Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH – THÁNH LỄ BAN NGÀY, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH – THÁNH LỄ BAN NGÀY, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Is 52, 7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18)

“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”

chuagsTin Mừng Gioan 1,1-18:

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành

4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.

7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.

8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.

10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.

11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.

14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

          Suy Niệm:

            Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8-16). Chính bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi thời gian viên mãn, qua việc sai Con Một Ngài và Thánh Thần của Tình Yêu, Thiên Chúa đã bày tỏ bộ mặt sâu xa nhất của mình. Chính bản thân Ngài là một sự trao đổi đời đời của Tình Yêu Cha – Con – Thánh Thần, và Ngài muốn chúng ta thông phần vào tình yêu ấy. (GLCG số 221).

            Hôm nay chúng ta cử hành biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: Sinh nhật của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa đi vào lịch sử của nhân loại và mang lấy thân phận con người, chia sẻ đến tận cùng cuộc sống của con người, mặc lấy thân xác con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Hài Nhi Giêsu là Vị Thiên Chúa làm Người.

            Nhà huyền bí Kitô giáo Ấn Độ, Sadhu Sundar Singh đã diễn tả Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu qua câu chuyện sau đây:

            Xưa kia một ông vua có vị cố vấn là The Vizier, một người hiểu biết và thánh thiện. Khi hành hương đất Thánh Palestine, ông The Vizier bị xúc động sâu xa vì câu chuyện Chúa Kitô giáng sinh làm người. Ông đã xin tòng giáo và trở thành một người Kitô hữu ngoan đạo. Ông tin vào Đấng Cứu Thế đến thế gian để cứu chuộc con người tội lỗi.

            Khi trở về, vua thắc mắc hỏi ông: “Nếu tôi muốn bất cứ điều gì, tôi truyền lệnh cho đầy tớ thì việc đó được thi hành ngay. Vậy tại sao vua các vua là ông Giêsu có thể cứu nhân loại bởi một lệnh truyền, lại phải đích thân đến trần gian và nhập thể làm người để làm gì?”

            Ông cố vấn xin vua một ngày ân huệ trước khi trả lời câu hỏi. Ông mời thợ mộc rất tài giỏi và yêu cầu làm cho ông một con búp bê giống như người con trai của vua và hôm sau phải mang đến cho ông. Hôm sau, vua và ông cố vấn chèo thuyền dạo chơi trên sông với nhau. Vua yêu cầu ông cố vấn trả lời câu hỏi. Theo sự căn dặn trước của ông cố vấn, cùng lúc người thợ mộc cũng đến bờ sông với con búp bê. Vua thấy con búp bê giống hệt con trai mình. Làm theo lệnh của ông cố vấn, người thợ mộc để cho con búp bê rơi xuống sông. Thấy vậy, vua liền lao xuống sông để cứu bé đang bị chết chìm. Sau một lúc lâu, ông cố vấn mới nói với vua:

  • Thưa đức vua, Ngài không cần phải nhảy xuống nước. Ngài ra lệnh cho quần thần không được sao? Tại sao chính Ngài phải đích thân nhảy xuống nước vậy?

Suy nghĩ một lát rồi vua trả lời:

  • Đây là tình yêu của một người cha.

Ông cố vấn mới nói:

  • Đó là câu trả lời tại sao để cứu nhân loại, Thiên Chúa toàn năng đã nhập thể làm Người thay vì thực hiện nó chỉ bằng một cái truyền lệnh mà thôi!

Chính vì tình yêu mà Thiên Chúa nhập thể: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”  để cứu chúng ta, Ngài trở nên giống chúng ta mọi đàng. Đó là cách biểu lộ tuyệt hảo tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa giáng sinh làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa sinh ra nghèo hèn để con người được trở nên giàu sang trước Thiên Chúa. Con Thiên Chúa sinh ra nơi hang đá Bê lem nghèo khó để chia sẻ với 80% nhân loại trên thế giới là thành phần nghèo: nghèo về vật chất, nghèo tình thương, nghèo tình người trong một thế giới đầy cảnh khủng bố giết người, bất công…

Công đồng Vatican II diễn tả:

“Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đã biểu hiện trong việc Con Một Thiên Chúa đã được Chúa Cha sai đến thế gian, để hóa thân làm người. Ngài tái sinh và đoàn tụ toàn thể nhân loại nên một bằng cách cứu độ nhân loại”.

Lễ Giáng Sinh là lễ của Tình Yêu. Vì yêu thương nhân loại Thiên Chúa đã giáng sinh làm người để cứu độ nhân loại, đem đến cho chúng ta niềm vui an bình và hạnh phúc.

Bước vào thế kỷ 21 với những cuộc khủng bố đẫm máu, chiến tranh tàn bạo ở khắp nơi… Người Kitô hữu phải là sứ giả  của hòa bình, của tình thương chống lại bạo lực và hận thù, sống nền văn minh tình thương chống lại nền văn minh sự chết. Chỉ có tình yêu cứu độ mà Chúa Giêsu Giáng Sinh đem đến mới có thể chiến thắng tội ác, thù hận, bất công… để nhân loại có niềm vui an bình thực sự, như lời sứ thần loan báo:

“Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …