Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

(Lc 1, 26-38)

 

Thực ra, người ta không biết rõ Kinh Mân côi đã bắt đầu như thế nào. Người ta chỉ biết rằng: vào thời Trung cổ bên Âu Châu, có phong tục kết những vòng triều thiên bằng hoa hồng để đội lên đầu Đức Mẹ trong những dịp rước Kiệu hay hành hương. Đó là chuỗi hoa hồng. Tiếng la-tinh là Rosarium (bởi Rosa: hoa hồng). Dần dần theo thời gian, người ta đã đọc các Kinh Kính Mừng thay thế cho những bông hoa hồng. Chuỗi hoa hồng đã được gọi là chuỗi Mân côi : Rosarium. Chuỗi Mân côi gồm 150 Kinh Kính Mừng, tương ứng với 150 Thánh Vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nên chuỗi Mân côi được gọi là “Thánh Vịnh Đức Mẹ” hay “Thánh Vịnh Kinh Kính Mừng”

Đến thế kỷ 13, thánh Đa minh khi tới nước Pháp, đã dùng Kinh Mân côi 150 Kinh Kính Mừng cùng với việc giảng thuyết, làm sống lại lòng đạo đức đã gần như tàn lụi của các tín hữu miền Languedoc (miền nam nước Pháp) do thiếu hiểu biết về giáo lý và do bè rối Albigeois gây nên. Với thánh Đa-minh, việc lần hạt Mân côi không chỉ là sinh hoạt đạo đức bình dân mà còn là phương tiện bồi dưỡng đức tin, không chỉ là hình thức tôn sùng Đức Mẹ mà thôi mà còn là cách thế gặp gỡ và kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6).

Chuỗi Mân côi gồm bốn phần là: Vui, Thương, Mừng, Sáng nói lên những mầu nhiệm căn bản của Chúa Giêsu Kitô: Con Thiên Chúa làm người trong lòng Trinh Nữ Maria, đã chết và đã sống lại để cứu chuộc loài người. Những biến cố chính yếu trong cuộc đời Chúa Giêsu được nêu lên: “từ khi thụ thai cách đồng trinh và các mầu nhiệm thời thơ ấu, cho đến những giờ phút tột đỉnh của biến cố Vượt Qua – cuộc Tử Nạn hồng phúc và Phục Sinh vinh hiển – cho đến những hiệu quả của cuộc Vượt Qua, trên Giáo Hội sơ khai ngày Lễ Ngũ Tuần, và trên Đức Trinh Nữ trong ngày kết thúc cuộc hành trình trên trần gian, đã được đưa cả hồn lẫn xác lên trời” (MC 45) 

Các kinh đọc trong chuỗi Mân côi (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh) đều là những kinh rất đẹp, có truyền thống từ xa xưa và có nguồn gốc trong Tin Mừng. Kinh Kính Mừng là chủ yếu trong chuỗi Mân côi, được đọc đi đọc lại, nhằm nhắc nhớ đến mầu nhiệm căn bản của cuộc đời Chúa : Ngôi Lời làm người trong chính giây phút định đoạt, do lời “xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria khi sứ thần Gáp-ri-en báo tin “Do đó, chuỗi Mân côi là một lối cầu nguyện theo Tin Mừng : đó là câu định nghĩa mà các chủ chăn và các học giả ngày nay ưa thích, có lẽ hơn cả ngày xưa” (MC 44).

Đàng khác Chuỗi Mân côi, một Lối Cầu Nguyện Qui Hướng Về Chúa Ki-Tô. Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện theo Tin Mừng, mà trung tâm của Tin Mừng là mầu nhiệm Nhập thể Cứu chuộc. Vì vậy, chuỗi Mân côi hướng về Chúa Ki-tô cách rõ ràng: qui Ki-tô.

Yếu tố đặc biệt nhất của chuỗi Mân côi là lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng. Lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng là lặp đi lặp lại lời Chúc tụng ngợi khen Chúa Kitô, là chính Đấng với sứ thần Gáprien truyền tin và bà Isave chúc mừng Mẹ Maria: “Con lòng bà gồm phúc lạ” (Lc 1, 42). Chúa Giêsu trong mỗi Kinh Kính Mừng, xuất hiện lần lượt trong các mầu nhiệm cho chúng ta chiêm ngưỡng. Người vừa là Con Thiên Chúa từ muôn đời, vừa là Con Đức Trinh Nữ Maria, được sinh ra nghèo khó trong hang đá tại Bê-lem, rồi sau 40 ngày được cha mẹ tiến dâng trong đền thờ Giêrusalem. Ngay từ thời thiếu niên (lúc 12 tuổi) đã nhiệt thành với công việc Chúa Cha giao phó. Khi đến giờ, Người tự nguyện đi vào cuộc Khổ Nạn: hấp hối trong Vườn Cây Dầu, bị đánh đòn và đội mão gai, vác thập giá và chết trên Núi Sọ. Ngày thứ ba, Người sống lại từ cõi chết, lên trời ngự trong vinh quang Chúa Cha và tuôn tràn Thánh Thần xuống trên mọi loài mọi vật (x MC 46).

Với những yếu tố chúc tụng ngợi khen (trong phần đầu của Kinh Kính Mừng) và cầu khẩn (trong phần sau của Kinh Kính Mừng), Kinh Mân côi còn một yếu tố quan trọng bậc nhất đó là suy niệm hay chiêm niệm. “Không có suy niệm thì Kinh Mân côi khác nào một cái xác không hồn. Đọc kinh như thế chỉ còn là lặp đi lặp lại như cái máy, trái ngược với lời khuyên của Chúa Giê-su: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7) (MC 47).

Suy niệm Kinh Mân côi là làm sống lại những biến cố, sự việc, lời nói và thái độ của Chúa Giê-su, và tham dự vào đó như người trong cuộc, để lắng nghe, chiêm ngắm và cảm nhận tâm tình, ý muốn và lời dạy của Chúa. Hơn ai hết, Đức Trinh Nữ Maria là người trong cuộc và tham dự trọn vẹn vào từng chi tiết của con người và cuộc sống Chúa Giêsu, đặc biệt là biến cố Nhập Thể và biến cố Vượt Qua. Kết quả là Mẹ trở thành hoa quả tuyệt vời và hoàn hảo nhất của công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu Ki-tô, Con của Mẹ. Mẹ Maria đương nhiên trở thành người hướng dẫn thành thạo và người đồng hành lý tưởng, cho tất cả những ai tìm đến với Chúa Giêsu Ki-tô, gặp gỡ và nên một với Người. Vậy, suy niệm Kinh Mân côi là nhờ Mẹ và cùng với Mẹ, đi vào và sống những mầu nhiệm của Chúa Giêsu Ki-Tô.

“Tự bản chất, Kinh Mân côi đòi hỏi phải đọc một cách bình tĩnh thong thả. Người đọc kinh phải có thì giờ để suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa, qua tâm hồn của Đấng đã sống kề cận Chúa hơn hết, và như vậy mới khám phá ra những kho tàng vô tận của phép lần hạt” (MC 47).

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN