DÂNG HIẾN
Số 0 là con số nhỏ nhất (theo cách tính bình thường, nghĩa là không tính số âm). Số 0 chẳng là gì, nhưng giá trị càng tăng cao nhờ những con số 0 phía sau một đơn vị nào đó. Lúc đó, càng nhiều số 0 càng cao giá trị.
Dâng hiến là quên mình, tự biến mình thành số 0 trước Thiên Chúa và người đời. Đức Mẹ cũng dâng hiến cho Thiên Chúa để biến thành số 0, hoàn toàn khiêm nhường và tuân phục Thánh Ý Chúa. Chúng ta có thể gọi số 0 là con-số-khiêm-nhường.
Lễ Đức Mẹ Dâng Mình có nguồn gốc từ việc thánh hiến Đền thờ Đức Mẹ được xây dựng năm 543, thời Hoàng đế Justinian I, gần vị trí Đền thờ Giêrusalem bị phá đổ.
Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc đi vô “Đền thờ của Mẹ Thiên Chúa”. Họ mừng lễ trong vòng sáu ngày (từ 20 tới 25 tháng 11), và dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo Thánh Giacôbê hồi giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Trinh nữ Maria lúc nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc: ‘Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ’. Thiên Chúa ban cho con trẻ ân sủng của Người, và nó nhảy mừng, và mọi người trong nhà Ít-ra-en yêu mến con trẻ…”.
Lễ này tiếp tục được cử hành ở khắp Đông phương, và được cử hành ở các tu viện tại Nam Ý hồi thế kỷ IX, rồi được đưa vào Nguyện đường Giáo hoàng ở Avignon (Pháp) năm 1372, do sắc lệnh của ĐGH Grêgôriô XI. Năm 1472, ĐGH Sixtô IV ghi lễ này vào lịch phụng vụ vào, nhưng ĐGH Piô V bỏ lễ này từ năm 1568. ĐGH Sixtô lại đưa lễ này vào Lịch Rôma năm 1585. ĐGH Clement VIII làm cho lễ này thành quan trọng hơn vào năm 1597, và được tiếp tục cử hành theo Lịch Rôma từ năm 1969.
Giáo hội Công giáo tưởng nhớ việc Đức Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa tại Đền Thờ từ lúc mới 3 tuổi. Trong Tông thư Marialis Cultus năm 1974 – về việc tôn sùng Đức Mẹ, ĐGH Phaolô VI viết: “Mặc dù có nội dung ngụy tác, nó vẫn thể hiện các giá trị cao vời và mẫu mực, đồng thời thể hiện truyền thống tôn kính có nguồn gốc từ các Giáo hội Đông phương”.
Đức Mẹ được dâng cho Chúa và trở thành người-của-Chúa. Và chúng ta cũng vậy, mỗi chúng ta đã được dâng cho Chúa và hoàn toàn thuộc về Chúa, vì Ngài là chủ nhân: “Chính Ngài đã tạo dựng trái đất với muôn vật khắp nơi” (Nkm 9:6). Bức tượng không thể không theo ý của nhà điêu khắc, bản nhạc không thể không theo ý của nhạc sĩ, bài thơ không thể không theo ý của thi sĩ, bức tranh không thể không theo ý của họa sĩ,…
Sấm ngôn của Đức Chúa: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi” (Dcr 2:14-15). Đó là lời tiên báo về Đức Maria, một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa, được tuyển chọn để làm Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của chúng sinh.
Sấm ngôn của Đức Chúa nói tiếp: “Đức Chúa sẽ lấy Giuđa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giêrusalem. Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người” (Dcr 2:16-17). Thiên Chúa quá vĩ đại, vượt ngoài tầm hiểu biết của phàm nhân. Và mọi loài chỉ còn biết cúi đầu thờ lạy Ngài, Chúa Tể của muôn loài!
Tới lúc 14 tuổi, Cô Maria trở thành thiếu nữ nên không được ở trong nơi thánh nữa, vì tuổi này thường có kinh nguyệt, dạng này bị coi là “ô uế”, và có nghĩa là cô gái bắt đầu trưởng thành. Sau đó, Đức Maria được đính hôn với Đức Giuse. Và rồi Sứ thần Gabriel báo Hỉ Tín là sẽ thụ thai và làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Maria bất ngờ, nhất là nhận thức rõ mình “không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1:34), nhưng Đức Mẹ vẫn “xin vâng cho trọn Thiên Ý” (Lc 1:38). Được vâng Ý Chúa, rồi quá đỗi vui mừng, Đức Maria đã phải thốt lên lời tán tụng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:49).
Đức Mẹ diễm phúc không chỉ vì đã tin tưởng và vâng lời hoàn toàn, mà Đức Mẹ còn một diễm phúc đặc biệt khác nữa, như Chúa Giêsu đã xác định rạch ròi: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11:28). Ai biết lắng nghe và giữ Lời Chúa thì cũng được diễm phúc như vậy. Chuyện tưởng chừng rất khó tin nhưng lại hoàn toàn có thật, thật một trăm phần trăm. Và chắc chắn không ai lắng nghe Thiên Chúa bằng Đức Maria. Vả lại, lắng nghe Lời Chúa còn được Chúa Giêsu nói là “phần tốt nhất” – phần mà cô Maria người Bêtania, chị em với Mác-ta và Ladarô, đã chiếm được (Lc 10:42).
Một hôm, khi Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, có mẹ và anh em của Ngài đứng bên ngoài tìm cách nói chuyện với Ngài. Có kẻ thưa Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12:47). Nghe vậy nhưng Ngài vẫn tỏ ra thản nhiên, xem chừng như “vô tình” lắm, rồi Ngài đáp lại bằng một câu nghi vấn: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12:48). Chả ai hiểu ất giáp gì ráo trọi! Thiên Chúa luôn có những động thái vượt ngoài và vượt trên tầm hiểu biết của trí tuệ phàm phu tục tử.
Rồi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:49-50). Điều kiện trở thành thân nhân của Chúa rất đơn giản: Thi hành Ý Chúa. Đó là đức vâng lời: Vâng lời vô điều kiện, không so đo, không tính toán, sẵn sàng và mau mắn. Trong ba lời khấn của các tu sĩ, vâng lời đứng hàng đầu, vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9). Vâng lời là nhân đức, liên quan ba đức đối thần Tin, Cậy, Mến. Có Tin tưởng mới Yêu mến, có Yêu mến mới Cậy trông (Hy vọng, Mong đợi), có Cậy trông mới Vâng lời. Mối liên kết chặt chẽ, một hệ lụy tất yếu!
Vâng lời cũng quan trọng hơn những thứ khác trong các trường hợp khác: “Vâng phục cha mẹ là làm đẹp lòng Chúa” (Cl 3:20). Tổ phụ Áp-ra-ham đã tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa nên Ông sẵn sàng và mau mắn vâng lời mà ra đi để đến Đất Hứa, và Ông cũng không nghi ngờ gì, không quản ngại gì khi vâng lời Thiên Chúa sát tế chính đứa con trai yêu dấu của mình (x. St 22:10).
Đức Tin quá lớn, Đức Cậy vững vàng, Đức Mến nồng nàn, thế nên Đức Tuân Phục tuyệt đối! Là thân nhân của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải noi gương Đức Mẹ.
Tưởng cũng nên nhắc lại điều này: Ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình được gọi là ngày “Pro Orantibus” (Ngày Cầu Nguyện). Trong ngày này, Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, ơn gọi sống thánh hiến cho Thiên Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, giữ thinh lặng, sống ẩn dật để có thể chỉ nói với Chúa và nói về Chúa.
Đức Mẹ không đi tu ngày nào, chẳng khoác tu phục, cũng chẳng công khai tiên khấn và vĩnh thệ, nhưng các lời khấn luôn được Đức Mẹ tuân giữ triệt để. Đức Mẹ là số 0 nhưng lại có giá trị cao hơn những con số khác. Đức Mẹ là mẫu gương cho các giáo sĩ và tu sĩ. Hãy tự xem lại để có thể kịp chấn chỉnh! Đức Mẹ cũng là mẩu gương cho giáo dân trong việc tận tụy hy sinh và phục vụ gia đình.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết kiên trì tuân giữ và mau mắn thi hành Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh, luôn can đảm làm chứng về lòng thương xót của Ngài – mọi nơi và mọi lúc.
Lạy Thánh Mẫu Maria, xin hướng dẫn chúng con biết cách dâng hiến cuộc đời và mọi sự cho Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định. Chúng con xin tận hiến trọn cuộc đời cho Mẹ, hôm nay và mãi mãi.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU