Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, của Trầm Thiên Thu

NỖI BUỒN của MẸ

(Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, 15-9)

our-lady-of-sorrows-st-stefanoTình cảm của người mẹ luôn dạt dào, nhưng đôi khi không thể hiện ra bên ngoài – nước mắt luôn chảy xuống và chảy vào trong. Người mẹ là kiệt tác của Thiên Chúa. Người mẹ trần gian còn kỳ diệu như vậy, người mẹ tội lỗi hẳn là phải kỳ diệu hơn gấp bội.

Giáo hội Công giáo đã dành mỗi tháng cho một việc sùng kính đặc biệt nào đó. Tháng 9 được dành riêng kính Đức Mẹ Sầu Bi (ngày xưa gọi là Đức Mẹ Bảy Sự), và có lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15-9, ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá (14-9).

Các nỗi sầu khổ của Đức Mẹ (*) được hòa vào nỗi đau khổ tột cùng trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, nên Đức Mẹ là Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại. Khi đó, Đức Mẹ chịu tử đạo về tâm hồn vì các nhục hình của Chúa Giêsu và tình yêu vĩ đại Mẹ dành cho Con Yêu Dấu.

Dù ít học hoặc không có kiến thức rộng, nhưng người mẹ luôn nhạy bén và nhận biết mọi thứ về người con – dù còn nhỏ bé hay đã lớn khôn. Người ta có thể lừa vài người được mọi lần, có thể lừa mọi người được vài lần, nhưng không thể lừa được mẹ mình. Honoré de Balzac (1799-1850, văn sĩ hiện thực gười Pháp) nhận định: “Trái tim người mẹ là vực sâu thăm thẳm mà ở đáy luôn tìm thấy lòng tha thứ”. Kỳ diệu quá, chúng ta không thể hiểu thấu!

Người mẹ trần gian chỉ là phàm nhân, với nhiều sai lầm và tội lỗi, thế mà chúng ta còn chưa hiểu được, huống chi với Người Mẹ tâm linh – Đức Maria, Đấng vô nhiễm Nguyên Tội và không tỳ vết. Đức Mẹ luôn yêu thương và thức tỉnh thế giới, thế mà chúng ta vẫn bướng bỉnh và không ngừng làm Đức Mẹ buồn!

Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9).

Là Thiên Chúa nhưng mặc xác phàm, Chúa Giêsu cũng cảm thấy run sợ trước nỗi đau khổ quá lớn: chịu chết, nhưng Ngài vui nhận vì đức vâng lời. Tương tự, Đức Maria là thụ tạo, chắc hẳn Mẹ cũng sợ hãi trước nỗi đau của con người, nhưng Mẹ vẫn vui nhận vì đức vâng lời. Quả thật, đức vâng lời rất quan trọng: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Cũng vì đức vâng lời mà Tổ Phụ Áp-ra-ham đã sẵn sàng hiến tế chính đứa con cầu tự của mình.

Vâng lời là tín thác vào Thiên Chúa. Phó thác cuộc đời cho Ngài thì an tâm, thanh thản. Ngài sẽ hành động theo Thánh Ý Ngài. Với tâm tình tín thác, tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con, ghé tai nghe và mau mau cứu chữa. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con. Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:2-6).

Kiên tâm vững chí tin tưởng, tác giả Thánh Vịnh tái xác định: “Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa, dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con. Số phận con ở trong tay ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ. Lạy Chúa, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài, Nhưng ước gì ác nhân phải nhục nhã mà ngậm miệng sa xuống âm ty. Cho phường điêu ngoa phải câm họng; chúng kiêu ngạo khinh đời, buông những lời hỗn xược chống lại người công chính” (Tv 31:15-19). Cách nói thời Cựu Ước có thể hơi “nghịch nhĩ” với chúng ta ngày nay, nhưng đó là tấm lòng tín thành, chắc chắn Thiên Chúa sẽ độ trì và cứu thoát khỏi nguy hiểm theo Tôn Ý Ngài.

Nhưng đôi khi có vẻ Thiên Chúa như làm ngơ trước lời van xin của chúng ta trong những lúc đau khổ. Không, Ngài không làm ngơ, mà Ngài thấy có lợi cho chúng ta nên Ngài cho phép đau khổ xảy ra. Ngài muốn chúng ta nhận thức về sự yếu đuối của mình và nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết tuyệt đối mà chúng ta phải có đối với Ngài – Thiên Chúa duy nhất, toàn năng và toàn thiện.

Nỗi đau thứ nhất của Đức Mẹ là khi nghe lời ông Simêôn nói trong dịp hai ông bà dâng Con tại Đền Thờ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:33-35). Nỗi đau này âm ỉ kéo dài suốt 33 năm, không hề “dễ chịu” chút nào!

Trong nỗi đau tột cùng, Đức Mẹ vẫn một niềm tín thác và tuân phục, không lời than van, dù nước mắt tuôn rơi và cõi lòng quặn thắt. Có thể nói rằng nỗi đau lớn nhất là khi Mẹ chứng kiến Con Yêu bị hành hình trên Đồi Can-vê.

Thánh sử Gioan mô tả: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19:25-27). Đó là lời trăn trối làm đau lòng biết bao, nhất là đối với Người Mẹ thân yêu, nhưng cũng là lời trăn trối tạo niềm hạnh phúc: Đức Mẹ là Mẹ chung của chúng ta, đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta là huynh đệ – và phải yêu thương nhau.

Và cũng vì đức vâng lời, kể từ lúc đó, môn đệ Gioan đã ân cần rước Đức Maria về nhà mình để phụng dưỡng. Trách nhiệm đó cũng là của mỗi chúng ta, tất nhiên chúng ta không có cơ hội phụng dưỡng Đức Mẹ về thể lý, nhưng có trách nhiệm phụng dưỡng về tâm linh: yêu mến Đức Mẹ và quyết tâm thực hiện những lời Đức Mẹ khuyên – cụ thể là Mệnh Lệnh Fátima.

Ngày nay, có thể nói rằng nỗi buồn sâu sắc của Đức Mẹ là việc phá thai do con người tạo ra, nhất là khi các người mẹ nhẫn tâm sát hại chính đứa con ruột của mình, dứt bỏ chính giọt máu của mình. Đó là cắm thêm một lưỡi gươm nữa vào Trái Tim Đức Mẹ. Chính cha mẹ mà còn giết những đứa con vô tội như vậy thì huống chi người ta dễ dàng sát hại nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Phá thai là không cho các thai nhi được quyền chào đời, đó là phá công trình sáng tạo của Thiên Chúa – Đấng là sự sống (Ga 14 :6). Ngài là sự sống mà tại sao chúng ta lại dám giết chết sự sống? Như vậy không phải là giết Thiên Chúa sao?

ĐGH Piô XII cho biết: “Tội lỗi nhất của con người không phải là tội này hoặc tội kia, mà là đánh mất cảm thức tội lỗi”. Không còn cảm thức về tội lỗi thì không còn sợ tội, không cảm thấy hành vi sai trái của mình là tội lỗi, không nhận biết mình là tội nhân – tức là lương tâm hóa chai lì, sỏi đá. Nếu như vậy thì chúng ta không thể đón nhận ơn tha thứ của Lòng Chúa Thương Xót.

Lạy Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, xin tha thứ tội lỗi của chúng con. Xin biến đổi chúng con, xin làm cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Ngài, và làm cho chúng con trở nên ánh sáng của Ngài mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở những nơi tăm tối nhất.

Lạy Thánh Mẫu sầu bi, Mẹ đã chịu đau khổ đến tột cùng, các nỗi đau như những lưỡi gươm đâm thấu Mẫu Tâm, chúng con cũng đồng lõa xé nát lòng Mẹ, xin Mẹ thương tha thứ. Xin Mẹ hướng dẫn và che chở chúng con trên đường lữ hành trần gian đầy đau khổ này. Xin giúp chúng con biết hy sinh và đón nhận nghịch cảnh để kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ, làm lễ đền tội dâng lên Chúa Cha để cứu các linh hồn và xin thêm sức mạnh cho những người đau khổ – phần hồn và phần xác.

Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Bảy nỗi sầu khổ của Đức Mẹ:

  1. Thánh Simêon nói tiên tri về Đức Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Chị” (Lc 2:35).
  2. Hành trình tới Ai Cập: Nghèo khổ, vất vả, gian nan, xa lạ nơi đất nước theo chủ nghĩa ngoại giáo.
  3. Khi lạc mất Con Trẻ Giêsu trong Đền thờ, Đức Mẹ rất khổ sở vì thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa.
  4. Gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá lên Can-vê, Đức Mẹ đau khổ vì không thể làm gì giúp đỡ Con Yêu.
  5. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, Đức Mẹ như bị một lưỡi gươm thực sự đâm xé cõi lòng.
  6. Khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá, Đức Mẹ đón nhận Thánh Thể Ngài, Thiên Chúa và Đấng cứu độ.
  7. Khi an táng Con Yêu trong mộ, Đức Mẹ xếp khăn liệm và được Thánh Giuse Arimathê dìu ra khỏi mộ.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN