Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA THĂNG THIÊN, NĂM C, CỦA LM ERNEST NGUYễN VĂN HƯỞNG

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA THĂNG THIÊN, NĂM C, CỦA LM ERNEST NGUYễN VĂN HƯỞNG

CHUATHANGTHIENBài Phúc âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu lên trời: “Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời.” Các Tông đồ không còn thấy Chúa Giêsu hiện diện trước mắt nữa. Nếu trước đây, có một thời gian, các Tông đồ không thấy Chúa Giêsu khi Người chịu mai táng trong mồ, khi quyền lực sự dữ chi phối người công chính thì giờ đây các Tông đồ cũng không còn thấy Chúa Giêsu nữa vì một đám mây bao phủ Người.

Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa hai lần không thấy Chúa Giêsu. Nếu trước kia sự vắng mặt của Chúa Giêsu làm các Tông đồ sợ hãi, chối Chúa và chạy trốn, thì giờ đây các Tông đồ vui mừng sau khi thấy Chúa Giêsu lên trời. Cùng là một sự vắng mặt nhưng sự vắng mặt của Chúa Giêsu sau Phục sinh đem lại cho các Tông đồ niềm vui vì các ông thấy Chúa Giêsu tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa. 

Dầu vậy các Tông đồ không được quên biến cố thập giá : “Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại.” Nói cách khác thập giá và vinh quang không phải là hai biến cố tách rời nhau. Thập giá mà không vinh quang là một sự đau khổ cùng cực, ngược lại vinh quang mà Kitô hữu thập giá thì không phải là vinh quang của kitô hữu.

Khi tiến về Thiên quốc, Chúa Giêsu như muốn nói với tất cả chúng ta rằng : ngôi mộ chôn Người không còn có thể cản bước tiến của Người được nữa. Từ nay quyền lực sự dữ không còn có thể chôn chặt Người trong nấm mồ nữa. Chúa Giêsu đã ra khỏi mồ để cho nhân loại thấy, chiến thắng cuối cùng thuộc về Thiên Chúa vì Người là Đấng làm chủ vạn vật, không quyền lực nào có thể cản trở Người. 

Việc Chúa Giêsu lên trời là để Người có thể hiện diện khắp mọi nơi. Theo cách thế của con người, thì nếu người ta hiện diện nơi nầy thì phải vắng mặt nơi khác. Trong suốt 33 năm ở trần gian, Chúa Giêsu chỉ quanh quẩn ở xứ Do thái, hiện diện bên các tông đồ, nhưng từ nay khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người có một kiểu hiện diện mới cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi. Chúa Giêsu hiện diện nơi những kẻ tin Người. Khi đi vào vĩnh cửu, Chúa Giêsu không còn bị không gian, thời gian chi phối nữa. Từ nay, Chúa Giêsu luôn đồng hành, luôn ở với, luôn chúc phúc người Kitô hữu ở mọi nơi mọi thời.

Chính vì thế khi nói Chúa Giêsu lên trời thì không có ý nói đến việc bay lên trời, nhưng nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu ở trong các môn đệ, những người theo Chúa. Và điều đó được chứng minh qua chuyện của thánh Phaolo, khi ngài bắt bớ những người theo Chúa. Chúa Giêsu hiện ra làm ông té xuống ngựa và nói : “Saul Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta”. Vậy mà như chúng ta đã biết, Phaolo không hề bắt bớ Chúa Giêsu, ông chỉ bắt bớ môn đệ Chúa Giêsu. Như thế Chúa Giêsu hiện diện nơi các môn đệ và bắt bớ các môn đệ là bắt bớ chính Người.

Câu hỏi của Chúa Giêsu cũng cho thấy, sau khi Chúa Giêsu về trời, có sự đồng hóa giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Từ nay Chúa Giêsu kết hợp chặt chẽ với các môn đệ. Sự kết hợp đó thâm sâu đến nỗi bắt bớ các môn đệ là bắt bớ chính Chúa Giêsu. Như thế việc Chúa Giêsu lên trời nhìn bên ngoài người ta tưởng như là một sự chia cắt vĩnh viễn giữa Chúa Giêsu và những kẻ theo Người, nhưng thực ra dưới bàn tay của Thiên Chúa và theo cái nhìn đức tin, thì đây là dấu hiệu cho thấy sự gần gủi hơn bao giờ hết giữa Chúa Giêsu và con người.

Bài đọc thứ hai cho chúng ta thấy một ý nghĩa khác của việc Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha trao ban cho một danh hiệu “vượt trên mọi danh hiệu… Chúa khiến mọi sự qui phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Người”. Chúa Giêsu được tôn vinh vượt trên tất cả mọi thứ mà chúng ta tôn sùng. Nơi Đức Kitô, chúng ta không còn bị làm nô lệ: nô lệ đam mê, nô lệ của cải vật chất…Trái lại, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Chúa làm chủ và hướng đến đời sống tự do của con cái Thiên Chúa. Đó là con đường trở nên thánh thiện, đó là con đường nhận Đức Kitô làm Thầy. Từ nay, trong Đức Kitô, các môn đệ của Chúa có khả năng làm chủ những đam mê, làm chủ của cải vật chất để phục vụ cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Từ nay, môn đệ theo gương Chúa Giêsu, vượt qua đau khổ và cái chết để được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và tiến về Nước Trời như Đức Kitô.

Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là sống cuộc đời làm chứng như Đức Kitô. Chúa Giêsu nói: “Các con là nhân chứng những sự việc ấy”. Nhân chứng ở đây không thể hiểu là nhân chứng bằng lời nói mà thôi, nhưng là bằng cả cuộc sống: làm chứng bằng cả khối óc, con tim, bằng cả lời nói lẫn hành động. Lòng nhiệt thành và phục vụ đó được đặc biệt biểu lộ qua việc phục vụ đầy yêu thương đối với những người nghèo khổ và những người không được ai bênh đỡ. Công việc phục vụ con người đó đặt nền tảng trên sự tôn trọng đối với hành vi tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh Người. Chúng ta dành nhiều năng lực vào việc thực hành đức ái, và việc thăng tiến và giải phóng con người, vì tuân phục mệnh lệnh của Chúa, đó là chúng ta yêu thương lẫn nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Ở mỗi thời đại, con người có những quan tâm khác nhau, có những nhu cầu khác nhau. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, coi trọng bạo lực, mạnh được yếu thua, ít coi trọng mạng sống con người. Thế giới này đòi hỏi chúng ta, những kitô hữu, có những cách làm chứng khác nhau. Tuy nhiên, nền tảng của các lời chứng là tình yêu. Tình yêu vẫn là dấu lạ lớn nhất cho mọi thời đại. Tình yêu vẫn là điều mà thế giới hôm nay đói khát. Con người hôm nay vẫn yêu mến những khuôn mặt như Đức Giáo Hoàng Gioan 23, như Têrêsa Calcutta, và biết bao khuôn mặt khác. Những khuôn mặt đó giúp con người ngày nay có cái nhìn hướng lên cao, thay vì chỉ hướng xuống đất. 

Vì thế, xin cho chúng ta biết đóng góp phần mình vào công việc làm chứng đó.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN