Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh của Trầm Thiên Thu

Lễ Nến

Le NENNgày 2 tháng Hai hàng năm là Lễ Nến (Candlemas), còn gọi là lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh (Presentation of Christ in the Temple), ngày xưa gọi là lễ Tẩy Trần (Purification of the Blessed Virgin). Tiếng Hy Lạp là Hypapante (Ὑπαπαντή), nghĩa là “gặp gỡ”, do đó lễ này còn gọi là lễ Gặp Chúa (Meeting of the Lord).

Sách Lê-vi cho biết: “Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình. Nếu sinh con gái, thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng hai tuần, như khi có kinh; rồi nó phải đợi sáu mươi sáu ngày cho máu được thanh tẩy. Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ tiến dâng chúng trước nhan Đức Chúa và cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ được thanh tẩy sau khi đã xuất huyết. Nếu không có phương tiện kiếm được chiên thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch” (Lv 12:2-8).

Sau khi sinh Chúa Giêsu được 40 ngày, Đức Maria và Dức Giuse giữ đúng luật truyền: “Tất cả các con đầu lòng của bất cứ xác phàm nào, dù là người hay súc vật, mà người ta dâng cho Đức Chúa, đều được dành cho ngươi; nhưng ngươi phải cho chuộc lại con đầu lòng của người ta, và con đầu lòng của súc vật không sạch, ngươi cũng cho chuộc lại. Ngươi sẽ cho chuộc khi nó được một tháng; tiền chuộc ngươi sẽ ấn định là mười lăm chỉ bạc, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện. Nhưng bò, chiên và dê đầu lòng, ngươi sẽ không cho chuộc lại. Chúng là vật thánh, nên máu chúng, ngươi sẽ đổ trên bàn thờ, còn mỡ thì sẽ đốt làm hoả tế thành hương thơm làm đẹp lòng Đức Chúa, và thịt thì để cho ngươi dùng, cũng như thịt sườn đã được tiến dâng theo nghi thức, và thịt đùi bên phải đều thuộc về ngươi” (Ds 18:15-18). Ông Simêon, người công chính, và nữ tiên tri Anna đã tận mắt thấy Chúa Cứu Thế và nói tiên tri (Lc 2:22-38).

Chúa Giêsu là “Ánh Sáng muôn dân”. Ánh Sáng này được mặc khải cho dân ngoại. Nến được thắp sáng và rước trong lễ này, và thường hát bài ca của ông Simêon – bài “An Bình Ra Đi” (Nunc Dimittis): “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2:29-32)
.

Do đó, người ta quen gọi lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh là Lễ Nến. Khi đọc Kinh Mai Côi, mầu nhiệm thứ tư của Mùa Vui, chúng ta cầu nguyện: “Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời, chịu lụy”.

Vâng lời là một nhân đức và là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ. Vâng lời liên quan chịu lụy, chịu đựng. Kinh Thánh xác định: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Khi Sứ thần Gáp-ri-en truyền tin, Đức Maria đã e ngại và bối rối vì chưa hiểu. Sau khi được giải thích, Đức Maria đã mau mắn chấp nhận: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Quả thật, đức vâng lời rất quan trọng. Vì tin tưởng nên mới yêu mến, do đó mà không chần chừ, sẵn sàng vâng lời ngay, vâng lời trong mọi hoàn cảnh.

Chúa Giêsu luôn vâng lời. Sau ba ngày mê mải lo việc của Chúa Cha, khiến Đức Maria và Đức Giuse phải khổ sở đi tìm, Đức Maria “trách yêu” Con Trai Giêsu, Ngài cho cha mẹ biết lý do, nhưng Ngài vẫn đi xuống cùng với cha mẹ, theo cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục cha mẹ (x. Lc 2:51). Ngài là Thiên Chúa nhưng khi chấp nhận làm Con trong một gia đình, Ngài vẫn giữ đức vâng lời, vẫn tôn trọng và theo ý muốn của cha mẹ.

Nói đến vâng lời, chúng ta thường cho rằng người nhỏ phải vâng lời người lớn, bề dưới phải vâng lời bề trên,… Tuy nhiên, nếu như vậy thì vẫn phiến diện, vì chúng ta đôi khi vẫn phải “vâng lời” người nhỏ hơn mình khi người nhỏ hành động đúng. Khi người lớn sai trái thì không thể bắt người dưới vâng lời!

Nguyện xin Đức Giêsu Kitô luôn là Ánh Sáng soi cuộc đời của mỗi chúng ta và cả thế giới này, hôm nay và mãi mãi.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN