Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH 2024, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH 2024, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

LỄ GIÁNG SINH 2024

  

MÙA GIÁNG SINH

LỄ GIÁNG SINH

LeSiangSinh2024Anh em thân mến, hôm nay là Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, chúng ta hãy mừng vui. Đừng buồn trong ngày Giáng Sinh sự sống này. Cái chết đã bị nuốt rồi, sự sống đang đem lại cho ta niềm vui hạnh phúc vĩnh cửu. Không ai bị loại khỏi niềm vui này; tất cả đều được chia sẻ niềm vui này.

Chúa Chúng ta, Đấng Chiến thắng tội lỗi và cái chết, đã đến giải thoát tất cả chúng ta khỏi cái chết… hỡi người Kitô hữu, hãy nhớ địa vị cao cả của anh em, giờ đây anh em đã thông phần vào bản tính Thiên Chúa, đừng trở lại đời xưa mà phạm tội nữa. Hãy nhớ Đấng là đầu, mà anh em là chi thể. Đừng quên rằng anh em đã được giải cứu khỏi quyền lực của tối tăm và được đưa vào Vương Quốc Thiên Chúa. (Thánh Leo cả).

– Giáng Sinh (Christmas) là ngày đại lễ vui mừng (Amazing Grace)

Đại Lễ Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên con người yếu đuối nghèo khó, đã sinh làm con trẻ sơ sinh. Thiên Chúa, Đấng toàn thiện, cả vũ trụ không chứa nổi, đã trở nên hữu hạn, lệ thuộc không gian, dòn mỏng yếu đuối như con trẻ. Thiên Chúa hằng sống, nay đã sinh ra làm con người hay chết vì thương yêu con người. Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người. Trong lễ này trong các lễ, hãy cùng Meister Eckhart ca lên: đây là lúc mừng ngày Thiên Chúa Cha vẫn hằng sinh con từ đời đời, nay sinh con làm người trong thời gian. Thánh Âutinh nói việc sinh con này vẫn tiếp tục. Chúng ta hãy tự hỏi: việc sinh Con Thiên Chúa đã xảy ra cho chúng ta chưa? Giáng Sinh Con Thiên Chúa ảnh hưởng gì trong cuộc sống chúng ta? Tối hậu quan trọng là Thiên Chúa phải sinh ra trong chúng ta. Chúc Thiên Chúa Giáng Sinh trong bạn và tôi”[1]

– Giáng Sinh tại Mỹ Châu

Vào đêm vọng Giáng Sinh, trẻ con nằm ngủ lắng nghe những tiếng động trên trần nhà. Sáng sớm thức dậy, chúng háo hức đi coi những quà ông già Noel mang tới. Người lớn cũng thức dậy trang hòang cây Giáng Sinh, ban ngày đi chia sẻ những bánh cookies, đi mua sắm… trong khi quá bận rộn những điều đó, người ta quên ý nghĩa của Giáng Sinh, ngày Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế giáng trần. Cũng như các thiên sứ công bố tin mừng cho những kẻ chăn chiên, thì những Kitô hữu thờ kính ý nghĩa Giáng Sinh của Chúa, loan truyền niềm vui đạo giáo của chúng ta. Để hiểu đầy đủ hơn, hãy xem các nơi mừng đón Giáng Sinh thế nào.

– Lịch sử ngày lễ Giáng Sinh

Trước hết hãy đọc Tin Mừng. Tin Mừng không nói gì đến Giáng Sinh ‘Chrismas’. Dầu không chắc chắn, nhưng năm 129 Giáng Sinh đã được mừng khi Giám Mục Rôma chỉ thị hát những thánh thi trong ngày lễ. Lễ Giáng Sinh được mừng đầu tiên như Ngày Lễ tại Rôma là năm 336. Ngày 25 Giáng Sinh được tranh luận một thời gian. Dân chúng cho ngày đó liên quan tới thần ngoại Saturna, ngày mặt trời gần trái đất nhất, đó là ngày đông chí, ngày ngắn nhất. Chọn ngày này để chỉ ngày người ngoại trở lại Kitô giáo hơn là cho dân Rôma. Tuy thế, nhiều học giả phủ nhận lý thuyết trên. Giáng Sinh được mừng kính hơn sau khi Charlemagne được Đức Leô II phong lên ngôi hoàng đế Rôma năm 800. Hoàng đế giúp quảng bá Giáng Sinh và mừng Giáng Sinh của Chúa Kitô để hiệp nhất Âu Châu hơn, là dân Đức trở lại, hoàng đế cũng nhấn mạnh đến việc mừng Giáng Sinh theo truyền thống.

– Giáng Sinh trong các tôn giáo

Giáo Phái Tin Lành Cải Cách lan tràn khắp nơi, thì nhiều giáo phái phát sinh, cùng đem theo nhiều cách mừng Giáng Sinh. Nhiều nhà thờ chính thống hơn, như những nhà thờ Công Giáo, Chính Thống Đông Phương và Anh Giáo nhấn mạnh đến nghi thức (ritual). Tuy thế, những nhà thờ Tin Lành, nhất là Tin Lành Puritans, lại chối bỏ những lễ như Giáng Sinh vì tin rằng chúng đưa đến chống lại cốt lõi của những niềm tin Kitô giáo. Chính quyền Tin Lành Cromwell tại Anh ra luật bãi bỏ việc mừng kính Giáng Sinh năm 1645. Tin Lành Puritans Nước Mỹ cũng cho mừng Giáng Sinh là tội hình sự (crime). Quả thật khắp các thuộc địa, lúc đó là Nước Mỹ sơ khai, Giáng Sinh mừng kính chỉ là phận sự của Giáo Hội và cộng đoàn riêng. Một số cộng đoàn mừng kính trong khi những cộng đoàn khác coi là ngày nghỉ việc ngặt.

– Giáng Sinh phát triển ra sao

Giáng Sinh mang nhiều hình thức từ năm 1800. Washington Irving viết một loạt truyện theo truyền thống trước thời Comwell ở Anh. Ông diễn tả những tốp dân trong nhân gian cùng nhau đến mừng lễ mà ông cho là để hiệp nhất tại Mỹ. Thế kỷ 19, dân Americans chấp nhận điều này, với những truyền thống khác nhau. Như chấp nhận truyền thống của di dân người Đức trang hoàng cây xanh; người công giáo bắt đầu đem những cảnh Giang Sinh vào nhà. Vào thời nội chiến, 15 tiểu bang tuyên bố Giáng Sinh là ngày nghỉ chính thức, sau đó thành toàn quốc năm 1870. Từ đó thỉnh thoảng cũng được gợi lại để cổ võ hiệp nhất và chia sẻ lợi ích sau nội chiến.

– Giáng Sinh với Ông Già Noel (Santa Claus)

Bàn về Giáng Sinh không thể không nói đến Santa Claus, do truyện thánh Nicôla. Nicôla, thế kỷ thứ ba, được coi là đấng bảo vệ trẻ con. Di dân người Hòa Lan (Dutch) mừng lễ thánh Nicôla vào đầu tháng 12, hình ảnh ngài là một hình ảnh quan trọng tại New York, thuộc địa cũ của Hòa Lan. Washington Irving có vai trò quảng bá Santa Claus thành phổ thông trong sách Lịch Sử New York 1809 của ông. Vào những năm 1820, những cửa hàng bắt đầu trưng bán hàng Chirsmas, trong đó Santa Claus nổi bật vào những năm 1840. Tăng thêm thông dụng nhờ thơ Clement Clarke Moore viết năm 1822 ‘một cuộc thăm viếng của Santa Claus, phổ biến rộng rãi ngày nay như ‘Đêm Trước Giáng Sinh’. Năm 1881, nhà hoạt kê Thomas Nast, vẽ ảnh được coi là ảnh Santa Claus hiện đại theo thơ của Moore. Trong thơ của Moore chỉ có 8 câu. Vậy mà trong một lần quảng cáo, tiệm Montgomery Ward bán hàng triệu bản với 9 câu, Rudolph năm 1939.

– Phải chăng cốt lõi tôn giáo của Giáng Sinh sẽ phai nhạt?

Hằng năm, dần dần Giáng sinh trở thành ngày buôn bán đến nỗi nhiều người không còn nhớ ý nghĩa cốt lõi của Giáng Sinh. Có những tốp muốn thúc đẩy: loại bỏ ý nghĩa tôn giáo của Giáng Sinh nhất là những nơi công cộng. Vịn lẽ là dung hòa, nhưng thực lại là chống lại, bất dung hòa với tôn giáo. Đây là một sỉ nhục và thiệt hại cho Nước Mỹ. Tuy nhiên, ta có thể đứng lên, không khoan nhượng với những tốp không tin, trái lại hăm hở ôm xiết mọi khía cạnh tôn giáo của Giáng Sinh.

– Truyện Chúa Giáng Sinh, nhắc nhớ ta rằng quà tặng Ngài ban sẽ sống mãi

Truyện Chúa Giáng Sinh, nhắc nhớ ta rằng những phép lạ trước sau Giáng Sinh và quà tặng Ngài ban sẽ sống mãi. Như những người chăn chiên cực khổ ngày đêm canh giữ đoàn chiên, thiên thần Chúa đã hiện đến với họ, và vinh quang Thiên Chúa giãi sáng trên họ, mà họ không sợ hãi. “Đừng sợ, này tôi đem tin mừng đại vui sẽ tỏ cho toàn dân, trong thành Đavit hôm nay, Đấng Cứu Thế Giáng Sinh, Người là Đấng Mêsia, Đức Chúa’ (Lc 2:10-11). Ước mong, cùng niềm vui vĩ đại đó lan rộng khắp nơi trong mùa thánh này. Ước mong bất kể mừng kính Giáng Sinh ra sao, chúng ta nhớ lại rằng hãy tốt lành với người khác, đó là cốt lõi của ngày lễ. Xin chúc độc giả niền vui ngày Gíang Sinh ‘Merry Christmas’”[2]

 

 

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

(Lc 2,1-20)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

lc2120Vinh danh Thiên Chúa trên trời bằng an dưới thế cho người Chúa thương. Không phải con người nào loan báo, nhưng là các Thiên Thần loan báo: từ nay, danh Thiên Chúa trên trời được vinh danh, ca khen, chúc tụng. Đúng như thế: từ đó đến nay, 2.000 năm toàn thể địa đầu vẫn vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, tại bao Thánh Đường trên thế giới, nơi những tín hữu hội họp, trong các tuần tĩnh tâm, và ngay tại mỗi cá nhân khi tuyên xưng vinh danh Thiên Chúa… 2.000 năm nhân loại vẫn khao khát cầu xin cho hòa bình, bình an… ơn vinh danh Thiên Chúa và bình an đòi chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân Riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện…

Trong đế quốc Rôma, thường cứ 14 năm làm sổ nhân danh một lần, giúp việc thu thuế và kiểm tra quân dịch. Tại Palestin, làm sổ nhân danh nhằm đến việc thu thuế. Về việc làm sổ nhân danh, ta có tin tức chắc chắn về những gì xảy ra tại Ai Cập. Hầu chắc những gì xảy ra tại Ai Cập cũng xảy ra tại Syria. Giuđêa là phần của tỉnh bang Syria. Tin tức ta có được viết trên giấy papyrus tìm thấy dưới những thị trấn, làng mạc và sa mạc đầy đất cát tại Ai Cập. Sổ nhân danh được làm cứ 14 năm một lần. Từ năm 20 đến 270 sau Chúa, chúng ta có tài liện cụ thể cho mỗi lần làm sổ nhân danh. Nếu đúng là cứ 14 năm một lần tại Syria, thì lần làm sổ nhân danh này xảy ra năm thứ 8 trước Chúa, và đó là năm Chúa sinh ra. Có thể Luca sai một chút. Thực sự, Quirinius chỉ làm tổng trấn Syria năm 6 sau Chúa; nhưng trước đó, ông có giữ một chức vụ trong những vùng này từ năm 10 trước Chúa đến năm 7 trước Chúa; và trong thời gian đó là việc làm sổ nhân danh này xảy ra.

Nadarét cách Belem 80 dặm. Làng mạc của các bộ lạc phương đông xưa không khác những quầy sạp trên những cánh vườn. Khách có thể tá túc, nhưng phải đem theo lương thực; chủ quán chỉ có thể giúp đồ ăn cho lừa ngựa và củi đốt… dịp đó, những lều sạp chật ních khách bộ hành, không có nơi cho Giuse và Maria. Vì thế Maria đã sinh con tại một trong những quầy sạp trong những cánh vườn công cộng đó. Trẻ sơ sinh được quấn mảnh vải vuông nhỏ rồi lấy vải dài quấn chung quanh. Máng cỏ là máng đựng đồ ăn cho súc vật. Vì thế, có thể Chúa sinh ra trong lều bạt hay máng đồ ăn cho súc vật. Không có nhà trọ là hình ảnh những gì sẽ xảy ra cho Chúa. Chỉ có một nơi cho Chúa, đó là thập giá. Chúa tìm cách vào trú ngụ nơi lòng mỗi người, giữa đoàn thể loài người, nhưng không ai mở. Cho đến nay Chúa vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhưng vẫn bị từ chối; không có ai, có chỗ, nhưng Chúa vẫn tiếp tục tìm.[3]

“Phải loan báo truyện Thiên Chúa hiện ra cho các mục tử, là truyện tuyệt vời. Những người chăn chiên là những người bị giới chính thống Do Thái đương thời khinh khi. Họ là những người không thể tỉ mỉ giữ những nghi thức của luật như rửa tay … đoàn chiên làm họ quá xa với những giới răn, vì thế, giới chíng thống khinh bỉ họ. Nhưng chính những người chăn chiên đơn thuần ngoài đồng đó mà thông điệp Thiên Chúa loan báo cho họ trước hết. Nhưng có thể đây là những mục đồng đặc biệt vì họ chăn nuôi những đoàn chiên riêng để dâng tiến trong Đền Thờ. Như đã biết tại Đền Thờ, sáng chiều nào cũng dâng một con chiên như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Để cung cấp chiên không tì ố, giới chức Đền Thờ có những đoàn chiên riêng, chăn gần Bêlem. Những mục đồng coi sóc đoàn chiên làm của lễ Đền Thờ là những người thứ nhất thấy Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian là điều xứng hợp. Cũng nên nhớ khi con trai sinh ra, nhạc công địa phương tụ họp ca hát chúc mừng. Chúa giáng sinh tại chuồng bò Bêlem, không có nhạc công loài người, thì nhạc công từ trời đến thay, không có con người thì thiên thần thay thế. Con Thiên Chúa sinh ra một cách hoàn toàn đơn sơ giản dị. Tự nhiên ta nghĩ nếu Thiên Chúa sinh ra, Người phải sinh ra trong một hoàng cung, nguy nga, tráng lệ chứ đâu lại tầm thường quá như vậy… một ông vua có thói quen cải dạng đi thăm người dân. Triều thần tỏ ra lo ngại hỏi, ông đáp “trẫm không thể cai trị nếu không biết dân chúng sinh sống ra sao”[4]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Câu chuyện kể rằng: có một người kia không tin vào việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà lại xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, đêm Giáng Sinh ông không tới nhà thờ dự lễ, mà ở lại nhà. Sau khi vợ con rời khỏi nhà thì trời bắt đầu đổ tuyết. Một lúc sau, ông nghe một tiếng lạo xạo, rồi tiếp theo là một tiếng nữa, và nhiều tiếng nữa, giống như có ai đó đang ném những nắm tuyết vào cửa sổ. Ông mở cửa bước ra xem. Thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ trú chân. Ông thầm nhủ:
– “Tội nghiệp những chú chim bé nhỏ, mình phải tìm cách giúp chúng mới được”. Ông chợt nghĩ đến cái nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào. Nhưng lạ thật,  bầy chim vẫn đứng im. Ông nghĩ – “hay là chúng không thấy lối vào”. Ông bật đèn nhà kho lên. Rồi trở ra gọi chúng. Chúng vẫn đứng im.
– “Lạ nhỉ! Hay mình phải đi lùa chúng vào”. Thế là ông đi đến chỗ cửa sổ, đưa tay lùa đàn chim. Lũ chim chẳng những không vào theo hướng ông muốn, mà còn bay chạy tán loạn tứ phía. Cuối cùng ông mới hiểu ra rằng: “chúng sợ mình là phải, vì mình không phải là chim. Phải chi mình giống như chúng thì khi đến gần chúng, chúng  sẽ không còn sợ hãi nữa.”

1.Phải chi mình mình giống như loài chim, chắc hẳn không làm chúng sợ hãi

Điều ước mơ mà người đàn ông trong câu chuyện không làm được thì chính Đức Giêsu đã thực hiện nơi chúng ta. Ngài đã nhập thể để nên giống chúng ta và Ngài đã nhập thế để ở với chúng ta. Ngài là Emmanuel, một vị Thiên Chúa đã đến với chúng ta, đang ở với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy xác phàm chúng ta như thánh Phaolô đã nói: ”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,1-8).

2.Đức Giêsu đã nhập thể để nên giống chúng ta và đã nhập thế để ở với chúng ta

Đức Giêsu đã nhập thể để nên giống chúng ta và đã nhập thế để ở với chúng ta. Người có tên là Emmanuel như lời thiên thần truyền tin cho Giuse: “này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về nhà, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu Dân Người khỏi tội lỗi của họ.

Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Mt 1, 20-23)

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã đến với con người chúng ta.

– Emmanuel, một Thiên Chúa luôn hiện diện bên chúng ta, giữa cuộc đời buồn vui lẫn lộn.

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã trầm mình vào một thế giới hỗn độn và cuộc sống bất

  ổn của chúng ta.

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã từ chối tất cả để mặc lấy thân phận yếu đuối của con

   người, để chia sẻ những yếu đau buồn vui và cô đơn của kiếp người.     

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã đến với con người để nâng con người lên thành những

  người con của Thiên Chúa.

3.Một Thiên Chúa như thế đã đến với con người, nhưng con người đã không tiếp nhận

Một Thiên Chúa như thế đã đến với con người, nhưng con người đã không tiếp nhận, như trong Tin Mừng Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe: thời ấy, hoàng đế Cesarê Augustô ra chiếu  chỉ, truyền kiểm tra dân số. Đây là cuộc kiểm tra đâu tiên được thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse cũng từ thành Nagiaret, miền Galilê, lên thành vua đavit gọi là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đavit. Ông lên đó khai tên cùng với Maria là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang mang thai. Khi hai người đang ở đó, thì Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 2, 1-7)

4.Không còn chỗ trọ, một câu chuyện năm xưa

Chúng ta thử hình dung lại sự kiện, Đức Maria và thánh Giuse, từ làng Nagiarét vùng Galilê thuộc miền Bắc Do Thái, phải vượt qua đồi núi của Miền Trung để về tận làng Bêlem vùng Giuđê thuộc miền Nam Do Thái. Đường chim bay cũng phải là 120 cây số, đường ngoằn ngoèo trong thực tế hẳn phải trên 150 cây số. Sau một cuộc hành trình vất vả như thế, khi tới nơi những tưởng rằng Thiên Chúa sẽ dành cho Con của Ngài một chỗ để sinh ra tương xứng, nhưng khốn thay… tất cả mọi quán trọ đều từ chối! Nếu hai ông bà có đủ tiền, chắc hẳn không đến nỗi bị xử tệ như thế! Chưa sinh ra, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể đã phải đối diện với sự ích kỷ và tính coi trọng tiền bạc của con người! Không kiếm được chỗ để trọ và sinh con, hai ông bà đành trọ và sinh con trong chuồng bò lừa.

Đây là một sự kiện lịch sử nói lên cách đối xử của con người. Khi Con Thiên Chúa giáng trần, không có chỗ trong lòng con người như thánh Gioan đã diễn tả; “Chúa Cứu Thế đã đến với thế giới do chính Ngài tác tạo, nhưng thế giới đã không nhận biết Ngài” (Gn 1,10)

5.Đó là câu chuyện “không còn chỗ trọ” của năm xưa, còn câu chuyện”không còn chỗ trọ” của hôm nay như thế nào

Một giáo sư tâm lý của trường đại học tại Hoa Kỳ ra một bài trắc nghiệm để dò xem ý tưởng của 40 sinh viên trong lớp của mình. Trước hết ông bảo họ lấy giấy bút viết ra hàng chữ “Lễ Giáng Sinh”, rồi ông nói: ”bây giờ các anh chị hãy viết vào sau chữ ấy ý nghĩ đầu tiên mà các anh chị liên tưởng đến về ngày lễ Giáng Sinh”.
Khi họ nộp bài, ông coi lại thì thấy có những chữ như sau: cây giáng sinh, dây kim tuyến, tặng phẩm, gà tây, ông già Noel, bài ca giáng sinh và tuyệt nhiên không có một ai viết “Ngày Chúa Giêsu Ra Đời”. Quả thật, chúng ta đã chồng chất bao nhiêu thứ trong tâm hồn chúng ta, nên không còn một chỗ cho Ngài khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện:

6.Bức tranh “ổ khóa cửa ở bên trong”

Trong một cuộc triển lãm tranh của những họa sĩ nổi tiếng, khách thưởng ngoạn đặc biệt chú ý tới một bức tranh về hình Chúa Giêsu đứng trước cửa một căn nhà tồi tàn. Người ta rất thích chí khi khám phá ra rằng trên cửa lại không có nắm cửa để mở. Chẳng lẽ họa sĩ lại quên đi một chi tiết tầm thường nhưng lại rất quan trọng như vậy sao?

Chỉ khi mọi người xì xầm thắc mắc, tiếp tục ngắm nghía và ngẫm nghĩ một hồi lâu, họ mới “ngộ” ra được cái dụng ý tuyệt diệu của bức tranh: Thiên Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài cánh cửa lòng chúng ta, dù tuyết rơi, mưa đổ, gió bão, phong ba thi nhau ập tới, Ngài vẫn đứng đó. Ngài không thể vào nhà vì nắm cửa nằm bên trong. Quyền quyết định ở trong tay chúng ta, Ngài chỉ có thể bước vào và ngự trị trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta mở cửa cho Ngài. Lạy Chúa, chẳng lẽ Chúa cứ phải đứng ở ngoài cửa tâm hồn chúng con hết mùa Giáng Sinh này đến mùa Giáng Sinh khác!

LỄ RẠNG ĐÔNG

CÁC MỤC ĐỒNG 

(Lc 2,15-20)

lc21520CHIA SẺ TIN MỪNG

Hôm nay một Hài Nhi đã chào đời. Hôm nay một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Đêm nay trời se lạnh, làm cho chúng ta dễ hình dung quang cảnh của Belem năm xưa.

Xa xa ngoài cánh đồng lặng lẽ, thấp thoáng bóng người qua lại. Họ là những mục đồng đang canh giữ đàn chiên trong đêm đen giá lạnh. Một ánh chói lòa xuất hiện và họ được báo tin: Hôm nay trong thành Belem, một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi. Người là Chúa Kitô, là Đức Chúa.

Các mục đồng là những người chăn chiên:

            Họ là những người nghèo nàn đói rách.

            Họ là những người hèn mọn dốt nát.

Thân phận của họ thật mịt mù tăm tối, xã hội hầu như không biết đến họ, thế mà họ lại là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng.

Các mục đồng là những người đơn sơ chất phát, nên khi họ nhận được tin loan báo, họ không lý luận tranh cãi, nhưng vội vã lên đường. Họ vào thành Belem và thấy đúng như lời thiên thần báo: “Một Hài Nhi Vấn Tã, Nằm Trong Máng Cỏ”.

Quả thật, với con mắt người trần, với con mắt xác thịt, các mục đồng đã thấy “Một Hài Nhi Vấn Tã, Nằm Trong Máng Cỏ”. Nhưng với con mắt đức tin, họ đã nhận ra Hài Nhi chính là Đấng Cứu Thế. Họ đã vui mừng thờ lạy. Sau đó, họ lại trở về với đàn chiên. Họ lại phải tiếp tục đối mặt với đêm đen giá lạnh. Họ tưởng chừng niềm vui lại lặng xuống và ánh vinh quan cũng nhạt dần.

Không, hoàn toàn không, vì thánh Luca đã ghi lại: họ trở về “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”.

Họ trở về với những ngày thường nhật của họ. Cũng với những đồng cỏ đó, cũng với những đàn gia súc đó và một cuộc sống bình thường  tiếp tục tái diễn tưởng chừng như không có gì thay đổi.

Không, hoàn toàn không, vì giờ đây tâm hồn họ vui mừng rộn rã.

– Họ vui mừng rộn rã vì họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho họ.

– Họ vui mừng rộn rã vì họ nhận ra một Thiên Chúa đang hiện diện bên họ. Hiện diện bên

  họ để chia sẻ cuộc sống lầm than và thân phận tăm tối của họ.

– Họ rộn rã vì giờ đây một Thiên Chúa làm người đã làm cho cuộc đời hèn kém của họ có

  một ý nghĩa.

Giờ đây tạm rời Belem để trở về với giáo xứ chúng ta. Đêm nay chúng ta đến đây để gặp gỡ một hài Nhi,  một Hài Nhi bé bỏng nhưng Hài Nhi bé bỏng này lại là một vị Thiên Chúa.

Rồi một ít phút nữa, chúng ta trở về gia đình và tiếp tục cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tâm hồn chúng ta có rộn rã như các mục đồng không?

Hòa quyện với tâm tình của các mục đồng, chúng ta thấy văng vẳng bên tai lời ngôn sứ:

“Này đây một trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23)

– Một Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta.

– Một Thiên Chúa đến bên chúng ta, giữa cuộc đời buồn vui lẫn lộn.

– Một Thiên Chúa đã trầm mình vào một thế giới hỗn độn và cuộc sống bất ổn của

  chúng ta.

– Một Thiên Chúa đã từ chối tất cả để mặc lấy thân phận yếu đuối của con người

  để chia sẻ những yếu đuối và cô đơn của kiếp người.

Một Thiên Chúa như thế chắc chắn sẽ đem lại cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩa.

 

 

LỄ BAN NGÀY

NGÔI LỜI NHẬP THỂ

(Ga 1, 1-18)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Ga 1, 1-181.Lời đã trở nên người pham và cư ngụ giữa chúng ta

Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Gioan đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người pham và cư ngụ giữa chúng ta.

2.Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố: đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Ngôi Lời đó là Đức Giêsu Kitô. Người đến ban ân sủng và sự thật. Đẹp thay những ai trên đồi núi loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị. Tất cả cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem. Trước mặt muôn dân, ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

3.Lời đã mặc xác thịt và ở giữa chúng ta

“Lời mở đầu của Tin Mừng Gioan cho ta cái nhìn chung cuộc về mầu nhiệm Nhập Thể. Người biểu lộ mình là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng nhờ Người mà Thiên Chúa đã tác thành muôn vật. Lời giới thiệu đúc kết vào chóp đỉnh: ‘Lời đã mặc xác thịt và ở giữa chúng ta’. Đó là Thiên Chúa mặc hình thể cụ thể con người. Ở giữa chúng ta nhờ hồi thương khó của Người. Mỗi ngày chúng ta tìm người chúng ta săn sóc và những người săn sóc chúng ta. Chúng ta muốn vui với những người am hiểu yêu mến chúng ta. Chúng ta đang sống trong lòng Thiên Chúa, mà Giáng Sinh là Con Thiên Chúa, Đấng săn sóc mỗi người chúng ta mọi sự. Thiên Chúa không muốn ở xa chúng ta; Ngôi Lời ở sát chúng ta mọi nơi mọi lúc. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể Nhập Thế, Ngôi Lời trở thành con người thật, có thể theo, có thể hưởng, có thể yêu. Ơn Cứu rỗi của chúng ta được thấy nơi Con Trẻ hang Belem. Giáng Sinh khơi mào thời thân thiện thực sự hoàn toàn mới với Thiên Chúa. Giáng Sinh là biểu lộ cụ thể mối liên kết cộng đoàn của Thiên Chúa với mỗi người, ban cho mỗi người niềm hy vọng sống khác thường, với ước vọng xây đắp khối liên đới mới, với nhãn hiệu hỏa bình, công bằng và săn sóc môi trường. Giáng Sinh mừng kính Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa ở với mỗi người mật thiết, chia sẻ mọi sự với chúng ta…[5]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ ban ngày: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,1-18). Từ Nhập Thể, không phải là một từ được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày và cũng không có trong tòan bộ Kinh Thánh. Người ta gọi từ này là một thứ “tốc ký” để chỉ một quan niệm được triển khai dần dần trong Tân Ước. Lần đầu tiên Thánh Kinh đề cập đến quan niệm Đức-Giêsu-là-Thiên-Chúa là trong Phúc Âm thánh Gioan “Ngôi Lời (Verbum) đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của Người Con Một đầy ân sủng và chân lý”(Ga 1,14).

Sự hiểu biết về sự kiện Nhập Thể thực ra đã phát triển dần dần. Mãi đến gần cuối của Tân Ước mới thấy đề cập đến Đức Giêsu, trong thân xác của Người, có đầy đủ bản tính của Thiên Chúa (Col 2,9) và cho đến khi có kinh Tin Kính, các Kitô hữu mới tuyên xưng Đức Giêsu “đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.

Tưởng cũng nên ghi nhận sự kiện này là Thiên Chúa, trong Đức Giêsu đã bước vào thế gian này để trở thành con người giống như chúng ta ngọai trừ tội lỗi và cũng sống giống như chúng ta. Vì Người đã nhập thể và nhập thế, nên Đức Giêsu cũng đã cảm nhận được những nỗi thống khổ trên trần thế:

– Người đã phải chịu đau khổ như nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nếm

  biết bao đắng cay.

– Người đã cảm thấy đau đớn, cảm thấy bị ruồng bỏ.

– Cuối cùng Người cũng đã có cảm nghiệm về cái chết, một kinh nghiệm mà sớm

  hay muộn cũng sẽ xảy đến cho bất cứ một người nào trong chúng ta.

“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng bất cứ cuộc sống nào, cho dù bé nhỏ, vô nghĩa đến đâu, thì cuộc sống ấy vẫn có một ý nghĩa.

“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng cho dù chúng ta thuộc về hạng người nào, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn lời Người đã dạy và theo gương các việc Người đã làm.

Người ta có kể rằng ở một thành phố bên Tiệp Khắc, trong các di tích trưng bày có một chiếc cày từ thế kỷ 18. Người ta thuật lại câu chuyện như sau: một hôm hòang đế Joseph II cùng đòan tùy tùng đến thăm một ngôi làng. Thấy anh nông dân đang ngồi nghỉ mệt bên chiếc cày, ông đến trò truyện và xin cày thử. Anh nông dân rất ngạc nhiên khi thấy một người sang trọng lại xin tra tay vào cày, một cái cày lấm bùn dơ bẩn. Rồi lại thấy ông ta cày một cách vụng về, anh bật cười và nói: xin lỗi ông, hạng người như ông làm sao cày mà kiếm sống được.

Nghe nói thế, một người trong đòan tùy tùng ghé vào tai anh nông dân mách nhỏ: người đó chính là hòang đế. Anh nông dân như muốn độn thổ. Anh không thể tưởng tượng một vị hòang đế mà tra tay cầm cày như anh … anh cảm phục đến nỗi từ đó anh không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Anh chùi rửa sạch sẽ, rồi cất giữ như một báu vật. Về sau, chiếc cày đó được trưng bày tại một cuộc triển lãm tại Vienne, nước Áo.

Quả thật, vua Joseph là một vị hòang đế nhưng cũng là người như chúng ta, ấy thế mà anh nông dân đã cảm phục trước hành động của nhà vua đến nỗi không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Còn đối với chúng ta, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm như chúng ta, để ở với chúng ta, chúng ta phải đối xử với Người như thế nào ?

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Daily Gospel 25/12/2013

[2] (Stephen Fauer, CFA. AMAC Magazine Volume 15 số 6).

[3] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa quyển, tập 1 trg.88

[4] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa quyển 2 tập 1 trg.77

[5] Daily Gospel 25/12/2018).

Xem thêm

Mt 2, 13-15. 19.23

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ KÍNH THÁNH GIA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Gia đình, tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa SUY NIỆM LỄ KÍNH THÁNH GIA …