Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Jesus chịu phép rửa (năm A) của LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Jesus chịu phép rửa (năm A) của LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Con Thiên Chúa 

Đông Ca-mê-lô là tên một cuốn phim hài của Ý. Trong cuốn phim này diễn tả cuộc đối đầu liên tục giữa vị linh mục và ông thị trưởng thành phố. Xem ra hai bên lúc  nào cũng hoạt động sát cánh bên nhau để phục vụ công ích, nhưng cũng luôn luôn bảo vệ quan điểm của mình : một bên là niềm tin Công giáo, một bên là ý thức hệ vô thần. Một trong những cảnh đó, dường như ông thị trưởng muốn thỏa hiệp với tôn giáo, đó là cảnh ông kín đáo đưa đứa con mới sinh đến nhà thờ xin vị linh mục rửa tội. Nhưng đến khi đặt tên thánh cho con, ông lại đưa ra một cái tên là Sta-lin.

Cũng như ông thị trưởng trên đây, ngày nay có nhiều người Công giáo đưa con mới sinh đến nhà thờ xin linh mục cử hành bí tích Rửa tội mà không hiểu ý nghĩa tôn giáo cũng như các cam kết mà bí tích này đòi hỏi. Nói khác đi, người ta trở thành Kitô hữu mà không sống cho đến cùng niềm tin tôn giáo của mình. Ông thị trưởng trên đây, cũng có thể nhìn vào bí tích Rửa tội như nhiều người Kitô giáo, họ xem nghi thức này như một thứ ma thuật, bùa chú, có hiệu năng bảo vệ con người khỏi nghịch cảnh và bất hạnh trong cuộc sống. Nhiều người khác cũng có thể nhìn vào bí tích này như một thứ mê tín dị đoan cần phải loại bỏ. Hoặc là có những người Công giáo coi bí tích này đơn thuần chỉ là để rửa tội tổ tông… Vậy đâu là ý nghĩa đích thực của bí tích Rửa tội ?

Chúng ta hãy trở lại dòng sông Gio-đan bên Pa-lét-tin, nơi Chúa Giêsu đã đến dìm mình trong nước. Tại đây, Gioan Tẩy Giả đã lôi kéo được đông đảo dân chúng đến nghe giảng và tỏ dấu sám hối bằng cách dìm mình trong nước. Chúa Giêsu cũng chen lẫn trong đám đông ấy để xin Gioan thanh tẩy cho Ngài. Nhưng là một người không vương một tội lỗi nào, Chúa Giêsu đến dìm mình trong nước không phai để thể hiện sự sám hối, Ngài muốn nói lên một ý nghĩa khác, đó là loan báo cái chết và sự phục sinh của Ngài : dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.

Đây chính là ý nghĩa của bí tích Rửa tội. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được cha mẹ sinh ra, và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức Rửa tội, chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu, một đàng để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, một đàng khác, quan trọng hơn là chúng ta được sinh lại làm con cái của Thiên Chúa và gia nhập vào Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội coi bí tích Rửa tội là một cuộc tái sinh, người được Rửa tội trở thành một con người mới. Họ biết được đâu là ơn gọi và định mệnh của con người và đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép Rửa tội. Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu. Hai năm sau, cụ hấp hối, có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi, cụ dõng dạc trả lời : “Tôi mới hai tuổi, 80 năm trước khi rửa tội là những năm chết. Tôi mới bắt  đầu sống thật khi tôi chịu phép Rửa tội”. Thật là chí lý. Chúng ta thấy có một số người, không mừng sinh nhật ngày họ sinh ra vào đời, nhưng mừng ngày họ được chịu phép Rửa tội. Thiết nghĩ điều này rất hay, rất đúng, vì đây mới là ngày trọng đại, cao quý, như Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nam nữ có mặt ở Rô-ma nhân ngày kỷ niệm ngài chịu phép Rửa tội : “Ngày cha chịu phép Rửa tội là ngày cao quý nhất của đời cha. Cũng như  ngày chúng con chịu phép Rửa tội là ngày cao quý nhất của đời chúng con”.

Thật vậy, nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con Thiên Chúa, không phải chỉ có tiếng, có tên, nhưng thực sự là thế. Chúng ta là con Thiên Chúa và Thien Chúa là cha của chúng ta, một người cha yêu thương chúng ta vô cùng. Ngài luôn nghĩ đến chúng ta, cả khi chúng ta không nghĩ tới Ngài. Ngài luôn ở bên chúng ta trong mọi cảnh huống của cuộc đời, mặc dầu mắt phàm chúng ta không nhìn thấy Ngài. Chúng ta có thể hình dung qua câu chuyện sau đây. Báo chí đã tường thuật lại rằng : vào một đêm kia, một đám cháy bùng lên tại một ngôi nhà, trong khi những ngọn lửa phừng phừng bốc lên, người ta thấy người cha, người mẹ và mấy đứa con hấp tấp chạy ra, rồi đứng buồn rầu nhìn ngôi nhà mình bốc cháy. Bất chợt họ nhận ra thiếu mất đứa bé nhất, một đứa bé trai năm tuổi. Bởi vì lúc chạy ra, thấy khói lửa nghi ngút, nó hoảng sợ lùi lại, rồi leo lên tầng trên. Mọi người nhìn nhau, làm sao đây ? Không thể nào liều lĩnh chạy vào trong nhà bây giờ chỉ còn là một lò lửa. Làm sao cứu đứa bé được ? Thì kìa, đứa bé đứng ở lan can, khóc lóc nhìn xuong kêu cứu. Người cha nhìn lên quát to : “Nhảy xuống đây”. Đứa bé chỉ thấy khói lửa mịt mù, không nhìn thấy cha nó, nhưng nó nghe ra tiếng cha nó, nó liền đáp : “Ba ơi, con không thấy ba đâu cả”. Người cha quát to hơn : “Ba thấy con, con ơi, nhảy xuống đi”. Và đứa bé đã nhảy xuống bình an vô sự rơi vào vòng tay ba nó, vì ông đã kịp đỡ lấy nó.

Đứa bé đứng trong ngôi nhà bốc cháy ấy lại không phải là hình ảnh diễn tả người Kitô hữu đứng trước mặt Thiên Chúa sao ? Trong cơn khốn quẫn, người ấy nghe ra tiếng Thiên Chúa bảo mình : “Hãy tin tưởng vào Ta, hãy nhảy vào vòng tay của Ta”. Và người Kitô hữu ấy rất nhiều phen đã muốn trả lời : “Chúa ơi, con chẳng thấy Chúa đâu cả” và đã tưởng rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình. Không, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài bảo chúng ta : “Cha thấy con, con ơi, nhảy đi”. Chúng ta hãy nhảy vào vòng tay Chúa, nghĩa là chúng ta hãy hết lòng tin tưởng vào Chúa, Ngài đang mở rộng vòng tay đón chúng ta.

Chúng ta biết : khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán : “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu, người con yêu quý của Ngài. Người cha trần gian nào cũng thế thôi, đều vui sướng khi người con của ông khởi sự một chức vụ quan trọng, người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới… niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy càng vâng phục và tôn kính cha mình. Chúa Giêsu là một người con như thế, nên Chúa Cha hài lòng về Người. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta là con Thiên Chúa, dĩ nhiên rồi, nhưng lúc này đây, nhận định về chúng ta, Chúa Cha sẽ nói thế nào ? Chúa có hài lòng về chúng ta không hay Chúa phải buồn rầu, đau lòng và than phiền ?

Tóm lại, ơn cao quý nhất chúng ta lãnh nhận được khi chịu phép Rửa tội là ơn được làm con Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải luôn cố gắng sống xứng đáng là những người con mà Chúa Cha hài lòng về chúng ta.

LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op  

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …