Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Giáng Sinh 2017, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Lễ Giáng Sinh 2017, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

GS1_resizeNgày xưa, có một chú bé Phi Châu tên là Emmanuel. Chú ta luôn luôn tò mò thắc mắc. Một ngày nọ chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”

Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “Thú thực là thầy cũng không biết”.

Sau đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng nhưng họ cũng chẳng biết.

Thế là chú ta càng ngày càng thắc mắc hơn. Chú dạo quanh khắp vùng dọ hỏi các bậc thức giả ở những làng khác: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?” Nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc rằng có một ai đó biết được điều này, vì thế chú lên đường đến những quốc gia và cả những đại lục khác để tìm hỏi, nhưng chú cũng chẳng nhận được một câu trả lời nào.

Rồi một đêm kia, sau khi kiệt sức vì phải đi quá nhiều nơi, Emmanuel đến được một ngôi làng nọ, tên là Belem. Chú cố tìm chỗ nghỉ đêm trong quán trọ, nhưng tất cả các quán đều đã đầy người. Vì thế chú quyết định tìm một cái hang ngoài thành để trú đêm.

Cuối cùng, đến quá nửa đêm, chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào hang,

chú nhận ra chiếc hang đá có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ.

Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói:

“Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng ta đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt, làm sao bà này biết được tên của mình chứ?

Và chú càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe bà ấy nói:

“Đã từ lâu, con đi khắp thế gian để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào.

Giờ đây, cuộc hành trình của con kể như đã kết thúc. Đêm nay, chính mắt con sẽ thấy Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu: “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian Con Một của Ngài” (Ga 3, 16).

Trái tim Emmanuel trào dâng niềm xúc động, chú vội quì gối xuống trước hài nhi và mừng rỡ bật khóc. Giờ đây chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất kỳ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được.[1]

Quả thật Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu. Thiên Chúa không chỉ nói nhưng còn thể hiện bằng chính con tim của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta. Ngài đã hy sinh chính Con Một Ngài để nói lên tình thương của Ngài đối với chúng ta, nên đã sai Con Một xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Chính vì thế Chúa Giêsu đã rời bỏ thiên cung để đến với con người chúng ta, mặc lấy thân phận yếu đuối của con người để có thể đồng cảm với thân phận hèn yếu của chúng sinh, nhưng đồng thời Người cũng là Thiên Chúa, nên với quyền năng của một Thiên Chúa, Người luôn ở bên cạnh chúng ta để từng giây từng phút nâng đỡ chúng ta.

Quả thật không có một tôn giáo nào lại có một Đấng Thần Minh đến ở với con người, chấp nhận mang lấy hình hài yếu đuối của con người. Chỉ có Thiên Chúa chúng ta mới dám đến với con người như thế vì danh hiệu của Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Nhưng chúng ta đón tiếp Người như thế nào?

Có thể chúng ta trách móc dân thành Bêlem đã từ chối Chúa, nên Người đã phải sinh ra nơi hang bò lừa.

Coi chừng chúng ta cũng lại tiếp tục thái độ hững hờ của dân thành Bêlem ngày xưa!

Có thể lắm chứ!

Bởi vì nếu chúng ta mở cửa đón Chúa vào tâm hồn chúng ta, chắc chắn Chúa đã biến đổi toàn bộ con người của chúng ta, làm cho cuộc đời của chúng ta luôn an bình hạnh phúc.

Nhưng thực tế như thế nào? Chúng ta vẫn còn băn khoăn lo lắng và có khi kêu trách Chúa, tại sao Chúa để con khổ cực như thế này, tại sao Chúa cứ gởi đến cho con những thánh giá quá nặng nề như thế, tại sao con cứ gặp phải những tai ương khốn khó và còn nhiều và rất nhiều những câu tại sao khác nữa… Tại Chúa hay tại ta?

Chúa đã xuống thế làm người để nhắn nhủ chúng ta: “hỡi những ai gồng gánh nặng nề hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”

Chúng ta có đến với Chúa không?

Như vậy đủ tố cáo rằng chúng ta chưa cho phép Chúa vào cõi lòng chúng ta. Đây là một xúc phạm vô cùng lớn, bởi vì chúng ta là tạo vật mà lại dám ngăn cản không cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta, thực hiện tình thương của Ngài trên chúng ta.

Một sự xúc phạm vô cùng lớn!

Chúa còn phải chờ đợi đến bao giờ?

Có câu chuyện kể rằng: trong một cuộc triển lãm tranh của những họa sĩ nổi tiếng, khách thưởng ngoạn đặc biệt chú ý tới một bức tranh về hình Chúa Giêsu đứng trước cửa một căn nhà tồi tàn.

Người ta rất thích thú khi khám phá ra rằng trên cửa lại không có nắm cửa để mở.

Chẳng lẽ họa sĩ lại quên đi một chi tiết tầm thường nhưng lại rất quan trọng như vậy sao?

Chỉ khi mọi người xì xầm thắc mắc, tiếp tục ngắm nghía cẩn thận và ngẫm nghĩ một hồi lâu, họ mới “ngộ” ra được cái dụng ý tuyệt diệu của bức họa, đó là: Thiên Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài cánh cửa lòng chúng ta, dù tuyết rơi, mưa đổ, gió bão, phong ba thi nhau ập tới, Ngài cũng không nề hà. Nhưng Ngài không thể vào nhà được vì nắm cửa nằm ở bên trong. Điều đó có nghĩa là: Quyền quyết định ở trong tay chúng ta, Ngài chỉ có thể bước vào và ngự trị trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta mở cửa cho Ngài.

Vậy hãy mở cửa cho Ngài.

Vào năm 1994, hai nhà giáo Mỹ được bộ giáo dục Nga mời sang dạy. Nhân mùa Giáng Sinh họ đến thăm một trại mồ côi, và kể chuyện Chúa Sinh Ra cho các em. Các em mồ côi cũng như ban quản đốc sung sướng ngồi nghe họ kể chuyện Giáng Sinh. Sau đó, họ phát cho các em vật dụng thủ công để làm Máng Cỏ.

Trong khi đi tới đi lui trông các em làm Máng Cỏ, họ ngạc nhiên khi thấy Máng Cỏ của bé Misha, chừng 6 tuổi, có đến hai bé sơ sinh nằm trong máng cỏ.

Phải chăng Đức Mẹ lại sinh đôi? Không, không thể được!

Bỡ ngỡ, nhưng bình thản, họ mời Misha kể lại đầu đuôi câu chuyện Chúa Sinh Ra. Misha kể rất thông suốt, rành mạch, đúng với Tin Mừng, từ lúc Truyền Tin cho đến khi hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ. Nhưng khi đến phần Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu và đặt trong Máng Cỏ, thì em bắt đầu thêm mắm thêm muối.

Misha kể tiếp: Khi Đức Mẹ đặt Bé Giêsu vào trong Máng Cỏ, thì Giêsu nhìn em và hỏi: em có chỗ ở chưa?

– Em thưa: Con đâu có cha, con đâu có mẹ, con đâu có nhà!

– Vậy thì em ở với ta nhé!

– Em ngập ngừng nói: con đâu có quà gì để tặng Chúa! Nhưng em rất mong được ở với Giêsu. Em nghĩ em có thể tặng Chúa tất cả những gì em có: hay là con ôm Chúa cho Chúa bớt lạnh được không?

– Tuyệt, thật là tuyệt, món quà quý giá đó chưa có ai cho Ta cả.

Thế là em nhảy ngay vào trong Máng Cỏ và nằm ôm Chúa cho Chúa bớt lạnh.

Chúa Giêsu cũng giang tay ôm lấy em và bảo: Em có thể ở với Ta luôn mãi.

Vừa nói Misha vừa lấy tay lau nước mắt.

Đôi giòng lệ tuôn rơi trên gò má hốc hác của em bé mồ côi.

Ôi những giòng lệ thật hạnh phúc.

Những giòng lệ thật tuyệt vời.

Những giòng lệ của một đêm Giáng Sinh.Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Cha Mark Link, S.J, Khám phá của Emmanuel

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN