Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ELISABET của Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ELISABET của Trần Đình Phan Tiến

 

(Lc 1, 39 -56)

 CẢM HỨNG HUYỀN NHIỆM

Vâng, thưa quý vị! Có thể nói ngay mà không sợ sai rằng: Đoạn Tin Mừng (Lc 1, 39-56) được đọc trong Lễ kính: “Đức Mẹ thăm viếng thánh nữ Isave” hôm nay, là một đoạn Tin Mừng hay nhất về Đức Mẹ. Tại sao vậy? Thưa, vì chính nơi bối cảnh ấy, “Lời ca ngợi Magnificat” ra đời, không lời ca ngợi nào của một vĩ nhân nào, nhất là người phụ nữ ca ngợi và tán dương Thiên Chúa hay cho cho bằng “Lời Kinh Magnificat”. Tại sao vậy, thưa quý vị? Thưa, bởi vì là một lời ca ngợi hoàn toàn chân thật, phát xuất từ một cảm nghiệm thực tế, thật đến mức không còn gì để thật nữa. Một sự thật, để rồi từ đây sẽ cho ra đời một dòng dõi của “sự thật“. Và bởi vì, sự thật “ấy” đang được Đức Mẹ cưu mang, vì Mẹ vừa được đón nhận cũng bởi một sự thật “thật đơn sơ”, “thật tín thác”, “thật vâng lời”, “thật anh dũng” và “thật tuyệt vời”. Bởi vì sao, thưa quý vị? Thưa, bởi vì: “Từ đây đến muôn đời sẽ khen tôi thật diễm phúc… vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại…” (Lc 1, 48b -49a).

Vâng, chúng ta thấy, sự ca ngợi của Đức Mẹ không phù phiếm, không hão huyền, không đầu môi chót lưỡi, mà là một sự ca ngợi xuất phát từ tận sâu thẳm của cõi lòng Mẹ do bởi Thiên Chúa. Cảm hứng bởi Đức Mẹ qua lời ngợi khen “Magnificat” là một cảm hứng tuyệt diệu, đã làm nên một sự cảm hứng muôn thuở dành cho những ai muốn tôn thờ Thiên Chúa, qua sự tôn kính Đức Maria. Có thể nói, lời văn trong kinh Magnificat không do bởi hoàn toàn của riêng Đức Mẹ, mà là Lời Thánh Thần linh hứng cho Mẹ, và cùng Thánh Thai Giêsu đã cộng tác với Mẹ để cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi, một Thiên Chúa thật cao cả vì tình thương yêu con người nhân loại.

Vâng, cho đến muôn thế hệ sẽ khen Me thật diễm phúc, bởi vì sự tôn thờ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ quả là thật xứng hợp. Bởi vì chưa có một thụ tạo nào tôn thờ Thiên Chúa một cách trọn vẹn bằng cả tấm lòng như Đức Mẹ. Tâm tình tôn thờ Thiên Chúa và mến yêu Ngài nơi Mẹ là một tâm tình mà Thiên Chúa bằng lòng nhất. Có thể nói, ngoài tâm tình “yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự ”(kinh sơ-ma của người Dothai), thì sự tôn thờ và lòng yêu mến Thiên Chúa nơi Đức Mẹ còn mang một đặc tính thông hiệp, hợp tác trong sứ vụ cứu chuộc nhân loại, như vậy vừa về tình, vừa về lý, thì có thể nói lời kinh Magnificat là một lời ca ngợi khen song toàn một cách hoàn hảo về đức tin, để trình bày một Thiên Chúa chí nhân, chí ái cho muôn thế hệ biết. Mẹ là người dầu tiên nhìn nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho Mẹ và cho cả dân tộc của Mẹ. (c 47; 54 -55). Có thể nói Mẹ được tràn đầy ân phúc, nhưng ân phúc mà Mẹ được lãnh nhận là ân phúc vô biên tuyệt đối. Ân phúc ấy không do công trạng của ai, mà do lòng thương xót và bản tính Thiên Chúa ban cho.

Sự kiện Đức Mẹ thăm viếng người chị họ của mình, có một sự liên kết thánh thiêng giữa kỳ công cứu chuộc của Thiên Chúa, và mang tính nhân văn, tình người nơi Đức Mẹ. Sự việc xảy ra là, sau khi được tràn đầy Thánh Thần, có nghĩa là được mang Chúa cứu Thế trong mình, đồng thời Mẹ nhận được Tin Vui của người chị họ, một tin vui mừng, vì người chị họ nầy đang son sẻ, nhưng đã cao niên, có nghĩa là đã hết thời gian có mang. Nhưng đang được mang thai sáu tháng, sự kiện mang thai của bà Isave là một sự kiện kỳ diệu, nhưng theo tự nhiên. Vì bà Isave được Thiên Chúa chúc phúc, được đoái thương, nhưng thuộc phàm nhân hoàn toàn, vì bào thai của bà Isave không phải là ”Thánh Thai”, mà là ”nhân thai”. Dù vậy, Đức Mẹ vội vã lên đường khi nghe tin mừng nầy, để đến cùng người chị họ, chia sẻ niềm vui. Hòa cùng niềm vui của Mẹ, Mẹ quên đi sự mệt nhọc của đường xá miền sơn cước, đến tại chi tộc Giu-đa, vào nhà ông Gia-ca-ria, để thăm hỏi bà Isave. Trong lúc nầy, Đức Mẹ được tràn đầy Thánh Thần, nhưng Thánh Thần trong lòng Đức Mẹ đã truyền sang lòng bà Isave. Vì bào thai trong lòng người chị họ nhảy mừng, vì sự chúc mừng của Mẹ. Ngay lúc đó, bà Isave được tràn đầy sự thiêng thánh đã cất tiếng ngợi khen Đức Mẹ: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi viếng thăm tôi thế nầy…” (c 43). Và chính Bà Isave giải thích luôn: “Vì nầy đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (c 44 -45).

Vâng, và như vậy, Mẹ là người đã “tin” rằng: những gì Thiên Chúa đã nói thì Người sẽ làm. Và cuộc thăm viếng trên đã chứng minh, đã hiển hiện một mầu nhiệm cao cả đến chương trình cứu độ Israel và toàn thể nhân loại. Linh ứng cho một người phụ nữ vốn dĩ là phàm nhân là người chị họ Isave, biết được một mầu nhiệm “Mẫu Thân của Thiên Chúa“.

Và như vậy, Đức Mẹ đã trào tràn niềm tin và xúc cảm tuyệt đối, nên Mẹ đã cất lên lời ngợi khen thật tuyệt diệu là:

 ”Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa , Đấng cứu độ tôi.” (c 47)

Vâng, từ đó, không còn lời ngợi khen nào hay hơn, đúng hơn, tuyệt diệu hơn lời ca ngợi của Đức Mẹ, mà được gọi là ”Kinh ngợi khen Magnificat”. Đó là lời ca ngợi khen Thiên Chúa và cùng lúc diễn tả được một cách tóm lược “CHÂN DUNG THIÊN CHÚA“. Một lời ca khen tuyệt tác được thốt lên từ môi miệng của một thiếu nữ 14, 15 tuổi, chứ không phải của một thần học gia. Vì đó là một kỳ công của Thiên Chúa. Vâng, đoạn Tin Mừng (Lc 1, 39 -56) hôm nay, có hai phần rõ ràng, cho thấy cuộc viếng thăm đầy tình người của một Vị “Mẫu Thân” của Thiên Chúa đến với một phàm nhân, đồng thời là một người em đến thăm người chị, diễn tả được cái chân lý từ Thiên Chúa, và cái tình cũng do bởi Thiên Chúa mà ra. Từ đó, tâm tình tôn thờ, cảm tạ đã “chín mùi” của Đức Trinh Nữ Maria đã dâng lên lời kinh tuyệt diệu ”Magnificat”.

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, Cha đã ban cho nhân loại một Đấng cứu thế, đồng thời Cha cũng ban cho một người Mẹ tuyệt diệu là Đức Trinh Nữ Maria, một mẫu gương trọn tình, hữu lý, để chúng con tôn kính và noi gương Mẹ trên hành trình đức tin của chúng con. Amen.

Xin Mẹ phù hộ chúng con, như xưa Mẹ đã thăm viếng thánh nữ Isave ./. Amen.

31/05/2014 ( cuối tháng hoa Đức Mẹ)

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …