Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Ga 20, 19-23)

 

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, kết thúc Mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi con người các tông đồ. Chúa Thánh Thần ban cho các ông một sức sống mới từ Thiên Chúa. 

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Hơi thở của Chúa Giêsu là sức Sống, là Thần Linh làm cho các tông đồ nên mới.

Khí thở là điều kiện tối cần cho đời sống con người. Người ta có thể nhịn ăn nhịn uống hằng giờ nhưng nếu không tiếp nhận được khí thì có thể chỉ trong giây phút thôi là chết. Làm gì thì làm, trong xe cứu thương phải có bình oxy để giúp thở. Nếu không rất nhiều người sẽ chết vì thở không đủ.

Chúng ta thấy có một sự lập lại nào đó vì trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã thổi thổi sinh khí vào lỗ mũi, và Adam trở nên một sinh vật. Giờ đây Đức Kitô sống lại cũng thổi thần khí vào các môn đệ. Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Các ông đã nhận lấy Thánh Thần của Người để lại thông quyền năng gây sự sống của Thánh Thần cho những ai tin vào Người, nhờ sứ mạng của các ông là sứ mạng xuất phát từ biến cố Phục sinh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…”

Và kể từ lúc nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã đứng lên rao giảng về Ðức Kitô Phục Sinh. Kể từ giây phút đó, Hội Thánh được khai sinh và bắt đầu đi đến tận cùng trái đất. Một Hội Thánh luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện. Vì Chúa Thánh Thần là Ðấng ban sự sống mà Chúa Giêsu đã sai đến với các tông đồ và các Kitô hữu. Người sống trong Chúa Thánh Thần là người đang sống đúng nghĩa nhất.

Hai dấu hiệu của sự sống chính là hoạt động và tăng trưởng. Một sinh vật đang sống khi nó có hoạt động và đang tăng trưởng. Bằng không thì người ta xem như nó đang chết khô. Hội Thánh của Chúa Kitô thiết lập còn đang sống động là vì Hội Thánh đang được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đang hoạt động và tăng trưởng. Ngay từ ngày Hội Thánh mới được khai sinh, Chúa Thánh Thần đã làm cho các tông đồ không còn sợ sệt, hoang mang và nghi ngờ. Chúa Thánh Thần chỉ ra cho các tông đồ thấy một hoạt động thuộc bản chất của Hội Thánh là truyền giáo và từng người môn đệ Chúa Giêsu là những người được sai đi. 

Trước khi nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ đã “đóng kín cửa vì sợ người Do thái”. Thế nhưng, sau khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin Mừng về Đấng Phục Sinh khiến mọi người đều bỡ ngỡ. Theo sách Tông đồ Công vụ thuật lại lúc đó, tại Giêrusalem có rất nhiều người thuộc các dân tộc với nhiều tiếng nói khác nhau, từ muôn nơi đổ về nhân dịp lễ Vượt Qua, nhưng có một điều lạ là tất cả đều nghe rõ và hiểu điều các tông đồ loan báo, họ thắc mắc: “Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: … chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”.

Như thế, nhờ Chúa Thánh Thần mà muôn dân trở nên một, cùng thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần đã qui tụ tất cả về thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền của một Chủ chiên là Đức Kitô. 

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh. Mỗi người, mỗi thành phần trong Hội Thánh không đứng riêng rẽ, nhưng liên đới và gắn bó chặt chẽ với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể, như lời thánh Phaolô: “Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy”. Có lẽ đây là một trong những hình ảnh sống động và rõ ràng nhất để diễn tả sự hiệp nhất và liên đới của mọi thành phần trong Giáo Hội. 

Mặt khác, vì cùng chung một thân thể, nên mỗi chi thể cho dù hoạt động có khác nhau cũng không nhằm đem lại lợi ích cho riêng mình, nhưng là cho toàn thân thể. Mắt có nhìn thấy cũng là để hướng dẫn cho toàn thân thể; tay có làm việc cũng là làm cho toàn thân thể; miệng có ăn cũng là để nuôi sống toàn thân thể, … hay nói theo cách nói của thánh Phaolô: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng làm mọi sự trong mọi người”. Và thánh nhân kết luận: “Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”.

Lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay là cơ hội để mỗi người chúng ta ý thức lại vị trí của chúng ta trong cộng đoàn Giáo Hội, Giáo xứ. Trong cộng đoàn đó, mỗi người chúng ta có một vị trí, và vai trò độc đáo không thể thay thế. Do đó, chúng ta hãy cố hết sức chu toàn nhiệm vụ của mình trong gia đình, trong giáo xứ. Trong mọi suy nghĩ, lời nói, cũng như hành động… chúng ta cần loại bỏ tất cả những gì không mang lại sự hiệp nhất, vì đó là thứ hoạt động nghịch lại với ơn Thánh Thần, thứ hoạt động đưa tới cái chết. 

Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống của Hội Thánh. Chúa Thánh Thần là bạn đồng hành của người Kitô hữu. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu những lời Chúa Giêsu đã dạy, mở lối cho chúng ta đi đến sự sống. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, sống ở bên Thiên Chúa. 

Xin Chúa Thánh Thần đến với chúng con để mọi người luôn sống trong sức sống của Chúa.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …