Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CN 26 TN A – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI

Cv. 1, 12-14; Gl. 4, 4-7; Lc 1,26-38

CÙNG MẸ LẮNG NGHE LỜI CHÚA VÀ XIN VÂNG Ý CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 1, 26-38.

(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. (c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

  1. Ý CHÍNH:

Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu cần học tập để nhận được ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

  1. CHÚ THÍCH:

– (c 26) + Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).

(c 27) + Trinh nữ: Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít: Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giê-sê cha của Đa-vít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).

(c 28) + “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.

(c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).

(c 31) + Giê-su: nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).

(c 32) + Con Đấng Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.

(c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh như có người lầm tưởng. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức rước dâu về nhà.

(c 35) + Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà…”: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống như chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con dân Ít-ra-en của Người (x. Tv 17,8).

+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.

(c 36) + Kìa bà Ê-li-sa-bét…: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay bào thai đã được sáu tháng tuổi.

(c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm.

HỎI: Nội dung thắc mắc của Đức Ma-ri-a với sứ thần (x. Lc 1,34) và của ông Da-ca-ri-a trong Đền Thờ (x. Lc 1,18) có giống nhau không?:

ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu, bị câm không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ cho thấy bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và Mẹ đã được bà chị họ Ê-li-sa-bét khen ngợi là “diễm phúc, vì đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện” (x. Lc 1,45).

  1. CÂU HỎI: 1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng Cứu Thế? 3) Khi thưa “Xin vâng” và được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa? 4) Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”?

II.SỐNG LỜI CHÚA:

  1. LỜI CHÚA: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG NĂNG LẦN CHUỖI MÂN CÔI CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC LỪNG DANH:

Trên chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày. Trong toa đối diện với anh là một cụ già, tay cầm tràng chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh.
Chờ tới khi cụ già đọc kinh xong, chàng trai lên tiếng : “Cụ ơi ! Đến thời buổi này mà cụ còn đọc thứ kinh chỉ dành cho đám đàn bà con nít kia sao ?”.

Cụ già ngước nhìn chàng thanh niên ôn tồn trả lời : “Cám ơn cậu, cậu trông có vẻ thông thái đó. Vậy xin cậu cho tôi biết quan điểm của cậu thế nào về khoa học và đức tin ?”.

Thế là chàng trai có dịp nói về bản thân : Anh là sinh viên đang theo học năm cuối tại trường đại học Bách Khoa tại thủ đô Paris; Anh khuyên cụ già hãy thôi đọc mấy thứ kinh lẩm cẩm kia đi, vì rồi đây khoa học tiến bộ sẽ xây dựng một thế giới mới không cần đến tôn giáo nữa. Rồi anh chàng bắt đầu thao thao thuyết giảng cho cụ già về đề tài khoa học và đức tin cả nửa tiếng đồng hồ.

Cụ già cứ im lặng chăm chú lắng nghe anh chàng nói. Đến khi sắp tới ga về nhà, cụ mời anh khi nào thuận tiện đến chơi nhà cụ tiếp tục hướng dẫn cho cụ, rồi cụ trao cho anh một danh thiếp.
Khi nhìn vào tấm danh thiếp, anh chàng có cảm tưởng như từ trên trời rơi xuống, khi đọc thấy tên và địa chỉ của một nhà khoa học lừng danh mà anh luôn tâm phục khẩu phục như sau : “Louis Pasteur,Viện Hàn Lâm Khoa Học Paris”.

2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JESUM PER MARIAM):

Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (FULTON OURSLER), một tín hữu bị mất đức tin bỏ nhà thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ Nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình nào đó cuốn hút ông vào nhà thờ và đẩy đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, Phun-tơn tự nhiên đã thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm để trở lại con đường vô tín. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp nhiều khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy có một điều kỳ diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông đã có lại đức tin vào Chúa ! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha nhân ái. Chính nhờ Mẹ Ma-ri-a mà ông đã đến được với Chúa Giê-su.

3) KINH MÂN CÔI GIÚP CHIẾN THẮNG THÙ HẬN VÀ MANG LẠI HÒA BÌNH:

Trong một giáo xứ nọ có hai thôn, nhưng lại đang tranh chấp nhau về một mảnh đất nằm ở giữa mà thôn nào cũng cho là đất thuộc thôn mình. Từ chiến tranh lạnh là tranh cãi to tiếng đến chiến tranh nóng mang gậy gộc ra đánh lộn nhau khiến cho một số người của cả hai thôn bị u đầu sứt trán. Cuối cùng cha xứ đã phải đứng ra hòa giải. Buổi họp đi đến quyết định hai bên đều đồng ý mảnh đất giữa hai thôn ấy là đất chung của giáo xứ gọi là “đất Đức Bà”. Sau đó cha xứ cho dựng một tượng đài Đức Mẹ Mân Côi tại đây, để mỗi buổi tối, người của hai thôn đều đến quây quần trước đài Đức Mẹ lần hạt Mân Côi. Mọi người gọi đài Đức Mẹ Mân Côi này là đài Đức Mẹ Hòa Bình. Còn cha xứ thì gọi là đài Đức Mẹ Chiến Thắng, vì Mẹ đã chiến thắng các tranh chấp hận thù, chiến thắng sự chia rẽ nhỏ nhen của ma quỷ để tái lập hòa bình bền vững trong giáo xứ.

4) KINH MÂN CÔI CHỮA LÀNH CÁC BỆNH TẬT VỀ THỂ XÁC VÀ TÂM HỒN:

Tạp chí Reader’s Digest số ra tháng 4 năm 1991 có thuật lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ như sau:

Trên chuyến máy bay từ Christiamy về Thanasity, một thương gia trẻ tên là JIM CAISO ngồi bên cạnh Mẹ Têrêsa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng đã yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai nữ tu lấy ra khỏi áo dòng một chuỗi hạt Mân Côi và lâm râm đọc kinh. Tuy không phải là người công giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn do sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao độ, Mẹ Têrêsa quay sang người thanh niên hỏi: “Anh có hay lần chuỗi không?”
Anh trả lời: “Thưa không”. Nghe anh trả lời xong, thì Mẹ liền cầm lấy tay anh, đặt chuỗi hạt Mân Côi vào tay anh và nói: “Vậy thì anh hãy bắt đầu lần chuỗi hằng ngày đi”.

Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta mới cho. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một nữ tu đích thực của Chúa”.

Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này được bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, lấy ra chuỗi hạt Mân Côi của mẹ Têrêsa trao cho người bạn và nói: “Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp cho chị”. Mặc dù không phải là người Công giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay đón nhận và trân trọng món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã khỏi bệnh nhờ mang trong mình tràng chuỗi Mân Côi suốt một năm qua. Giờ đây bà trao lại cho Jim để anh trao cho người khác với hy vọng nó sẽ giúp người khác được ơn chữa lành giống như mình. Vào lúc đó, bà chị vợ của Jim cũng đang trong tình trạng khủng hoảng sau ly dị, bà cũng muốn mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà đã kể lại rằng: “Hằng đêm, tôi đeo chuỗi hạt vào người. Bấy giờ tôi đang cô đơn và tâm hồn bất an. Nhưng từ lúc đeo chuỗi hạt, tôi cảm thấy như mình đang nắm một bàn tay thân yêu. Từ lúc đó, tràng chuỗi linh nghiệm ấy đã nhiều lần được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp sự khủng hoảng hay bệnh tật nan y, người ta thường gọi điện đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy. Jim suy nghĩ: “Phải chăng tràng chuỗi này có một sức mạnh lạ lùng, hay có lẽ đúng hơn, tràng chuỗi của mẹ Tê-rê-sa có một sức mạnh tinh thần ảnh hưởng trên những ai thành tâm đeo cỗ tràng hạt ấy”. Về phần Jim, anh chỉ biết điều này là hễ có người nào ngỏ ý mượn tràng chuỗi, thì anh đều đáp ứng vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn họ: “Khi nào không cần tới nữa thì hãy cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cũng cần đến nó”.

Cuộc sống của Jim cũng thay đổi từ ngày anh gặp mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Khi nhớ lại mẹ Tê-rê-sa đã mang tất cả hành lý chỉ trong một cái xách tay nhỏ, thì anh cũng đơn giản hóa cuộc sống của mình. Anh phát biểu như sau: “Tôi luôn xác tín rằng: điều quan trọng ở đời không phải là lo tìm kiếm danh vọng và tiền bạc, nhưng là làm thế nào để chia sẻ tình thương cho tha nhân”.

3. SUY NIỆM:

1) LỊCH SỬ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI :

– Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Thánh Đa-minh đã được Đức Mẹ hiện ra trao cho tràng chuỗi Mân Côi như một khí giới thiêng liêng hỗ trợ. Chính nhờ lối sống đơn sơ khiêm hạ và sự nhiệt thành rao giảng Lời Chúa của các tu sĩ dòng “Anh em thuyết giáo”; Nhất là nhờ việc siêng năng lần hạt Mân Côi của các tín hữu… mà chỉ sau một thời gian ngắn, thánh Đa-minh đã cảm hóa đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh.

– Năm 1511, đạo quân Hồi giáo phát xuất từ Thổ nhĩ kỳ đã xâm lược Âu Châu, đi đến đâu bọn chúng cũng đều ra tay thiêu hủy làng mạc, tàn phá nhà thờ. Đức Giáo hoàng Piô V đã kêu gọi thành lập đạo binh Thánh Giá trong nước Ý và Tây Ban Nha. Ngài cũng kêu gọi mọi tín hữu công giáo hợp ý bằng việc siêng năng lần hạt Mân côi để xin Đức Mẹ giúp ngăn chặn cuộc xâm lược của quân địch. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, trong trận chiến quyết định xảy ra tại vịnh Lepante. Với quân số ô hợp vũ khí thô sơ và với số chiến thuyền ít ỏi, thế mà đạo quân Thánh Giá đã chặn đứng đà tiến và đánh tan hàng ngàn chiến thuyền của đạo quân Hồi Hồi được trang bị bằng vũ khí hùng hậu. Tại Roma, nghe tin báo đạo binh Thánh Giá chiến thắng, Đức Giáo hoàng đã nói với mọi người hiện diện : “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa”. Rồi về sau, ngài còn truyền thiết lập lễ Mân côi hằng năm để tạ ơn Chúa ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

– Vào năm 1917, nước Bồ Đào Nha đang trong tình trạng suy thoái trầm trọng về mọi mặt: óc bè phái và chia rẽ nội bộ trong Giáo Hội, kèm theo có nhiều nhóm Tam Điểm đã nổi lên chống phá, khiến nhiều nhà thờ công giáo bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị bắt bớ. Nhưng đến khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em trên cây sồi làng Fa-ti-ma. Khi hiện ra nhiều lần trên cây sồi, Mẹ Ma-ri-a đã trao cho ba trẻ là Lu-xi-a, Gia-xin-ta và Phan-xi-cô ba mệnh lệnh như điều kiện để trái tim Mẹ chiến thắng. Ba mệnh lệnh ấy như sau: “Một là cải thiện đời sống; Hai là siêng năng lần hạt mân côi; Ba là tôn sùng trái tim Mẹ”. Nhờ đó đất nước Bồ đào Nha đã bước sang một trang sử mới. Từ đây nhiều hội Mân côi đã ra đời để hằng ngày cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu Chúa xuống muôn ơn lành, và đất nước Bồ Đào Nha đã trở thành quê hương của kinh Mân côi đến ngày nay.

2) KINH MÂN CÔI GIÚP SỐNG “PHÓ THÁC” VÀ “XIN VÂNG” NHƯ MẸ MA-RI-A:

Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta năng suy niệm và học tập noi gương Đức Mẹ trong cuộc hành trình đức tin là: thái độ khiêm nhu, tin cậy phó thác vào tình thương của Chúa quan phòng và luôn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, thể hiện qua lời thưa “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a:

– Trái với thái độ kiêu ngạo không vâng phục của E-và và A-đam xưa trong vườn địa đàng, Đức Ma-ri-a đã cùng với Chúa Giê-su là A-đam Mới luôn lắng nghe Lời Thiên Chúa, tìm hiểu thánh ý Chúa muốn và cúi đầu thưa “Xin Vâng”. Trong biến cố truyền tin, Ngay sau lời thưa “Xin Vâng” này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Trinh nữ Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Đấng Cứu Thế. Từ đây, Đức Ma-ri-a luôn ghi nhớ các biến cố xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Nhất là khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã “xin vâng” để dâng con yêu là Chúa Giêsu cho Thiên Chúa.

– Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để “xin vâng” và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng: Xin vâng khi gặp may lành; ngay cả những lúc gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng vẫn dâng lời cảm tạ và thưa “Xin Vâng” với Chúa, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, vì «Đấng toàn năng có thể rút từ sự dữ ra sự lành»; Chúa không bao giờ triệt đường sống của chúng ta như có người đã nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng Ngài vẫn mở cửa sổ cho ta” và lời thánh Phao-lô: “Tất cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).

3) ÍCH LỢI CỦA KINH MÂN CÔI:

** Hai Mươi mầu nhiệm Kinh Mân Côi : Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thêm năm sự sáng vào mười lăm mầu nhiệm Mân Côi để kinh Mân Côi trở thành sách Tin Mừng rút gọn:

– Năm mầu nhiệm Vui: diễn tả mầu nhiệm Nhập thể và cuộc sống âm thầm của Đức Giê-su suốt ba mươi năm tại Na-da-rét.

– Năm mầu nhiệm Sáng: Diễn tả những biến cố trong thời gian gần ba năm đi loan báo Tin mừng Nước Trời của Đức Giê-su.

– Năm mầu nhiệm Thương: Diễn tả các sự đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu trong cuộc Tử nạn để đền tội và chết thay cho loài người.

– Năm mầu nhiệm Mừng: Diễn tả các sự kiện cứu độ của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su mà Đức Ma-ri-a là người đầu tiên đại diện cho Hội Thánh được hưởng ơn ấy.

** Kinh Mân Côi giúp thánh hóa các gia đình tín hữu :

Thánh GH Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để thánh hóa gia đình mình như sau:

“Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chuỗi Mân côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”.

Đức Thánh Cha Piô XI cũng khuyên các gia đình tín hữu: “Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi”.

** Kinh Mân côi giúp đưa lời kinh vào cuộc sống thường ngày :

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy : Kinh Mân côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có người đã nghĩ. Kinh Mân côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.

** Kinh Mân côi là phương thế hữu hiệu giúp chiến thắng ma quỷ cám dỗ : Ai yếu đuối, kinh Mân côi tăng cường sức mạnh; Ai tội lỗi, kinh Mân côi dẫn đưa về với Chúa; Ai bất hạnh, kinh Mân côi giúp họ vươn lên; Ai khô khan, kinh Mân côi làm bùng lên ngọn lửa tin yêu đang ẩn giấu trong đám tro tàn. Mỗi khi bị ma quỷ cám dỗ, chúng ta hãy chiến đấu bằng việc đọc kinh Mân Côi.

4) LÀM THẾ NÀO ĐỂ THI HÀNH MỆNH LỆNH “SIÊNG NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI” :

– Năm 1917, khi hiện ra với ba trẻ em tại làng Fa-ti-ma nước Bồ đào Nha, Đức Mẹ đã trao 3 mệnh lệnh là “cải thiện đời sống”, “lần hạt Mân Côi” và “tôn sùng trái tim Mẹ”. Trong ba mệnh lệnh này, người ta sẽ thực thi mệnh lệnh “cải thiện đời sống” và “tôn sùng trái tim Mẹ” bằng việc “siêng năng lần hạt Mân Côi”.

– Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh cầu nguyện vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mân côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để cùng Mẹ Ma-ri-a chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu.

– Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi mà không nhất thiết phải có cỗ tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: Khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng đều có thể lần hạt được.

  1. THẢO LUẬN: 1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để luôn thưa “Xin Vâng” theo Thánh ý Thiên Chúa, dù gặp phải nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng? 2) Bạn nên làm gì để động viên người khác xin vâng ý Chúa nếu họ gặp những điều rủi ro trái ý như: thi rớt đại học, có người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông, làm ăn thua lỗ…?
  2. LỜI CẦU:

LẠY MẸ MA-RI-A.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Mẹ vui khi thấy người ta ca tụng Chúa. Mẹ lo sợ buồn sầu khi Chúa bị bắt bớ xét xử bất công và Mẹ đã can đảm theo Chúa đến cùng trên con đường thánh giá.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ phải lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại tiếng Chúa gọi bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa .

Xin giúp chúng con luôn đi trên Đường Giêsu để rồi chúng con lại trở thành nẻo đường hiền hòa khiêm hạ, hầu dẫn đưa nhiều người tin yêu Chúa và được chia sẻ hồng ân cứu độ của Chúa. Chúng con tin rằng : Nếu chúng con biết mỗi ngày nhờ kinh Mân Côi biết chết đi cho tội lỗi và các thói hư, thì chúng con sẽ hy vọng cùng được sống lại với Chúa sau này.

HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

      LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG