫu của chúng ta sẽ là bằng chứng hùng hồn về tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Sự quảng đại chia sẻ tinh thần và cơm bánh vật chất của các tín hữu sẽ giúp anh chị em lương dân có thiện cảm với đạo như người ta thường nói: “Lời nói hương bay; Gương bày lôi kéo”, và lời Chúa Giê-su dạy: ”Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

    4. THẢO LUẬN: 1) Phân biệt Thánh Thần giống và khác thiên thần như thế nào ? 2) Ta phải làm gì để được Thánh Thần ngự đến đổi mới tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta chu toàn sứ mạng “được sai đi”noi gương Hội Thánh Sơ Khai ?

 5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA THÁNH THẦN. Xin hãy đến như cơn gió mát thổi vào tâm hồn chúng con, thổi vào Hội Thánh, thổi vào thế giới hôm nay, để làm tươi mát dịu dàng và ban sự tự do thanh thoát. Xin hãy đến như dòng nước trong lành chảy vào cuộc đời chúng con, chảy vào Hội Thánh, chảy vào thế giới hôm nay, để tẩy sạch mọi tội lỗi nhớp nhơ, làm dịu đi những khô cằn, uốn lại những tấm lòng cứng cỏi, và làm phát sinh những mầm xanh sự sống mới. Xin hãy đến ban ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Hội Thánh, chiếu sáng thế giới hôm nay, để xua đi bóng đêm tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng con, đẩy lùi bóng tối của đam mê thấp hèn ra khỏi môi trường chúng con đang sống, làm cháy lên những ước mơ cao cả, và làm bừng sáng tình yêu khiêm nhường phục vụ.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN