Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thăng Thiên, năm A, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thăng Thiên, năm A, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH A

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

HÃY NÊN CHỨNG NHÂN CỦA THẦY

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mt 28,16-20:

(16) Mười một Môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi người cho đến tận thế.

  1. Ý CHÍNH:

Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần để chứng minh cho các môn đệ thấy Người đã thực sự từ cõi chết sống lại. Nhưng lần này trước khi về trời, Đức Giê-su hiện ra lần cuối với Nhóm Mười Một trên một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Người không chứng minh Người đã sống lại như các lần trước, nhưng trao sứ mệnh rao giảng Tin Mừng phổ quát cho Hội Thánh qua Nhóm Mười Một môn đệ như sau: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng truyền cho các ông tiếp tục dạy cho các tín hữu phải tuân giữ các huấn luyện của Người và hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 16-17: +Mười một môn đệ: Nhóm Mười Hai bây giờ mất Giu-đa phản bội, nên chỉ còn mười một người (x. Mt 10,1-4; 27,5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Vâng lời dạy của thiên thần nhắn cho các môn đệ qua hai phụ nữ và sau đó chính Chúa Giê-su cũng nhắc lại khi hiện ra với hai bà này vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Mt 28,7.10). Ga-li-lê là trung tâm truyền giáo của Đức Giê-su trong thời gian Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Đến ngọn núi: Tin Mừng không xác định là núi nào. Còn sách Công Vụ Tông Đồ cho biết là núi Ô-liu (x. Cv 1,12). Núi tượng trưng là nơi Thiên Chúa mặc khải cho các Ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Xh 3,1-5; 19,20; 1 V 19,8-14). Trong Tin Mừng Mát-thêu, nhiều lần Đức Giê-su cũng mặc khải những điều quan trọng trên núi. Chẳng hạn: Công bố Tám Mối Phúc Thật trên một quả núi (x. Mt 5,1), biến hình trước mặt ba môn đệ trên núi cao (x. Mt 17,1); ra lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên một ngọn núi (x. Mt 28,16). (17) + Khi thấy Người, các ông bái lạy: Các môn đệ thấy Chúa Giê-su Phục Sinh và biểu lộ niềm tin bằng việc sấp mình bái lạy Người. Hành động này tương tự như các đạo sĩ đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Cứu Thế (x. Mt 2,2.8.11); Người phong cùi bái lạy xin Đức Giê-su chữa lành (x. Mt 14,33); Người đàn bà xứ Ca-na-an bái lạy xin Đức Giê-su chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15,25). + Có mấy ông lại hoài nghi: Nói đến có môn đệ còn hoài nghi sau khi các ông đã bái lạy Chúa xem ra bất nhất và khó hiểu. Thực ra, lúc này khi sắp từ giã Chúa Giê-su sắp về trời thì mọi môn đệ đều đã tin, và không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng các trình thuật hiện ra khác đều nói đến sự nghi ngờ, và đều đã được Người đánh tan sự nghi ngờ ấy. Ở đây, Chúa Giê-su đánh tan sự hoài nghi khi cho biết Người đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Do câu này mà nhiều người nghĩ rằng sự hoài nghi ở đây là nhắm nói tới sự hoài nghi của cộng đoàn nói chung, vì từ đây các tín hữu sẽ không còn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra nữa. Sự hoài nghi này từ nay sẽ được Lời Chúa trong Thánh Kinh đánh tan. Do đó, các tín hữu phải dựa vào Lời Chúa và quyền năng của Người để củng cố đức tin. Nhờ vậy đức tin của họ mới được chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29).

– C 18-19: + Đức Giê-su đến gần: Đến gần là hành động ưu ái đặc biệt, lấp đầy khoảng cách giữa thiên quốc và trần gian mà chỉ Đức Giê-su Phục Sinh mới làm được. + Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã từ chối nhận quyền Sa-tan hứa ban cho Người mọi nước trên thế gian (x. Mt 4,8-10), thì giờ đây, sau khi đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để đi con đường “Qua đau khổ vào vinh quang”, Người đã được Chúa Cha ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, để ứng nghiệm lời tuyên sấm trong sách Đa-ni-en về Con Người: “Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân các nước và các tiếng nói đều phải phụng sự Người” (Đn 7,14), và quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33). + Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Các môn đệ đại diện Hội Thánh nhận bài sai của Chúa Giê-su để đi chinh phục thế giới. Từ nay Hội Thánh phải nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41). + Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Làm cho người ta trở thành môn đệ Chúa Ki-tô gồm cả việc rao giảng Tin Mừng. Để chu toàn việc này, các môn đệ phải cho họ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nghĩa là đặt người dự tòng trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

C 20: + Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Việc đào tạo người ta nên môn đệ Chúa phải được tiếp tục sau khi đã chịu phép rửa, bằng lời giảng dạy, cho tới khi Hội thánh đạt tới sự viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). Chính vì thế mà các Tông đồ phải hướng dẫn muôn dân tuân giữ các giới răn của Chúa. Đây là Dân của Giao Ước Mới phải sống theo Luật Mới do Chúa Giê-su công bố và các Tông đồ có nhiệm vụ phải truyền đạt. + Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Ki-tô Phục Sinh hứa sẽ hiện diện mãi trong Hội Thánh để hỗ trợ, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho đến tận thế. Vì Người chính là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23).

  1. CÂU HỎI:

1) Tại sao chỉ còn Mười Một môn đệ có mặt khi Chúa lên trời ? 2) Tại sao các môn đệ lại họp mặt tại miền Ga-li-lê ? 3) Chúa lên trời trên quả núi nào ? 4) Tại sao các môn đệ bái lạy Đức Giê-su khi thấy Người xuất hiện ? 5) Tại sao Tin Mừng nhắc đến thái độ hoài nghi của các môn đệ vào lúc này ? 6) Tại sao trước khi lên trời Chúa Giê-su tuyên bố mình được trao toàn quyền trên trời dưới đất ? 7) Mệnh lệnh thâu nạp môn đồ khắp muôn dân và công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi trong câu này chính xác đến mức độ nào, vì trong sách Công Vụ, Hội Thánh sơ khai mới chỉ nói tới công thức rửa tội “nhân danh Chúa Giê-su” mà thôi (x. Cv 2,38; 10,48) ?

ĐÁP CÂU 7:

Thực ra, từ ban đầu Hội Thánh sơ khai đã ban phép rửa « nhân danh Đức Giê-su » như sách Công Vụ thuật lại lời của ông Phê-rô : « Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội » (Cv 2,38; 10,48).

Còn lời Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ « làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi » trước khi lên trời trong Tin Mừng Mát-thêu hôm nay (Mt 28,19) cũng chính là lời của Chúa Giê-su. Tuy nhiên mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chỉ được sáng tỏ dần dần nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban, qua kinh nghiệm sống và rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Về sau Hội Thánh đã đưa giáo lý về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vào công thức phụng vụ phép rửa: « Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần » thay thế công thức « nhân danh Chúa Giê-su » đã có từ thời sơ khai. Khi Tin Mừng Mát-thêu được hoàn thiện (vào khoảng năm 70-80), công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi được đưa vào lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ trước khi Người lên trời như bài Tin Mừng Mát-thêu thuật lại.

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18b-20).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) TIN VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA

JUNE là một bé gái 5 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và rất lanh lợi. Cha mẹ em đều là nhà giáo có lòng đạo đức. Mẹ thường đem em đi theo mỗi khi bà có việc ra ngoài nhà. Một hôm, hai mẹ con dắt nhau vào bưu điện thành phố. Khi bà mẹ đang lo gửi thư bảo đảm cho một người thân, thì bé June chạy chơi loanh quanh gần đó để xem người ta làm việc. Bấy giờ một ông lão ngồi gần đó trông thấy em bé kháu khỉnh dễ thương, liền bắt chuyện làm quen. Ông nói: “Này bé kia, mái tóc của cháu đẹp lắm ! Sao cháu lại có mái tóc đẹp đến thế nhỉ ?” Cô bé liền vui vẻ trả lời: “Thưa ông, mẹ cháu dạy: Chúa đã ban mọi sự tốt đẹp cho cháu và cháu phải cám ơn Chúa nhiều lắm đó !” Nói xong em nhìn thẳng vào mặt ông lão, nhoẻn một nụ cười thật dễ thương và hỏi: “Thế ông đã được Chúa ban cho điều gì tốt đẹp chưa ? Ông có đươc Chúa ban ơn cứu độ không ?”.

Ông lão kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ của cô bé. Ông ngẩn người suy nghĩ giây lát rồi đáp: “Chưa đâu, cháu ạ”. Em bé liền nói: “Thế thì ông phải đến xin Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ ban cho ông được trở thành con của Chúa, và ông sẽ được Chúa làm cho trở nên một người mới xinh đẹp lắm đó !” Nói xong, bé vội chạy về phía mẹ đang vẫy gọi ở lối bên kia.

Ít tuần sau, ông lão tìm đến một nhà thờ xin học giáo lý dự tòng. Về sau ông cho biết: chính câu nói đơn sơ của bé gái hôm ấy đã đánh động tâm hồn vốn chai lì của ông, và luôn ám ảnh khiến ông không thể nào quên được. Cuối cùng ông đã quyết định phải xin theo đạo để được trở nên con Chúa và được đổi mới tốt đẹp như em bé đã nói.

Câu nói của một bé gái tuy đơn sơ nhưng đã có sức mạnh khiến một người già cứng lòng phải suy nghĩ và quay về với Chúa. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta có dám biểu lộ đức tin trước mặt người khác không ? Có dám nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa để họ tin Chúa và đi theo làm môn đệ Người hay không ?

2) HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG LÀ KHI ĐƯỢC SỐNG TRONG TÌNH THƯƠNG:

Có rất nhiều người lầm tưởng thiên đàng là một khoảng không gian nào đó trên cao kia. Sự lầm tưởng này đã làm phát sinh nhiều hậu quả không hay: người có đạo thì bị lung lay bối rối khi có một vài khoa học gia nói rằng: Chẳng thấy Chúa đâu trên kia cả; người không có đạo thì nghĩ: Có lẽ nước trời là một thế giới nằm đâu đó trong không gian, với những sinh hoạt na ná giống như trần gian này. Thế nên đã có câu chuyện khôi hài do một cha thừa sai kể lại:

Sau một tuần giảng đại phúc thật sốt sắng tại một vùng đất nọ, các cha khuyên nhủ được một ông cụ ngoại đạo gia nhập đoàn chiên Chúa. Thấy cụ bà chưa có dấu hiệu nào khả quan, nên các cha tích cực khuyên bảo: “Ông đã theo đạo rồi, bà cũng nên theo đi thôi, để sau khi chết còn lên thiên đàng gặp lại nhau nữa chứ.” Nghe thế cụ bà hốt hoảng trả lời, “Không được đâu, suốt đời ổng đã hành hạ tui đủ thứ. Mai mốt trên thiên đàng còn phải gặp lại mặt ổng nữa thì tui chết mất.”

Thiên đàng sẽ chẳng có chút gì hấp dẫn nếu như nơi đó không có hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chính là hoa trái của tình yêu phát xuất từ trái tim, từ trong lòng mỗi người, trong gia đình chúng ta đang cư ngụ hay ở nơi chúng ta làm việc, chứ không phải là một nơi chốn nào đó trên trời cao, như lời Chúa Giê-su: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! Hay ở kia kìa!” . Vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21)..

3) HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG CHÍNH LÀ MÁI ẤM GIA ĐÌNH:

Có nhà hoạ sĩ kia mơ ước mình sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất thế gian. Nhưng anh ta không biết phải vẽ cái gì để bức tranh chứa đựng hình ảnh, màu sắc và nội dung đẹp nhất thế gian. Chàng đã đến hỏi một vị linh mục xem trên thế gian này có điều gì đẹp và ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay: “Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm tin sẽ nâng cao giá trị con người. Niềm tin sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự nên tuyệt vời !”

Chàng hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô dâu sắp lên xe hoa về nhà chồng, và được cô trả lời: “Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình yêu. Tình yêu là hơi thở, là sức sống, là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu biến cay đắng thành ngọt ngào, đưa tiếng cười vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời !”

Cuối cùng người hoạ sĩ gặp một anh thương binh vừa trở về từ chiến trường. Nghe hỏi về điều nào đẹp nhất thì anh đã trả lời: “Bình an là điều đẹp nhất trần gian. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có đổ nát, bất hạnh, khổ đau. Ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp tuyệt vời nhất !”

Ba câu nói của ba con người– vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh thương binh trẻ– đã làm cho chàng hoạ sĩ phân vân: không biết phải vẽ gì để bức tranh của anh diễn tả cùng một lúc niềm tin, tình yêu, và sự bình an.

Đang suy nghĩ miên man, anh đã về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm tin trong ánh mắt của các con. Anh cũng cảm nghiệm được tình yêu trong thái độ ôm hôn chân thành của người vợ hiền. Niềm tin của con cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh ta trở nên ấm áp và bình an lạ lùng. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên trong đầu. Anh vội đến phòng vẽ bắt tay vào việc vẽ tranh, và sau khi đã hoàn thành tác phẩm đẹp nhất thế gian, anh đã đặt tên cho bức tranh ấy là: “Mái Ấm Gia Đình.”

Mái ấm gia đình chính là hình ảnh xinh đẹp và sống động nhất mà người ta có thể diễn tả về hạnh phúc Thiên đàng đời sau. Mái ấm gia đình cũng chính là lời chứng hùng hồn nhất mà chúng ta có thể trình bày về ơn cứu độ của Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.

4) LÀM CHỨNG CHO CHÚA LÀ SỐNG YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ NHƯ MẸ TÊ-RÊ-SA:

Dù chỉ là một nữ tu sáng lập đơn côi ban đầu, đến nay mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã làm nên phép lạ cho dòng Thừa Sai Bác Ái của mẹ lên đến con số 4000 nữ tu, 450 sư huynh và hàng ngàn người ngoại giáo ngày đêm xuôi ngược tiếp tục công việc nhân ái của mẹ, với 600 cơ sở trong 126 quốc gia trên thế giới. Từ ngày thành lập từ năm 1950 đến nay mỗi năm nhà dòng của mẹ đã giúp nuôi 50.000 gia đình nghèo, dạy dỗ cho 20.000 trẻ em và săn sóc cho 90.000 người mắc bệnh phong cùi trong các bệnh viện tư ở 10 quốc gia. Các trẻ em mồ côi mà mẹ đã nuôi dạy từ hơn nửa thế kỷ đến nay đã lên đến con số nhiều không kể hết.

Ngày mẹ qua đời, tổng thống pháp Jacques Chirac đã gởi một bức điện với lời lẽ phân ưu như sau: “Từ tối hôm nay thế giới đã có ít Tình Yêu hơn, ít lòng Trắc Ẩn hơn và ít Ánh Sáng hơn”. Mẹ Têrêsa quả là một chứng nhân anh dũng. Mẹ không chỉ tin đạo mà còn sống đạo để làm chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa cho con người thời đại hôm nay.

  1. SUY NIỆM:

1) ƯỚC VỌNG LÊN TRỜI CỦA LÒAI NGƯỜI:

Con người từ xưa đến nay đều khát khao được bay lên trời cao. Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, đã leo lên quả khí cầu bay lên trời được 500 mét trước hàng ngàn người chứng kiến. Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên của Liên-xô đã bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin đã bay lên mặt trăng. Hôm nay, Hội Thánh mừng lễ Chúa Giê-su lên trời. Người trở về nhà Cha, sau khi đã hoàn tất sứ vụ được Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm sống trên trần gian, giờ đây Người từ cõi chết sống lại, rồi “được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).

2) MẦU NHIỆM CHÚA THĂNG THIÊN:

Tin Mừng Mát-thêu hôm nay kể lại việc Chúa Phục Sinh đã giáo huấn các tông đồ lần cuối cùng, rồi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,20). Sách Công Vụ cũng ghi lại lời Chúa Phục Sinh truyền cho các môn đệ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b). Rồi Ngài lên Trời trước mắt các ông và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông.

Điều mà Tin Mừng hôm nay muốn nhấn mạnh, không phải là việc Chúa Giê-su được đem lên trời như thế nào mà là sứ vụ mà Người trao cho các môn đệ là thay Người đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, trở thành chứng nhân của Người đến mọi nơi mình đang hiện diện và cho mọi dân tộc. Các Tông đồ đã đón nhận lời mời của Chúa Giêsu với niềm tin tưởng hân hoan. Tin vào Chúa Giê-su, Đấng đã qua cuộc khổ nạn vào trong vinh quang phục sinh, rồi lên trời và đến ngày tận thế sẽ tái lâm để phán xét chung nhân loại. Tin Chúa Thánh Thần đã được Chúa Giê-su hứa ban để giúp các tông đồ thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa đến tân cùng trái đất. Khi thi hành sứ vụ này, các môn đệ và các tín hữu hôm nay cũng phải đón nhận những chống đối, đau khổ, tù đày và có thể còn bị giết hại như lời Chúa Giê-su tiên báo: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19).

3) CHÍNH ANH EM HÃY LÀ CHỨNG NHÂN CHO THẦY:

Hơn bao giờ hết cuộc sống đã có không ít những khó khăn đang đặt ra cho mỗi người chúng ta. Những khó khăn đó đã làm cho chúng ta quên đi đời sống chứng nhân của mình. Nhiều tín hữu hiện nay vẫn có thái độ ích kỷ khi chỉ quan tâm lo kiếm tiền bạc, địa vị và quyền hành cho bản thân, mà chưa ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa.

Lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm chứng nhân cho Người. Vậy thế nào là làm chứng nhân cho Chúa ?

– Thực ra, Chúa không đòi chúng ta phải làm điều quá sức như: Phải lập những dòng tu mới hay xây dựng những cơ sở từ thiện như Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã làm. Điều Người chờ đợi nơi chúng ta là làm chứng cho Người bằng lối sống yêu thương, quên mình, phục vụ.

– Làm chứng là mở tai để lắng nghe, mở trí khôn để suy niệm và mở tay ra để thực hành Lời Chúa, vì Lời Chúa chính là ánh sáng và là sức mạnh giúp chúng ta góp phần làm vinh danh cho Chúa và cứu rỗi tha nhân.

– Làm chứng là mở miệng để nói về Chúa Giêsu cho những người thành tâm muốn nghe.

Con người thời nay thường thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy. Mà nếu họ có nghe thầy dạy là do thầy dạy đó cũng là chứng nhân. Anh em lương dân cũng chỉ sẵn sàng tin điều chúng ta rao giảng khi họ nhìn thấy lối sống yêu thương quên mình phục vụ của chúng ta.

4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI LÀM CHỨNG CHO CHÚA NHƯ THẾ NÀO?

Trong tác phẩm “Hương rượu mới”, tác giả thuật lại về giờ phút cuối cùng của cha mình và gương sáng làm việc tông đồ của một nữ tu như sau: “Bấy giờ cha tôi đang hấp hối trên giường bệnh. Trong khi tôi chỉ biết ngồi nhìn cha với tâm trạng chán nản thất vọng, thì một nữ tu Công giáo với dáng người nhỏ nhắn đã bước vào phòng. Chị đi vòng qua bên kia giường cha tôi đang nằm, cầm lấy tay ông đưa lên vỗ nhè nhẹ. Sau đó chị hỏi: “Bác có nghe cháu nói không ?” Ông cụ gật đầu. Đoạn chị nói với ông: “Trước đây bác đã tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế chưa ?” Ông cụ lắc đầu. Chị nữ tu liền nói: “Bây giờ bác có muốn tin Chúa không ?” Ông cụ đáp: “Dạ có”. Thế là chị yêu cầu ông lặp lại theo mình: “Lạy Chúa Giê-su, con nhận Chúa chính là Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa ban cho con được làm môn đệ của Chúa và được ơn tái sinh làm con Chúa Cha trên trời”. Ông cụ lặp lại theo từng câu và sau đó nhắm mắt qua đời.

Như vậy “làm chứng” về Chúa Giê-su và dạy cho kẻ khác biết về Người, đơn giản chỉ là chia sẻ cho họ niềm tin và tình yêu mà mình đang có. Chia sẻ kho tàng đức tin mà ta sống và hy vọng. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy nhận từ tay của Người sứ vụ mà chính Người đã nhận được từ nơi Chúa Cha, để chúng ta thay Người giúp người đời nhận biết tin thờ Cha và đi theo con đường của Chúa Giê-su là : « Sống tình mến Chúa yêu người ».

Ước gì Lễ Chúa Giê-su Lên Trời hôm nay nhắc chúng ta về Nước Trời ngay ở trần gian hôm nay là gia đình của mình, để chúng ta quyết tâm làm chứng cho Chúa, bằng việc xây dựng cho gia đình mình trở thành một mái ấm yêu thương, tin yêu và an bình hạnh phúc.

  1. THẢO LUẬN:

1) Ngày nay bạn có thể làm chứng cho Chúa bằng những phương cách nào hữu hiệu nhất ? 2) Bạn quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để làm chứng về Chúa cho một người thân đang lạc xa Chúa, hay một người bạn chưa nhận biết Chúa ?

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng con mừng lễ Chúa về trời. Trời mới là quê hương mà chúng con phải hướng về. Thế nhưng trong Sách Công Vụ hôm nay, Chúa muốn dạy các môn đệ rằng: điều quan trọng nhất các ông phải làm là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa, bằng việc loan Tin Mừng “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. Làm chứng bằng lời rao giảng nhờ ơn Thánh Thần. Làm chứng bằng những hành động bác ái yêu thương, bằng sự khiêm nhường phục vụ, bằng việc quảng đại cho đi, bằng việc hy sinh bản thân để lo phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân… Xin Chúa giúp chúng con ý thức chu tòan sứ vụ làm chứng cho Chúa.

– LẠY CHÚA. Chúng con thường nghĩ: “Tôi phải lo cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình mình trước đã ! Tôi không có khả năng nói về Chúa cho người khác ! Tôi không có thì giờ rảnh !…” Đang khi Chúa dạy chúng con: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Chúa muốn chúng con hãy bắt đầu phụng sự Chúa với hết khả năng, rồi Chúa sẽ bù đắp phần thiếu sót. Vậy xin Chúa giúp chúng con biết ưu tiên lo cho cho công việc của Chúa và phó thác cuộc sống trong tay Chúa quan phòng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa nói với chúng con trong giờ phán xét: “Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì Ta sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …