Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Giáng Sinh (lễ đêm) của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Giáng Sinh (lễ đêm) của Trầm Thiên Thu

 

Câu chuyện giáng sinh

 

(GS - LeDem) CauChuyen GiangSinhHơn hai ngàn năm qua, câu chuyện Chúa giáng sinh vẫn luôn là đề tài nóng hổi đối với mọi người – dù lương hay giáo, kể cả người vô thần. Câu chuyện Chúa giáng sinh không còn là chuyện riêng của Công giáo hoặc Kitô giáo, mà là câu chuyện mang tính quốc tế, toàn cầu. Lễ Giáng Sinh có điều gì đó kỳ diệu, khó tả, ai cũng phải công nhận điều này.

Thật vậy, trong cái se lạnh hoặc giá lạnh (tùy vùng hoặc quốc gia), lòng người chợt lắng đọng, và có cái gì đó chộn rộn theo ánh đèn chớp nháy trên cửa các nhà dọc theo đường đi, từ thành thị tới thôn làng. Tiếng nhạc chuông leng keng khiến người ta không thể bình lặng như những ngày thường khác. Những bài nhạc đời liên quan Chúa giáng sinh vang lên khắp nơi. Nào là thánh ca: “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” (Hang Belem – cố NS Hải Linh), nào là nhạc đời: “Một mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời…” (Mùa Sao Sáng – cố NS Nguyễn Văn Đông). Tất cả đều hướng về Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế.

Và tất cả như hợp lời với các thiên thần trong đêm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Đêm Con Thiên Chúa giáng sinh là đêm thánh, đêm hồng phúc, đêm an bình, đêm giao hòa đất trời.

Chúng ta phải chuẩn bị thế nào để mừng Chúa giáng sinh? Thánh nữ Faustina cho biết rằng chính Đức Mẹ đã dạy Chị cách chuẩn bị Lễ Giáng Sinh: Con hãy cố gắng thinh lặng và khiêm nhường để Chúa Giêsu, Đấng ngự trong tâm hồn con, có thể nghỉ ngơi. Hãy tôn thờ Ngài trong tâm hồn con, đừng ra khỏi nội tâm của con (Nhật Ký, số 785). Im lặng và khiêm nhường là cách Chúa muốn chúng ta mừng đón Ngài trong đêm nay.

Vương Nhi Giêsu là Đấng bảo vệ Chân Lý và Công Lý, Ngài đến để giải thoát những người thấp cổ, bé miệng, bị áp bức, kêu chẳng ai thèm nghe. Kinh Thánh đã xác định: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa” (Is 9:2-4).

Con người luôn có “máu yêng hùng”, muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, khởi đi từ Lòng Tự Ái. Cái Tôi lớn lắm, nên trong Anh ngữ, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít luôn Viết HOA là I [ai]. Ghê thật! Đáng sợ thật! Vì thế mà người ta luôn muốn đè bẹp người khác bằng nhiều cách, với những kiểu rất tinh vi, khó có thể nhận ra. Đè bẹp nhau, trù giập nhau là áp bức nhau.

Cái thói kiêu ngạo đã ăn sâu vào máu thịt con người từ khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội, và chúng ta “được” di truyền cái “tố chất” đó. Khó nhất là “từ bỏ mình”. Từ đó, nhân loại trở nên bất an, bất bình, bất công, không còn hòa bình vì không tôn trọng công lý, do đó Thiên Chúa Cha phải sai chính Con Một Ngài đến giải thoát những người bị áp bức: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó. Chúa Thượng đã gửi một lời đến Gia-cóp, lời ấy rơi xuống Ít-ra-en” (Is 9:6-7).

Liên quan tội lỗi và thói kiêu ngạo, đại nhân Khổng Tử phân tích thật chí lý: “Đạo làm quân tử có bốn điều đúng: [1] Mạnh dạn khi làm điều nghĩa, [2] Nhũn nhặn khi nghe lời can gián, [3] Lo nghĩ khi nhận bổng lộc, [4] Cẩn thận đối với việc sửa mình”. Làm người cho đúng danh nghĩa thật là khó, càng làm lớn càng khó “nên người”. Đừng ảo tưởng!

Con Thiên Chúa đến thế gian, chia vui sẻ buồn với chúng ta, niềm hạnh phúc quá lớn lao đối với phàm nhân chúng ta! Vâng, chắc chắn không ai có thể trì hoãn cái sự sung sướng như vậy, nên tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96:1-3).

Không chỉ con người mới là thụ tạo, các loài khác cũng là thụ tạo của Thiên Chúa, vì thế chúng cũng có trách nhiệm phải tôn vinh Ngài: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96:11-13).

Chỉ có Đấng chí minh và chí thiện mới có quyền xét xử, Đấng đó là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Tinh.

Tất cả là hồng ân, chúng ta được lãnh nhận “miễn phí” thì chúng ta cũng phải trao tặng cho tha nhân như vậy. Chúng ta cũng không có quyền đòi hỏi hoặc áp đặt Thiên Chúa theo ý mình. Ơn Cứu Độ là do Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được ứng nghiệm tỏ tường từ đêm Con Thiên Chúa giáng sinh – đêm hồng phúc kỳ diệu.

Thánh Phaolô nói: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:11-12). Thiên Chúa đã ban Ơn Cứu Độ, chúng ta có được cứu độ hay không là tùy thuộc chính chúng ta, vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do. Thánh Phaolô giải thích: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:13-14). Quả thật, theo Chúa không thể cứ tà tà mà đi, cứ ung dung mà sống, chắc chắn không thể cứ thoải mái vô tư được. GIỮ ĐẠO quá dễ, SỐNG ĐẠO khó lắm!

Tác giả đã dày dạn kinh nghiệm nên luôn cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể làm gì khác hơn!

Trình thuật Lc 2:1-14 quá quen thuộc, chí ít thì mỗi năm chúng ta cũng được nghe một lần. Càng nhiều tuổi thì càng nghe nhiều. Trình thuật ngắn gọn nhưng hàm chứa cả câu chuyện giáng sinh.

Thánh sử Luca cho biết: Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đa-vít tức là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Các mục đồng thật diễm phúc và họ là các chứng nhân đầu tiên về việc Con Chúa giáng sinh làm người. Họ diễm phúc vì họ đơn sơ, thật thà, hèn mọn,…

Và rồi bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Để đúng luật thơ lục bát, người Việt có cách nói: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Cũng cùng ý nghĩa của Kinh Thánh. Nhưng câu này khiến chúng ta suy tư: Tôi có xứng đáng được Chúa thương? Tôi đã thiện tâm chưa mà đòi Chúa thương?

Đêm nay, nhìn vào hang đá, chúng ta thấy Thiên Chúa cao sang bậc nhất, thế mà Ngài chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo hèn tới mức không thể nghèo hèn hơn. Bài học nghèo thật khó học! Một phần khó học thuộc “bài học nghèo” vì cách làm hang đá ngày nay sang trọng quá, nhìn vào cứ ngỡ là khách sạn cao cấp. Do đó, ý tưởng về sự nghèo khó dần dần trở nên lỗi thời, nhất là trong xã hội ngày nay, người ta coi trọng vật chất và đánh giá con người qua hình thức bề ngoài. Đệ Nhất Hàn Vương Giêsu dạy chúng ta bài học nghèo, nhân đức nghèo khó, nhưng người ta lại “ngại” học bài học này!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chấn chỉnh tâm hồn thành thiện tâm để xứng đáng được Ơn Bình An của Chúa Hài Đồng. Xin giúp chúng con sống nhân đức khó nghèo đúng Tôn Ý Ngài. Xin thương ban phúc lành cho nước Việt Nam nhỏ bé của chúng con vẫn còn chịu nhiều bất công xã hội. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Nhi Giêsu, Đấng Kitô cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …