Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Hiển Linh của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Hiển Linh của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CN LỄ HIỂN LINH

Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6 ; Mt 2,1-12

 

LÀ ÁNH SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 2,1-12

(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem (2) và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu? (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: (6) “Phần ngươi hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa. Vì ngươi là nơi Vị Lãnh Tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin qúi ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho Trẫm, để Trẫm cũng đến bái lạy Người”. (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại xuất hiện dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

2. Ý CHÍNH: NHƠ ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG, DÂN NGOẠI ĐÃ TÌM THẤY CHÚA.

Khi Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem, có mấy đạo sĩ từ phương Đông đã theo ngôi sao lạ đi tìm Đấng Cứu Thế. Nhờ ánh sao dẫn đường và sau khi vượt qua nhiều trở ngại, cuối cùng các ông đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế. Các ông đã biểu lộ đức tin bằng thái độ sụp lạy và tiến dâng lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Sau đó, các ông vâng lời thiên thần để theo con đường khác trở về quê hương.

3. CHÚ THÍCH:

– C 1-2: +Vua Hê-rô-đê: Đây là Hê-rô-đê Đại Vương, một con người đa nghi, độc ác và tham quyền cố vị, băng hà vào năm 4 sau Công Nguyên (x. Mt 2,15). Phân biệt với Hê-rô-đê An-ti-pa hay Hê-rô-đê Con, kế vị vua cha cai trị xứ Ga-li-lê. Hê-rô-đê Con cũng độc ác không kém vua cha. Chính ông đã ra lệnh chém đầu Gio-an Tẩy Giả và có lần đã xét xử Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn của Người. +Mấy nhà chiêm tinh: Cũng gọi là đạo sĩ, đến từ phương Đông (x. Ds 23-24). Đây là những nhà thông thái, am tường khoa chiêm tinh. Dựa vào 3 lễ vật họ dâng mà người ta quả quyết có 3 vị. Truyền thuyết dân gian còn kể tên 3 vị ấy: Melchior da trắng ; Gaspar da vàng ; Balthaza da đen để nói lên rằng: Ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc, màu da hay tiếng nói, không chỉ riêng cho dân Do Thái.

C 5-6: +Họ trả lời: “Tại Bê-lem.”..: Có một sự đối nghịch về thái độ đối với Đấng Cứu Thế giữa dân Do Thái và lương dân: Các thượng tế và kinh sư là những người dựa vào Kinh Thánh biết rõ nơi sinh của Hài Nhi Cứu Thế là Bê-lem, nhưng lại thờ ơ. Đang khi dân ngoại vất vả đi tìm Người. +Thành Bê-lem: Là một thị trấn nhỏ thuộc miền núi xứ Giu-đê, cách Giê-ru-sa-lem 10 cây số về phía Nam. Bê-lem này là quê hương của vua Đa-vít (x. 1 Sm 16,1 tt).

C 7-8: +Hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện: Vì Hê-rô-đê muốn biết đích xác tuổi của Hài Nhi Cứu Thế và đã ra lệnh cho quân lính giết các trẻ nam tại Bê-lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống.

C 9-10: +Ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại xuất hiện dẫn đường cho họ: Đây là một ngôi sao có những đặc tính khác thường như: Lúc ẩn lúc hiện, lúc đi trước dẫn đường và lúc thì dừng lại… do Thiên Chúa ban, để trợ giúp các nhà chiêm tinh đi tìm Hài Nhi Cứu Thế.

C 11-12: +Họ vào nhà: Chắc chắn sau đêm Chúa giáng sinh, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a không tiếp tục cư ngụ tại cánh đồng Bê-lem vì thiếu các tiện nghi tối thiểu mà đã vào thị trấn Bê-lem thuê một căn nhà ở tạm.+ Sấp mình bái lạy Người: Các đạo sĩ biểu lộ đức tin Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. + Lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến: Các nhà chiêm tinh dâng lên Hài Nhi ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, là đặc sản của quê hương các ông. Vàng tượng trưng đức tin, nhũ hương tượng trưng đức cậy và mộc dược tượng trưng đức mến. Theo các giáo phụ thì Vàng ám chỉ tước vị Vua, nhũ hương chỉ tước vị Tư Tế, mộc dược ám chỉ cuộc tử nạn và mai táng bằng dầu thơm sau này. + Đi lối khác về xứ mình: Hê-rô-đê không thể chống lại quyền năng, tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Những ai chống lại Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ thất bại và chuốc lấy hậu quả tai hại cho mình mà thôi.

4. CÂU HỎI: 1- Phân biệt Hê-rô-đê Đại Vương khác với vua Hê-ro-đê An-ti-pa thế nào trong sự đối xử với Đức Giê-su và về sự gian ác quỷ quyệt? 2- Các nhà chiêm tin trong Tin Mừng có phải là vua không? Vì sao người ta gọi là 3 vua và theo truyền thuyết thì tên ba vị là gì và mang ý nghĩa như thế nào? 3- Các thượng tế và kinh sư Do thái dựa vào đâu mà nói nơi sinh của Đấng Cứu Thế là Bê-lem? So sanh giữa thái độ của các nhà thông thái của dân Do thái và của các đạo sĩ ngoại giáo trước việc Đấng Cứu Thế ra đời như thế nào? 4- Hê-rô-đê hỏi về ngày giờ ngôi sao lạ xuất hiện để làm gì? 5- Các đạo sĩ biều lộ đức tin thế nào khi gặp Hài Nhi Cứu Thế? 6- Ý nghĩa tượng trưng của ba lễ vật các đạo sĩ dâng là gì? Các giáo phụ giải thích ba lễ vật như thế nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,1-2).

2. CÂU CHUYỆN: GIÁ TRỊ ÁNH SÁNG YẾU ỚT CỦA MỘT CÂY NẾN NHỎ:

Vào một đêm mưa bão, ngọn đèn hải đăng đột nhiên bị mất điện tắt ngúm. Người phụ trách vội vã đốt một cây nến nhỏ và đi theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt cây đèn lồng lên. Bấy giờ cây nến mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng: “Ông đem tôi đi đâu vậy?” Ông ta trả lời: “Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để ngươi chiếu ánh sáng giúp cho tàu bè từ ngoài khơi biết con đường cập bến an toàn”. Cây nến lại nói: “Nhưng tôi chỉ là một cây nến bé nhỏ thế này, mà tàu bè lại ở tít ngoài khơi kia, thì hoa tiêu làm sao nhìn thấy ánh sáng yếu ớt của tôi được?”. Người phụ trách trả lời: “Lúc này ta chỉ cần ngọn nến nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta định liệu!”. Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa vào cây đèn lồng. Sau một giây lát, ánh sáng từ cây đèn lồng đã rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể sử dụng thay cho đèn pha điện. Ánh sáng của đèn lồng có sức chiếu xa đến tận ngoài khơi, để nhờ nó tàu bè dễ định hướng quay về cập bến an toàn.

3. SUY NIỆM:

Lễ Hiển Linh hôm nay cũng được gọi là lễ Ba Vua, kết thúc mùa Giáng Sinh. Đây là một đại lễ được Giáo hội Công giáo Đông phương và các Giáo hội Chính thống mừng rất long trọng, vì hôm nay là lễ Thiên Chúa vô cùng lớn lao tỏ mình ra cho muôn dân qua một hài nhi bé nhỏ yếu đuối nghèo khó là Chúa Giê-su. Tin mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện: có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Ðông quan sát bầu trời đã thấy một ngôi sao lạ xuất hiện. Ngôi sao này là dấu chỉ cho biết Ðấng Thiên Sai của dân Do thái đã ra đời. Đi theo ánh sao dẫn đường, và sau nhiều gian nan vất vã, cuối cùng các ngài đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế Giê-su tại Be-lem. Các ngài đã sụp lạy Hài Nhi và tiến dâng ba lễ vật quý giá mang theo từ quê hương là vàng, nhũ hương và mộc dược. Rồi vâng lời sứ thần mộng báo “Đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2,12).

1) Hành trình đức tin đi tìm kiếm Chúa xưa và nay:

Các đạo sĩ cũng được gọi là ba vua, xưa đã đi tìm kiếm Đấng Cứu Thế, cũng chính là hình ảnh của nhân loại ngày nay thao thức đi tìm kiếm Chúa. Các vị đạo sĩ mới chỉ biết Chúa cách mơ hồ nhờ sự nghiên cứu các sự thay đổi tinh tú trên bầu trời rồi đối chiếu với Sách Thánh của dân Do thái, các ngài đã nhận biết Đấng Cứu Thế đã ra đời, và đã khăn gói lên đường đi tìm kiếm Chúa.

Đói với chúng ta hôm nay: Mục đích cuối cùng của cuộc đời mỗi người chúng ta là nhận biết tin thờ biết ơn Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất muôn vật, và tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su Ki-tô, để nhận được ơn giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập là Hội Thánh hôm nay, hầu sau này sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Nước Trời vĩnh hằng, như lời Chúa Giê-su đã cầu nguyên với Thiên Chúa: “Sự sống đời đời đó  họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất  chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

2. Ánh sao dẫn đường đến với Chúa xưa và nay:

  – “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Nhân loại chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt thể xác, nhưng chỉ có thể thấy Ngài bằng con mắt đức tin. Tuy nhiên sự hiểu biết Chúa bằng đức tin không hoàn toàn sáng tỏ và cần tiếp tục được đào sâu bằng các phương thế Chúa ban như: Các buổi học sống Lời Chúa trong cộng đoàn, các buổi tĩnh huấn và các giò học hỏi giáo lý thánh kinh, các thánh lễ hằng ngày hằng tuần, các công tác bác ái thăm viếng chia sẻ phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh là hiện thân của Chúa Giê-su…

   – Tuy đức tin của chúng ta thật bé nhỏ, giống như ánh sáng yếu ớt của một cây nến nhỏ giữa biển đời bao la giông tố, nhưng Chúa chỉ cần chúng ta làm hết khả năng của mình, rồi phó thác thành quả tương lai cho Thiên Chúa quan phòng định liệu. Chúng ta cần ý thức rằng: Trong mọi việc, đặc biệt những việc có liên quan đến đức tin như: giới thiệu về Chúa cho anh em lương dân, giúp một tội nhân đang lạc xa Chúa quay trở về với Chúa… đều vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần thực hành theo lời khuyên này: “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn cứ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối!”.

3. Cần làm gì để chu toàn sứ mệnh truyền giáo hôm nay ?:

    – Trước hết phải tránh thái độ gian ác của vua Hê-rô-đê: Vua Hê-rô-đê đã tim Chúa để giết hại Người, do ông ta sợ Đấng Cứu Thế đến sẽ giành mất ngai vàng. Ông đã bảo vệ địa vị quyền hành bằng mọi giá, kể cả giết tất cả các trẻ em vô tội tại Be-lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống. Thái độ thù nghich với Chúa đã biến Hê-rô-đê thành một kẻ tàn ác gian manh quỷ quyệt: bề ngoài ông giả bộ thiện chí muốn thăm viếng để bái lạy Hài Nhi Cứu Thế, nhưng thâm tâm lại âm mưu tìm cách giết hại Người. Chúng ta cần noi gương các đạo sĩ quyết tâm đi tìm Chúa đê tôn thờ và dâng lên Người lễ vật quý giá nhất là lòng thành, kể cả mạng sống của mình.

– Phải noi gương bền chí của các vị đạo sĩ: Các ngài đã luôn thao thức đi tìm Chúa, kiên trì vượt qua các trở ngại dọc đường. Khi đến thủ đô Giê-ru-sa-lem thì ngôi sao lạ biến mất. Các ngài đã không chán nản bỏ cuộc quay về, nhưng đã đi dò hỏi tin tức của Hài Nhi Cứu Thế ngay  trong đền vua Hê-rô-đê, và tiếp tục theo ánh sao dẫn đường để tới Bê-lem. Khi gặp được Hài nhi Cứu Thế, các ngài đã sấp mình thờ lạy rồi cung kính dâng lên Người những lễ vật quý giá mang từ quê hương là vàng, nhũ hương và mộc dược. Rồi nghe theo lời báo mộng, các ngài đã theo con đường mới trở về quê hương mình.

– Phải chiếu sáng đức tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến: Ngày nay chúng ta cần biết quan tâm tìm hiểu “các dấu chỉ của thời đại”, để từ đó góp phần làm cho Nước Chúa mau trị đến bằng việc cải tạo môi trường mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. Dưới ánh sáng Lời Chúa và nhờ ơn Chúa ban qua việc năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa, năng dự thánh lễ và rước lễ sốt sằng, chúng ta hy vọng sẽ chiếu ánh sáng tin yêu bằng lời nói và lối ứng xử vị tha, luôn hy sinh quên mình và yêu thương phục vụ tha nhân, dẫn đường cho tha nhân nhận biết Chúa như Chúa Giê-su đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16), và lời thánh Phao-lô: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,14-15).

4. THẢO LUẬN: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu thành Phi-líp-phê như sau: “Giữa một thế hệ gian tà, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.”.. (Pl 2,14-15). Trong Mùa Giáng Sinh này, mỗi tín hữu chúng ta cũng trở thành một ngôi sao lạ dẫn đường. Vậy chúng ta cần phải tỏa sáng bằng những việc cụ thể nào để giúp lương dân nhận biết tôn thờ và yêu mến Chúa?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời chúng con nhiều khi cũng gặp phải hoàn cảnh bế tắc giống như các nhà chiêm tinh xưa đã gặp khi ngôi sao đang dẫn đường đột nhiên biến mất: Chúng con không biết phải giải quyết cách nào cho ổn, không rõ phải đi theo đường nào như ý Chúa muốn? Trong những giờ phút thử thách ấy, xin cho chúng con biết noi gương các đạo sĩ xưa là không nản chí sờn lòng, nhưng luôn kiên trì tìm ý Chúa qua các vị chủ chăn trong Hội Thánh. Chúng con tin rằng: Chúa sẽ mau soi sáng, giúp chúng con nhận biết phải làm gì theo thánh ý Chúa và đón nhận được ơn cứu độ của Chúa ban cho.

– LẠY CHÚA. Xin cho chúng con ý thức trách nhiệm phải luôn chiếu ánh sáng đức tin bằng các việc bác ái yêu thương thể hiện qua thái độ quên mình phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người bần cùng đau khổ, như lời thánh Phao-lô dạy: “Anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Hoặc như lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …