GIÊ-SU: VUA TÌNH YÊU
1. Vinh quang và quyền lực của vua chúa trần gian
Ai cũng thấy rõ vua chúa trần gian vinh quang và quyền lực thế nào. Muốn gì được nấy, nắm trong tay quyền sinh sát bao người. Say sưa hưởng thụ, đắm chìm trong những cuộc vui và quay cuồng trong dục vọng vô bờ bến.
– Sống như “vua” ! – Được vậy là “vua” rồi ! Biết bao người ước mơ, thèm thuồng cái “ngai vàng” ấy. Và cũng vì nó, chia rẽ, hận thù, cấu xé, tranh giành đã diễn ra trong mọi thời đại.
2. Sự giới hạn của trần gian
Nhưng, dù sống như “đế vương”, con người vẫn không bao giờ thỏa mãn ý muốn của mình, vì giá trị vật chất trần gian không gì là bền vững.
Dù sự giàu sang vinh quang có đến đâu, tất cả đều kết thúc ngoài ý muốn. Hưởng thụ bao nhiêu cũng không vừa. tom góp bao nhiêu cũng không đủ, rồi tất cả chợt mất đi, đầy nuối tiếc và hụt hẫng.
“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?”( Lc 12, 20 ).
Trí óc của con người không thông suốt. Sự hiểu biết của con người luôn có giới hạn. Sự chọn lựa của con người không luôn luôn chính xác. Con người không thể tìm thấy hạnh phúc hoàn hảo bằng sự khôn ngoan thế gian của chính mình. Do đó, những suy nghĩ của con người không phải là ánh sáng dẫn con người đến bến bờ hạnh phúc đích thực.
Do đó, con người không thể xây dựng một thiên đàng tại thế, càng không thể có được một chủ thuyết nào, một dòng ý thức hệ nào, một nhà lãnh đạo nào, một ông vua nào, đem thế giới này đến hạnh phúc trọn đầy, như lòng người chân chính mong ước.
Nhiều chế độ, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều bậc vua quan…muốn tồn tại, muốn trụ vững trong “cung son điện ngọc”, đều phải hứa hẹn những thứ hạnh phúc trần gian mà nhiều người khát khao, bằng lời lẽ đường mật, bằng thứ ý-thức-hệ-thuốc-phiện mê hoặc người dân – nhất là dân nghèo – đó mới là thứ thuốc phiện ru ngủ đại chúng thật sự, chứ không phải là tôn giáo như có người đã lầm tưởng trong cơn say kiêu căng của trần gian.
3. Chúa Ki-tô từ chối vinh quang trần gian.
Ngày nay, người ta bầu vị lãnh đạo đất nước sau khi đã nghe nhiều lời hứa hẹn, lập trường và đường lối của ông trong thời gian tranh cử. Tất cả nhắm đến việc làm cho đất nước hùng cường, thịnh vượng, cho người dân có được đời sống ấm no, hạnh phúc.
Lợi ích cho dân thì ích, lợi ích cho bản thân thì nhiều. Hứa thì nhiều, làm chẳng bao nhiêu. Núp ẩn đằng sau những mỹ từ tốt lành, đạo đức, là túi tham không đáy, là dục vọng khôn cùng.
Vua Cảnh Công nước Tề, một hôm lên chơi núi Ngưu Sơn. Nghĩ rằng có ngày sẽ phải chết và giang sơn gấm vóc lại lọt vào tay kẻ khác, vua liền trào nước mắt tiếc thương. Đoàn tùy tùng thấy vua khóc cũng khóc theo. Duy chỉ có Án Tử là chúm miệng cười. Vua chau mày hỏi: – Tại sao người ta ai cũng khóc cả, mà nhà ngươi lại cười. Án Tử trả lời: – “ Nếu các vua đời trước mà sống, thì vua ngày nay hẳn còn phải mặc áo tơi đội nón lá. Nhờ thế sự thăng trầm mà nay đến lượt vua được mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Thế mà vua lại khóc. Thấy đấng làm vua bất nhân, bầy tôi siểm nịnh, tôi không cười sao được ?” (Cổ Học Tinh Hoa).
Người xưa nói : “Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư” : (Trời giúp dân, đặt vua cai trị, đặt thầy dạy dỗ)(Kinh Thư). Những vị minh quân nhận ra thiên chức của mình, hiểu ý Trời muốn đặt mình làm vua, các ông hết lòng hết sức vâng theo mệnh Trời để giúp dân. Vua Vũ Vương viết : “Duy kỳ khắc tướng Thượng Đế, sủng tuy tứ phuơng” : (Chỉ vì phục vụ Thượng Đế, giúp nhân dân bốn phương).
Lo cho dân cho nước thật sự, cho người nghèo khổ thật sự, xưa nay có được mấy vị minh vương?
Chúa Giê-su từ chối mọi vinh quang cuộc đời ban tặng, ngay từ khi Ngài chuẩn bị bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài, vì tất cả là của Ngài, và hơn thế nữa, vì những thứ vinh quang thế gian ấy không đem lại cho nhân loại hạnh phúc đích thực.
Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”.(Mt.4,1-11).
Nhiều lần, dân chúng muốn Ngài làm vua, nhưng Ngài tránh đi.
Dân chúng thấy dấu lạ Ðức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế gian!”. Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. (Ga.6,14-15)
4. Giê-su: Vua Tình Yêu
Chúa Giê-su nhìn nhận Ngài chính là “vua”, một vị vua theo ý Thiên Chúa chứ không phải theo ý phàm nhân.
Ngài mở đầu con đường khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem tiến đến giờ phút lên ngôi vua trong tiếng reo hò chúc tụng của đoàn người đang khát khao cuộc đời hạnh phúc theo ý riêng mình, nhưng “ngai vàng” Ngài chọn lựa lại là “thập giá”.
“Ngai vàng” ấy không giống bất cứ ngai vàng nào trong cuộc đời này, vì vương quốc của vua Giê-su không phải là một đất nước thuộc trần gian này.
“Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga.18,36).
Giờ phút “đăng quang” lên “ngai vàng” của Vua Giê-su thật thê thảm.
“Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miệng bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ” (Ga.19,5)
Và, Ngài – Vua Giê-su – đã ngự trên ngai-vàng-thập-giá.
Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên Thập Giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do Thái” (Ga.19,19). (I.N.R.I. – Jesus Nazareth Rex Judaeorum)
Vương quốc của Vua Giê-su là thật. Vương Quốc Tình Yêu, Vương Quốc xóa tan bóng tối và những khổ hạnh cuộc đời.
“Ta bảo thật với anh, ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc.23,43).
Và, “bình an dưới thế cho loài người được Chúa thương” (Lc.2,14). Loài người sẽ được Thiên Chúa đón nhận trong Vương Quốc Tình Yêu của Ngài.
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc.23,34).
Vì chỉ có “Ngai Vàng Thập Giá” mới nói lên đủ Tình Yêu Bao La mà Giê-su – Vua Tình Yêu – thống trị vũ trụ này, thống trị bằng một tình yêu không thể hơn được nữa. Cho đi, và cho đi đến cùng tận.
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13).
Trong một lần thám hiểm đáy biển, một nhóm thợ lặn đã phát hiện một con tàu đã chìm và đang an nghỉ ở ngoài khơi trong lòng đại dương cách đây khoảng 400 năm nơi thuộc vùng biển phía bắc Ireland. Một món đồ trong kho tàng họ tìm thấy trên con tàu là một chiếc nhẫn cưới của người nam. Khi họ đánh bóng lại chiếc nhẫn, họ thấy trên mặt chiếc nhẫn có khắc hình một bàn tay đang nắm giữ một trái tim, còn phía dưới thì khắc một dòng chữ : “Em không còn gì hơn để cho anh” (I have nothing more to give you). Không có thứ gì trong kho tàng trên con tàu bất hạnh đó làm cảm động người chứng kiến bằng chiếc nhẫn cưới và những lời cao đẹp của tình yêu ấy.
Còn có gì có thể cho hơn Thập Giá không ?
Hỏi là trả lời rồi.
Và tất cả trên cuộc đời này chỉ có ý nghĩa khi “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi Ơn Chúa” – đều ở trong Tình Yêu Thiên Chúa.
“Thế là đã hoàn tất !” (Ga.19,30).
Và con người được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Tình Yêu Thiên Chúa, trong Vương Quốc Tình Yêu của Ngài – cội nguồn đích thực của con người.
“Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý” (Ga l, l4).
LỜI NGUYỆN
“Lạy Cha chúng con ở trên trời,
“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng
“Nước Cha trị đến
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”
Lạy Chúa Ki-tô: Vua Vũ Hoàn
Dù con yếu đuối và bất xứng
Xin Ngài là Vua trong trái tim con…
Hôm nay và mãi mãi về sau…
Trong Vương Quốc Tình Yêu của Ngài. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG