(Cv1, 12-14; Gl 4, 4-7; Lc 1, 26-38)
“Và này đây bà sẽ thụ thai,
sinh hạ một con trai,
và đặt tên là Giêsu”
Tin mừng Luca 1, 26-38:
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”.
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu và cũng là Mẹ của nhân loại. Mẹ luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại sự hiện diện của Đức Maria giữa cộng đoàn tông đồ thời Giáo hội sơ khai: “Họ chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu” (Cv 1, 14). Tin mừng Luca ghi lại biến cố truyền tin cho Đức Maria “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 31). Lời loan báo của sứ thần đã được thực hiện qua lời xin vâng của Đức Maria để cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế hạ sinh làm người, để con người được làm con Thiên Chúa như lời thánh Phaolô dạy (bài đọc 2): “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà… hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4, 2-5).
Đức Maria là người mẹ tuyệt vời luôn yêu thương con cái của mẹ đang ở trần gian. Thời kỳ Đức cha Mauritiô làm giám mục thành Constantinopoli có một thói quen tốt lành là sau khi linh mục cho giáo dân rước lễ, nếu còn sót lại các mụn bánh thánh, thì cho các em nhỏ chưa có trí khôn rước, lý do vì các em có tâm hồn trong sạch.
Trong thành Constantinopoli có một gia đình Do Thái làm nghề nấu thủy tinh cũng cho con cái đi học trường Công giáo. Một hôm em bé Do Thái theo các em Công giáo vào nhà thờ tham dự thánh lễ, rồi cũng lên rước mụn bánh thánh còn dư. Lúc về nhà em kể cho ba, ba của em là người Do Thái sẵn có thái độ thù ghét Công giáo, nghe em nói ông nổi sùng lên, túm lấy 2 chân em bé ném vào lò lửa đốt sẵn để nấu thủy tinh. Bà vợ vắng nhà, khi về, không thấy con đâu, hỏi chồng, ông làm thinh không nói. Bà đi khắp nơi hỏi han tìm kiếm ba ngày mà vẫn biệt vô âm tín.
Tới ngày thứ bốn, nhớ con bà ngồi khóc ròng, thì nghe tiếng con gọi: “Má ơi!”. Bà giật mình, nín khóc lắng tai nghe. Biết rõ tiếng kêu phát ra từ lò nấu thủy tinh, bà chạy tới, nhìn vào trong lò, thấy con mình đang ngồi giữa ngọn lửa cháy bừng, sợ hãi kinh khiếp, bà kêu la thất thanh xin cầu cứu. Hàng xóm láng giềng tuôn đến vây quanh.
Thật lạ lùng, em bé chẳng bị cháy, không bị bỏng, ngồi bình an vô sự, mặt mày vui vẻ. Người ta đưa em bé ra khỏi lò lửa, đưa em vào nhà. Em kể cho mọi người nghe.
Em đi dự lễ với các em Công giáo và lên rước mụn bánh thánh, lúc về nhà khoe với ba, ba tức giận ném vào lò lửa; nhưng khi đó có một bà rất đẹp, giống như bà đứng trong tòa ở nhà thờ Công giáo, bà giữ gìn em khỏi lửa cháy và mỗi ngày cho em ăn.
Mọi người đều tin thật đây là Đức Maria đã cứu em khỏi chết cháy. Tin này được đồn khắp nơi và đến tai nhà vua. Vua nghe tin đã truyền lệnh chém đầu người cha độc ác. Mẹ em và em đã gia nhập đạo Công giáo sống đạo rất tốt lành, đạo đức. Đức Maria luôn cứu giúp mọi người. Hãy đến với Đức Maria, Ngài không bao giờ từ chối lời cầu xin của chúng ta.
Trong lịch sử Giáo hội, mỗi khi con thuyền Giáo hội gặp phong ba bão táp, chúng ta lại thấy sự trợ giúp của Mẹ Maria. Vào thế kỷ XII, thánh Đa Minh đã được Đức Mẹ hiện ra ban truyền kinh Mân Côi và thánh nhân phổ biến việc lần chuỗi Mân Côi như một vũ khí thiêng liêng chống lại làn sóng lạc giáo Albigeois ở miền nam nước Pháp đang đe dọa Giáo hội. Đầu thế kỷ XVI, dưới triều đại Đức Giáo hoàng Piô V, nhờ việc lần chuỗi Mân Côi mà Giáo hội chiến thắng quân Hồi giáo ở vịnh Lepanto ngày 7/10/1571.
Ngày nay, Đức Maria trở thành sứ giả của Thiên Chúa sai đến nhiều nơi trên thế giới để che chở và nhắc nhở các tín hữu đi theo đường lối của Thiên Chúa. Ta có thể kể ra vài địa danh Đức Mẹ đã hiện ra như: Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha), Naju (Hàn Quốc), La Vang (Việt Nam). Trong những lần hiện ra, Đức Mẹ luôn kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân Côi, cải thiện đời sống để sống chứng nhân tình thương của Thiên Chúa hầu góp phần vào việc loan báo Tin mừng.
Kinh Mân Côi là lời kinh rất bình dân và phổ thông, nhưng rất ý nghĩa vì có nền tảng thánh kinh. Kinh Mân Côi gồm những lời kinh đẹp nhất: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng danh. Kinh Mân Côi có ý nghĩa nhất vì khi đọc kinh Mân Côi chúng ta suy niệm những mầu nhiệm cuộc đời của Đức Giêsu: Năm Sự Vui hướng về mầu nhiệm Nhập Thể và cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu. Năm Sự Sáng suy niệm về những hành vi, lời giảng dạy, những biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu. Năm sự thương hướng đến cuộc thương khó của Đức Giêsu. Năm sự Mừng gới nhớ về Mầu nhiệm Phục sinh và Lên Trời của Đức Giêsu. Tóm lại, Kinh Mân Côi là một cuốn sách Tin mừng rút gọn.
Hôm nay, lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta nhớ lại lần cuối cùng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima ngày 13/10/1917, Đức Mẹ đã phán: “Mẹ là Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, Mẹ muốn mọi người siêng năng lần hạt mỗi ngày”.
Bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay đề cao nhân đức của Mẹ: Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa bất chấp mọi khó khăn: “Tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng!”. Ước chi người Kitô hữu luôn noi gương Đức Maria: Tuân theo thánh ý Chúa để cuộc đời luôn là lời Xin Vâng như Đức Maria.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam