Đấng gánh tội trần gian
Tuy hoàn toàn vô tội, Chúa Giê-su vẫn mang lấy tội của mỗi người chúng ta nên đã chịu thanh tẩy, chịu khổ nạn và chịu chết vì chúng ta.
Thánh Gioan, vị ngôn sứ cao cả bậc nhất thời cựu ước, đã từng giới thiệu cho các môn đệ của mình về Chúa Giê-su như sau: “Ngài mạnh thế hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Lc 3, 16), “Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, Ngài đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì Ngài có trước tôi.” (Ga 1, 29-30)
Thánh Gioan còn giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng sẽ cử hành một phép rửa vượt xa phép rửa của Gioan: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Ngài, Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7).
Thế mà Chúa Giê-su lại đến với thánh Gioan như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.
Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế? Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người, là Đấng hoàn toàn vô tội thì cần gì phải xin Gioan làm phép rửa cho mình?
Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giê-su?
Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy. Thánh Gioan đã từng giới thiệu Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai đến trần gian để làm chiên đền tội.
Thời Cựu ước, người Do Thái làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế nó, để nó chết thay cho người tội lỗi (Lê-vi 8, 14-20)
Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Do thái 10, 4) nên Chúa Giê-su đã hiến mình làm Chiên mới, Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Ngài trở thành tội nhân, như lời thánh Phao-lô dạy: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5, 21).
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” (II Cr 5, 21), nên Chúa Giê-su hòa mình với những tội nhân khác, liên đới với nhân loại tội lỗi, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” nên Chúa Giê-su đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phê-rô: “Tội lỗi của chúng ta, Ngài mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 21-24).
Tuy hoàn toàn vô tội, Chúa Giê-su vẫn mang lấy tội của mỗi người chúng ta nên đã chịu thanh tẩy, chịu khổ nạn và chịu chết vì chúng ta. Còn chúng ta, dù mang nhiều tội lỗi, lại không chịu nhận lỗi và chịu trách nhiệm về tội của mình, mà lại thường đổ lỗi cho người khác, trút trách nhiệm lên đầu người khác!
Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh Chúa Giê-su vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng con phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối tội lỗi của mình.
Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng con, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng con thì xin cho chúng con cũng biết thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu chữa các tội nhân.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà