Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng LỄ CHÚA HIỂN LINH, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng LỄ CHÚA HIỂN LINH, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra

SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH

(Mt 2,1-12)

3-kingsLễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. “Epiphaino” có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được.
 
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người nhìn thấy ; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến và thờ lạy. Đây là sự thật nhãn tiền được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính. 

Chúa là Ánh Sáng

Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, ánh sáng được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là Ánh Sáng Thật, là “sự lóe rạng mặt trời đức nghĩa” (Ml 3, 20); “Mặt Trời mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) toả sáng trên trần gian.

Ánh sáng của Chúa Kitô chiếu toả đến ba nhà Ðạo Sĩ, hoa quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11). Trong khí đó, “cả nhà vua cùng các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân” (Mt 2,3) còn nằm trong bóng đêm, nơi mà tin tức về Ðấng Thiên Sai sinh ra, được thông báo một cách nghịch lý cho họ biết qua các vị Ðạo Sĩ, và khơi dậy không phải niềm vui mừng, nhưng là sự lo sợ và những phản ứng thù nghịch (x. Mt 2,3). Ý định của Thiên Chúa quả thật là nhiệm mầu: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc họ làm là điều xấu” (Ga 3,19).

Thánh Gioan viết : “Thiên Chúa là sự sáng, tối tăm không hề có nơi Người” (1Ga 1,5). Và ngài thêm: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Hai lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng: Ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh là Tình Yêu Thiên Chúa, được mạc khải nơi chính Đức Giêsu Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người.

Ðược Thiên Chúa linh ứng, cụ Simêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu và thốt lên “là Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32). Ánh sáng chiếu soi mọi dân tộc, ánh sáng của lễ Hiển Linh phát xuất từ vinh quang của Israel dân Chúa, vinh quang của Ðấng Thiên Sai, mà theo Kinh Thánh, đã giáng sinh tại Bêlem, “thành của Vua Ðavít”. Các Ðạo Sĩ thờ lạy một Hài Nhi đơn sơ nằm trong đôi tay Mẹ Maria, bởi vì các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ này nguồn mạch của hai ánh sáng đã hướng dẫn các ngài: ánh sáng của ngôi sao và ánh sáng của Kinh Thánh. Các ngài tin nhận nơi Con Trẻ vị Vua của người Giuđêa, vinh quang của dân Israel, và cũng là Vua của tất cả mọi dân nước.

Ánh sáng chiếu tỏa trên địa cầu

Vào Lễ Nửa Đêm, Giáo Hội đã hô vang : “Con Một Chúa là nguồn ánh sáng thật đến soi chiếu trần gian làm cho đêm cựu thánh này bừng lên rực rỡ” (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Đêm). Vào lúc rạng đông Giáo Hội lại cất lên lời nguyện như muốn khẳng định với thế giới rằng Chúa là Ánh Sáng : “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ánh sáng mới của Ngôi Lời nhập thể đã tràn ngập chúng con, và chiếu giãi niềm tin vào tận tâm hồn. Giờ đây, xin Chúa cũng làm cho ánh sáng ấy rực lên trong mọi sinh hoạt của chúng con” (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Rạng Đông).

Quả thật, cách đây 2020 năm, Ánh Sáng Vĩnh Cửu có tên = là Đức Giêsu đã đến trần gian. Người là Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Người mang thân phận con người như mỗi chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người là Mặt Trời Công Chính xuất hiện để báo hiệu đêm đã tàn và ngày mới đến. Đêm đông lãnh lẽo Người sinh ra đời như ánh sáng bừng lên giữa đêm đen, đẩy lùi bóng tối và soi sáng cho nhân loại đang bước đi trong bóng đêm đen, bóng đêm tội lỗi. Trước khi Người sinh ra, Isaia đã thấy trước : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). “Hôm nay, muôn dân đã được thấy ánh sáng. Hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Thánh ca).

Giáo hội là ánh sáng

Trong khung cảnh phụng vụ của lễ Hiển Linh cũng được biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi làm chiếu sáng trong thế giới ánh sáng của Chúa Kitô, vừa phản chiếu ánh sáng đó nơi chính mình, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời.

Giáo hội với sứ mạng phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Người đã chiếu tỏa vinh quang cho dân ngoại. Giáo hội cũng mời gọi chúng ta dõi theo ánh sao cùng ba nhà đạo sĩ đến chiêm ngắm và đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởng và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta. Người kitô hữu sẽ phải thực hiện điều này là : “chiếu toả ánh sáng của chúng con trước mọi người, ngõ hầu nhờ thấy những việc tốt chúng con làm mà họ tôn vinh Cha chúng con trên trời” (Mt 5,16). Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

JOHN THE BAPTIST1

Suy niệm Tin Mừng ngày 03/01/2025, của Lm Minh Anh

HIỂU BIẾT THẦN HỌC “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. “Dòng suối …