Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Đêm-Lễ Ban ngày Giáng Sinh, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Đêm-Lễ Ban ngày Giáng Sinh, của Trầm Thiên Thu

CUNG AN BÌNH

(Lễ Đêm Giáng Sinh)

(GS - LeDem) CungAnBinhCuộc đời như một bản nhạc, cũng có thể ví như một bản hợp xướng, với các cung bậc khác nhau, tiết tấu khác nhau, hòa quyện trong những hợp âm khác nhau – lúc trưởng, lúc thứ, lúc thăng, lúc giáng, lúc tăng, lúc giảm, lúc ngân vang, lúc tĩnh lặng, lúc vui, lúc buồn,… Đa dạng, đa âm và đa sắc màu.

Mỗi dịp hân hoan mừng đón lễ Giáng Sinh, có lẽ không ai xa lạ với bản thánh ca bất hủ “Still Nacht! Heilige Nacht!” (Đêm Tĩnh Lặng, Đêm Lành Thánh) do NS Franz Xaver Gruber viết năm 1818, lời Việt có tựa đề “Đêm Thánh Vô Cùng” do NS Hùng Lân biên soạn: “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, xe chữ đồng. Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ, canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa. Ơn châu báu không bờ bến, biết tìm kiếm của chi đền!”.

Đêm giáng sinh là đêm thánh vô cùng, đêm cực thánh, vì là đêm Con Chúa nhập thế và nhập thể, Ngài mặc xác phàm và ở với nhân loại: Thiên Chúa ở cùng chúng ta – Emmanuel. Ôi vui mừng và hạnh phúc biết bao! Niềm vui khôn tả khi người dưới được người trên đến thăm; thần dân vô cùng hạnh phúc khi được nhà Vua ghé vào “tệ xá” của mình; dân tình khốn khổ vì thấp cổ bé miệng sẽ trở nên sung sướng khi được tổng thống lưu ý;… Thế thì không còn niềm vui sướng nào có thể so sánh khi được Thiên Chúa đến với chúng ta, không chỉ thăm mà còn ở với chúng ta.

Giáo hội quen dùng tán tụng ca của các thiên thần hát vang trong đêm Con Chúa sinh tại Bêlem: Gloria in excelsis Deo (Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời). Ngôn ngữ loài người không thể đủ để diễn tả niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh này! Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach đã sáng tác bản nhạc tôn giáo “Gloria” vào năm 1733, và khoảng năm 1745, ông viết bản “Gloria in excelsis Deo” (*) cũng theo “phong cách” như bản “Gloria”. Bản “Gloria in excelsis Deo” đã được cất tiếng hát vang vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1745 để mừng đón hòa bình sau những đợt chiến tranh Salesia giữa Áo quốc và Prussia.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9:1). Tại sao như vây? Bởi vì nhiều lý do, và được ngôn sứ Isaia liệt kê: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:2-5a).

Trẻ Thơ đó không là một con người bình thường, mà rất đặc biệt, vì đó chính là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng xuất hiện để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và quyền lực của bóng tối. Đêm nay là Đêm Bình An, là Đêm Giao Hòa Đất Trời, là Giờ Hạnh Phúc, là Ngày Độc Lập, là Ngày Quốc Khánh Tâm Linh của cả nhân loại – kể cả những người chưa tin nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế ra sao? Ngài là Vua Công Lý, đầy uy lực và mang nhiều danh hiệu: “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5b). Không chỉ dừng lại ở mức độ đó, mọi sự vẫn không ngừng tiếp diễn: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9:6).

Kể từ đêm nay, đêm Đấng Cứu Thế giáng sinh cho chúng ta, niềm vui nối tiếp nỗi mừng vì chúng ta được cận kề với Đức Kitô, Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thể hiện niềm vui sướng đó bằng cách “reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:2). Có thể có người rất muốn biết lý do cho hai năm rõ mười. Và đây là lý do: “Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần, nắm trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao. Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa, lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người” (Tv 95:3-5). Tất cả là của Ngài, nhưng Ngài giao cho chúng ta quản lý. Chúng ta thật là diễm phúc!

Thật vậy, vì không giấu được niềm vui quá lớn lao nên tác giả Thánh Vịnh đã kêu gọi mọi người: “Hãy vào đây, ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95:6-7). Được tôn thờ Ngài là đại phúc đối với chúng ta. Việc chúng ta ca tụng Ngài chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng lại sinh ích lợi và kéo hồng ân xuống cho chính chúng ta. Chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh là chứng tỏ lòng tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, nhất là trong Năm Thánh Thương Xót này.

Thật là rạch ròi và đầy niềm tín thác khi Thánh Phaolô xác nhận: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2:11). Tuy nhiên, “ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:12). Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:14). Vấn đề là “hăng say làm việc thiện”, vậy mới là sống tích cực, chứ không chỉ sống tiêu cực là “làm lành, lánh dữ”.

Thánh sử Luca tường thuật đúng lịch sử: “Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:1-7). Lịch sử là điều không thể chối cãi, Kinh Thánh là một trong những cuốn sử quan trọng của nhân loại, đã được nghiên cứu nhiều và được dịch ra các ngôn ngữ nhiều nhất thế giới.

Lời kể ngắn gọn nhưng súc tích, chất chứa những chi tiết cốt lõi, mô tả cả một khoảng thời gian dài, không gian mênh mông và biết bao nỗi cơ cực. Đường sá xa xôi, trời lại tối và giá lạnh, tìm chỗ nghỉ đêm thì nơi nào cũng từ chối thẳng thừng, không ai chút động lòng trắc ẩn – dù chỉ là thương hại. Cô Maria và Chú Giuse khổ thật!

Tuy nhiên, người ta thường nói rằng trong cái xui luôn có cái hên, cánh cửa này khép lại thì có cánh cửa khác mở ra. Tại vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn súc vật. Bỗng dưng sứ thần Chúa xuất hiện ngay bên họ, và vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả sáng rực xung quanh, khiến họ kinh sợ và hoảng hốt. Họ sợ đến chết đứng như Từ Hải luôn chứ nói chi tới hãi hùng. Đang đêm tối đen như mực, đen thui như mõm chó, trăng không có, điện đóm cũng không, thế mà bỗng dưng sáng chói hơn đèn cao áp, dù thời đó không hề có “những đóm mắt hỏa châu”, mà họ chỉ là những trẻ mục đồng nghèo hèn và thất học – như Việt Nam gọi là lũ trẻ chăn trâu hoặc chăn bò, thế thì hỏi sao không chết đứng cho được chứ?

Thế nhưng sứ thần đã động viên họ: “Anh em đừng sợ. Này, tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:10-11). Các mục đồng chẳng đáng là “cái đinh gỉ” trước mặt người đời, thế mà họ lại là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng. Họ quả là đại phúc! Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa rất thương xót người nghèo, Con Thiên Chúa đến để cứu thoát họ và đòi lại công lý cho họ.

Trấn an họ rồi, sứ thần còn “mách nước” cho họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Rồi như để minh chứng và củng cố niềm tin cho họ, bỗng dưng muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).

Hình như văng vẳng tiếng bổng trầm và nhịp nhàng của Đức Mẹ đang nhẹ ru Hài Nhi Giêsu:

À ơi, Con hãy ngủ ngoan

Mai kia khôn lớn hiến thân cứu đời

Đêm nay Thánh Tử làm người

Danh Chúa rạng ngời, nhân loại bình an

Đêm Giáng Sinh, đêm ngọt ngào những cung an bình của bản Tổng Phổ Kinh Thánh được vang ngân khắp nơi, từ thôn quê tới thị thành, từ các ngõ hẻm tới các đại lộ. Cung An Bình đó là quốc tế ngữ chuyển tải sứ điệp của Lòng Chúa Thương Xót tới mọi người ở khắp mọi nơi, không phân biệt bất cứ thứ gì – màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, giai cấp, địa vị,…

Lạy Thiên Chúa Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban chính Ngôi Con đến thế gian để cứu độ chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cảm tạ Ngài đã thánh hóa và dẫn đường chỉ lối cho chúng con nhận biết Hài Nhi sinh ra nơi hang lừa là Đấng Cứu Thế. Lạy Thánh Nhi Giêsu, chúng con cảm tạ Ngài đã đến chung sống và chia ngọt sẻ bùi của kiếp người với chúng con.

Lạy Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, chúng con cảm ơn nhị vị đã vâng lời Thiên Chúa mà chấp nhận mọi gian nan để trao tặng Đấng Cứu Thế cho chúng con.

Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng con hưởng trọn Niềm Vui Giáng Sinh và Hồng Ân Cứu Độ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Hài Đồng Giêsu, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Cả “Gloria” và “Gloria in excelsis Deo” đều được viết ở âm thể Si Trưởng. Có thể nghe “Gloria in excelsis Deo” (BWV 191) của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach tại đây:

http://www.youtube.com/watch?v=cGRbOjqOSYs hoặc http://www.youtube.com/watch?v=eChEWK_4B3Q

 

ÂN TÌNH THƯƠNG XÓT

(Lễ Giáng Sinh – lễ ban ngày – Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016)

Mừng Giáng Sinh : Hãy noi gương Đức Nghèo Khó giống Ngôi Lời khiêm hạ,

Sống Năm Thánh : Cùng thể hiện Lòng Xót Thương như Thánh Phụ nhân từ.

(GS - LeNgay) AnTinh ThuongXotNgôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế. Ngôi Lời đã làm người vì thương xót phàm nhân chúng ta. Ánh Sáng Lòng Thương Xót đã bừng sáng khắp nơi, và địa cầu tràn đầy Ân Sủng Thiên Chúa. Mặt Trời Công Chính đang chiếu soi rạng ngời. Tình Giáng Sinh đang chan hòa khắp thế giới. Thực sự chúng ta đã nhận được Tin Mừng ấy, do đó chúng ta có trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng Lòng Thương Xót cho tha nhân bằng bất cứ cách nào theo hoàn cảnh riêng của mỗi người.

Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ chung, nhiệm vụ đó thật đẹp. Ngôn sứ Isaia nói: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52:7a), và ông nói với Sion: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is 52:7b).

Ngôn sứ Isaia cho biết thêm: “Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem” (Is 52:8-9). Thiên Chúa thấy loài người thật đáng thương, thế nên Thiên Chúa Cha đã sai Thiên Chúa Ngôi Con phải đích thân giáng sinh làm người để chia sẻ đau khổ với chúng ta. Thật vậy, “trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Ngài: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy” (Is 52:10). Chắc chắn không ai có thể làm ngơ hoặc im lặng khi thấy những điều kỳ lạ, đặc biệt là điều xảy ra quá đỗi nhiệm mầu.

Cùng với cảm nhận đó, tác giả Thánh vịnh kêu gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện bao kỳ công. Ngài chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Ngài” (Tv 98:1). Xưng tụng Thiên Chúa không chỉ là bổn phận mà còn là niềm vinh hạnh của chúng ta, vì “Chúa đã biểu dương ơn Ngài cứu độ, mặc khải đức công chính của Ngài trước mặt chư dân; Ngài đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98:2-3).

Có lẽ vì sốt ruột nên tác giả Thánh vịnh lại phải kêu gọi: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát. Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!” (Tv 98:4-6). Biết chắc là điều đúng, người ta không thể không nói cho người khác biết, nghĩa là muốn chia sẻ ngay khi gặp gỡ bất cứ ai.

Có rất nhiều lý do để chúng ta chúc tụng Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác nhận: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:1-2). Vả lại, “chính Ngài phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa, là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1:3a). Và rồi, “sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Ngài lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1:3b).

Quả thật, Thiên Chúa quá trác tuyệt và cao siêu, vượt xa ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Danh hiệu mà Chúa Con được thừa hưởng cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu thì Ngài lại nổi trội hơn bấy nhiêu. Thật vậy, chẳng bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào rằng “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, hoặc “Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta”. Do đó, khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa đã minh định như một mệnh lệnh tuyệt đối: “Mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy Ngài” (Dt 1:6). Trách nhiệm rõ ràng đó cũng là trách nhiệm của chúng ta, vì chính Chúa truyền lệnh: “Chỉ thờ lạy một Chúa và kính mến Ngài hết lòng”.

Thiên Chúa giáng sinh là ai? Ngài là Ngôi Hai, là Đấng Thiên Sai, là Thánh Tử, là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, là Đấng giàu lòng thương xót. Đấng ấy có từ bao giờ? Kinh Thánh nói rõ: Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời, chính Ngài là Al-pha và Ô-mê-ga (Kh 1:8; 21:6; Kh 22:13) – tức là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Thánh Gioan nói: “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Cách diễn tả tuyệt vời quá! Và ông giải thích tiếp: “Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:2-5). Chính những hình ảnh đối nghịch nhau lại có thể làm nổi bật nhau. Đó là điều rất kỳ diệu!

Thánh Gioan không dùng đại từ ngôi thứ nhất số ít mà nói rằng “có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan”. Và ông dùng đại từ ngôi thứ ba số ít để nói về chính mình: “Ông [tức là ông ấy] đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1:7-8). Rồi ông nói rạch ròi về Đấng Thiên Sai: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:9-11). Cũng vẫn có những điểm trái ngược.

Sự đời vẫn thế, chín người mười ý, chẳng ai giống ai. Ông Gioan nói: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Diễm phúc quá chừng! Tại sao? Vì được làm con Thiên Chúa, mà chỉ với một điều kiện đơn giản: Tin Ngài, tín thác vào Ngài. Nhưng người đó được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Thật kỳ diệu biết bao!

Hôm nay, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14a). Niềm vui dâng cao tột đỉnh. Ông Gioan nói: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14b). Vì được mục kích sở thị, ông Gioan hăng say làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:15). Người sinh trước mà có sau, người sinh sau mà có trước. Thật khó hiểu vì quá vô lý, nhưng hoàn toàn là sự thật, và điều đó không thể lý luận theo kiểu phàm tục.

Ân tình giáng sinh là ân tình thương xót, thật là tuyệt vời! Niềm vui mừng đó cứ ngồn ngộn, không thể diễn tả hoặc thể hiện bằng các động thái của loài người. Thánh Gioan giải thích: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1:16-17). Chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. Vì thế, đừng bao giờ quên rằng “Đức Tin quan trọng hơn phép lạ”. Nghĩa là đừng bao giờ “chạy đua” theo những “sự lạ” mà hãy không ngừng “chạy đua” trên Hành Trình Đức Tin, trên Hành Trình Đức Ái, tức là cố gắng hết sức để thể hiện Lòng Chúa Thương Xót một cách cụ thể và sống động.

Lạy Thiên Chúa Cha, chúng con vui mừng biết bao vì Thiên Chúa Ngôi Con đã giáng sinh và ở với chúng con, đồng lao cộng khổ với chúng con, chia sẻ mọi gian khổ kiếp người với chúng con. Xin thương giúp chúng con biết noi gương Con Chúa mà thể hiện đức công bình, đức bác ái và biết chạnh lòng thương xót bất cứ ai trong suốt đường lữ hành trấn thế này. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …