Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Giáng Sinh (lễ ngày), năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Giáng Sinh (lễ ngày), năm B, của Trầm Thiên Thu

ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ

(Giáng Sinh – Lễ Ngày)

VINH DỰ ĐỨC CHÚA TRÊN TRỜI MÃI MÃI

THÁI HÒA LOÀI NGƯỜI DƯỚI ĐẤT NƠI NƠI

[Ngày GS] ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ [1]Đó là lời hát của Ca đoàn Thiên thần vang vọng từ chốn cửu trùng trong Đêm Hồng Ân (Lc 2:14), khi Vương Nhi Giêsu mặc xác phàm và hạ sinh nơi hèn hạ nhất. Một Vua Nghèo nhưng lại đầy quyền lực và giàu có nhất. Ngài muốn dạy chúng ta bài học sống khó nghèo, sống khiêm nhường, sống yêu thương, thực sự quan tâm chăm sóc và chia sẻ với những người nghèo hèn nhất trong xã hội, bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói suông. Chính Ngài tự nguyện trở nên Vị Vua Nghèo Nhất – Đệ Nhất Hàn Vương.

Bài Thánh Ca của Ca Đoàn Thiên Thần chứa một triết lý thâm thúy. Vế thứ nhất “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời” là điều tất nhiên, nhưng vế thứ nhì là điều chúng ta cần suy nghĩ: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nếu chúng ta chưa được bình an vì chúng ta chưa thiện tâm. Chỉ những ai thiện tâm thì mới được Chúa thương, tức là được bình an tâm hồn. Bình an tâm hồn và bình an thể lý khác nhau. Có bình an thể lý chưa chắc có bình an tâm hồn. Có thể cuộc sống của chúng ta gặp khó khăn, bị bách hại, bị tù đày, bị phiền phức nhiều thứ,… nhưng vẫn có điều chắc chắn là tâm hồn luôn được bình an. Đó mới là bình an đích thực cần thiết.

Lịch sử đã có bằng chứng minh nhiên: Các vị tử đạo không hề bình an về thể lý vì họ bị voi giày, ngựa xéo, lăng trì, xử trảm,… và chết thê thảm, nhưng tâm hồn họ vẫn luôn bình an, bởi vì họ làm đúng lương tâm, đúng giáo huấn của Thiên Chúa.

SÁNG NGỜI NIỀM TIN

Cứ mỗi lần kỷ niệm Con Thiên Chúa giáng sinh, người ta lại thấy vang lên ca khúc “Mùa Sao Sáng” của NS Nguyễn Văn Đông, với lời thoại mở đầu là lời thơ của Thi sĩ Kiên Giang: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao”.

Mặc dù không là Thánh Ca, nhưng ca khúc “Mùa Sao Sáng”vẫn nghe như thánh ca, giai điệu vừa đẹp vừa nhẹ nhàng và ca từ cũng đẹp: “Một mùa sao sáng, đêm Noël Chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui. Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la, tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam. Từ mùa Đông trước qua mùa Đông tiếp theo sau này, người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi… Lớp lớp đoàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao… Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn, đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”. Trong niềm vui mừng Chúa giáng sinh, tác giả không quên cầu xin Đức Mẹ ban ơn, nếu không là tín hữu Công giáo thì khó có thể có tâm tình với Đức Mẹ như vậy.

Không biết ông có niềm tin Kitô giáo hay không, nhưng các ca từ ông viết nghe đầy “chất” Công giáo. Phải chăng ông là người ngoại đạo nhưng luôn hướng về Chúa, luôn tin rằng “lớp lớp đoàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao” và “đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”? Ca từ nói về nỗi day dứt trong thời chiến nhưng ngày nay vẫn thấy phù hợp, bởi vì tuy chiến tranh bom đạn không còn nhưng có dạng chiến tranh khác vẫn xảy ra hàng ngày đâu đó trên quê hương Việt Nam nhỏ bé này.

Tuy nhiên, Niềm Tin vẫn sáng ngời soi đường dẫn lối, và đó cũng là một cách rao truyền Ơn Cứu Độ, thật là “đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is 52:7). Chúng ta luôn sống “đời vọng” vì vững lòng tín thác vào Thiên Chúa: “Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy” (Is 52:10).

Trong niềm tín thác tuyệt đối, Thánh Vịnh gia đã cất cao lời tuyên xưng: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát. Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!” (Tv 98:1-6).

Thật hạnh phúc khi chúng ta được kế thừa đức tin Công giáo từ bao đời nay. Và quả thật, ánh sáng đức tin đã, đang và sẽ chiếu sáng dẫn đường cho chúng ta suốt cuộc lữ hành trần thế này. Chính ánh sáng đó cũng đã soi đường cho các mục đồng và các đạo sĩ năm xưa. Ánh sáng Đức tin liên quan Lòng Thương Xót.

SÁNG NGỜI LÒNG THƯƠNG XÓT

Mùa Giáng Sinh là Mùa Sao Sáng, Mùa Bình An, Mùa Yêu Thương, Mùa Hồng Ân Cứu Độ, đồng thời cũng là Lễ Hội không chỉ riêng ai – cả Kitô giáo và không Kitô giáo. Nhịp điệu Giáng sinh có gì đó rất độc đáo, khiến lòng người vừa lắng đọng vừa chộn rộn. Nỗi mong chờ càng rút ngắn, lòng người càng nôn nao, vì không ai lại không hạnh phúc khi được gặp “người mình yêu quý nhất”, huống chi được gặp chính Đấng Cứu Độ, vị đại ân nhân của mình.

Thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh được người ta gọi theo Anh ngữ là CHRISTMAS. Chữ Christmas tạo thành bởi chữ CHRIST (Đức Kitô) và tiếp vĩ ngữ MAS (lễ). Do đó, Christmas nghĩa là Lễ Giáng Sinh (mặc nhiên hiểu là Chúa Giêsu giáng sinh). Tương tự, chúng ta cũng có Candlemas– tức là Lễ Nến (Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu, sau Lễ Giáng Sinh 40 ngày).

Thật kỳ lạ, người ta dùng “mốc” Chúa Giêsu giáng sinh để tạo nên công lịch (dương lịch), và rồi cả thế giới cũng đồng ý sử dụng. Ngay cả những người vô thần cũng phải công nhận như vậy. Tại sao? Bởi vì người ta thấy hoàn toàn chuẩn lý, chứ không chỉ là “đa số hơn tiểu số”. Không chỉ vậy, người ta còn gọi Năm Dương Lịch là “Year of our Lord”, nghĩa là “Năm của Chúa” (sát nghĩa là “Chúa của chúng ta”). Thật là kỳ diệu quá!

Chắc chắn rằng từ cổ chí kim, trên thế giới này không có vị lãnh đạo nào hoặc vị lập đạo nào được cả thế giới đón nhận minh nhiên như vậy. Tạ ơn Chúa và thật hãnh diện khi chúng ta được nhận ra Chúa Giêsu là Ánh Sáng của Thiên Chúa và Ánh Sáng soi chiếu thế gian.

Thánh Phaolô cho biết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:1). Trực tiếp chứ không qua trung gian ngôn sứ nào khác. Thánh Tử là Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Yêu Thương (1 Ga 4:8 & 16). Thánh Phaolô nói rằng Ngài phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật Ngài là Đấng tẩy trừ tội lỗi, Ngài ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời, Danh hiệu Ngài được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu thì Ngài lại trổi hơn họ bấy nhiêu (Dt 1:3-4).

Xưa nay Thiên Chúa chưa hề nói với vị thiên thần nào như đã nói với Đức Giêsu: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta” (Dt 1:5). Khi đưa Trưởng Tử Giêsu vào thế giới loài người, chính Thánh Phụ cũng đã minh định: “Mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy Người” (Dt 1:6).

Chúa Giêsu là Trưởng Tử, là Huynh Trưởng, là Sư Phụ, là Mặt Trời Công Chính. Giáo huấn của Ngài giản dị và ngắn gọn nhưng hàm súc và thâm thúy: Yêu thương. Tất cả chỉ tóm gọn là mến Chúa và yêu người. Nghĩa là yêu thật, phải chứng tỏ bằng hành động chứ không nói suông. Như Thánh Giacôbê xác định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). Lời nói gió bay, làm thì mới đáng tin! Người ta rất sợ những người mang họ “hứa”. Đối với dụ ngôn Phú hộ và Ladarô (x. Lc 16:19-31), có lẽ người ta nghe riết có thể hóa… nhàm, nhưng đó là chuyện có thật chứ không là tiểu thuyết hoặc viễn tưởng. Chúa rất thực tế khi thể hiện lòng xót thương và dạy người ta yêu thương nhau, vì Ngài bảo không thể cho hòn đá khi người ta cần bánh hoặc cho con rắn khi người ta cần cá (Mt 7:9).

Mỗi khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng, Ngài luôn chạnh lòng thương (x. Mt 9:35-37), và rồi Ngài đã thể hiện tình thương ấy rất nhiều lần và rất cụ thể. Ngài đã làm sáng ngời tình yêu thương ở bất cứ nơi nào Ngài tới, chúng ta là môn đệ của Ngài thì cũng phải chiếu loại ánh sáng ấy cho hết mọi người, mọi nơi. Trong thời cánh chung này, Chúa không sai ai mà đích thân Ngài đến để minh chứng tình yêu, để ban phát Lòng Thương Xót, đồng thời Ngài cũng thúc giục mọi người noi gương Ngài mà thể hiện Lòng Thương Xót với tha nhân như Ngài vậy. Trao tặng hoàn toàn miễn phí và vô điều kiện, đối với cả kẻ thù nữa. Ánh sáng Tình yêu dẫn tới Nguồn sáng Cứu độ.

SÁNG NGỜI ƠN CỨU ĐỘ

[Ngày GS] ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ [2]Con Người Giêsu chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Thánh Gioan xác định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:1-3). Ngôi Lời đó đã hóa thành nhục thể, mặc xác phàm, trở nên hoàn toàn giống phàm nhân – trừ tội lỗi. Thật vậy, “điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:4-5). Chính Ngôi Lời Nhập Thể là Ánh sáng chiếu soi muôn dân, là Ánh sáng Cứu độ.

Trước đó 6 tháng, Thiên Chúa đã sai Gioan đến để làm chứng về Ánh sáng, dù ông không là ánh sáng, mà chỉ để mọi người nhờ ông mà tin (x. Ga 1:6-8). Thánh Gioan là “nhân vật quan trọng” (VIP – very important person) bởi vì ông là người đi tiên phong để mở đường sửa lối cho Cứu Chúa Giêsu. Ông là vị “ngôn sứ giao thời” – ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước và là ngôn sứ nối kết với Tân ước. Trọng trách của ông rất đặc biệt, nhưng ông biết có một “siêu VIP” chính là Đức Kitô, đến sau mà có trước, như ông giải thích: “Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì Người có trước tôi” (Ga 1:15).

Trình thuật Phúc Âm hôm nay nhắc đi nhắc lại 5 lần danh từ “Ngôi Lời” và 8 lần danh từ “ánh sáng”. Hơn ai hết, Thánh Gioan biết rõ Ngôi Lời vô cùng quan trọng, vì “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (x. Ga 1:9).

Tuy nhiên, có 9 người thôi mà lại có tới 10 ý kiến, Phúc Âm gọi dạng đó là “lúa và cỏ lùng”, người đời gọi là “vàng thau lẫn lộn”. Thế nên, “Ngài Ở GIỮA thế gian, và thế gian đã NHỜ Ngài mà có, nhưng lại KHÔNG nhận biết Ngài. Ngài ĐÃ ĐẾN nhà mình, nhưng người nhà CHẲNG chịu đón nhận” (Ga 1:10-11). Quả thật, đó là một lời cảnh báo rất cấp bách đối với mỗi chúng ta ngày nay!

Thật vậy, chỉ những ai thực sự tiếp nhận Ánh sáng Đức tin và Ánh sáng Yêu thương thì mới xứng đáng lãnh nhận Ánh sáng Cứu độ. Chúng ta thật diễm phúc vì chính Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta – Emmanuel, chúng ta cũng đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Và rồi tất cả chúng ta còn được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Nếu chúng ta đã “được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Đó là công bình. Tất cả là Hồng ân (Rm 4:16) thế nên tất cả phải “miễn phí” hoàn toàn theo Tôn Ý của Chúa Giêsu.

Thánh “phượng hoàng” Gioan nói: “Ai giữ lời Ngài dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5). Quả thật, “bạn rất khôn ngoan vì bạn mang Chúa Giêsu đến cho những tâm hồn chưa nhận biết Ngài” (Cn 11:30). Giáng sinh là bài học về sự nhập thế, là lên đường, là vào đời, là ra khơi,… để có thể đích thân đến với nhau, trao cho nhau nụ cười thân ái, bắt tay nhau thân thiện. Đó là cách kiến tạo hòa bình giản dị nhưng rất cụ thể.

Lạy Thiên Chúa, xin thương tha thứ, bởi vì chúng con là những tội đồ (Lc 18:9-14), lâu nay vẫn câu nệ đủ thứ, chưa thực sự thể hiện đức ái đúng như Ngài mong muốn. Xin giúp chúng con chiếu tỏa Ánh sáng Đức Kitô trong hoàn cảnh sống của mỗi chúng con, xin giúp chúng con can đảm và nhiệt thành dấn thân thực sự chỉ vì muốn làm sáng danh Ngài chứ không vì ý đồ riêng tư nào khác, nhờ vậy chúng con mới khả dĩ tận hưởng sự bình an đích thực trong cuộc sống. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Hài Đồng, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …