Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Hiển Dung, năm A, của P.Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Hiển Dung, năm A, của P.Trần Đình Phan Tiến

DUNG NHAN NGƯỜI CHÓI LỌI NHƯ MẶT TRỜI

(Mt 17,  1-9)

h2_resizeThưa quý vị, thưa các bạn, như chúng ta biết “Nước Trời” là một hành trình “tiệm tiến”, vì Nước Trời không phải là “đích điểm”, mà là chính Thiên Chúa mới là đích điểm cho nhân loại. Nhưng, sự bất xứng từ phía nhân loại, vì vậy, phải nhờ qua Đấng Cứu Chuộc, tức Đấng Cứu Thế, Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu – Kitô.

Vì thế, nhân loại muốn đến được với Thiên Chúa là “đích điểm” của sự  viên mãn, thì mặc nhiên, nhân loại phải đi qua “CON ĐƯỜNG GIÊSU”, theo đó, các Dụ Ngôn trong Tin Mừng các tuần lễ qua đều đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.

Vâng, Dụ Ngôn VIÊN NGỌC QUÝ chính là Chúa Giêsu, cùng đích và cùng điểm của sự viên mãn của con người nhân loại.

Hôm nay, sau khi trình thuật Dụ Ngôn để dẫn giải, Chúa Giêsu đã biểu lộ vinh quang Thiên Tính của Người từ khi Người hạ mình Giáng Sinh đến nay. Vinh quang “BIẾN HÌNH” của Người là để biểu lộ sự chân thật mầu nhiệm Thiên Chúa làm Người của Đức Giêsu – Kitô. Người là Thiên Chúa thật và là Người thật.

Bối cảnh Tin Mừng hôm nay thật quan trọng: Có 06 chi tiết đáng ghi nhớ.

  • Một là: Sáu ngày sau, Người dẫn ba môn đệ lên ngọn núi cao.
  • Hai là: Người tự biến đổi DUNG NHAN trước mặt các ông.
  • Ba là: Có hai nhân vật Cựu Ứơc là Ông Mose và Elia.
  • Bốn là: Tông đồ Phêrô nói trong kinh ngạc.
  • Năm là: Có tiếng phán từ Trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe Lời Người!”
  • Sáu là: Chúa Giêsu cấm các ông tiết lộ điều thị kiến, cho đến khi Người từ cõi chết sống lại.

Ý Nghĩa Tin Mừng:

Chúng ta thấy một chi tiết quan trọng nhất trong các chi tiết nêu trên là: TRÌNH TỰ CỦA MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC. Vâng, điều ấy được nêu ở câu 9. Tại sao vậy, thưa quý vị? Bởi vì mục đích cứu độ chưa được thực thi, vì phải “Qua Thập giá, mới đến vinh quang”, điều ấy có nghĩa là: Mầu nhiệm Thập giá chưa xảy ra.

Vậy, Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang Thiên Tính trên ngọn núi cao (Tabore) hôm nay là để “Tiên báo” ơn Cứu Độ và Phục Sinh. Nói cách khác, mầu nhiệm Biến Hình trên núi Tabore là mầu nhiệm tiên trưng cho mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

Rồi nữa, nếu muốn gặp gỡ Thiên Chúa, thì phải lên “núi” , tức là “chỗ cao” nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhân thế muốn gắp gỡ Thiên Chúa, thì họ phải từ bỏ mình, sự từ bỏ bao hàm ý nghĩa ” lên núi”. Động từ lên núi cho chúng ta sự từ bỏ, từ bỏ địa vị, chức quyền, danh vọng, từ bỏ đam mê dục vọng, từ bỏ ích kỷ, nham hiểm, nói chung tất cả các thánh là những người “lên núi“ cao để được gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên, giáo lý dạy rằng: ”Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, ngay cả trong tâm hồn ta, vì Thiên Chúa làm chủ không gian và thời gian. Thiên Chúa không dừng lại, cũng không tiến lên. Nhưng, nơi mà dễ gặp gỡ thiên Chúa, đó là “NÚI“, chứ không phải đồng bằng, hay chợ búa.

Thiên Chúa là tình yêu, thì cũng ví như tình yêu là ngọn núi cao, nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Như vậy, mầu nhiệm Biến Hình trên núi hôm nay của Chúa Giêsu cho chúng ta sự gặp gỡ giữa Cựu Ứớc và Tân Ứơc, giữa Thiên Chúa và con người, giữa linh thiêng và phàm thế, giữa nhân tính và Thiên Tính.

Chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, thì khi đàm đạo giữa Người và hai vị ngôn sứ Cựu Ứớc là Moise và Elia, thì cũng ba người. Như vậy, con số ba trong mầu nhiệm Cứu Chuộc thật ý nghĩa lớn lao. Vì khi, trên Núi Sọ, đồi Can vê, Chúa Giêsu chịu treo lên cùng hai người tử tội. Điều ấy cho thấy giây phút cuối cùng , Chúa Giêsu vẫn tha được cho người “hối cải”, theo đó, nhân thế có muốn được lãnh nhận ơn cứu độ hay không là tùy họ. Vì, có một tử tội, giờ chót vẫn không chịu ăn năn. Trong hàng mộn đệ cũng vậy, có Giuđa, người thiếu lòng tin vào sự tha thứ của Người Thầy Chí Thánh.

Mầu nhiệm Biến Hình cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu sẽ Tử Nạn như thế nào trong mồ đá. Khởi đi từ bài đọc I hôm nay (Đn 7, 9-10. 13 -14), cho thấy sự thị kiến huyền nhiệm siêu nhiên như thế nào về Đấng Kitô. Điều nầy cho thấy mầu nhiệm Thiên Tính từ Con Người.

Bài đọc II (2Pr 1, 16 -19) hôm nay, cho chúng ta thấy một đoạn “CHỨNG NHÂN“ tuyệt vời, chính con người đã mục kích sở thị, chứng kiến điều huyền nhiệm trên. Một nhân chứng hoàn toàn tai nghe, mắt thấy về Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa. Thánh Phêrô là một trong ba người tông đồ đã được diễm phúc chứng kiến mầu nhiệm Biến Hình trên núi Tabore của Chúa Giêsu, vì vậy, thánh nhân được củng cố lòng tin vững chắc, dù ngài đã vấp ngã ba lần.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng mầu nhiệm Biến Hình trên núi để củng cố, và biểu lộ vinh quang Thần Tính của Người cho các môn đệ và cho chúng con. Xin thương ban ơn tha thứ và bình an cho những ai trung tín tôn thờ, bước theo Chúa mọi ngày trong cuộc đời, hầu mai này được chiêm ngưỡng vinh quang Thần Tính của Chúa trên Thiên Quốc, cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần muôn đời ./. Amen.

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …